KỶ NIỆM NHỚ ĐỜI.
HỒI KÝ Ý NHẠC II ( 1948 -1999). BÀI 1.
NHẬP CHỦNG VIỆN DINH THÙY NK N1948 – 1949.
Chúng ta đã theo dõi Hồi Ký Ý Nhạc I với đề tài MỘT CƠN GIÓ THOẢNG, hồi ký nầy viết cho con cháu của anh, do đó anh tự xưng là Ba và các con. Sau khi anh qua đời vào năm 2009, tôi, Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng cảm thấy hụt hẩng vì không tìm được bản thảo phần 2, tiếp tục câu chuyện đời rất hấp dẫn của anh. Rất may anh em Cựu Chủng Sinh Làng Sông Qui Nhơn báo cho biết đã cho đăng phần II trên Nội San Liên Lạc Cựu Chủng Sinh Làng Sông (CSLSQN) vào các năm 1997, 1998 và các năm sau đó. Anh Inhaxiô Nguyễn Ngọc Tước đã chịu khó sao chép và chuyển về Việt Nam cho tôi. (Tiện đây, xin chân thành cám ơn anh cùng quan thầy thánh Inhaxiô như anh Ý Nhạc – Ynhaxiô- Khánh Thọ). Trong phần nầy vì cố ý viết cho bạn bè nên anh dùng Đại danh từ Tôi. Lần nầy tôi thấy anh ghi rõ đề tài “KỶ NIỆM NHỚ ĐỜI” tiếp tục câu chuyện đời mình với các sự kiện, nhân vật mà anh gặp gở với các chi tiết và sự chính xác khác thường. Ước mong các bạn anh còn sống hoặc là con cháu họ sẽ tìm gặp lại những kỷ niệm thân thương của những người thân mến. Kính mời !
LM ANTÔN NGUYỄN TRƯỜNG THĂNG.
HAI NĂM THỬ THÁCH TẠI TCV NHA TRANG
(1948 – 1950)
ANH Ý NHẠC KHÁNH THỌ THỜI SỐNG Ở DINH THỦY. PHAN RANG.
RẤT TIẾC LÀ ẢNH ĐEN TRẮNG..KHÔNG GHI ĐƯỢC CẶP MẮT HỔ PHÁCH CỦA ANH .
Thầy Phất và tôi theo Đức Cha về Đà Nẵng, còn Đắc ở nhà đợi, khi có tin sẽ ra sau để cùng với tôi đi nhờ tàu Hải quân Pháp vào Nha Trang.
Tại Đà Nẵng, thầy Phất và tôi tạm ở nhà cha sở ( Cố Alexandre Trí). Riêng tôi, cố bảo chờ có chuyến công-voa sẽ gởi cho đi nhờ về quê An Ngãi, nhưng chờ mấy ngày không thấy tin tức gì nên tôi đánh liều xin phép Ngài rồi mạo hiểm “cuốc bộ” lần nữa…
Thầy Phất ở Đà Nẵng đã xin nhập dòng Biển Đức Thiên An, sau chịu chức với tên Dòng: Cha Placide ( đã qua đời). Khi được tin sắp có tàu Hải quân Pháp vào Nha Trang, tôi xuống Đá Nẵng đợi Đắc ở Trà Kiệu ra để cùng đi, nhưng anh ta ra trễ khi tàu đã rời bến. Chỉ còn tôi đi chung với Vương Xuân Hiền (bạn cùng lớp, trước đây còn kẹt lại ở quê An Tân, Hoàng Phước, mới trốn ra Đà Nẵng) cùng hai tân chủng sinh Nguyễn Tấn Khóa (hiện là chính xứ Tam Kỳ) và Nguyễn Thanh Kỷ ( quê Phú Thượng).
THÁNH ĐƯỜNG DINH THỦY TỨC GIÁO XỨ TẤN TÀI NGÀY NAY.
NGUỒN INTERNET.
Từ Nha Trang, chúng tơi đáp xe lửa vào Tháp Chàm (Phan Rang), rồi xuống Họ đạo Dinh Thủy nhập Tiểu Chủng Viện. Tại đây chỉ có từ lớp 2 trở xuống…Hai lớp 2 và 3 học chung, Hiền vào lớp 2, còn Khóa và Kỷ vào lớp Tám ( lớp với Đức Cha Nho, hiện là Giám mục Phụ tá Nha Trang). Phần tôi, không có lớp, nên tạm thời học chung với hai lớp Nhì và Ba. Không ngờ, một tháng sau, được cha Bề Trên Joseph Clause (Cố Hồng) đề nghị với Đức Cha cho tôi được miễn học tiếp và lên chức thầy, vừa làm giám thị vừa dạy lớp Tám.
Tưởng cũng nên nhắc lại: trước năm 1945, Địa phận Quy Nhơn gồm 6 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà và Ninh Thuận, do Đức Giám Mục Marcel Piquet (Đức Cha Lợi) cai quản.
Vào tháng 8 năm 1945, Nhật đầu hàng Đồng minh, chấm dứt Thế chiến thứ II. Quân đội Pháp theo chân Quân đội Anh tái chiếm Sài Gòn (đã mất vào tay Nhật từ ngày 4-3-1945) rồi tấn công ra hướng bắc tới tận đèo Cả (ranh giới hai tỉnh Khánh Hoà và Phú Yên). Đến khoảng đầu năm 1947, sau khi chiếm Đà Nẵng, quân Pháp lại tấn công vào hướng Nam tới Trà Kiệu (một họ đạo lớn thuộc quận Duy Xuyên, Quảng Nam). Do đó, Địa phận Quy Nhơn bị cắt ở đoạn giữa gồm nửa tỉnh Quảng Nam (từ Trà Kiệu vào), Quảng Ngãi, Bình Định, và Phú Yên (tới chân bên này đèo Cả), thuộc Liên khu 5 mà Việt Minh gọi là vùng tự do. Vùng này, kể từ tháng 8/1945 đến năm 1955 thuộc quyền nhiếp chính của Linh mục Đặng Quyền Huy, Bề Trên Địa phận. Còn vùng do quân đội Pháp chiếm đóng gồm 2 tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận (phía Nam) và nửa tỉnh Quảng Nam (phía bắc từ Trà Kiệu ra đến chân đèo Hải Vân, ranh giới giữa hai tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên) vẫn thuộc quyền cai quản của Đức Cha Piquet.
Để đào tạo thêm Linh mục, Đức Cha đã mượn tạm cơ sở của họ đạo Dinh Thuỷ (thuộc xã Tấn Tài A, thị xã Phan Rang) làm Tiểu Chủng viện, và trong niên khoá 1946 – 1947 đã gọi các Chủng sinh cũ thuộc hai tỉnh Khánh Hoà và Ninh Thuận, từng học tại Tiểu Chủng Viện Làng Sông (Quy Nhơn) trước ngày 9/3/1945 (gồm các lớp 4, 5, 6 và 7); đồng thời, tuyển một số Chủng sinh mới vào lớp 8. Hai ngôi trường tiểu học của họ đạo đã biến thành lớp học, kho chứa lúa thành nhà ngủ, và hai dẫy nhà phụ khác làm chỗ ở cho các Cha giáo sư, nhà bếp và phòng ăn cho các chú… Bề Trên Tiểu Chủng viện là Cha Joseph Clause (cố Hồng), trước tháng 3 năm 1945 là Bề Trên Tiểu Chủng viện Làng Sông. Các Cha giáo gồm các Cố Sĩ (D’Orgeville) kiêm Quản lý, Cố Ân (…), Cố Mão (Mollard) kiêm Giám thị…
LM JOSEPH VICTOR CLAUSE HỒNG MEP (1901-1971)
HÌNH NẦY RÂU HƠI NGẮN, CÓ LẺ ĐÃ MỔ BƯỚU CỔ.
Vì số chủng sinh 4 lớp lớn quá ít nên hai lớp dồn lại một (lớp 4 học chung với lớp 5, và lớp 6 học chung với lớp 7), nhưng thi và xếp hạng đều riêng cho mỗi lớp. Niên khoá 1947 – 1948, trường không tuyển chủng sinh mới. Đến niên khoá 1948 – 1949, khi 4 anh em chúng tôi (như đã nói ở trước) từ Đà Nẵng vào nhập học thì lúc bấy giờ TCV Phan Rang đã có từ lớp 2 đến lớp 6 và thêm lớp 8 mới (lớp của Đức Cha Nguyễn Văn Nho, hiện là Giám mục Phó Nha Trang). Tôi đã học hết lớp 2 tại TCV Làng Sông mà ở đây không có lớp 1 nên phải học chung với hai lớp 2 và 3. Anh Vương Xuân Hiền, tuy bạn cùng lớp với tôi nhưng bị trễ 1 năm, nên vào lớp 2, còn hai tân chủng sinh Nguyễn Tấn Khoá (hiện là Cha sở Tam Kỳ, Đà Nẵng) và Nguyễn Thanh Kỳ vào lớp 8.
Qua một tháng thăm dò khả năng, thành thật mà nói Pháp văn, tôi không bằng các anh lớp 2 (vì 2 năm họ theo chương trình Pháp, còn ở Làng Sông tôi theo chương trình Việt). Về La-tinh thì bên tám lạng bên nửa cân. Trái lại, về môn Việt văn, tôi hơn hẳn. Không hiểu Cha Bề Trên nghĩ sau mà khi Đức Giám Mục vào thăm Chủng viện, ngài đã đề nghị cho tôi được miễn học lớp 1 và đưa lên chức Giám thị kiêm Phụ giáo (moniteur) môn Toán cho lớp 8 và môn Việt văn cho cả hai lớp 6 và 8.
Quyết định của Đức Cha được Cha Bề Trên thông báo cho tôi vào một buổi chiều trước khi vào lớp. Tôi về phòng ngủ sắp xếp lại chỗ nằm riêng được ngăn cách bởi một hàng tủ gỗ đựng quần áo của các Chủng sinh, có đặt thêm một chiếc bàn viết để làm việc. Thế là từ một “chú” lớp 1, trong một sớm một chiều nghiễm nhiên thành ông “Thầy Xu” (gọi tắt tiếng ‘surveillant’) và sáng hôm sau bắt tay ngay vào nhiệm vụ mới…
Bước đầu thật ngại ngùng vì mới hôm qua còn là “bạn”, nhất là đối với các anh lớp 2 và 3, mà hôm nay phải đảm nhận trọng trách đảm nhận trọng trách hướng dẫn họ trong việc chấp hành kỷ luật, đồng thời theo dõi giám sát từng người để mỗi cuối tháng có thể cho điểm Hạnh kiểm và Đạo đức được chính xác. Tuy nhiên, nhìn về quá khứ những năm mình còn là chủng sinh, qua nhiều trào giám thị, mình đã từng chỉ trích, có khi chống đối họ ra sao… để rút kinh nghiệm. Nhờ đó, ngay từ những ngày đầu, thái độ cũng như tư cách đối xử của tôi đã thu phục được cảm tình của tất cả anh em lớn, nhỏ. Không mặc cảm tự ti, vị nể anh em để tỏ ra quá dễ dãi, buông trôi… cũng không sống cách biệt, cố làm ra vẻ nghiêm chỉnh, hách dịch, mà luôn hòa đồng trong tình huynh đệ. Vì bổn phận, nếu cần thiết lắm phải nhắc nhở anh em lưu ý về một vài sai phạm nào, tôi luôn giữ cung cách hòa nhã, giọng nói nhỏ nhẹ nhưng cương quyết, không tỏ ra ủy mị, năn nỉ họ giữ kỷ luật để mình khỏi bị khiển trách.
Ngoài bổn phận, trong những giờ ra chơi hoặc đi dạo tôi đều tham gia những môn thể thao với anh em như bóng chuyền, bóng rổ, nhất là bóng đá… và môn nào tôi cũng là “cầu thủ” không tệ. Tôi còn nhớ đội bóng Tiểu Chủng viện đã từng thắng hai đội thanh niên họ đạo Hộ Diêm và Rừng Lá (Phước Thiện) vào dịp đi dạo ngày theo thông lệ vào sáng thứ Hai sau lễ Phục Sinh vào năm 1949 và 1950.
Tết Kỷ Sửu (1949), các chủng sinh được về quê nghỉ 3 tuần lễ. Riêng các anh Hiền, Khoá, Kỷ và tôi vì đường sá xa xôi đành phải ở lại trường. Trong 3 ngày đầu Xuân, sau khi mừng tuổi Cha Bề Trên cùng các Cha giáo, anh em chúng tôi đi chúc Tết các Nữ tu Dòng địa phương hai soeurs Dòng Mến Thánh Giá dạy trường Tiểu học Dinh Thủy và một số gia đình quen biết trong họ đạo. Tới đâu, chúng tôi cũng được tiếp đãi nồng hậu, thân tình… Nhờ đó, cũng quên đi nỗi buồn ly hương.
( CÒN TIẾP )
Ý Nhạc Nguyễn Khánh Thọ Reseda, Los Angeles, California tháng 3, 1999.
HỘI AN, NGÀY 7 THÁNG 10 NĂM 2011
LM ANTÔN NGUYỄN TRƯỜNG THĂNG
“BÌNH LOẠN”
Đoạn hồi ký nầy ghi lại nhiều địa danh và nhân vật nếu viết hết cũng được một cuốn sách. Ai muốn thêm thông tin, hãy tìm về các địa chỉ Internet ghi sau hoặc trên google.
Về Giáo xứ DINH THỦY , sông DINH, Phan Rang, Ninh Thuận.
http://gpnt.net/diendan/showthread.php?t=7947
Về Cố Joseph Clause Hồng thân yêu:
http://www.saobiennhatrang.com/phpbb3/viewtopic.php?f=6&t=1171
Lm Biển Đức Nguyễn Tấn Khóa” một lòng vì đạo, vì nước, vì dân”… không thấy tuyên bố câu gì lạc đạo, chống phá Giáo hội Bề Trên, nhưng lại bị kết án rất nặng nề trên “trang mạng”. Đời sống chưa thấy ” gương mù gương xấu” gì nổi cộm. Xin hãy bình tâm suy xét. Không nên ” yêu ai…ghét ai, ghét cả tông ty họ hàng”. Không có Lm Tấn Khóa, hạt Tam Kỳ, giáo phận Đà Nẵng sau 1975 ra sao?
Anh Nguyễn Thanh Kỷ sau nầy cũng không được ” mấy ai ưa” vì hay ” thấy chuyện bất bình không tha”. Trong đạo, các cha quản xứ Phú Thượng xưa kia “hay bị” anh “ta ru” nầy hạch hỏi… Quân đội Mỹ thời chiến tranh cũng bị kiện…nên dù sau 1975, được “học tập tốt” nhưng Hoa Kỳ không nhận HO. Tiếp tục lại ” học tập tập 2″ vì ” sờ d. ngựa”. Sơ sơ 7 năm nữa! Nay, đã lớn tuổi, vẫn tiếp tục “giơ tay” nêu ý kiến. Mong Chúa yêu là được…chứ ” Diêm vương” nghe anh ” xuống” chắc cũng sợ ” bị kiện”… hihi…xem qua xin ” đì lít” ( delete)!
Trả lời