PHI HÙNG, HỌA SĨ CÔNG GIÁO PHAOLÔ.
ĐỒI THÔNG HAI MỘ.
Sau những ngày Đại lễ Giáng Sinh 2010, chưa kịp nghỉ ngơi, lấy lại sức thì công việc lại ập đến : phải ra Huế giúp các Đại chủng sinh môn Lịch sử Truyền Giáo tại Việt Nam. Vất vả thêm chút ít nhưng lại là dịp tốt để tìm hiểu thêm về một số nhân vật trong đó có họa sĩ Phi Hùng.
Huế mùa nầy vừa mưa vừa lạnh, không thể ra khỏi nhà, nên phải bắt đầu tìm hiểu “ tại gia ” thôi.
Những câu trã lời đầu tiên làm tôi hụt hẩng.
– Cha ( thầy, ông, bà…) có biết họa sĩ Phi Hùng gốc ở xứ nào ? Nhà ở đâu? Bà con còn ai không?
– Dàà, không biệ..iết?
Rất ngọt ngào mà sao lòng thấy tái tê.
Không ngã lòng, tôi tiếp tục cuộc “ điều tra”. Cuối cùng một vị linh mục lớn tuổi mang lại một tia hy vọng. Cha cho biết trước đây nhà họa sĩ ở khu vực X nhưng không nhớ rõ lắm. Sẽ số gắng.
Ước mong dưới đống tro tàn vẫn còn chút than lửa ấm âm ỉ đang chờ một cơn gió để bùng sáng lên.
Kết quả thật quá bất ngờ. Linh mục báo tin vui đã tìm được nhà và người con út của họa sĩ. Mừng hơn nữa là chị rất vui lòng để giúp đở chia sẻ những thông tin cần thiết.
Đúng là gió…Phi Phong, cô út nay đã là bà ngoại!
….
Khu vườn và ngôi nhà rộng lớn ngày xưa, nay được thu nhỏ lại do bao biến động của thời thế và lòng người.
…
Những kỷ niệm tưởng đã chìm dưới lớp bụi thời gian bổng chốc ùa về và mặc dầu mới gặp nhau nhưng những thông tin về cố họa sĩ Phi Hùng sáng rở với “ người thật việc thật”.
Trên bàn thờ gia đình là hình ông bà nội do họa sĩ vẽ. Ông , một vị quan gốc Nam Định, họ Nguyễn Khắc… làm việc tại Quảng Trị và Huế… cũng là họa sĩ. Bà, một Công tằng Tôn nữ … Và các con Phi Hổ, Phi Long, Phi Hùng, Phi Phụng ( Maria Mộng Hoa) đều là họa sĩ , hoặc nhiếp ảnh gia kiêm họa sĩ.
( Xin dành phần tiểu sử các vị cho gia tộc.)
Đúng là một gia đình có “ gen hội họa”.
Treo trên tường là những bức tranh sơn dầu tuy có xuống màu vì năm tháng nhưng nét cọ, màu sắc và bố cục … “ rất Phi Hùng” .
…..
Và kìa chân dung của họa sĩ với vầng trán rộng, khuôn mặt tròn, đẹp trai, thân thiện qua nụ cười rất hiền…và dưới đôi mắt kính là cặp mắt mộng mơ, “ lãng mạn”.
Chân dung nầy cho thấy họa sĩ đang ở độ tuổi trung niên..nhưng được cô em tài sắc Maria Mộng Hoa thực hiện , có lẽ bằng chất liệu pastel ( phấn màu) , năm 1979, kính tặng anh mình.
( Câu chuyện Mộng Hoa cũng rất ly kỳ dấp dẫn…nhưng chưa dám công bố … Một sự lạ trong đạo và một huyền thoại của đất Thần Kinh. ).
…
Rồi một ngày Chúa nhật rất lạnh , 16 tháng 01 năm 2011, mưa bay bay, người con út đã đưa tôi đến những địa điểm, gặp những nhân vật có liên hệ đến họa sĩ. Quả là may mắn, nơi nào cũng đầy ắp thông tin về đại gia đình nội ngoại của họa sĩ.
…
Tôi đề nghị :
“ Mình đi viếng mộ họa sĩ đi!”
“ Trời mưa, khu vực khó đi lại, thôi để dịp khác!”
Nhưng dịp nào nữa và hình như họa sĩ đang chìu lòng chúng tôi vì đường có ướt át nhưng trời tạnh ráo.
Qua khỏi đàn Nam Giao, chúng tôi trực chỉ Đan Viện Thiên An nhưng không vào đường dẫn lên tu viện mà tiếp tục theo con đường dẫn về các lăng…Đường đang được nới rộng, đầy bùn đỏ nhưng cũng dễ đi.
….
Chúng tôi men theo một lối nhỏ để vào rừng thông. Đất đai vùng nầy đang lên giá. Vì nằm trên tuyến đường du lịch , mấy năm trước cảnh quan còn hoang vắng, nay nhà cửa đã san sát.
Rừng thông Thiên An, một địa danh nổi tiếng xứ Huế là công sức của bao thế hệ tu sĩ dòng Biển Đức. Các tu sĩ có một truyền thống từ bao thế kỷ, đến đâu là cố gắng trồng thông quanh nhà dòng . Đầu thế kỷ 20, đây là vùng đất trống đồi trọc nhưng nay đã là rừng với hàng trăm hecta thông như lá phổi xanh lọc bụi cho thành phố Huế.
Nhớ những ngày viếng thành Jerusalem năm 1997, đoàn chúng tôi ngụ tại nhà Abraham ( Maison d’Abraham) nằm trên một ngọn đồi phía Đông Nam Thành phố, nhìn về phía Tây Bắc, chúng tôi chiêm ngưởng toàn bộ Cổ thành Jerusalem, phía bên kia thung lũng Cedron. Chung quanh cây cối thưa thớt nhưng tại đây có cả một rừng thông già cổi. Ai trồng? Khu vực nầy trước đây là nhà dòng của các tu sĩ Dòng Biển Đức vào cuối thế kỷ 19. Khi lập quốc, dân Israel nghe đâu đã dùng hạt giống thông nầy tái tạo lại các khu rừng trên cả nước vì hạt giống đã được trui luyện trên mảnh đất đá khô cằn nầy qua nhiều năm tháng. Nhà dòng và các tu sĩ không còn sống tại đây, nhưng rừng thông các ngài vẫn còn đó. Mong ước rừng thông Thiên An sẽ được bảo dưỡng để tiếp tục tỏa hương thơm trên thành phố Huế thơ mộng nầy.
… Chị “ Gió” hướng dẫn tôi đi vào một vùng bụi cây rậm rạp với những cây thông vươn thẳng. Chị có lầm chỗ không? Chỉ có màu xanh lá, ngoài ra không thấy dấu vết mộ bia nào. Chị cẩn thận tìm một que củi, vừa dò đường vừa đề phòng rắn rết. Cẩn thận với một cái hố ở chỗ nầy! Chắc chị không lầm nhưng lại bảo bây giờ sao khác quá, làm tôi không yên tâm. Cuối cùng, hai ngôi mộ màu xanh da trời đậm hiện ra giữa tàng cây. Cảnh nầy làm tôi nhớ rừng thông Đà Lạt, nơi tôi đã từng sống 8 năm và liên tưởng đến “ Đồi thông hai mộ” đồi Than Thở ngày xưa.
…..
Chị chuẩn bị lễ vật, hương trầm được đốt lên, chị lâm râm khấn vái. Quang cảnh trên làm tôi cảm động nhất là những làn khói hương vấn vít giữa cảnh cô tịch rừng thông ngày mưa, không một tiếng chim hót, không một cành cây lay động. Chị đắm chìm trong lời tâm sự với bố mẹ.
Sau khi chị hoàn tất lễ nghi gia đình, đến phiên tôi cầu nguyện theo truyền thống Giáo hội công giáo, tưởng niệm những người quá cố.
… Trời mưa nhiều hơn, tôi nghĩ là phải về thôi nhưng cô út nhắc tôi để tàn hương đã. Tôi quả thật ngu ngơ không biết về phong tục người Việt! Quá hợp lý!
…
Trên đồi thông Thiên An có khá nhiều ngôi mộ, nhưng tôi sẽ nhớ mãi chuyến viếng hai ngôi mộ nầy. Hai con người suốt đời chung thủy và gần nhau mãi mãi nơi thế giới bên kia.
Chàng, Họa sĩ Phaolô Nguyễn Phi Hùng sinh 11 tháng 01 năm 1907,
tại Phước Quả. Hương Thủy. Thừa Thiên- Huế.
Tạ thế ngày 27 tháng 4 năm 1987 ( 30 .3. Đinh Mão)
An táng tại Thiên An.
Nàng, cô giáo Nguyễn thị Ngọc Quỳnh, người mẫu và người vợ yêu quý của chàng, sinh ngày 01 tháng 01 năm 1913, tại Vạn Xuân. Phú Mộng. Huế.
Tạ thế ngày 15 tháng 3 năm 2000 ( 14. 2. Nhâm Thìn).
An táng tại Thiên An.
Huế, 19 tháng 01 năm 2011. Những ngày mưa và lạnh. Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng.
Trả lời