PAUL CLAUDEL VÀ THI PHẨM:
LA VIERGE A MIDI .
ĐỨC TRINH NỮ LÚC CHÍNH NGỌ.
Trong số các bài thơ hay nhất thế giới ca tụng Mẹ Maria phải kể đến bài thơ La Vierge a midi của thi sĩ Paul Claudel nước Pháp. Midi có thể dịch ra tiếng Việt nhiều cách tùy theo phương ngữ : giữa trưa, chính ngọ, đứng trưa, đúng ngọ, trưa đứng bóng…Đức Trinh nữ vào chính ngọ là một bài thơ ca tụng Mẹ Maria hay nhất của thi sĩ Paul Claudel. Tại sao đúng ngọ.
Bức danh họa ANGELUS của họa sĩ JEAN FRANCOIS MILLET ( 1814-1875) hoàn thành Mùa hè 1857. Đôi vợ chồng quê đang thu hoạch khoai tây dừng lại cùng nhau đọc kinh Truyền Tin. Chỉ vài nét cọ nhẹ chấm phá ngọn tháp giáo đường cao vút mờ xa mà tai ta như nghe tiếng chuông”nhật một” ngân vang rộn rả trên khung vải.
Đây là giờ theo truyền thống công giáo có “ chuông nhật một” :Truyền Tin ( Angelus). Giây phút mọi người công giáo mộ đạo dừng tất cả công việc để suy ngắm về Mầu nhiệm nhập thể ( Incarnation) và nhập thế của Thiên Chúa Ngôi Hai qua Trinh nữ Maria, nguồn hy vọng của thế giới.
CAMILLE CLAUDEL VÀ VÀI TÁC PHẨM ĐIÊU KHẮC.
Gia đình Claudel có hai người con làm rạng danh nước Pháp đó là người chị Camille Claudel, một điêu khắc gia có hạng nhưng cuối đời lại kết thúc trong một nhà thương điên.
Trong wikipedia chúng ta có những thông tin sau đây :
“ Paul Claudel sinh ở Villeneuve-sur-Fère trong gia đình một công chức tỉnh lẻ. Cha mẹ ông, Louis-Prosper và Louise Cerveaux, còn có một người con nổi tiếng khác là nhà điêu khắc Camille Claudel, chị gái của Paul Claudel. Hồi nhỏ học ở Lycée Bar-le-Duc, tỉnh Champagne, sau gia đình chuyển lên Paris học ở Lycée Louis-le-Grand. Từ năm 1893 làm ở Bộ Ngoại giao Pháp. Từng làm lãnh sự và đại sứ ở nhiều nước châu Âu, châu Á, châu Mỹ. Paul Claudel được tặng thưởng huân chương Đại thập tự, năm 1946 được bầu làm thành viên của Viện Hàn lâm Pháp.
Paul Claudel được coi là nhà thơ cuối cùng của phái ấn tượng, là nhà thơ có khuynh hướng hoài cổ và tôn giáo. Theo lời của chính Paul Claudel thì cuốn sách gối giường của ông là Kinh Thánh và tất cả sáng tác của ông làm thành một cuốn Kinh Thánh mới. Paul Claudel không quan tâm đề tài về “những người nào” mà “họ phải trở thành những người nào”. Với vai trò của một nhà thuyết giáo, ông làm thơ theo thể tự do (chịu ảnh hưởng của Walt Whitman) và những bài văn xuôi theo phong cách Kinh Thánh mà, theo lời ông, thể hiện nhịp điệu tự nhiên của trái tim và hơi thở con người. Những tác phẩm thơ nổi tiếng nhất của ông có thể kể đến Cinq grands odes (Năm bài ode lớn, 1910), La cantate а trois voix (Bản đại hợp xướng dành cho ba giọng, 1931). Ngoài ra, rất nhiều vở kịch của ông được dựng thành những bộ phim nổi tiếng. Ông mất ở Paris năm 1955”.
Dĩ nhiên tác giả văn bản trên không có thông tin gì về sự trở lại bất ngờ vào một ngày lễ Giáng Sinh của Paul Claudel. Trước đó, thi sĩ đã hoàn toàn đánh mất đức tin công giáo và lạc lỏng trong một vùng trời vô định, chán nản như một kẻ vô thần. Có lẻ vì tò mò ông đã đến Nhà Thờ Đức Bà Paris vào buổi Kinh chiều lễ Giáng Sinh 25 tháng 12 năm 1886. Ông ghi lại cảm xúc đột ngột khi ca đoàn trẻ em và các chủng sinh xướng bài Magnificat ( Linh hồn tôi ngợi khen Chúa.) Xin tạm dịch.
“ Tôi đang đứng giữa đám đông, gần hàng cột thứ hai lối vào ca đoàn bên phải gần phòng thánh. Và lúc đó bổng nhiên xảy ra một biến cố sẽ chế ngự suốt đời tôi. Trong giây lát, trái tim tôi xúc động và tôi tin, với một sức mạnh tín thác, bằng một sự nâng bổng toàn thân, một sự xác tín không còn dành chỗ cho bất cứ loại nghi ngờ nào nữa, rồi từ đó, tất cả các loại sách vở, tất cả mọi sự biện luận, tất cả những vô thường của đời sống xao động, không còn làm lay chuyển đức tin tôi, nói thẳng ra, kể cả không thể chạm đến được nó. Tức tốc tôi có cảm xúc xé lòng về sự ngây thơ ( innocence), tuổi thơ vĩnh hằng của Thiên Chúa, một sự mặc khải không thể xóa nhòa…”
( J’étais moi-même debout dans la foule, près du second pilier à l’entrée du chœur à droite du côté de la sacristie . Et c’est alors que se produisit l’événement qui domine toute ma vie. En un instant mon cœur fut touché et je crus . Je crus, d’une telle force d’adhésion, d’un tel soulèvement de tout mon être, d’une conviction si puissante, d’une telle certitude ne laissant place à aucune espèce de doute, que, depuis, tous les livres, tous les raisonnements, tous les hasards d’une vie agitée, n’ont pu ébranler ma foi, ni, à vrai dire, la toucher. J’avais eu tout à coup le sentiment déchirant de l’innocence, l’éternelle enfance de Dieu, une révélation ineffable. (…)(1913)
NHÀ THỜ NOTRE DAME , PARIS VÀ TƯỢNG THÁNH MẸ MARIA.
Trong một bài viết về linh mục thi sĩ Xuân Ly Băng, ông Võ Long Tê có nhận xét về thi sĩ Paul Claudel như sau :
“Nhan đề Thơ Kinh rút gọn thành một công thức quan niệm mà Paul Claudel (1868-1955) đã minh giải trong một bức thư gửi linh mục Henri Bremond (1865-1933)tác giả thiên khảo luận về thơ thuần tuý Paul Claudel nhận định rằng: “ Thơ giao hội với kinh nguyện bởi vì thơ giải cho sự vật thoát ra tinh thể thuần tuý là tinh thể của tạo vật do Chúa dựng nên và của chứng từ dâng lên Thiên chúa” (RÉFLEXIONS SUR LA POÉSIE, suy tư về thơ,tr 98). Paul Claudel chủ trương rằng “Đối tượng của không phải như người ta thường nói là những mơ mộng, những ảo giác hay những ý tưởng. Đối tượng của thơ là thực tại thiêng thánh, được ban tặng một lần thôi, vị trí của chúng ta là sống giữa thực tại ấy. Đó là vũ trụ các sự vật vô hình. tất cả những thứ ấy nhìn chúng ta và được chúng ta nhìn. Tất cả những thứ ấy là công trình của Thiên Chúa” (sđd, tr 145). Paul Claudel còn nói: “ Mục đích của thơ không phải, như Baudelaire nói là “nhảy xuống tận đáy cõi vô hình tìm cái mới” nhưng là nhảy xuống tận đáy cõi được xác định để tìm cái vô tận (Sđd, tr 146). “Cõi được xác định ấy, chính là “thực tại thiêng thánh”, chính là “công trình của Thiên Chúa”
Ông còn liên kết ơn gọi của nhà thơ với thi sĩ Hàn Mạc Tử : …” với quan niệm thơ của Hàn Mặc Tử , được tóm tắt trong bài Quan niệm Thơ như sau: ” Thi sĩ không phải là một người thường. Với một sứ mệnh của Trời, thi sĩ phải biết đem tài năng ca ngợi Đấng Chí Tôn và làm cho người đời thấy vẻ đẹp của thơ, để đua nhau nhìn nhận và tận hưởng “ (CHƠI GIỮA MÙA TRĂNG)
Từ ngày tìm lại HỒNG ÂN ĐỨC TIN, Paul Claudel chìm ngập trong suối nguồn ân sủng và nguồn thơ tuôn trào trên các trang sách, các kịch bản và các bài thơ tuyệt bút ảnh hưởng cả một thế hệ. Riêng bài Đức trinh nữ vào chính ngọ tại Việt Nam đã gợi nhiều hứng khởi cho các nhạc sĩ và các thi sĩ khi ca tụng Mẹ Maria. “ Con đến đây không xin gì không dâng gì” bàng bạc trong bao bài hát , bài giảng, bài thơ.
Bài thơ La Vierge à midi được viết vào những năm đầu Thế chiến thứ nhật ( 1914-1915) từ di cảo “ Poemes de Guerre “
La Vierge à midi Claudel
Il est midi. Je vois l’église ouverte. Il faut entrer.
Mère de Jésus-Christ, je ne viens pas prier.
Je n’ai rien à offrir et rien à demander.
Je viens seulement, Mère, pour vous regarder.
Vous regarder, pleurer de bonheur, savoir cela
Que je suis votre fils et que vous êtes là
Rien que pour un moment pendant que tout s’arrête.
Midi !
Être avec vous, Marie, en ce lieu où vous êtes.
Ne rien dire, regarder votre visage,
Laisser le cœur chanter dans son propre langage.
Ne rien dire, mais seulement chanter parce qu’on a le cœur trop plein,
Comme le merle qui suit son idée en ces espèces de couplets soudains.
Parce que vous êtes belle, parce que vous êtes immaculée,
La femme dans la Grâce enfin restituée,
La créature dans son honneur premier et dans son épanouissement final,
Telle qu’elle est sortie de Dieu au matin de sa splendeur originale.
Intacte ineffablement parce que vous êtes la Mère de Jésus-Christ,
Qui est la vérité entre vos bras, et la seule espérance et le seul fruit.
Parce que vous êtes la femme, l’Eden de l’ancienne tendresse oubliée,
Dont le regard trouve le cœur tout à coup et fait jaillir les larmes accumulées.
Parce qu’il est midi, parce que nous sommes en ce jour d’aujourd’hui,
Parce que vous êtes là pour toujours,
Simplement parce que vous êtes Marie,
Simplement parce que vous existez,
Mère de Jésus-Christ, soyez remerciée !
Tạm dịch nghĩa:
Đúng ngọ. Thấy nhà thờ mở cửa. Phải vào thôi.
Mẹ Chúa Giêsu Kitô ơi, con đến đây chẳng để cầu nguyện.
Con chẳng có gì để dâng hiến và cũng chẳng có gì để van xin.
Mẹ ơi, con chỉ đến đây để nhìn ngắm Mẹ.
Nên biết rằng, nhìn ngắm Mẹ để khóc vì hạnh phúc.
Rằng con là con của Mẹ và Mẹ vẫn ở đó.
Chỉ trong khoảnh khắc thôi khi mọi sự như ngừng lại.
Đúng ngọ!
Maria, được ở với Mẹ, chính nơi Mẹ ở.
Không nói gì cả, nhìn ngắm dung nhan
Để con tim bằng ngôn ngữ riêng ca hát
Không nói gì mà chỉ hát ca vì trái tim con đây quá tràn đầy.
Như con sáo bằng những tiếng hót ngắt quảng bất ngờ theo dòng suy nghĩ
Vì Mẹ diễm lệ, vì Mẹ tinh tuyền.
Người phụ nữ trong nguồn hồng ân được phục hồi.
Tạo vật trong hạnh phúc mở đầu và trong triển nở cuối cùng.
Tựa ngày nàng bước ra từ Thiên Chúa vào buổi sáng lộng lẫy khơi nguồn.
Vô cùng nguyên tuyền bởi vì Mẹ là Mẹ Chúa Giê su Ki tô.
Là chân lý trong vòng tay Mẹ, và là nguồn hy vọng độc nhất và là trái cây duy nhất.
Bởi vì Mẹ là phụ nữ, Vườn Địa đàng dịu dàng xưa cũ bị lảng quên.
Vì mắt nhìn chợt tìm thấy con tim và đã khiến vọt lên giòng châu lệ tràn ứ.
Vì đây là đúng ngọ, vì chúng con đang ở giữa ngày hôm nay.
Vì Mẹ vẫn mãi mãi ở nơi đó.
Giản đơn thôi vì Mẹ là Maria.
Giản đơn thôi vì Mẹ luôn hiện diện.
Mẹ Chúa Giêsu Kitô ơi, cám ơn Mẹ.
Mới lượt dịch bài thơ bằng văn xuôi đã là khó. Không hiểu khi chuyển sang thơ tiếng Việt sẽ khó đến dường nào.
Linh mục thi sĩ Xuân Ly Băng đã cố gắng phiên dịch ra thơ nhưng đoạn cưối cùng chỉ dịch thoát theo tâm tình Việt Nam.
Trời đúng ngọ, cửa giáo đường rộng mở.
Lạy Mẹ Chúa Kitô, con phải vào.
Con vào đây không phải để kêu cầu.
Con chẳng có lễ phẩm chi dâng Mẹ,
Chẳng vòi vĩnh chi, chẳng đòi ân huệ
Con vào đây chiêm ngưỡng Mẹ mà thôi,
Chiêm ngưỡng Mẹ lệ hạnh phúc tuôn rơi,
Tâm trí đinh ninh tâm tình hiếu tử:
Con là con Mẹ, ở đây Mẹ ngự.
Khi yêu chẳng vụ nhiều lời
Chỉ nhìn ngắm Mẹ thế thôi cũng vừa
Mẹ tường lòng mến say sưa
Mẹ hay lời nói chẳng vừa lòng yêu
Mẹ ôi, trong ánh trời chiều
Đến đây với Mẹ yêu kiều lòng con
Chẳng dâng gì, chẳng van lơn
Chỉ nhìn ngắm Mẹ tâm hồn sướng vui
(TÌNH TRONG THINH LẶNG câu 1-8 trong tập HƯƠNG KINH, tr 33)
Sau đây là một bản dịch khác do chị Xuân Lan, lúc đó, trước năm 1975, là một thiếu nữ tại Tập viện dòng thánh Phaolô thành Chartres Đà Nẵng . Nay chị đã là một tu sĩ đạo mạo. Tôi xin phép chị để phổ biến bản dịch nầy.
Còn bao bản dịch khác, tôi không được biết, ước mong quý độc giả nếu có thông tin nào xin chia xẻ .
Buổi trưa bên Mẹ
Giáo đường mở cửa con vào
Lạy Mẹ Thánh Chúa con nào đọc kinh
Không dâng hiến, chẳng cầu xin
Con vào chỉ để ngắm nhìn Mẹ thôi.
Nhìn Mẹ, cảm xúc bồi hồi
Con là con Mẹ – Mẹ ngồi với con
Giây phút này sẽ không còn…
Buổi trưa…
Trông Mẹ, con biết thở than điều gì
Tim con ca khúc mê ly
Lòng con tràn ứ… biết nói gì Mẹ ơi
Như con sáo nhỏ chơi vơi
Mang trong tâm tưởng vạn lời tình ca
Mẹ đẹp trong sáng ngọc ngà
Diễm kiều khả ái bao là xinh tươi
Thụ nhân hạnh phúc tuyệt vời
Như hoa mới nở rạng ngời sáng mai
Đấng từ mẫu của Ngôi Hai
Tâm hồn bằng tuyết hình hài trinh trong
Và nơi tay Mẹ ẵm bồng
YÊSU: chân lý cậy trông huy hoàng
Đức Trinh Nữ Chúa đã ban
Cho đoàn con ở địa đàng lãng quên
Nhìn Mẹ lệ bỗng dâng lên
Buổi trưa hoang vắng con bên Mẹ hiền
Thật đơn giản vì Mẹ:
Chỉ là Maria
Hiện hữu hoài
Lạy Mẹ Thánh Chúa
Xin cầu cho chúng con.
PAUL CLAUDEL
Cá nhân tôi không đủ khả năng dịch sang thơ, nhưng tôi có cảm giác bài nầy ảnh hưởng đến nhiều thi sĩ công giáo Việt Nam . Tôi nghe như âm vang đâu đó qua thi phẩm Ave Maria của thi sĩ Hàn Mạc Tử “bởi chưng thơ đầy ứ”, “’rưng rưng hai hàng lệ”.
Còn các thi sĩ ngoài công giáo thì sao? Năm 1983, tôi có gặp thi sĩ Xuân Diệu vào một buổi trưa tháng năm, tháng Đức Mẹ trên Đồi Bửu Châu, Nhà thờ núi Trà Kiệu. Sau khi nói đủ thứ chuyện trên trời dưới dất và về thành đô Simhapura. Tôi thủ sẵn cuốn sổ tay và tha thiết xin một bút tích , một câu thơ nào đó mà thi sĩ yêu quý, tâm đắc.
Hai chúng tôi ngồi xuống bậc cấp, nhìn ra phía Cù lao Chàm xa xa. Tôi im lặng hồi hộp chờ đợi. Thấy thi sĩ viết hơi lâu, tôi càng mừng Chắc cũng là những câu xã giao nào đó như tôi thường nhận. Hồi lâu, thi sĩ quay sang hỏi:
– Nơi nầy là gọi là gì?
-Thưa, Đồi Bửu Châu!
Thi sĩ viết tiếp rồi gấp lại và trao cho tôi. Tôi không dám mở ra và chúng tôi cùng đi xuống ngọn đồi.
Khi về đến nhà, mở sổ ra, sửng sốt vì những dòng chữ đều đặn và nhất là nội dung của Bài thơ, trích bài thơ Việt Muôn đời.
Trưa hôm nay con ngồi như trẻ nhỏ
Giữa đáy trưa trong lòng Mẹ vô cùng.
Con là sáo, Mẹ là ngàn vạn gió;
Mẹ là trời, con là hạt sương rung.
Mãi một thời gian khá dài sau đó tôi mới đọc được thơ Việt muôn đời. Xuân Diệu viết bài nầy năm 1949, đất nước còn đang chiến đấu chống người Pháp. Thi sĩ ca tụng Mẹ Tổ quốc, nhưng sao vào giây phút đúng ngọ .. trên ngọn đối Bửu Châu dâng kính Mẹ Maria nầy, ông lại nhớ đến những câu thơ tuyệt diệu đó? Phải chăng ông đang nhớ về Bài thơ của Paul Claudel..Đức Trinh nữ vào đúng ngọ..Ông viết hoa các chữ Mẹ…và cũng có con sáo, nhưng đây là con sáo diều : Con là sáo, Mẹ là ngàn vạn gió.
“ĐÁY TRƯA” để dịch từ ” MIDI”, có lẻ không chữ nào chính xác và sống động hơn hình ảnh nầy của cố thi sĩ Xuân Diệu.
Tôi không dám quyết đoán đây là tâm tình thi sĩ kín đáo dâng kính Mẹ Maria, nhưng âm hưởng của La Vierge a midi của Paul Claudel hình như bàng bạc đâu đó.
Hội An ngày 25 tháng 9 năm 2010.
Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng.
Trả lời