GIÁO HỘI CHÚA KI-TÔ VÀ HỘI NHẬP VĂN HÓA
Hội nhập văn hóa là một đề tài “vô cùng bao la” kể từ Thánh Công đồng Vatican thứ hai.
“Hiến Chế Mục vụ Vui Mừng và Hy vọng” ( Gaudium et Spes) dành chương hai cổ võ phát triển văn hóa.
”Giữa sứ điệp cứu độ và văn hóa nhân loại có nhiều mối quan hệ….Chúa con nhập thể, Thiên Chúa đã nói theo văn hóa riêng của từng thời đại. ….Giáo hội đã xử dụng những nguồn tài nguyên các nên văn hóa khác biệt..Giáo hội có thể hòa mình với nhiều hình thức văn hóa khác nhau. Nhờ đó, chính Giáo hội cũng như các nền văn hóa ấy đều được phong phú. ( 58 )
Hợp tác các giá trị trong những hình thức văn hóa nhân loại… miễn là tôn trọng công ích và trật tự luân lý..tránh để văn hóa sai lạc mục đích…bị cưởng ép làm công cụ cho các thế lực chính trị hay kinh tế. ( 59)
Phải liên kết chặc chẻ với những người đương thời và để tâm tìm hiểu tường tận lối suy tư và cảm nghĩ đã được diễn tả qua những tinh hoa văn hóa riêng..(. 62.)
Từ sau Công đồng Giáo hội công giáo được dìu dắt bởi các vị Giáo hoàng xuất chúng. Qua giáo huấn, các ngài hô hào Hội nhập văn hóa
Trong Tông huấn Loan báo Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phaolô 6 viết :
“ Việc tách chia giữa Tin Mừng và văn hóa là một thảm trạng”.
Đức thánh cha Gioan Phao lô 2 quyết liệt hội nhập văn hóa. Là người con Ba Lan yêu quý đất nước mình, người cảm thấy việc hội nhập Tin mừng vào văn hóa, nhập thể vào văn hóa dân tộc là một vấn đề nghiêm túc.
Thông điệp về Giáo Lý trong Thế giới ngày nay ( Catechesi Tradendae, ngày 16.10.1979 lần đầu tiên từ ngữ Hội nhập văn hóa ( inculturation). được xử dụng trong Tông huấn. Ngài viết:
“Hội nhập văn hóa diễn tả rất đúng mầu nhiệm Nhập Thể.. Tin Mừng không thể tách lìa nền văn hóa đang hội nhập… Tuy nhiên cùng với khôn ngoan và thận trọng….( # 53)”Trong thông điệp: “ Sứ mạng Đấng Cứu thế” ( Redemptoris Missio” ngày 7.12.1990 nhắc lại :
“Tiến trình hội nhập Tin mừng vào văn hóa các dân tộc là một tiến trình dài. Không phải chỉ lo thích nghi một số điểm bề ngoài, mà phải có nghĩa biến thể sâu xa trong những giá trị văn hóa đích thực, qua việc hòa nhập vào Kitô Giáo, và hội nhập Ki tô giáo vào các nền văn hóa””
Trong Tông huấn “ Người Tín hữu giáo dân, 30-10- 1988, Đức thánh cha Gioan Phaolô 2 nhấn mạnh:
“Chỉ khi nào đi vào một nền văn hóa và qua một nền văn hóa, Đức tin Công giáo mới thực sự tham dự vào lịch sử và kiến tạo lịch sử. ( # 44)”
Tại diễn đàn UNESCO, cơ quan văn hóa Liên Hiệp Quốc, ngài xác nhận văn hóa cũng là sứ mệnh của Giáo hội : xây dựng hòa bình, văn hóa và tình yêu.
“ Tương lai nhân loại tùy thuộc nơi văn hóa! Hòa bình thế giới tùy thuộc tính tối thượng của Tinh Thần! Tương lai hòa bình của nhân loại tùy thuộc vào Tình yêu!”
Năm 1982 khi thành lập Hội Đồng Giáo hoàng về văn hóa ngài cũng nói với Đức Hồng Y Poupard thông qua kinh nghiệm đời mình:
“Nếu không có một chương trình Mục vụ về Văn hóa thì cũng chẳng có chăm sóc mục vụ gì cả “
Đức thánh cha Bênêđictô trong bài giảng Thánh lễ nhậm chức Giáo hoàng:
“Đối với một tín đồ Thiên Chúa Giáo, theo giáo lý của Hội Thánh dạy thì niềm tin vào Chúa Cứu Thế Giêsu Ky tô ( Dominus Jesus Christus) là Tối thượng, Duy nhất, bất di bất dịch. Dầu vậy, Hội Thánh vẫn khuyến khích người tín hữu tìm kiếm những gì là “THIỆN HẢO” trong các Tôn giáo, trong các nền Văn hóa, và Thiên nhiên , Khoa học. …Vậy tại sao, ta không ra công gắng sức, khám phá những tinh hoa, giá trị tiềm tàng trong các Tôn giáo, Triết lý, Khoa học của nhân loại, để củng cố và tăng cường Niềm tin chân chính của mình?”
Các Thượng Hội Đồng đều nhắc đến hội nhập văn hóa, đặc biệt Sứ điệp của Thượng Hội Đồng Châu Á 1998 nhấn mạnh Chúa Giêsu “ đến trần gian làm một người Á Châu”. Các ngài khẳng định :
“Chúng tôi đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc hội nhập văn hóa, ngõ hầu “ Giáo hội trở thành một dấu chỉ dễ hiểu hơn cho thực thể của mình và trở thành một dụng cụ hữu hiệu hơn để làm việc truyền giáo ( Sứ điệp Thượng Hội Đồng Á Châu , số 5)”
Tại Việt Nam, Hội Đồng Giám mục cũng quan tâm đến văn hóa dân tộc. Thư chung 1980 viết nói đến “ truyền thống dân tộc”. “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc”
“ Xây dựng trong Hội thánh một nếp sống và một lối diễn tả Đức Tin phù hợp với truyền thống Dân tộc ( Thư chung Hội Đồng Giám mục Việt Nam Thống nhất năm 1980, số 11)
Hoặc bản sắc dân tộc “xây dựng một nếp sống và một lối diễn tả Đức Tin có bản sắc Dân tộc hơn” ( Thư Mục vụ 1992, số 9)”
Sau nầy trong Thư chung 1998 từ văn hóa và hội nhập văn hóa mới rõ nét : Đối thoại tôn giáo hội nhập văn hóa :
“Công đồng Vatican II dạy rằng : trong các tôn giáo ngoài Kitô giáo có tiềm ẩn hạt giống Lời Chúa và ánh sáng chân lý. Vậy khi làm chứng tá cho Đức tin Kitô giáo, chúng ta hãy tôn trọng các giá trị tinh thần và đạo đức của các tôn giáo bạn. Các thành phần Dân Chúa hãy đi vào con đường đối thoại và hợp tác với các tôn giáo hầu góp phần xây dựng một xã hội công bằng hơn, huynh đệ hơn. Chúng tôi đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc Hội nhập Văn hóa, ngõ hầu Hội Thánh trở thành một dấu chỉ dể hiểu hơn cho sứ vụ của mình. ( Thượng HĐGM/CA số 5).”
Hội nhập văn hoá không phải là chạy theo “ mốt thời đại”, cũng không là hoài cổ, nhưng là tìm ra những điểm gặp gỡ giữa Tin mừng và hồn dân tộc, để xây dựng một nếp sống diễn tả Đức tin ngày càng phù hợp hơn với nền văn hóa Dân tộc ( Thư chung 1998 của Hội Đồng Giám mục Việt nam, 13).
Như vậy về vấn đề Hội nhập Văn hóa, huấn giáo của Giáo hội rất rõ ràng. Nhưng từ Nói đến Làm, từ tư tưởng đến thực hiện lại là một quá trình nhiêu khê. Phải nói, Giáo hội rất dè dặt vì sợ bệnh “ hoài cổ”, vì lo quá cấp tiến “chạy theo mốt thời đại” vì “ sai lạc mục đích…bị cưởng ép làm công cụ cho các thế lực chính trị hay kinh tế” khuyên “ phải khôn ngoan, thận trọng” .Do vậy phải có “ một tiến trình dài”. Lâu dài là bao lâu? Còn phải chờ đợi, chờ đợi đến bao giờ? Cuối cùng, hình như ai cũng sợ làm sai. Có lẻ, im lặng đừng nên làm gì, khỏi sai.
Là một linh mục được đào tạo theo tinh thần Vatican 2. Tôi hăm hở chờ đợi một vận hội mới cho Giáo hội Việt Nam trong tiến trình hội nhập văn hóa nhưng mãi đến nay , sau 38 năm linh mục, nhận thấy các thành quả còn khá khiêm tốn và con đường trước mắt còn dài thăm thẳm.
Trong cương vị một linh mục quản xứ Giáo xứ Hội An, nơi trong thế kỷ 17, các giáo sĩ Dòng Tên đến đất Việt đã cố gắng thích nghi văn hóa và đặt nền móng cho Giáo hội Việt Nam hôm nay, tôi không dám mơ ước những chương trình to tát mà chỉ xin trình làng một cố gắng thử nghiệm nhỏ bé trong phụng vụ. Ước mong các đấng các bậc, anh chị em giáo dân góp ý xây dựng và cũng mong đón nhận tin vui từ những sáng kiến mọi miền đất nước và hải ngoại.
Trên mạng Dũng Lạc ( dunglac.org ) tôi đã mạnh dạn đưa ra mô hình Lư hương công giáo : Trời đất giao hòa. Vài tuần trước đây, lư hương còn trong giai đoạn “ làm nguội”. Nay công việc đã hoàn tất, lư đã được làm phép trong ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức, ngày Quốc tế bệnh nhân 2010. Vào dịp Tết Canh Dần nầy, giáo dân cũng đã dâng lễ trong hương trầm ngào ngạt tuy giá không rẻ chút nào. Bốn mươi Mỹ Kim cho một vài lạng trầm thứ cấp. Trên bàn thờ, hai linh mục chánh, phó xứ trong lễ phục “ hội nhập văn hóa” thử nghiệm ( có xin phép Đức Giám mục Giáo phận, chỉ dùng trong ngày lễ Giáng Sinh và Tết cổ truyền). Không thấy giáo dân phản ánh “ tiêu cực” gì.
Phải nói là với giàn lễ sinh “ dân tộc”, ban “ dâng lễ” nam nữ trong y phục áo dài trang trọng đủ sắc màu sang trọng “ dân tộc”, các vị đồng tế “dân tộc”, hoa quả, nến, hương “ dân tộc” …tuy không dám “ mèo khen mèo” nhưng coi như “ ăn đứt” nhóm Tây hóa “ áo vét, cà vạt, quần tây, robe đầm” thường thấy.
Xin gửi đến vài hình ảnh để nhận xét trong tinh thần xây dựng. Có “đập”, cũng xin nương tay vì còn đang giai đoạn thử nghiệm. Xin ngàn lần cám ơn.
Hội An , Mồng hai Tết 15- 02 -2010.
Kính nhớ Tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng.
GHI CHÚ :
TỪ NĂM 2010 ĐẾN NAY 2013, KHÔNG THẤY AI PHẢN BÁC VỀ LƯ HƯƠNG NẦY, TRÁI LẠI CÓ NHIỀU NƠI CŨNG MUỐN THỰC HIỆN… NẾU CÓ ĐƯỢC “HƯƠNG PHỤNG VỤ CÔNG GIÁO” NỮA LÀ HOÀN CHỈNH VÌ HIỆN NAY MÙI HƯƠNG CHƯA THỰC SỰ VỪA Ý…PHẢI DÙNG HƯƠNG “TRÔI NỔI”.
CUNG THÁNH NHÀ THỜ HỘI AN VỚI BÀN THỜ “HAI CON CÁ VÀ NĂM CHIẾC BÁNH” CÙNG NHÀ TẠM DỰA THEO THÁNH ĐƯỜNG NĂM 1935. LINH MỤC ANTÔN PHẢI RỜI HỘI AN THÁNG 9 NĂM 2012 VỚI GIẤC MƠ CHƯA TRỌN.
Trả lời