CHƯƠNG XV
GIÁO HỘI VIỆT NAM THỜI TÂY SƠN
1774- 1799.
TÂY SƠN TAM KIỆT.
Tình hình chính trị Việt Nam .
Huệ Vương Nguyễn phước Thuần lên ngôi. Trương Phúc Loan lộng quyền. Dân chúng đói khổ, thiên tai liên miên . Mọi Đá Vách cướp phá. Năm 1773, ba anh em Nguyễn Nhạc , Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ chiếm Qui Nhơn. Miền Nam hỗn loạn, Chúa Trịnh sai Hoàng ngũ Phúc đánh chiếm Phú Xuân 1775. Chúa Nguyễn chạy trốn Đồng Nai, lúc đó Nguyễn Ánh được 14 tuổi. Lưu vong sang Xiêm . Tây Sơn chiếm hết miền Nam. Nguyễn Nhạc lên ngôi 1778. Nguyễn Ánh cầu cứu quân Xiêm, nhưng Nguyễn Huệ đã đánh tan, trận Rạch Gầm- Xoài Mút 1785. Xong miền Nam quay ra miền Bắc , 1786, đại quân tiến vào Thăng Long. Chủ trương ‘’Phù Lê diệt Trịnh’’ . Năm 1788, Tây Sơn thống nhất đất nước. Lê chiêu Thống cầu cứu Mãn Thanh. Tôn Sĩ Nghị kéo quân vào Thăng Long. Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế lấy niên hiệu Quang Trung , tấn công ra Bắc. Chiến dịch thần tốc ngày 5 tết vào Thăng Long năm 1789.
Trong khi đó Nguyễn Ánh cầu viện Pháp qua trung gian Đức Cha Pigneau de Béhaine ( Bá Đa Lộc). Sau Đức Cha tự mua sắm lấy. Nhiều người Pháp đến giúp. Cuộc phản công kết quả năm, ngày 22-7-1802, Gia Long tiến vào Thăng Long.
Giáo Hội Đàng Trong thời Tây Sơn
Lúc đầu dễ dàng. Ở Miền Trung, Đức cha Labartette được cả quân Trịnh và Tây Sơn đối xữ tử tế. Sau vì những liên hệ giữa Đức Cha Bá Đa Lộc với Chúa Nguyễn nên đã bắt đạo. Ở Phú Xuân có linh mục Emmanuel Nguyễn văn Triệu , bị xử trảm ngày 17-9-1789. Tương truyền Đức Maria đã hiện ra tại La Vang , ủi an giáo hữu.
Nghe tin miền Nam bị Tây Sơn nổi dậy. Chúa Trịnh cho quân vào Phú Xuân. Nguyễn phước Thuần chạy vào Quảng Nam, sau đó vào Đồng Nai. Nguyễn Huệ đánh Gia Định, Phước Thuần và Phước Dương đều chết, duy còn Nguyễn Ánh chạy thoát.
Đây là một thời kỳ ly loạn kéo dài mãi đến khi vua Gia Long kéo quân vào Hà Nội năm 1802.
Vào thời đó ở miền Nam Đức cha Bá Đa Lộc ( Pigneau de Béhaine) làm Đại diện Tông toà nhưng vì chiến tranh, không thể có mặt ở miền Trung. Toà Thánh cử cha Gioan Labartette đang trốn lánh ở miền Trung làm giám mục phó, nhưng phải đợi 10 năm sau mới được tấn phong. Chiến tranh xảy ra khắp miền Trung và Nam. Dân chúng không thể cày bừa làm ăn được nên loạn lạc, cướp bóc , đói kém xảy ra khắp nơi nhất là vùng Huế và Quảng Nam. Thư của cha Labartette viết ở Thợ Đúc ngày 21-7-1775 cho thấy ở Quảng Nam’’ Quân phiến loạn đã tiêu diệt hầu hết khu vực của chúng tôi trong tỉnh nầy. Đã đốt quảng 60 nhà giáo dân Bàu Nghè và các nơi khác cũng vậy.. tàn sát vô số người..Hàn và Câu đê gần như không còn nữa..không còn một hạt lúa; mọi người đều đang chết đói ở đó, các ngã đường đều đầy xác chết..’’ Lý do : có ba vua đang tranh hùng ngôi báu , một trốn Đồng Nai ( Nguyễn) , một vua xứ Đông kinh ( Trịnh) và một vua có người Tàu giúp ( Tây Sơn).
Vùng đất Chúa Trịnh kiểm soát.
Theo các thừa sai đương thời kể lại, quân Trịnh lúc đầu cho dân chúng được tự do giữ đạo. Thư đề ngày 21-6-1775, thừa sai Labartette viết ‘’ Công việc đạo hết sức tốt đẹp, bởi vì không ai nghĩ tới việc bắt đạo nữa..chúng tôi đều đi công khai… Ông quan lớn nhất vương quốc nầy, đồng thời cũng là tổng chỉ huy quân đội Đàng Ngoài, là người công giáo, ít nữa cũng là trên danh nghĩa; chính ông là người đã đã đáng thắng rất nhiều trận; lúc nầy ông đang ở Hội an và dự tính đi đánh chiếm các tỉnh phía trong.. . Hai ông quan đầu triều cũng là người công giáo. Từ gần 15 ngày tôi tới đây, ông quan thứ hai của triều đình đã tới thăm tôi hai lần; ông còn nói với tôi là ông có hai người anh ( hay em) làm linh mục ở Đàng Ngoài, một là linh mục dòng Tên, một là linh mục triều với chúng ta..’’ Trong bức thư đề ngày 21-7-1775, cha Labartette cho biết quan lớn nhất là Quốc Lão, hoạn quan và chột mắt nhưng ‘’không phải ngoan đạo nhất và chỉ mang danh là công giáo’’. Ai là những quan nầy . Theo Đại Nam thực lục Tiền Biên quyển 11 nói : Trịnh Sâm sai Hoàng ngũ Phúc, làm thống tướng, Bùi thế Đạt làm phó tướng…bọn Hoàng Phùng Cơ, Hoàng đình Thể đều thuộc quyền..’’ Nói chung, miền Trung từ 1778 đến 1782 cũng không có gì căng thẳng. Nhà Trịnh cho giữ đạo, cho dạy đạo. Ở Thợ Đúc, Phủ Cam xây dựng lại nhà thờ mới. Có một vài căng thẳng khi tàu người Anh bắn phá vài đồn ải.
Thấy Phạm ngô Cầu ,tường nhà Trịnh không được lòng dân lại mê tín, Nguyễn Huệ lập mưu , sai Nguyễn Hữu Chỉnh và Vũ văn Nhậm tấn công Phú Xuân. Tướng tá nhà Trịnh nghi ngờ nhau, Phú Xuân lọt vào tay nhà Tây Sơn. Tây Sơn tiếp tục tấn công ra Bắc với chiêu bài ‘’ Phù Lê diệt Trịnh” . Nhà Trịnh chấm dứt.
Vùng Tây Sơn kiểm soát.
HOÀNG ĐẾ QUANG TRUNG.
Tài liệu của các thừa sai sống vào thời ấy cho thấy Tây Sơn rất dễ dãi với đạo. Có ý kiến cho là gia đình Nguyễn Nhạc trước đây có đạo, có thể Nguyễn Nhạc đã được rửa tội với tên thánh Phaolô. Tháng 3-1778, thừa sai Liot ghé qua Qui Nhơn đuợc bà cô Nguyễn Nhạc tặng một thỏi bạc và một trăm quan tiền. Ngài cử hành lễ tại Diêm Điền, Nước Mặn, Gò Thị. Theo thừa sai Darcet, Phú Yên, trước năm 1785 chưa có chuyện gì đáng tiếc xảy ra.
Thời gian nầy có thừa sai Habout hoạt động ở Phú yên, Khánh Hoà, sau về Quảng Nam . Năm 1776 ra Huế và ở đây cho đến khi qua đời 11-5-1788. ĐC Labartette, linh mục Longer ở Quảng Trị. Bốn cha Dòng tên, hai linh mục Việt : Marinô Phiên, Nicolas Duệ. Các cha Phan Sinh ở phía Nam khá đông, trong khi ở Thiên Đoả , có cha Jumilla Olmedilla. Tháng 3 năm 1774, Tây Sơn chiếm Quảng Nam, cho tự do hành đạo và ai phiền hà sách nhiểu phải cho biết, sẽ bị nhận sông . Có 13 người bảo vệ ngày đêm. Chiến tranh ác liệt nên tất cả phiêu tán, các cha đi Macau.
Trở lại năm 1747, các cha Phan Sinh bị tố ‘’ đem liêm hái đi gặt luá ruộng người khác,’’ , phải trả lại nhiều nhà thờ và được phân chia miền Nam. Nay các cha thừa sai Paris vào trong nầy quá đông, lại xảy ra tranh chấp. Toà thánh yêu cầu mềm dẻo.
Vùng Nguyễn Ánh kiểm soát.
HOÀNG TỬ CẢNH Ở ĐIỆN VERSAILLES.
Tại miền Nam ĐC Bá Đa Lộc tiếp tục đào tạo hàng giáo sĩ bản quốc với chủng viện Hòn Đất. Chủng viện phải chạy loạn và bị đốt phá nhiều lần. Ngài còn soạn sách Giáo lý Công giáo, từ điển Việt Nam- Latinh. Công việc truyền giáo ở những vùng không giao tranh tiến triển tốt đẹp.
Sau khi bị đuổi chạy ra biển. Nguyển Ánh nhờ quân Siam giúp đở. Trận Rạch Gầm- Xoài Mút làm tiêu tan hy vọng. Nguyễn Ánh nhờ Đức cha Bá Đa Lộc đem Hoàng tử Cảnh sang Pháp cầu viện. Hiệp ước được ký nhưng không có khoản nào nói về quyền được xây nhà thờ, truyền đạo. Hiệp ước không đi đến đâu vì bá tước Conway ở Pondichery không thực hiện.
Sau đó ĐC Bá Đa Lộc đã vận động riêng để mua thuyền bè, súng đạn và quân tình nguyện đến giúp Nguyễn Ánh. Nhờ đó Nguyễn Ánh dần dần chiếm lại các vùng đất đã mất. Năm 1790 đã bắt đầu tiến quân ra Bình Thuận. Thời gian đó Vua Quang Trung đã đại phá quân Thanh 1-1789.
Vua Quang Trung đã biết ĐC Bá Đa Lộc giúp đở cho Nguyễn Ánh, nhưng vẫn chưa có hành động cấm cách đạo. Chẳng may năm 1792, vua băng hà đột ngột. Vua Cảnh Thịnh còn quá bé bỏng. Vận may của Nguyễn Ánh đã tới.
Thuận lợi mỗi lúc một nghiêng về phía Nguyễn Ánh, vua Cảnh Thịnh dưới sự điều hành của Bùi đắc Tuyên bắt đầu lo sợ và đã xảy ra vài cuộc hành quyết vì sợ là gián điệp. vụ cha Emmanuel Nguyễn văn Triệu và 32 kỳ mục. Sinh môn và tử môn . Ba mươi người qua sinh môn, hai qua tử môn.
Giáo Hội miền Bắc.
Ở Miền Bắc, khốn khổ vì chiến tranh, vì đói nghèo nhiều hơn là bách hại . Theo những bức thư do Vinsentê Liêm viết ở Kẻ Vồi những năm 1785, 1787, 1789 , những vụ bắt bớ khảo của của quân lính tham lam hơn là một cuộc bách hại có hệ thống ‘’Có một những quân lăng nhăng như chó đói, nó kiếm ăn ngưòi ta mọi đàng, mà bởi nó đói thì nó tìm bắt thầy cả, một hai khi có ý được quan tiền mà thôi, cũng chẳng có ý ghét đạo đâu… Những như vua chúa cùng quan lớn thì dù sự đạo dù sự đời cũng chẳng hề gì, tại những quân lăng nhăng nầy nên người ta khốn mọi đàng’’ ‘’..vì chẳng còn chúa nữa, phủ chúa cũng đã đốt đi, họ nhà chúa thì trốn đi hết, mà việc nầy thì tại vua xin Quảng ra giúp…phải đổ nhiều máu lắm..’’ , ‘’ Năm nay giặc giã, và đói, và bệnh dịch, thiên hạ đã chết hầu hết nữa phần..’’ Khi quân Nguyễn Ánh tiến ra có nhiều cuộc bách hại . Cha Đạt bị chém 28-10-1798.
Ở miền Nam.
Trong khi đó ở miền Nam, năm 1797 có 6 thừa sai và 6 linh mục Việt, họ được tự do truyền giáo, họ phàn nàn vì thiếu nhân sự. Thư đề năm 1799 cho biết tiểu chủng viện Tân Triều có 50 học sinh. Đại chủng viện Lái Thiêu có 24 thầy.Ở miền Nam không có nữ tu viện nhưng ở miền Trung còn có 150 nữ tu vùng Thừa Thiên và 22 ở Phú Yên, 6 tu viện tất cả.
Tuy chịu ơn ĐC Bá Đa Lộc nhưng do kinh nghiệm riêng và áp lực của quần thần, vua Gia Long không ưa gì đạo công giáo mà ông cho có thể nguy hại đến cơ đồ của đất nước. Hai vụ : lễ kỳ yên và quyên tiền lập đền Khổng Tử. Các cha và ĐC Bá Đa Lộc can thiệp cũng không được. Ngày 9-10-1799 ĐC từ trần tại Thị Nại, Qui Nhơn. Đám tang ở Gia Định chưa từng có. Ngài được an táng tại Lăng Cha Cả.
Năm 1799, Nguyễn Ánh chiếm thành Qui Nhơn . Phú Xuân năm 1801. Thăng Long 23-7-1802. Chấm dứt triều đại Tây Sơn.
Gia Long lên ngôi Hoàng Đế thống nhất cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài. Giáo Hội được một thời thịnh vượng. Nhưng chỉ là những tia nắng rực rở báo trước cơn bão đang đến.
Trong một đất nước bị xâu xé vì chiến tranh huynh đệ tương tàn, người công giáo phải nằm dưới hai, ba lằn đạn. Không có sự chọn lựa chính trị nào mà không phải trả giá. ĐC Bá Đa Lộc đã chọn phía Nguyễn Ánh , hy vọng nơi ông hoặc Hoàng tử Cảnh sẽ là một Constantinô Việt Nam. Lịch sử cho thấy phải chăng ngài đã lầm? Hậu quả là đạo Chúa ở VN lại phải gánh chịu nhiều thành kiến kéo dài mãi tận hôm nay.
Tham khảo và bài đọc thêm:
+ TRƯƠNG BÁ CẦN : Lịch sử phát triển công giáo ở Việt nam, Nguyệt san công giáo và dân tộc, các số 62,63,64
+ TRƯƠNG BÁ CẦN : Công giáo Đàng Trong, thời Giám mục Pigneau ( 1771-1779). Tủ sách Đại kết 1992, Tp HCM 1992.
+ HÀ VĂN THƯ, TRẦN HỒNG ĐỨC : Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam, Nhà xuất bản Văn Hoá Thông tin, Hà nội 1997, tr.180-190.
+ MỘT GIÁO SƯ SỬ HỌC : Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam, quyển 2.
+ NGUYỄN VĂN TRINH: Lịch sử Giáo Hội Việt Nam, Tập 3, Đại chủng viện Thánh Giuse, 1994, tr.343- 358.
+ TRẦN PHỔ OFM : Tỉnh dòng anh em hèn mọn Việt Nam, lưu hành nội bộ, không đề năm, cuốn 1, tr.168 tt.
+ Tủ Sách Viện Khảo Cổ : Đại nam chính biên liệt truyện, Phủ Quốc vụ khanh Đặc trách văn hoá, Tạ quang Phát, phiên âm, dịch nghĩa và chú thích, Saigon 1970.
Trả lời