PHÚ CAM.
LỊCH SỬ CÁC NGÔI NHÀ THỜ
TRÊN VÙNG ĐẤT PHÚ CAM, HUẾ,
TỪ NĂM 1682 ĐẾN NAY (2013).
Từ số không đến có, từ lá nứa tranh tre đến gỗ quí chạm trỗ cầu kỳ, từ vôi gạch đến bê tông cốt thép, lịch sử các ngôi nhà thờ được xây dựng tại Phú Cam, cố đô Huế, khiến chúng ta nghĩ đến việc thịnh suy của lịch sử. Khi thì được khuyến khích, lúc bị căm ghét, câu chuyện về các ngôi nhà thờ được xây dựng bên hói Phủ Cam và triền đồi kế bên đưa chúng ta lùi về quá khứ để điểm danh từng nhân vật, từng sự kiện vui buồn của Giáo đoàn Thuận Hóa. Trước Phủ Cam, tại Phường Đúc, ngôi nhà nguyện của ông Joao Crux (Jean de la Croix) cũng khá nổi tiếng nhưng Phú Cam đã vượt lên để trở thành Giáo xứ Chính Tòa của Tổng Giáo phận Huế. Gần 350 năm, Giáo hội Chúa Kitô trên đất Việt không thể tách rời khỏi lịch sử dân tộc và các nhà cầm quyền với tính khí thất thường của họ. Câu chuyện mà chàng trai Tađêô Trương Văn Bình, Lớp: Triết I (niên khóa 2012-2013), Đại Chủng Viện Xuân Bích, Huế, tóm kết hôm nay, giúp chúng ta một cái nhìn xuyên suốt để vững tin như Gamaliel, người đã đứng ra bênh vực các Tông đồ Chúa Giêsu bị nhóm Thượng tế Do Thái lên án: .” 38Bây giờ đây, tôi xin nói với các ngài, hãy tránh dính líu với các người ấy, để mặc họ. Vì chưng, nếu cơ đồ ấy hay công trình ấy do tự loài người; tất sẽ bị phá hủy; 39nhược bằng là do tự Thiên Chúa, thì các ngài sẽ không thể phá hủy đã rồi, mà còn lâm họa ….” ( Tông đồ Công vụ 5,38-39).
ẢNH QUÝ. THẦY ANTÔN TRƯỜNG THĂNG
TRƯỚC NHÀ THỜ PHÚ CAM,
MÙA HÈ MẬU THÂN 1968.
LM ANTÔN NGUYỄN TRƯỜNG THĂNG giới thiệu.
LỊCH SỬ CÁC NGÔI NHÀ THỜ
TRÊN VÙNG ĐẤT PHÚ CAM, HUẾ,
TỪ NĂM 1682 ĐẾN NAY (2013).
- Dẫn nhập
- Những vấn đề chính
- Nhà Thờ Tranh đầu tiên (1682)
- Nhà thờ thứ 2 (1688)
- Nhà Thờ thứ 3 (1715-1719)
- Có đến 4 nhà thờ tại Phủ Cam (1719-1730)
- Nhà thờ thứ 4 (1805-1806)
- Nhà thứ thứ 5 (1866)
- Nhà thờ thứ 6 (1898-1902)
- Nhà thờ hiện nay (1963-1967)
- Kết Luận
Đạo Chúa được truyền giảng tại vùng đất Thuận Hóa khoảng năm 1626, khi chúa Nguyễn Phúc Nguyên dời đô về Kim Long, sát bờ sông Hương. Trước những năm đó, đạo Chúa được các cha dòng Tên rao truyền tại Ái Tử, Dinh Cát và rồi đi theo chân các vua chúa quan lại vào vùng đất Thuận Hóa. Nhiều vùng quanh phủ Chúa như Thợ Đúc, Đốc Sơ, Kim Long đã có các cha Dòng Tên ở. Lúc đó, ở Thuận Hóa có sự kiện đặc biệt, bà Minh Đức Vương Thái Phi theo đạo, được cha Francesco de Pina rửa tội. Bà có nguyện đường ngay trong phủ chúa. Các quan lớn trong triều theo đạo rất đông.
Năm 1675, Đức cha Lambert de La Motte đến vùng đất Thuận Hóa lần đầu tiên, được chúa Hiền cho tự do viếng thăm các bổn đạo. Trong khoảng 15 ngày, Đức cha đã ban phép Thêm Sức cho gần 4500 người.
Nhà Thờ Tranh đầu tiên (1682)
Đến năm 1680, cha Langlois từ Thái Lan được phái đến vùng đất Thuận Hóa, yết kiến chúa Hiền. Cha dâng lên vật quý thay Đức cha Lambert, vì ngài đã qua đời vào năm trước. Cha Langlois được đón tiếp nồng hậu tại phủ chúa. Cha được quan trong triều mời ở lại kinh đô, để giúp đỡ các quan về khoa học, kỹ thuật và y học. Rất thông thạo tiếng Việt, nên cha đồng ý ở lại phủ chúa để giúp các quan lại, hoàng tử như một ngự y triều đình, vì cha là một bác sĩ phẫu thuật rất giỏi. Do vậy, hoàng tử Nguyễn Phúc Trăn rất muốn có cha Langlois bên mình. Bên kia bờ hói Phủ Cam, có phủ Nguyễn Phúc Hiệp, em thứ tư của chúa Hiền, ông này có công trong trận đánh chúa Trịnh tại sông Gianh (1672). Nơi phủ chúa Hiệp năm 1680, có người con của chúa Hiệp là Nguyễn Phúc Lễ, đã chịu phép Rửa tội tại Dinh Cát do cha Mahô vào năm 1674 mang tên thánh là Tôma, thường gọi là cậu Tôma Lễ[1]. Thấy mọi sự êm đẹp, nên cha Langlois quyết định ở lại kinh đô Đàng Trong để giảng đạo. Phủ cậu Tôma Lễ đã dành cho cha một căn phòng để tạm trú và dâng lễ. Công việc mục vụ không công khai, cha chỉ âm thầm gặp gỡ các giáo dân ở những nơi khác nhau, và dành ít thời giờ để chữa bệnh và thăm người liệt tại nhà. Ông hoàng Nguyễn Nguyễn Phúc Trăn rất mến mộ cha nên đề nghị và giúp cha mua một hòn độn bên kia hói, thẳng trước phủ chúa, để xây nhà thờ, bệnh xá và tập trung dân lại lập ấp. Vì vậy, cha mua được một vùng gò đồi rộng từ Bằng Sơn chạy xuống đến bờ hói. Cha quy tụ nhiều người có đạo từ nhiều nơi ở Thuận Hóa, đến gò đồi này để lập ấp, mà người ta thường gọi ấp ấy là xóm Đá hay xóm Nón. Hiện nay, tên xóm Đá vẫn còn, là một khu dân cư ở tại Khu vực La Vang thuộc Giáo xứ Phủ Cam. Cha dùng một khoảng đất khá rộng ở giữa ấp để làm nhà thờ bằng tranh tre, rất đơn sơ và tạm bợ. Đó là nhà thờ đầu tiên mang thánh hiệu Phêrô (để mừng kính bổn mạng Phêrô của cha hay vì tên của ấp là xóm Đá). Tháng 11 năm 1682, nhân chuyến đi kinh lược Đàng Trong, Đức cha Lanneau đã cử hành thánh lễ long trọng ban phép thêm sức cho người dân kinh đô, có cậu Tôma Lễ, tại nhà thờ đầu tiên của Phủ Cam.
Đến năm 1685, chúa Hiền qua đời, chúa Nguyễn Phúc Trăn lên kế vị lấy tên chúa Nghĩa. Năm 1687, chúa Nghĩa dời đô từ Kim Long đến Phú Xuân, lấy núi Ngự làm áng phía trước như bức bình phong. Khi đó, bổn đạo xóm Đá mỗi ngày một tăng, mỗi năm cha Langlois rửa tội có đến 2000 người. Đức cha Lanneau và chúa Sãi khuyến khích cha Langlois xây nhà thờ thật lớn, kiên cố và rộng rãi hơn. Vào năm 1688, cha đã khởi công xây ngôi nhà thờ thứ 2, mãi đến 3 năm sau, mới hoàn thành. Tài chính cho việc xây nhà thờ, cha xin từ quê nhà của cha, phần còn lại thì giáo dân đóng góp. Ngôi nhà thờ này dài 45 thước, rộng 15 thước, cao 4 thước. Mặt tiền nhà thờ có 3 cửa lớn, mặt hậu có 2 cửa thông, hai bên tả hữu có 2 cửa hông và mười cửa sổ, vách dài 1 thước 2. Trong thư của cha Langlois viết gửi Đức cha Lanneau để báo cáo về việc xây dựng nhà thờ có viết: “Thánh đường mà con thông báo với Đức cha năm ngoái đã xây được gần nửa, các vách đều bằng đá cao 6 cút (1 cút = 50 phân), bề dày đo được 3 cút, dài 90 cút và rộng 30 cút… Toàn bộ cửa dều bằng gỗ quý, bố trí cân đối, móng đào đến gặp đá cứng, đây là công trình chưa từng có ở xứ này, được nhà vua và quan lại thán phục[2]. Thực vậy, khi ấy ở vùng đất Thuận Hóa không có nhà nào lớn hơn nhà thờ này, chúa Sãi và các quan lại điều khen ngợi. Nhà thờ lấy thánh hiệu là Đức Bà Xuống Tuyết. Nhà thờ cũ được sửa lại làm 2 nhà bệnh xá được 300 giường. Tôi thiết nghĩ, công khó dể xây dựng được ngôi nhà thờ như thế lúc bấy giờ, là nhờ sự hy sinh và chịu khó của cha Langlois. Thiên Chúa đã nhìn đến và thương những con người nơi đây, giúp họ có ngôi thánh đường rộng lớn và kiên vững như thế. Thật xứng đáng là nơi gặp gỡ Thiên Chúa và giáo dân xóm Đá nơi dây.Nhà thờ thứ 2 (1688)
|
Giai đoạn bình an và thịnh vượng của họ đạo xóm Đá kéo dài tới năm 1698. Khi ấy, một số người vu cáo người công giáo phá tượng Phật. Do vậy, các quan kiện lên Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), nên chúa ra lệnh cấm đạo, triệt hạ nhà thờ Đức Mẹ Xuống Tuyết và một nhà thờ khác trong nội thành. Quân lính đến bắt trói cha Langlois, xé áo cha ra và dẫn đến cho quan Lãnh Binh, Quan lãnh binh nói với cha Langlois: Ta được lệnh vua đến triệt hạ giáo đường của ông, đốt sách đạo của ông, các ảnh tượng, và cấm ông không còn được giảng đạo cho ai trong nước này nữa.[3] Một âm mưu nhỏ nhen của các chưa sắc và quan lại đã phá hủy nhà thờ do cha Langlois xây dựng, thật oan ức và đau khổ cho giáo dân họ xóm Đá. Nhưng khi ấy, có nhiều tai ương gián xuống trên kinh đô Thuận Hóa như nhà cửa chùa chiền sụp đổ gần một nửa, người chết rất nhiều, những thây ma trôi dạt trên sông… nên chúa Quốc cho ngưng việc bắt đạo dữ dội ấy lại.[4] Thấy tình hình như vậy, họ đạo xóm Đá tiếp tục thờ phượng Thiên Chúa trong một nhà thờ tranh tạm và lòng sốt sắng lại gia tăng thêm. Năm 1699, tưởng chừng sóng gió đã qua, nhưng khốn thay những mưu toan thâm độc và những kẻ ghét đạo vẫn rình chờ sẵn. Họ lại vu khống cho bổn đạo xóm Đá, phá hủy tượng Phật mà dân chúng sùng bái nhất. Ngày 17/03/1700, Minh Vương chúa Quốc ra chỉ dụ cấm đạo nghiêm ngặt hơn trước, triệt hạ tất cả các nhà thờ ở đàng Trong và bắt giam các đạo trưởng Gia-tô. Xứ đạo trên đồi Đá hưmg thịnh ngày nào, giờ lại mất nhà thờ, mất cha sở, giáo dân bỏ chạy tan tát, một số bị hăm dọa phải chối đạo… cơ nghiệp xây dựng giáo hội Đàng Trong đã bị trì trệ và gián đoạn trong một khoảng thời gian năm 1700 đến năm 1717.
Nhà Thờ thứ 3 (1715-1719)
Một giai đoạn khó khăn, gián đoạn của xứ họ đạo xóm Đá, không có nhà thờ, không có linh mục coi sóc, giáo dân thờ phượng Thiên Chúa bằng những việc đạo đức bình dân, nhưng chỉ với số giáo dân trung thành vẫn thường xuyên họp nhau lại đọc kinh, duy trì một vài sinh hoạt nhỏ của họ đạo. Sử có ghi tên một người gọi là cai lý, đã nhường lại nhà của ông bên vườn cũ của nhà thờ để anh em bổn đạo đọc kinh[5]. Mùa đông năm 1715, cơn bão ngoài khơi Nha Trang đã đánh chìm một tàu ngoại quốc, 17 người chết , 87 người còn sống. Cha Huette đang làm việc gần bãi biển Nha Trang, nên cha dẫn đoàn tị nạn ra kinh đô Bác Vọng. Triều đình muốn giao thương buôn bán với người Tây Ban Nha, nên đã giúp đỡ đoàn tị nạn và cung cấp tàu để cho họ về lại xứ Tây Ban Nha. Sau khi giúp đoàn tị nạn xong, thì cha về lại Huế, tại đây chỉ có một linh mục Thừa Sai Balê, cha Sennemand. Vì thiếu linh mục nên giáo dân kinh đô liên lạc với Đức cha Perez để xin cha Huette ở lại Thuận Hóa. Được Đức cha chấp nhận, cha Huette ở lại kinh đô và làm việc tại Phủ Cam. Cha xây dựng lại một nhà thờ bằng tranh tre trên nền cũ và một nhà ở bằng tranh. Cha tổ chức lại họ đạo, dạy Giáo lý, củng cố đức tin lại cho giáo dân sau cơn bắt đạo. Ngôi nhà thờ thứ 3 bằng tranh tre do cha Huette xây dựng không lớn và rộng như ngôi nhà thờ thứ 2 của cha Langlois. Nhưng ngôi nhà thờ này là bước khởi đầu xây dựng lại họ đạo Phủ Cam. Sau bao năm chẳng có nhà thờ, linh mục, thì nay Chúa thương gửi cha Huette đến cho họ đạo Phủ Cam. Họ đạo hết lòng biết ơn cha Huette đã giúp xây dựng lại ngôi nhà thờ bằng tranh tre, giúp có nơi để giáo dân gặp gỡ Thiên Chúa và thờ phượng Ngài.
Có đến 4 nhà thờ tại Phủ Cam (1719-1730)
Vào những năm 1719 đến 1730, những linh mục trực thuộc hội dòng Thừa Sai Balê, dòng Phanxicô và dòng Banabit hoạt động trên vùng đất Phủ Cam, có đến 4 nhà thờ được xây dựng, như nhà thờ tranh tre của cha Huette (Thừa Sai Balê), một nhà thờ do cha Giuse và Giêrônimô (dòng Phanxicô) lập nên, một nhà thờ khác do các cha Banabit xây dựng, các cha hội Thừa Sai Balê lập một cơ sở mới tại Cồn Mồ (làng Hòa Bình hiện nay) xây dựng lên một nhà thờ khác nữa. Thời gian ấy, vùng đất Phủ Cam là nơi ngọa hổ tàng long, qui tụ nhiều dòng tu lại. Đời sống đạo ở Phủ Cam, lúc bấy giờ phát triển rất mạnh, cực thịnh, nhưng lịch sử đã cho thấy chỗ nào cực thịnh, nơi ấy dễ xảy ra tranh chấp, xung đột. Thật vậy, các linh mục với mục đích đến Phủ Cam để truyền giáo nhưng ganh đua nhau, ghen ăn tức ở, nên đã tranh chấp đấu đá lẫn nhau. Làm gương mù gương xấu cho giáo dân, thật đáng buồn và đáng trách, vì các linh mục không nên làm những điều cấm kỵ như thế. Thật khó để xác định vị trí của những nhà thờ trên, ngoài trừ nhà thờ do cha Huette xây dựng.
Nhà thờ thứ 4 (1805-1806)
Năm 1802, khi Nguyễn Ánh lên ngôi lấy hiệu Gia Long, thống nhất giang sơn, nhờ sự giúp đỡ của Đức cha Béhaine. Đức cha Béhaine giúp đỡ vua Gia Long với mục đích, muốn bành trướng đạo Kitô thành quốc giáo như biến cố tại Milanô năm 394. Sau thời gian ẩn trú, chạy trốn sự bắt đạo dữ dội của các chúa, một số giáo dân thấy đất nước được thái bình, nên ra công khai giữ đạo, một số khác hồi hương trở về họ đạo Phủ Cam. Số giáo dân cũng khá lớn nhưng không ước tính được bao nhiêu. Hồi đó, vì muốn kiến thiết một ngôi nhà thờ mới, nên cha Phaolô Nguyễn Phước Kim đã mua thêm 3 sào đất của bà Nguyễn Thị Trong và con để xây dựng, một văn tự mua đất, đề niên hiệu Gia Long tứ niên, có ấn hiệu của linh mục quản xứ hồi đó, tên là Nguyễn Phước Kim có thánh hiệu là Bảo Lộc cho biết đã mua thêm 3 sào đất của bà Nguyễn Thị Trong và con để cấu tạo thánh đường…[6]. và sau đó cha Phaolô Kim đã cho xây dựng nhà thờ, ngôi nhà thờ hướng về phía tây gần đường lớn và bàn thờ cung thánh hướng về phía đông, giáp vườn một vị quan lớn Tín Trung Hầu, có thể là người công giáo. Nhà thờ được tái thiết công phu hoành tráng, với kiểu dáng văn hóa Việt Nam, rộng lớn, có một bộ giàn trạm trổ công phu, bằng gỗ mít. Đạo Chúa dưới thời Gia Long lớn mạnh và thịnh vượng. Ngôi nhà thờ Phủ Cam do cha Nguyễn Phước Kim xây dựng (1805-1806), như dấu son cho việc phát triển đời sống đạo tại đây. Qua việc tái thiết nhà thờ cho thấy giáo dân bổn đạo nhà càng đông và đời sống thiêng liêng ngày càng được nâng lên. Đức cha Gioan thỉnh thoảng đến Phủ Cam, ban phép Thêm Sức và làm phép Hôn phối cho 2 cặp thuộc giới thượng lưu, quý phái.
Sau thời gian dài sống yên bình, ngày 06/01/1833, vua Minh Mạng ra chỉ dụ cấm đạo dữ dội, người nào theo đạo Gia-tô, phải thật lòng bỏ nếu không sẽ bị xử tử. Năm ấy, nhà thờ và nhà xứ Phủ Cam bị triệt hạ, chẳng còn nơi để thờ phượng, chẳng còn nơi ở của cha sở bổn đạo. Giai đoạn khó khăn nhất đã xảy đến cho họ đạo, chẳng ai dám công khai giữ đạo, trừ những người bị bắt, bị xử tử, là những hoa trái cho nước Chúa, những người được phúc tử đạo. Nhà thờ rộng lớn do cha Nguyễn Phước Kim xây dựng đã bị tàn phá thành bình địa. Công sức cao dày của cha Kim đổ xuống sông xuống biển, bộ sườn nhà thờ bị đem đi làm nhà lục bộ, những cột nhà và bộ khung sườn trần nhà được trạm trổ rất công phu.
Từ năm 1833 đến 1863, Phủ Cam không có nhà thờ, không có linh mục coi sóc, nhưng được diễm phúc, vườn nhà thờ là nơi chôn cất các thánh tử đạo Việt Nam như Gagelin, Phaolô Bường, Hồ Đình Hy, Lê Đăng Thị, Anrê Trần Văn Trông.
Nhà thứ thứ 5 (1866)
Năm 1863, Đức cha Sohier Bình lập tòa Giám mục tại Kim Long, ngài đi kinh lý đến Phủ Cam, Ngài thăm những nơi bị tàn phá và những nơi chôn cất các thánh tử đạo, lúc đó Phủ Cam chưa có nhà thờ, và là nơi bị tàn phá nặng nề. Đức cha chỉ làm các nghi lễ trong rạp che tạm nơi nền cũ nhà thờ. Năm 1866, sau chuyến kinh lý địa phận, Đức cha gửi bài sai cho cha Ignatiô Tuyên về làm quản xứ Phủ Cam, sau gần 33 năm vắng bóng linh mục quản xứ. Ngài kiêm luôn họ Thợ Đúc, Đá Hàn, Ngọc Hồ và Buông Tằm. Khi về làm cha sở Phủ Cam, cha Tuyên xem việc xây dựng lại nhà thờ là việc nặng nề và khó khăn nhất. Vì sau khoảng thời gian bị bắt đạo, đất đai đã bị người dân chiếm lấn, nhà thờ bị phá nặng nề. Lúc bấy giờ, cha Tuyên phải mua đất lại, trong đất vườn nhà thờ, có một khoảng đất 3 sào 7 thước do Nguyễn Phận bán lại ngày 28 tháng 10 năm Tự Đức 20 tức năm 1866…[7] Hiện nay, miếng đất này là nhà cha quản xứ (xây dựng 1925-1926). Lần này, cha Tuyên xây dựng nhà thờ không lớn và rộng rãi như nhà thờ trước, nhà thờ này mang tính tạm thời, nên chưa đáp ứng được lời Đức cha Bình khuyến khích các họ đạo xây dựng nhà thờ trở thành nơi thờ phượng xứng đáng. Năm 1876, cha Tuyên được triều Huế yêu cầu đi làm thượng thư tham biện ở Hải Phòng. Vì vậy, từ năm 1876 đên 1884, họ đạo Phủ Cam không có cha sở, dưới sự coi sóc của cha sở Kim long, rồi đến cha sở Thợ Đúc coi sóc.
Nhà thờ thứ 6 (1898-1902)
Năm 1885, Đức cha Caspar Lộc gửi bài sai cho cha Allys Lý làm cha sở Phủ Cam, ngài là linh mục tài giỏi, năng động và khéo léo trong việc tổ chức lại giáo xứ trong 10 năm. Sau đó, cha nhận thấy ngôi nhà thờ cha Tuyên xây dựng đã trở nên quá chật hẹp, mà Giáo xứ càng ngày càng phát triển và giáo dân càng ngày càng đông lên. Vì vậy, cha quyết định tái thiết lại ngôi nhà thờ lớn hơn và rộng rãi hơn. Để chuẩn bị cho công việc tái thiết ấy, cha phải cần đến số tiền khá lớn. Trước tiên, cha xin cha mẹ ngài giúp đỡ một số tiền lớn và ngài cũng xin địa phận quê hương của ngài giúp đỡ, địa phận Rennes. Sau đó, ngài mua thêm đất ở hai bên vườn nhà thờ, năm Đồng Khánh 2 của Nguyễn Văn Hi (1887), năm Thành Thái 4 (1892) của mẹ con Lê Thị Tuyết, năm Thành Thái 5 (1893) của Bùi Văn Quý[8].
|
Năm 1898, khởi công xây dựng nhà thờ, công việc đào móng vất vả và công phu, cha Allys Lý đã huy động hết số thanh niên trai tráng trong giáo xứ đến phụ giúp làm nhà thờ, xây dựng hết 4 năm. Ngày 27/08/1902, nhà thờ được khánh thành và dâng cho Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ, nhưng vẫn tiếp tục trang trí phần cung thánh, bàn thờ được làm bàn đá cẩm thạch…nhưng mãi tới ngày 15/11/1931, Đức cha Giáo mới đến xức dầu thánh hiến.
Công trình nhà thờ do cha Allýs Lý khá đồ sộ và rộng lớn. Ngôi nhà thờ dài 60 thước, rộng 14 thước, có 3 lòng căn chính, căn giữa 6 thước, hai căn hai bên mỗi căn 3 mét, hai hiên phụ, để có đường đi và đặt các bàn thờ cạnh. Nhà thờ hướng về phía bắc, tiền đường hai tầng và hai bên có hai tháp chuông cao 25 mét, treo 3 quả chuông tây còn cho đến ngày nay. Giữa hai lầu là tượng Đức Mẹ bằng gang được đúc từ Balê, cao đến 1,9 mét[9]. Người nào thấy nhà thờ cha Allys Lý xây dựng đều thán phục và khen ngợi vì công trình cân đối, nằm ở vị trí quan trọng đẹp đẽ trong thành phố. Nhà thờ nổi bât có nét kiến trúc “Gothique”, nổi bật với hai tháp chuông hai bên có cạnh vuông và cao vừa phải [10]
Năm 1904, trận bão dữ dội phá sập cầu Tràng Tiền và nhiều dinh thự ở nội thành, nhưng ngôi nhà thờ Phủ Cam tuy đứng trên đồi cao, áng gió, nhưng chẳng bị gì. Người ta nói: “Trận bão đến ghê gớm trong buổi sáng chúa nhật, có người bị gió cuốn xoay tròn và lăn đi như vụ đến mấy chục thước trước sân nhà thờ và cố Lý quỳ giữa lòng nhà thờ và giang tay cầu nguyện, xin Chúa tha thứ, xin Chúa cho con cái an toàn, xin cho nhà thờ không sụp ngã…”
Ngày 30/01/1908, cha Allys Lý được tòa thánh phong làm Giám mục Đại diện Tông tòa, coi sóc giáo phận Bắc Đàng Trong. Cha vẫn ở Phủ Cam cho đến ngày được thụ phong Giám mục và ngài muốn được thụ phong tại nhà thờ Phủ Cam. Ngài đã nhận chức Giám mục tại Phủ Cam ngày 24/05/1908. Người ta nghĩ rằng khi lên làm Giám mục, ngài sẽ về ở tại tòa Giám mục Kim Long, nhưng ngài vẫn ở luôn tại Phủ Cam. Sau đó, ngài lập tòa Giám mục bên cạnh bờ hói Phủ Cam. Khi xây dựng xong tòa Giám mục, ngài mới rời khỏi Phủ Cam, để về tòa Giám mục. Ngài chọn nhà thờ Phủ Cam làm nhà thờ Chính tòa, ngài luôn coi sóc họ đạo Phủ Cam với tình cảm ưu ái đặt biệt của ngài. Giáo xứ Phủ Cam ghi nhớ công ơn hy sinh cao dày của Đức cha Allys Lý đã xây dựng nhà thờ Phủ Cam rộng lớn, đồ sộ nhất từ trước đến nay. Ngài đã giúp cho họ đạo Phủ Cam phát triển lớn mạnh, với biến cố quan trọng, ngài chọn Phủ Cam làm giáo xứ chính tòa của địa phận. Người ta tưởng chừng ngôi nhà thờ, Đức cha Allys Lý xây dựng là ngôi nhà thờ cuối cùng rộng lớn nhất trong lịch sử họ đạo Phủ Cam.
Nhà thờ hiện nay (1963-1967)
Năm 1963, sau 3 năm thành lập hàng Giáo Phẩm Việt Nam và sự kiện Đức cha Phêrô Ngô Đình Thục được chọn làm tổng Giám mục của Tổng Giáo Phận Huế, chính Đức cha Phêrô nhận thấy ngôi thánh đường Phủ Cam vẫn chật hẹp so với số giáo dân của Giáo xứ Phủ Cam (năm 1962, gần 12000 giáo dân). Do vậy, ngài đã cho triệt hạ ngôi thánh đường rộng lớn do cố Lý xây, và khởi công xây dựng một ngôi thánh đường khác vào năm 1963, nhưng đến năm 1967 mới hoàn thành phần cung thánh. Vì trong giai đoạn này, có nhiều biến cố xảy ra nên việc xây dựng bị trì trệ. Biến cố Đức Tổng Giám mục Phêrô đi dự Công đồng Vaticanô II (1962-1965) và cuộc đảo chính, mưu sát tổng thống Ngô Đình Diệm (1963), do vậy Đức cha Phêrô ở luôn bên Rôma. Nhà thờ Phủ Cam hiện nay là một công trình kiến trúc đồ sộ và quy mô, xứng đáng với tầm vóc một nhà thờ Chính tòa của Tổng Giáo Phận Huế. Nhà thờ do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế với hình thánh giá nằm ngang, đầu thánh giá hướng về nam và đuôi hướng về bắc.
|
Năm 1995, phần thân nhà thờ cơ bản hoàn thành, nhưng dưới sự quyết tâm của Đức Tổng Stêphanô Nguyễn Như Thể phải hoàn thành công việc xây dựng nhà thờ chính tòa với hai tháp chuông. Ngày 01/05/1999, khởi công xây dựng hai tháp chuông. Ngày 29/06/2000, sau 37 năm, nhà thờ Chính tòa Phủ Cam mới được khánh thành, trở thành nhà thờ rộng lớn vào bậc nhất tại thành phố Huế.[11]
Mặt tiền nhà thờ có hệ thống cửa chính phụ được thiết kế theo kiểu kiến trúc “Ngọ Môn” ở hoàng thành Huế, 3 cửa thẳng và 2 cửa quanh, hai bên nhà thờ có 10 cửa phụ cho người ta ra vào[12]. Diện tích nhà thờ dài 80 mét, rộng 24 mét. Trong lòng nhà thờ có sức chứa khoảng 2500 người.
Phần cung thánh được thiết kế theo kiểu Á Đông, bàn thờ vuông dựng trên nền tròn. Bàn thờ được đặt tại vị trí trung tâm giao nhau của cây thánh, được dựng trên nền cao 7 bậc cấp(khoảng 1 mét) từ lòng nhà thờ, rất nổi bật và giáo dân ở vị trí nào cũng nhìn thấy được bàn thờ. Phía trên cung thánh, đặt cây thánh giá có tượng chúa Cứu Thế chịu đóng đinh, phía trên thánh giá có tượng Chúa Giêsu giang tay trong bữa Tiệc Ly với hàng chữ: Chúc Tụng Thiên Chúa Đến muôn Đời[13]. Trước kia, tượng Chúa Giêsu giang tay và hàng chữ được làm bằng giấy carton, sau được đúc bằng đồng rất đắt tiền.
Phía trên băng công tầng lầu có hệ thống cửa kính với gam màu nhẹ, màu trắng và màu xanh lục nhạt thiết kế theo hình thánh giá. Tầng lầu phía trên được đúc bao quanh sát tường, chạy theo hình thánh giá của nhà thờ, rộng 2 mét và tầng lầu phía cuối nhà thờ với diện tích 300 mét. Mỗi dịp lễ lớn, giáo dân có thể lên trên tầng lầu này để dự lễ.
Hai bên nhà thờ, hai tháp chuông cao 43,5 mét với 12 tầng lầu nhỏ bên trong. Nếu có dịp thuận tiện, người ta có thể đi lên phía trên đỉnh tháp chuông ngắm phong cảnh ở Huế rất đẹp, đặc biệt cảnh sông Hương, núi Ngự thơ mộng và rất lãng mạng. Hai bức tượng thánh Phêrô và Phaolô phía trước tiền đường, do nghệ nhân Đinh Văn Lương đúc bằng xi-măng. Hai tượng được đúc tại Sài Gòn, chia làm 3 đoạn, sau đó di chuyển bằng đường Biển ra Đà Nẵng, rồi chở bằng ôtô ra Huế.
Khuôn viên nhà thờ thoáng và rộng, với những hàng cây Hoàng Hậu, gần đến mùa hè hoa Hoàng Hậu nở màu tím thơm và rất đẹp. Tổng diện tích đất đai nhà thờ là 10.804 m2.
Đứng xa xa nhìn, nhà thờ hiện ra trên đồi đá rất thanh thoát và tuyệt đẹp. Hiện nay, sân trước tiền đường được cải tạo lại một khuôn viên cỏ xanh tươi và có những hòn đá non bộ lớn rất tự nhiên. Hiện nay, phía sau bên phải nhà thờ, công trình nhà Mục Vụ Địa phận và Giáo xứ đang được xây dựng công phu với những thiết kế phù hợp với kiến trúc nhà thờ, những hình tượng thánh giá phía ngoài tòa nhà.
Nhờ bàn tay che chở của Mẹ Maria, giáo xứ Phủ Cam đã đứng vững qua biến cố Mậu Thân 1968. Bây giờ, Giáo xứ không ngừng đổi mới về việc đạo cũng như đời, đời sống thiêng liêng ngày càng vững mạnh, sốt sắng và đạo đức hơn. Nhìn lại lịch sử gần 350 năm thành lập và xây dựng Giáo xứ, nếu không có bàn tay Thiên Chúa che chở và dẫn dắt, chắc hẳn Giáo xứ không có những phát triển rực rỡ như hôm nay. Qua đó, mỗi con dân giáo xứ phải biết cậy trông và tin tưởng vào Thiên Chúa hơn nữa, để cuối cùng nghiệm ra rằng mọi thời, mọi công trình, mọi thụ tạo trên trái đất này đều thuộc về Thiên Chúa, ngay cả lịch sử cũng thuộc về Ngài. Giáo dân phủ Cam cũng không quên ơn các vị Thừa Sai Paris, các ngài đã không quản ngại khó khăn vất vả, để đến sống, giúp đỡ, xây dựng nhà thờ và coi sóc Giáo xứ Phủ Cam. Xin Thiên Chúa trả công bội hậu cho những công đức cao dày của các ngài, thưởng các mgài sớm hưởng phúc thiên đàng, vì những công khó các ngài xây dựng nhà thờ, nhà Chúa ngay trên vùng đất Phủ Cam này.
Thầy Tađêô Trương Văn Bình
Lớp: Triết I (niên khóa 2012-2013)
Đại Chủng Viện Xuân Bích, Huế
CHÚ THÍCH.
[1] Lm Phaolô Nguyễn Kim Bính, Lược Sử Giáo Xứ Phủ Cam(1682-1982), Tổng Giáo Phận Huế, 29/06/1982, tr. 05
2Tổng Giáo Phận Huế, Lược sử các Giáo Xứ, lưu hành nội bộ 2001, tr. 48.
3 Lm Phaolô Nguyễn Kim Bính, Lược Sử Giáo Xứ Phủ Cam(1682-1982), Tổng Giáo Phận Huế, 29/06/1982, tr. 10
[4] Ibid, tr. 12.
[5] Ibid, tr. 17.
[6] Ibid, tr. 33.
[7] Ibid, tr. 64
[8] Ibid, tr. 73-74
[9] Ibid, tr. 74.
[10] Tổng Giáo Phận Huế, Lược sử các Giáo Xứ, lưu hành nội bộ 2001, tr. 50.
[11] Hồ Sỹ Hiếu Trung, Nhà Thờ Chính Tòa Phủ Cam-Huế, đăng trên tạp chí nghiên cứu, phổ biến kiến thức lịch sử – văn hoá Huế: HUẾ XƯA & NAY số 46 (6-7/2001) trang 91-93, của Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế.
[12] Ibid
[13]Ibid
Thư Mục:
- Lm Phaolô Nguyễn Kim Bính, Lược Sử Giáo Xứ Phủ Cam(1682-1982), Tổng Giáo Phận Huế, 29/06/1982.
- Tổng Giáo Phận Huế, Lược sử các Giáo Xứ, lưu hành nội bộ 2001.
- Hồ Sỹ Hiếu Trung, Nhà Thờ Chính Tòa Phủ Cam-Huế, đăng trên tạp chí nghiên cứu, phổ biến kiến thức lịch sử – văn hoá Huế: HUẾ XƯA & NAY số 46 (6-7/2001) trang 91-93, của Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế.
BÀI ĐỌC THÊM:
Giáo xứ Phú Cam có một lịch sử lâu dài, là tiêu biểu cho Tổng giáo phận Huế, Thông tin về Phú Cam tràn ngập trên mạng Internet. Con cái gốc Giáo xứ nầy có mặt khắp nơi tại Việt Nam và hải ngoại, đóng góp rất nhiều công sức cho đạo Chúa.
Hãy tra cứu tìm kiếm thêm thông tin qua Google, Yahoo… Linh mục Antôn xin giới thiệu địa chỉ trang blog
http://tranthanhnhan1963g.blogspot.com/2011/06/hue-xua-nha-tho-phu-cam.html
với nhiều hình ảnh quý về Phú Cam xưa.
Trả lời