CUỘC ĐỜI VÀ NHỮNG CỐNG HIẾN CHO QUÊ HƯƠNG,
CHO GIÁO HỘI CỦA THƯỢNG THƯ
PHÊRÔ- GIUSE NGUYỄN HỮU BÀI.
GIỚI THIỆU: Nhận thấy “bài làm” môn Lịch sử Truyền Giáo của thầy Đaminh Nguyễn Hữu Khôi, Đại chủng viện Huế có nhiều tài liệu mới, linh mục Antôn phụ trách môn nầy xin đưa lên antontruongthang.com để độc giả hiểu thêm về một nhân vật thuộc hàng danh gia vọng tộc: tổ tiên là danh thần Nguyễn Trãi miền Bắc, vào Quảng Bình có Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700 ), công lớn khai phá miền Nam. Bên đạo công giáo là con cháu thánh tử đạo Nguyễn Hữu Quỳnh… Hai vai đạo đời trọn vẹn trong một thời đại nhiễu nhương. Xin cám ơn thầy.
Mở bài:
Trải qua hơn 500 năm kể từ khi hạt giống Tin Mừng được gieo vào lòng đất Việt Giáo hội đã ghi nhận những đóng góp vô cùng to lớn của các thánh tử đạo cũng như những hy sinh âm thầm cho đức tin và vì Nước trời. Máu của các thánh tử đạo và những tấm gương hy sinh là những lời chúng sống động cho thế hệ sau noi theo. Một trong những tấm gương đó có sự đóng góp của ông Phêrô-Giuse Nguyễn Hữu Bài. Cả cuộc đời của ông được đánh dấu bằng những cống hiến tài trí, sức lực cho quê hương đất nước và cho Giáo hội Việt Nam. Ông được biết đến không chỉ là một nhà nho yêu nước, một vị quan trung tín hết lòng vì dân mà còn là một người tín hữu nhiệt thành, bao dung.
Vì vậy, trong giới hạn của những tìm tòi và hiểu biết của mình, tôi xin trình bày sơ lược cuộc đời và những cống hiến của ông Phêrô-Giuse Nguyễn Hữu Bài.
I. NGUYỄN HỮU BÀI, VÀI NÉT VỀ CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP
1. Thời thơ ấu và ơn thiên triệu
Phêrô-Giuse Nguyễn Hữu Bài sinh ngày 28-9-1863 (nhằm ngày rằm tháng 8 năm Quý Hợi) tại làng Cao Xá[1], tổng Xuân Hòa, phủ Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Mồ côi cha từ nhỏ, năm 10 tuổi cậu bé Nguyễn Hữu Bài được mẹ xin linh mục Gioan Châu làm bảo trợ và gởi vào học tại chủng viện An Ninh, bấy giờcha Francois Joseph Girard (tên Việt Nam là Hoà 1758 – 1812) vừa lên làm giám đốc thay cha Grojean vừa mới qua đời. Học giỏi, thông minh, có tài thơ văn và đạo đức nên suốt thời gian ở chủng viện Nguyễn Hữu Bài được ban giáo sư để ý, hy vọng sau này sẽ thành tài đạt đức. Chính Đức cha Antoine-Marie Louis Caspar (tên VN: Lộc) đã có lần khen: “Bài là một thanh niên tuấn tú, tương lai thành tài, đạt đức…”. Vì vậy, đức cha Antoine-Marie Louis Caspar đã gởi cậu chủng sinh đầy tương lai ấy sang học đại chủng viện Pénang (Malaysia) với mong muốn sau này cậu sẽ trở thành thợ gặt trong cánh đồng của giáo hội non trẻ của Việt Nam lúc bấy giờ. Cũng nhưở quê nhà, chủng sinh Nguyễn Hữu Bài càng học hỏi nhiều càng tỏ ra xuất sắc hơn người. Gần mười năm tu học ở Pénang (Malaysia), tức là học đến lớp văn bài (Littérature và Rhétorique) đã đào tạo cho cậu Bài một nền căn bản học vấn và đạo đức vững chắc. Nhưng không được ơn thiên triệu, hết thời hạn đèn sách, cậu trở về nước (1883). Tuy nhiên, những biến chuyển chính trị trong những năm cuối cùng đời vua TựĐức, giặc giã loạn ly, dân khổ, nước nghèo[2]… đã làm đảo lộn bao nhiêu dự tính, trong đó có cuộc đời người trai trẻ Nguyễn Hữu Bài vừa chân ướt chân ráo trở về quê hương.
2. Bước vào chốn quan trường.
Năm 1884 mới 20 tuổi (năm TựĐức thứ 36) Nguyễn Hữu Bài được triều đình tuyển bổ làm Thừa Phái nha Thương Bạc (là một chức nhỏ thuộc loại tùng sự tại cơ quan ngoại giao này của triều đình), cơ quan vừa thành lập đặc trách công việc giao thiệp với Pháp. Còn bỡ ngỡ trong trường đời, nhưng nhờ bản chất thông minh, lại có khiếu năng quan sát nhận xét tinh tế, ăn nói nhã nhặn và đứng đắn trong công việc ngoại giao hàng ngày, viên Thừa Phái Nguyễn Hữu Bài đã rút tỉa được ở đây nhiều kinh nghiệm cần thiết sau này.
Tình hình đất nước mỗi ngày một rối ren, vua TựĐức băng hà, vua Hàm Nghi lên ngôi chưa được bao lâu rồi thất thủ kinh đô, nhà vua xuất bôn và chiến tranh loạn lạc tan tác. Mọi công việc hành chánh, ngoại giao đình chỉ [3]…, viên Thừa Phái trẻ tuổi thôi việc trở về nhà như một số đông quan chức khác. Ngày 19-9-1885 vua Đồng Khánh lên ngôi, các công sở lần hồi mở cửa hoạt động lại. Nguyễn Hữu Bài trở về với nhiệm sở cũ, lần này lãnh chức Ký Lục kiêm Thông Sự.
Nhờ giỏi tiếng Pháp nên ông được trọng dụng trong việc ký kết hiệp ước bảo hộ giữa Nguyễn Văn Tường và Patenôtre ngày 6-6-1884 dưới triều vua Kiến Phước 12 tuổi. Càng đảm đương việc lớn càng tỏ ra đại dụng, người viên chức của nha Thương Bạc năm sau vì thế được cử đi thương nghị cùng phái bộ quân sự Pháp về vấn đề phân định biên giới Việt Nam – Trung Hoa ởBắc Kỳ (1886) .
Năm 1887 ông đi quân thứ, trong thời gian giải quyết vấn đề dư đảng cờ đen và quan quân nhà Thanh đóng ở miền thượng du Bắc Kỳ[4]. Bấy giờ Nguyễn Hữu Bài giữ chức vụ gì không rõ nhưng có một việc rõ ràng là trong quá trình quân thứ lâu dài ở Sơn Tây ông gặp được ý trung nhân người công giáo làng Thế Lộc, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây quý danh là Anna Nguyễn Thị Diệm. Hai người kết duyên vợ chồng việc xảy ra vào năm 1888[5]
Năm 1889 hoàng tử Bửu Lân, con vua Dục Đức lên ngôi, lấy hiệu Thành Thái (1889 – 1907). Sau gần 10 năm công vụ tại miền Bắc, trở về Huế chưa được bao lâu thì đầu năm 1896 Nguyễn Hữu Bài được vinh thăng Hồng Lộ Tự Thiếu Khanh và tháng 2 năm 1897 thăng Hồng Lộ Tự Khanh. Tháng 11 cùng năm ấy thăng Ngự Tiền Thông Sự, Nguyễn Hữu Bài hộ giá vua Thành Thái trong chuyến tuần du miền Nam[6].
Năm 1898 ông được bổ làm Bố Chánh (tam phẩm, coi việc tài chánh thuế khoá) tỉnh Thanh Hoá. Làm Bố Chánh Thanh Hóa chưa được một năm thì tháng 6 năm 1899, Nguyễn Hữu Bài được thuyên chuyển về Kinh lãnh chức Thị Lang bộ Lại (tức bộ nội vụ Ministère de L’Interieur bấy giờ rất ít quyền, chỉ coi việc bổ báo các quan chức chính phủ Nam Triều) và kiêm Thương Tá Viện Cơ Mật Huế (tam phẩm). Tài ba năng lực càng ngày càng tỏ rõ trong công vụ, tháng 7 năm 1901 ông được gia hàm Tham Tri (inscrit au tableau Tham-Tri) và đến tháng 10 năm ấy lên thực thụ Tham Tri (Vice ministre) bộ Hình kiêm Tổng Lý (Secrétaire Général) Viện Cơ Mật.
Tháng 2 năm 1902, ông lên chức Tham tri Bộ Hình (tức bộ Tư Pháp—Ministère de la Justice nhưng thẩm quyền thu hẹp trong việc xét xử nguời Việt mà thôi và đối với quan chức tư pháp của Nam Triều), nhị phẩm, và đi sứ qua Pháp. Các chức vụ Tham Tri, Thị Lang, Tá Lý là đường quan trên thuộc quan và thuộc viên
Tháng 6 năm 1906 Nguyễn Hữu Bài chính thức nhậm chức Thượng Thư bộ Công sung Cơ Mật Viện đại thần và năm sau kiêm nhiệm “Binh bộ sự vụ”. Ngày 2-9-1907 khi vua Thành Thái bắt buộc phải thoái vị! Cả triều đình im lặng tuân theo quyết định của Toàn Quyền Paul Beau và Khâm Sứ Ferdinand Lévecque. Duy nhất và độc nhất một người, với sĩ khí nho phong hiếm hoi của thời đại còn lại, Thị Vệ đại thần Ngô Đình Khả đứng lên phản việc lưu đày Vua Thành Thái, 28 tuổi, sang đảo La Réunion (Châu Phi). Kết thúc sau cùng là nhận lãnh hậu quả phải xảy đến: Ngô Đình Khả bị người Pháp quy tội đủ điều, kể cả tội “không xứng đáng với chức vụ”. Vị triều thần trọng nghĩa khí, coi thường công danh là Ngô Đình Khả bị giáng cấp xuống hàng Án Sát, cho về hưu trí tại nguyên quán Quảng Bình mà không được cấp hưu bổng.
THƯỢNG THƯ NGUYỄN HƯU BÀI VÀ CÁC ĐỒNG SỰ.
Năm 1908, Nguyễn Hữu Bài được vinh thăng Thượng Thư (tùng nhất phẩm) Bộ Công (tức bộ Công Chánh bây giờ – Ministère des Travaux Publics et de l’Équipement, hạn chế trong việc coi sóc, tu bổ, xây cất các cơ sở thuộc chính phủ Nam triều…) dưới triều vua Duy Tân (1907-1916). Những năm đầu tiên triều đại Duy Tân chưa có gì gọi là biến cố. Chỉ về sau, một sự cố quan trọng xảy ra trong năm 1908 là: Khâm Sứ Mahé hành động như một thổ phỉ, lấy tuợng vàng trên tháp Pháp Duyên chùa Thiên Mụ, đòi khai quật mộ Vua Tự Đức để lấy vàng bạc châu báu. Cụ Nguyễn Hữu Bài đó chống đối quyết liệt hành động thô bạo này và thái độ của ông đã được dân chúng ca ngợi và truyền tụng :“Đày Vua không Khả, Đào mả không Bài”.
VUA DUY TÂN LÊN NGÔI.
Năm 1916, Vua Duy Tân, mới 16 tuổi, con Vua Thành Thái, cũng bị thực dân Pháp đày sang đảo La Réunion (Châu Phi). Hoàng tử Nguyễn Phúc Bửu Đảo, con trưởng vua Đồng Khánh, lên ngôi lấy đế hiệu Khải Định (1916-1925).
Năm 1917, tân vương cảm phục tài đức của ông Nguyễn Hữu Bài, phong cho ông tước vị Phước Môn Bá (Bá tuớc).
Năm 1920, ông được phong Thái Tử Thiếu Bảo Đông Các Điện Đại Học Sĩ, Thượng Thư bộ Lại kiêm bộ Hộ (Tài chánh) sung Cơ Mật Viện Đại Thần. Với tước vịĐông Các, Cụ đã trở thành một của (bốn) tứ trụ của triều đình : Cần Chánh, Văn Minh, Võ Hiển, Đông Các. Xin lưu ý rằng các tước vị này không phải là những chức vụ (fonctions) như Thượng Thư, Tham Tri.
Năm 1922 Vua Khải Ðịnh công du nuớc Pháp Nguyễn Hữu Bài giữ chức hộ giá đại thần tháp tùng nhà vua, được dịp đi Rôma và được Đức Giáo Hoàng Piô XI tiếp kiến nồng hậu. Năm trước đó, 1921, ông đã được Đức Giáo Hoàng tặng thưởng bội tinh Pie XI với áo mũ, gươm, theo hàng Hiệp sĩ của Toà Thánh
Năm 1923, ông được thăng Thái Phó Võ Hiển Điện Đại Học sĩ, Cơ Mật Viện trưởng, với chức vụ này ông là thủ lĩnh trong bốn đại thần đầu triều làm thành “tứ trụ triều đình”. Hàm chánh nhất phẩm trong Viện Cơ Mật là cơ quan cao nhất mang tính chất tư vấn triều đình, tư vấn cho nhà vua trong chính sách, đường lối giữ nước và trị nước.
Ngày 6 tháng 11, 1925,Thừa dịp Vua Khải Định băng hà hưởng thọ 41 tuổi, hoàng thái tử Vĩnh Thụy đang còn học ở Pháp, Toàn quyền Đông Dương đòi Phụ Chính Viện ký thỏa ước ngày 25 tháng 11, 1925 chuyển giao cho quan Khâm Sứ Pháp (Résident supérieur de l’Annam) các quyền hạn còn lại của Vua; từ nay vua không được lựa chọn các vị Thượng Thư và bổ nhiệm các quan chức từ Tri Huyện trở lên. Ông Bài và Thượng Thư Trần Đình Bá phản đối nhiều lần bằng việc dâng sớ kháng nghị việc đặt một viện trưởng Hội Lý Viện Cơ Mật .
3. Rũ áo từ quan
Tháng 9 năm 1932, vua Bảo Đại về nước trực tiếp nắm chính quyền, ông dâng sớ xin từ chức về hưu trí nhưng nhà Vua có lời ban: “Trẩm mới thân chánh lần đầu, chính phải sắp đặt nhiều việc, trong thời gian này vẫn cần hiền khanh tán trợ, hiền khanh nên lưu chức chưởng”. Ngày 1.11.1932 nhà vua tấn phong cho Nguyễn Hữu Bài tước hiệu Phuớc Môn Quận Công.
Ngày 2 tháng 5, 1933 thì ông được hồi hưu và phong làm Cố Vấn Nguyên Lão. Trước khi rời Triều đình, ông giới thiệu với nhà vua ông Tuần Vũ tỉnh Bình Thuận (Phan Thiết) Ngô Đình Diệm, 31 tuổi, vào chức vụ Thượng Thư bộ Lại.
Giã từ triều đình Huế, ông trở về Phước Môn (Quảng Trị), nơi ông đã khai hoang lập ấp từ lâu. Nhưng đến đây cũng chưa hẳn là lúc an hưởng tuổi già, vui thú điền viên cùng con cháu giữa cảnh núi đồi thơ mộng. Là người vốn có tài kinh tế, muốn giúp dân chúng khai khẩn đất hoang, mở mang cải tiến nông nghiệp, tại quê nhà ông đem tất cả thì giờ, tâm lực còn lại vào công tác hữu ích nói trên.
4. Niềm vui cuối đời
Để tỏ lòng cám ơn những công nghiệp của quan Võ Hiển Nguyễn Hữu Bài đã gần nửa thế kỷ phục vụ liên tiếp bảy triều vua, Bảo Đại cho ban nhiều chỉ dụ khen thưởng và ghi công:
* Ngày mồng 4 tháng 10 năm Bảo Đại thứ 7 (1-11-1932) đã có Dụ thăng thưởng quan Nguyễn Hữu Bài tước Quận Công và quan Tôn Thất Hân lên Cần Chánh.
* Ngày mồng 8 tháng tư năm Bảo Đại thứ 8, Dụ tôn phong Nguyễn Hữu Bài là Cố Vấn Nguyên Lão (Vénérable Conseiller de l’Empire).
Khi ông Nguyễn Hữu Bài qua đời, triều đình truy tặng hàm lớn nhất của triều đình: Cần Chánh Điện Đại Học Sĩ
Để kỷ niệm một tín hữu có công nghiệp với tổ quốc và giáo hội, Tòa Thánh Rôma ân thưởng ông Nguyễn Hữu Bài các huy chương cao trọng như:
* Năm 1920 Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XV ban khuê bài Tể tướng hiệu Giáo Hoàng Pie IX
* Năm 1921, Bội tinh Pie XI (Commandeur de l’Ordre de Pie IX) với áo mũ và gươm theo hàng Hiệp Sĩ Tòa Thánh.
* Năm 1922, Đức Giáo Hoàng Piô XI đích thân trao tặng Bội Tinh Sylvestre (Grand Croix de l’Ordre de Saint Sylvestre).
* Năm 1927, toà Thánh trao tặng huân chương cao quý nhất: Nhất Đẳng Bội Tinh Hiệu Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô Cả. (Grand Croix de l’Ordre de Saint Grégoire le Grand).
Ngày 28 tháng 7 năm 1935 lúc 2 giờ 30 sáng, Nguyễn Hữu Bài đã trở về với Chúa trong bình an. Linh cữu của ông được an táng tại Phước Môn (Quảng Trị), trên một ngọn đồi thông reo bốn mùa
II. NHỮNG CỐNG HIẾN CHO QUÊ HƯƠNG VÀ CHO GIÁO HỘI VIỆT NAM – HUẾ
1. Nguyễn Hữu Bài, một nhà dinh điền
Công lao dinh điền của ông gắn liền với vùng ngũ Phước:
– Phước Môn : thuộc tổng An Thái, Hải Lăng – Quảng Trị, thành lập năm 1911. Vốn có tài kinh tế và có lòng thương người muốn giúp dân mở mang nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, cải tiến dân sinh. Ngay từ năm 1909, ông đã hướng dẫn dân chúng làm đơn xin khai khẩn đất hoang ở hai làng Tích Tường và Như Lệ thuộc tổng An Thái, phủ Hải Lăng, Quảng Trị. Nhờ đó chỉ 3 năm sau (1917) đạt thành quả to lớn : diện tích trồng tăng 969 mẫu ruộng và 1200 mẫu rừng, lập thành làng Phước Môn. Là hậu duệ của thánh tử đạo Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh nên ông rất sùng kính các thánh tử đạo Việt Nam. Vì thế, tại đây, ông xây ngôi đền kính các thánh tử đạo Việt Nam. Nguyễn Hữu Bài còn là tác giả kinh cầu các thánh tử đạo Việt Nam đầu tiên được đọc trong các nhà thờ truớc đây vào dịp lẽ kính các thánh tử đạo Việt Nam vào ngày 24-11.
– Phước Sơn : thuộc tổng Thuỹ Ba, Vĩnh Linh, thành lập năm 1919. Phước Sơn từ xưa là một vùng hoang vu đồi thoai thoải được ông khai hoang lập ấp nằm trong chương trình dinh điền “ngũ phước”.
– Phước Sa : thuộc tổng An Sá, Gio Linh, thành lập 1916
– Phước Tuyền : thuộc tổng Mai Lộc, Cam lộ
– Phước Nguyên : thuộc tông Vĩnh Linh, Quảng Trị
Ngoài ra, ở vùng cao nguyên đất đỏ giữ sông Cam Lộ và sông Thạch Hãn có một vùng gọi là làng Cùa, ông Nguyễn Hữu Bài lập Hưng Nông Sở, là khu đồn điền mới, rộng trên 10 dặm vuông. Ông mở đường mới, xe ôtô có thể chạy lên tới Cùa.
2. Phêrô-Giuse Nguyễn Hữu Bài, một tín hữu công giáo đạo đức và hào hiệp
Là một đại thần của triều đình, ông Nguyễn Hữu Bài vẫn chứng tỏ là một tín hữu công giáo đạo đức và hào hiệp, có nhiều hoạt động lớn lao phục vụ Giáo hội :
* Năm 1922 ông làm hộ giá đại thần tháp tùng vua Khải Định sang Pháp. Trong chuyến công du này, ông đến Rôma được Đức Giáo Hoàng Piô XI tiếp kiến. ông dâng lên Đức Giáo Hoàng thỉnh nguyện gồm 4 nội dung :
– Xin thống nhất sách giáo lý và các kinh đọc
– Xin ấn định chung một ngày lễ kính các chân phước tử đạo Việt Nam
– Xin cải tổ công việc huấn luyện trong các chủng viện
– Xin lập hàng giáo phẩm và cho hai người Việt Nam được học ở trường truyền giáo Roma
Toà thánh nghiên cứu kỹ thỉnh nguyện và đặc sứ Henri Lecroart Dòng Tên được phái sang Việt Nam đã triệu tập 2 hội nghị :
Hội nghị 11 giám mục Bắc Kỳ, tại Phát Diệm, từ ngày 4 đến 9 tháng 2 năm 1923
Hội nghị 7 giám mục tại Sài Gòn ngày 20-5-1925
Nội dung thảo luận của 2 hội nghị này là 4 nội dung thỉnh nguyện do ông Nguyễn Hữu Bài đã đệ đạt lên toà thánh. Kết quả là ngày 30-06-1924 bộ Truyền giáo toà thánh có hai quyết định quan trọng :
– Thiết lập Toà Khâm sứ Toà Thánh ngày 20-5-1925. Ông Nguyễn Hữu Bài tích cực hỗ trợ, quyên tiền xây cất trụ sở toà Khâm sứ Toà Thánh tại Phủ Cam- Huế. Ông dâng hiến đất và ngôi nhà làm biệt thự cho vị khâm sứ Toà thánh.
– Ban huấn thị yêu cầu các thừa sai phải nổ lực thăng tiến các linh mục bản xứ.
Nhờ thế, ngày 11-6-1933 tại Rôma linh mục G.B Nguyễn Bá Tòng được Đức Giáo Hoàng Piô XI tấn phong giám mục tiên khởi của Việt Nam.
* Năm 1918, linh mục Henri Denis (1880 – 1933) thường gọi là cố Thuận, giáo sư chủng viện An Ninh lên núi Phước Sơn lập dòng “Đức Bà Việt Nam” với tên dòng là BENOIT. Nguyễn Hữu Bài đã dâng cúng 10 mẫu đất trong vùng Phước Sơn “muốn chọn nơi nào tuỳ ý” và thường xuyên liên lạc giúp đở cho nhà dòng về lúa gạo thực phẩm trong những ngày đầu chân ướt chân ráo thầy trò lên chón rừng rú này. Cũng tại Phước Sơn, vùng đất hoang sơ đã được ông chiêu dân lập ấp, dân đến lập cư ngày càng đông, theo đạo nhờảnh hưởng tốt của tu sĩ dòng Cố Thuận. Vì vậy, ông xây một nhà thờ, lập thành một họ đạo dưới sự coi sóc của Cố Thuận.
* Năm 1924 tại Phước Môn, ông lập “Sở Dục Anh” nuôi trẻ mồ côi bất hạnh, một vấn đề nhức nhối của của xã hội Việt Nam. Tính cách nhân ái của đạo nhà nho kết hợp hài hòa với bác ái Kitô giáo được biểu hiện trong câu đối ông viết trước cổng sở dục anh:
Con thiên hạ một bầy còn đó
Của thế gian ngàn vạn xá chi
* Tư thất của ông tại Phủ Cam cũng hiến tặng cho Giáo hội để làm trụ sở dòng Sư Huynh Thánh Tâm
* Đặc biệt, Nguyễn Hữu Bài còn dâng một người con ưu tú để phục vụ giáo hội. Đó là cô con gái út, Nguyễn Hữu Thị Tài, nữ tu dòng Kín (dòng Carmel, Huế), đã qua đời năm 1995. Chị Marie Nguyễn Hữu Thị Tài sinh năm 1907, nhập đan viện Carmel, Huế năm 1926, mặc áo dòng năm 1928 trước khi vào nhà Tập với tên dòng Soeur Aimée de Marie, và tuyên khấn trọn đời (voeu perpétuel) năm 1936. Từ đó qua nhiều trách nhiệm nhà Dòng giao phó như Giám Tập, Bề Trên Dòng, nữ tu Aimée de Marie sống đời tận hiến 69 năm trong 88 năm ở trần gian.
Kết bài:
Xuất thân từ một công chức thông ngôn mưa sinh, khởi đầu giữ một chức quan nhỏ với hàm tham tri Thi lang. Trải qua 40 năm thăng quan tiến chức tột đỉnh triều đình, phục vụ các triều Tự Đức, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định… và đầu triều Bảo Đại, ông luôn chứng tỏ nhân cách đáng kính của mình. Qua cuộc đời và sự nghiệp của ông cho thấy ông là con người biết dùng năng lực tinh thần, trí thông minh mẫn tiệp, và sự cố gắng liên tục hằng ngày, để tự tạo cho mình một địa vị và sự nghiệp sáng lạn được lịch sử ghi chép lại như một tấm gương sống động các thế hệ mai sau noi theo. Ông đã kết hợp một cách hài hoà những nét đẹp của một nhà nho với tinh thần bác ái yêu thương của người kitô hữu giữa lòng xã hội. Trải qua hai cuộc chiến tranh thảm khốc, mặc dù những công trình xây dựng đã bị phá huỷ nhưng những cống hiến của ông vẫn được dân chúng truyền tụng và ca ngợi.
MỘT NẤM MỒ ĐƠN SƠ DÀNH CHO MỘT CON NGƯỜI
HẾT LÒNG VÌ TỔ QUỐC VÀ VÌ GIÁO HỘI.
Tác giả : Chủng sinh Đaminh Nguyên Hữu Khôi, Đại chủng viện Xuân Bích Huế 2012.
[1] Làng Cao Xá là nơi Nguyễn Hữu Đai, nội tổ của ông lập nghiệp
[2] Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử lược, Nxb Tân Việt, 1954, trang 486
[3] Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử lược, Nxb Tân Việt, 1954, trang 486
[4] Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử lược, Nxb Tân Việt, 1954, trang 566
[5] Nguyễn Hữu bài, Thơ nôm Phước Môn
[6] Nguyễn Hữu bài, Thơ nôm Phước Môn
LƯU Ý :TRÊN TRANG MẠNG INTERNET CÓ NHIỀU BÀI HAY VỀ NHÂN VẬT NẦY.
Trả lời