CÂY PHI LAO Ở VIỆT NAM.
AI DU NHẬP GIỐNG? NƠI TRỒNG SỚM NHẤT.
LINH MỤC JEAN HERY Y (1854- 1905)
VÀ XỨ HÀ ÚC, GIÁO PHẬN HUẾ.
PHI LAO TRÊN ĐỒI CÁT. NGUỒN INTERNET.
Cây phi lao, dương liễu, cây dương , cây thông… được trồng nhiều ở Việt Nam, nhất là miền duyên hải Miền Trung, “ Miền thùy dương bóng dừa, ngàn thông”. Cây chắn gió, chắn cát, chắn sóng, chắn bão…, cây bảo vệ xóm làng, cung cấp chất đốt…, trong chiến tranh dùng gổ che chở bom đạn… Ngày nay, cây phi lao , dương liễu “ lên đài vinh quang” với những tác phẩm nghệ thuật cao cấp giá tiền trăm triệu, tiền tỷ..Ai hồ nghi cứ lên mạng Internet mà coi, mà thưởng thức, mà kinh ngạc!.
PHI LAO CÒN LÀ CÂY CẢNH TUYỆT ĐẸP. NGUỐN INTERNET.
Riêng tôi, nhớ mãi rặng phi lao cắt thành hình khối trên bải biển đường Duy Tân (nay là Trần Phú) thành phố Nha Trang, nơi từ năm 1954 đến 1958, tôi đã sống những ngày hạnh phúc tại số 22 Duy Tân.
Tuy ngày nay trên diễn đàn cây cảnh thế giới và trong nước, người ta quen gọi là “ dương liễu Việt Nam”, thật ra nó là cây ngoại nhập. Đã là ngoại nhập thì phải có người mang đến và trồng nó. Ai? Nơi nào?
Trên trang mạng, tôi cố tìm mà không thấy ai nói đến, có ai dạy chuyện nầy ở các đại học không thì tôi không rành. Tôi chỉ biết một vài thông tin tìm thấy trên wikipedia về cây nầy, tóm tắt như sau:
RẶNG PHI LAO VÀ TRÁI, LÁ PHI LAO. NGUỒN INTERNET.
Họ Phi lao
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
“Họ Phi lao (danh pháp khoa học: Casuarinaceae) là một họ trong thực vật hai lá mầm thuộc về bộ Fagales, bao gồm 3 hoặc 4 chi, tùy theo hệ thống phân loại, với khoảng 70 loài cây thân gỗ và cây bụi có nguồn gốc ở khu vực nhiệt đới Cựu Thế giới (Indo-Malaysia), Australia và các đảo trên Thái Bình Dương. Đã có thời, tất cả các loài trong họ này được đặt trong một chi duy nhất là chi Casuarina, nhưng hiện nay chúng được tách ra thành các chi Allocasuarina, Casuarina, Ceuthostoma và Gymnostoma. Các thành viên trong họ này được đặc trưng bởi các cành nhỏ rủ xuống kiểu equisetoid (có nghĩa là “giống như Equisetum (mộc tặc) “) và chúng là cây thường xanh với cơ quan sinh sản cùng hoặc khác gốc. Rễ của chúng có các nốt sần cố định đạm chứa vi khuẩn thuộc chi Frankia.
Thầy Phao lô Nguyễn Duy Khánh, lớp thần học 1, thuộc Đại Chủng Viện Huế, niên khóa 2009-2010, quê Hà Úc, đã có công tìm tòi và phát hiện người mang cây phi lao vào Việt Nam và trồng cây nầy sớm nhất tại Việt Nam, đó là một linh mục truyền giáo thuộc Hội Thừa sai Paris ( Mission Etrangere de Paris, viết tắt là MEP).
Lúc đầu tôi hơi ngờ ngợ về sự hiện diện của vị Jean Hery nầy , không biết thực hư ra sao. Sau khi tham khảo cuốn Tra cứu danh sách các thành viên Hội Thừa sai Paris ( Répertoire des membres de la Société des Missions Etrangères de Paris, ấn hành năm 2004, tôi không còn nghi ngờ gì nữa . Jean Hery là một nhân vật có thật. Nhưng có phải ngài là người đầu tiên du nhập cây nầy vào Việt Nam và trồng tại Hà Úc, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế sớm nhất hay không, tôi không dám khẳng định. Nếu không có ai nhận danh dự nầy, người Việt, nhất là những vùng làm giàu bằng cây phi lao nên nhớ ơn ngài.
Sau đây là tiểu sử:
Linh mục JEAN HERY (1854- 1905) tên Việt là Y, sinh ngày 18-01-1854 (lại ngày 18 tháng 01, nhớ ngày các linh mục Dòng Tên đến Cửa Hàn,Touron, 18-01-1615) ở Bouin, miền Vendée, Pháp Quốc. Trên trang mạng Tổng giáo phận HUẾ ghi Mery là sai . Xem :
Ngài gia nhập Chủng viện Thừa sai Paris ngày 6/01/1877.
Thụ phong linh mục ngày 20/9/1879.
Lên đường sang truyền giáo tại Địa phận Bắc Đàng Trong ( Huế) ngày 26/ 11/ 1880. Thời cao điểm bách hại của các vua triều Nguyễn.
Năm 1882, coi sóc họ Sáo Bùn, Quảng Bình. Biến loạn kinh thành Huế dẫn đến Phong trào Cần Vương, Văn Thân, ngài thoát chết nhưng 400 giáo dân và linh mục Việt , cha Co ( Có? Cơ) bị thảm sát.
Kiệt sức, ngài được đưa về nhà dưởng bệnh Betania Hồng Kông để phục hồi sức khỏe. sau đó làm việc tại nhà in Nazareth, Hồng Kông.
Chưa ngán, lại trở về Địa phận Bắc Đàng Trong ( Huế) năm 1894 và được giao nhiệm vụ chăm sóc họ Hà Úc và các họ lân cận, một vùng cát trắng phau và nghèo khó vì toàn là dân tứ xứ bị mất hết sản nghiệp vì cơn bách hại trên 60 năm.
Năm 1902, kiệt sức và bệnh tật, Bề trên buộc phải đưa về Pháp, dưỡng sức tại Montbeton và mất ngày 14/ 8/ 1905, ngày áp lễ Đức Mẹ Hồn Xác Về Trời. Cũng là năm Quốc Hội Pháp do nhóm Cọng Hòa Cực đoan ra luật “Separation de l’Eglise et de l’Etat” ( tách bạch đạo đời) “ xơi tái” toàn bộ tài sản Giáo Hội Pháp.
Theo thầy Khánh và giáo dân Hà Úc là “ Người đưa cây phi lao từ Pháp sang trồng ở Việt Nam là Linh mục Gioan Hery (tên Việt Nam gọi là Cố Y). Phi lao được trồng trước tiên ở một vùng đất nhỏ: phía Đông là biển, phía Tây là phá Tam Giang, dọc bờ biển là những cồn cát trắng, đó là vùng đất thuộc Giáo xứ Hà Úc-xã Vinh An-Tổng Giáo Phận Huế- Việt Nam, khi Ngài làm cha sở tiên khởi Giáo xứ Hà Úc từ năm 1894 đến năm 1902”.
Việc trồng cây ở Hà Úc là có thật nhưng “ cây phi lao từ Pháp sang trồng” thì tôi không tin. Đây không phải là cây thuộc miền ôn đới, có lẻ loại cây nầy “có nguồn gốc ở khu vực nhiệt đới Cựu Thế giới (Indo-Malaysia), Australia và các đảo trên Thái Bình Dương “ như Bách khoa Từ điển mở Wikipedia, hợp lý hơn.
Xin giới thiệu bài viết của thầy Khánh và ai có thông tin gì xin làm sáng tỏ thêm đề tài nầy. Rất cám ơn.
LM ANTÔN NGUYỄN TRƯỚNG THĂNG.
NHÀ THỜ VÀ PHI LAO HÀ ÚC.
CÂY PHI LAO.
Cây Phi lao còn được biết đến với tên gọi như cây Dương liễu hay là cây Dương. Người đưa cây phi lao từ Pháp sang trồng ở Việt Nam là Linh mục Gioan Hery (tên Việt Nam gọi là Cố Y). Phi lao được trồng trước tiên ở một vùng đất nhỏ: phía Đông là biển, phía Tây là phá Tam Giang, dọc bờ biển là những cồn cát trắng, đó là vùng đất thuộc Giáo xứ Hà Úc-xã Vinh An-Tổng Giáo Phận Huế- Việt Nam, khi Ngài làm cha sở tiên khởi Giáo xứ Hà Úc từ năm 1894 đến năm 1902.
Cây Phi lao đã bám rễ và sống rất oan hùng chắn gió bão cát, đem màu xanh cho vùng đất cát khô cằn, nơi mà khó có cây gì sống được, vùng đất chết mà quê tôi thường gọi là “xứ Hà các trắng”. Cây Phi lao cứng cáp, lá xanh tươi bốn mùa. Lá khô và quả dùng để đun nấu. Thân cây mau lớn, sau 6-7 năm được thu hoạch, bán gỗ hay bán củi đều là một nguồn lợi vô tận cho tới nay. Gỗ đỏ màu xám rất rắn dùng trong xây dựng, làm than, làm củi. Từ lâu các nhà trồng cây cảnh đã trồng uốn làm cây cảnh nghệ thuật. Vỏ xám trên cành non, nâu sẫm trên cành già, chứa chất casuarin dùng để nhuộm, do có Tanin nên được dùng để thuộc da, chế với sunfat sắt cho màu đen. Tro của gỗ là nguyên liệu chế xà phòng. Và đặc biệt còn có vai trò làm nhiều phương thuốc chữa bệnh.
Từ vùng đất phá Tam Giang, cây Phi lao nhanh chóng nhân giống ra khắp các miền đất nước từ Nam chí Bắc, từ đồng bằng đến trung du, từ biên giới đến hải đảo. Ở Hà Úc lần đầu người ta phải cùi, ghép mà trồng, nhưng đã từ lâu người ta trồng bằng hạt thì dể hơn nhiều. Cây Phi lao đã mau chóng đi vào làng quê, thôn xóm của người Việt. Nơi cây Dương ở trước biển rì rào đón gió đại dương: đó là nguồn cảm hứng cho thi ca, nhạc họa.
Trong bài viết về “bài thuốc quý” có ghi: “Và không hiểu từ bao giờ và từ đâu người ta lại gọi cây Phi lao là cây Dương”. Đến với Hà Úc, nơi mà cây Phi lao được trồng đầu tiên ở Việt Nam, các bạn sẽ có câu trả lời ngay, vì ở đây ai ai cũng gọi là “Cây Dương hay Dương liễu” chứ ít ai hay không nói là không có ai gọi là cây Phi lao cả.
Giáo xứ Hà Úc cách Cố đô Huế chừng 30 km về hướng Đông Nam. Ở đây cây dương vẫn còn khá nhiều nhưng không còn nhiều như xưa. Bây giờ do làm khuôn viên nhà thờ, nhà giáo lý và một số cây tràm được trồng xen vào nên không còn rừng dương bát ngát như hồi tôi còn nhỏ (1985-1995), nhớ rất rõ là vì hồi đó tôi hay vào đây để kiếm củi và cùng các bạn nhỏ chơi đùa trong rừng dương Giáo xứ.
“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, hằng năm làng Hà Úc, người lương cũng Công giáo có xin lễ cầu nguyện cho Cố Y(Gioan Hery).
Tài liệu tham khảo:
- Bia tưởng niệm các bật tiền nhân nhà thờ Giáo Xứ Hà Úc.
- Bài cây thuốc quý trên mạng Google.
Paul. Nguyễn Duy Khánh
Lớp: Thần 1
Khóa 7, ĐCV Huế
HỘI AN, NGÀY 11 THÁNG 10 NĂM 2011.
TRỜI CÒN LÀM MƯA…MƯA TẦM MƯA TẢ.
LM ANTÔN NGUYỄN TRƯỜNG THĂNG.
PHI LAO, CÁT, HOA VÀ LÁ RAU MUỐNG BIỂN TẠI SA HUỲNH, QUẢNG NGÃI,
DỪNG CHÂN TRONG MỘT KHOẢNH KHẮC MÙA HÈ 2009.
BOUIN, TỈNH VENDEE, CỌNG HÒA PHÁP.
ĐỊA ĐIỂM, HUY HIỆU BOUIN.
Sau khi bài viết này được đưa lên Blog, tôi tò mò muốn tìm hiểu về miền Bouin, tỉnh Vendee ngày nay.
Rất may, thông tin và hình ảnh về vùng đất nầy không thiếu trên Internet.
Đây là vùng đất thánh thiện và khổ đau.
Cuộc cách mạng Pháp 1789 quá triệt để do nhóm tư sản ( bourgeois) thành phố phát động, chống nhà vua và giáo hội khiến đại đa số dân chúng vùng nông thôn và nghề biển chưa kịp chuẩn bị. Những cuộc nổi loạn và đàn áp xảy ra liên tiếp giết chết 240.000 người tỉnh nầy chỉ trong 8 năm từ 1789-1796. Thời Khủng bố (Periode de Terreur), 40.000 người đã bị hành hình. Máy chém làm việc không xuể nên họ đã đào lổ bắn chết, chôn sống, kết bè nhận chìm.
Xem http://en.wikipedia.org/wiki/Vend%C3%A9e
Đây là vùng đất thánh công giáo với thánh Louis-Marie Grignion de Montfort người phát động lòng sùng kính Đức Mẹ vào đầu thế kỷ 18, và thánh Margarita Maria Alacoque với lòng sùng kính Trái Tim Chúa Giêsu. Họ cảm thấy hạnh phúc trong cuộc sống nông tang và ngư nghiệp … do đó họ không muốn đổi thay, thường có khuynh hướng bảo hoàng , yêu mến và bảo vệ đức tin công giáo truyền thống. Trong mớ bòng bong lịch sử của các đảng phái, đứng về một phe nhóm nào là phải chịu hậu quả “ được làm vua thua làm giặc”. Đấy là bi kịch của họ . Tiếc thay lịch sử luôn tái diển cảnh nầy khắp nơi trên thế giới. Sao không biết nhân nhượng, sao không biết thương nhau, “giết người đi thì ta ở với ai”.
Đấy là chuyện xưa…bây giờ con cháu họ không còn “ bảo hoàng” mà thuộc cánh hữu “ cọng hòa”…trong số 30 đại biểu quốc hội chỉ có 6 vị xã hội hoặc “ cánh tả”.
Một vài thông tin lấy trên mạng để “xem qua cho biết”.
Hình như đức tin công giáo hiện rõ trên huy hiệu tỉnh Vendee. Cây thánh giá trên hai trái tim rổng xoắn lấy nhau. Quanh là đài tháp và hoa huệ. Phải chăng là Trái tim Chúa Giêsu và Trái Tim Mẹ? Tình yêu đạo và tình yêu quê hương kiểu Thiên Chúa và Tổ quốc lồng vào nhau.
Linh mục Jean Hery chúng ta sinh năm 1854, lớn lên dưới thời Hoàng đế Napoleon 3 nên không còn phải khốn khổ về chính trị như thời ông bà.
Nhìn làng Bouin ngày nay hiền hòa và xinh đẹp hình như không thay đổi nhiều ngọai trừ những công trình đê bao ngăn sóng biển và giàn phong điện ngạo nghễ vươn cao, tối mới hiểu ra tại sao linh mục Hery Y lại yêu mến làng Hà Úc và các làng lân cận như thế. Quê hương mới nầy cũng nghèo, cũng lam lũ vất vả chống chọi với sóng biển, bão cát…không khác gì làng quê mình.
Nhưng ngược lại cũng đầy tôm , cá, sò, hến, cua , ghẹ, mực… đến từ Biển Đông và phá Tam Giang, nguồn lợi nuôi sống họ.
Ngày nay làng Bouin dân số cũng không khác xưa bao nhiêu. Thống kê cho thấy dân làng già đi và giới trẻ cũng bị thu hút bởi “ ánh sáng đô thành”. Nhưng còn đó đàn chim hải âu, còn đó những trang trại nuôi nhuyễn thể cung cấp cho những bửa tiệc thịnh soạn ở Paris, Lyon…
Nhà nước Pháp đã phát triển phong điện tại vùng đất sớm nhất ( 2003) và năng lượng từ sức gió nầy có thể cung cấp cho 20.000 hộ dân, trong khi dân số chỉ có 2196 ( thống kê 2008), mật độ 45 dân trên một cây số vuông. Quá thưa thớt. Nếu thông tin là đúng thì thị trưởng hiện nay là ông Jean-Yves Gagneux.
PHONG ĐIỆN BOUIN, VENDẾE. NGUỒN INTERNET.
Người Bouannais ( dân Bouin) chắc chưa biết thông tin về người con quê hương là Jean Hery tên Việt là Y, trên một thế kỷ trước, đã đến Việt Nam và đã đem đến một giống cây tên là phi lao, dương liễu giúp bảo vệ duyên hải miền Trung và mang lại nguồn thu nhập lớn lao cho bao nhiêu người mãi tận đến nay.
Người Việt hiện sống tại Pháp, hãy đến thăm vùng đất du lịch Vendée, Bouin và hãy trao những thông tin đặc biệt nầy. Quý sinh viên công giáo đang học tập tại Pháp hãy đến viếng mộ ngài ở Montbeton.
HIẾU KHÁCH VÀ HẠNH PHÚC.
NUÔI TRỒNG HẢI SẢN VÀ SẢN XUÁT MUỐI.
Hy vọng chính phủ Việt Nam, nhà chức trách tỉnh Thừa Thiên, huyện Phú Vang cùng các giáo xứ vùng nầy mời Đại sứ Cọng Hòa Pháp, tỉnh trưởng Vendee, thị trưởng Bouin về Huế, về Hà Úc và nói chung các vùng bạt ngàn dương liểu tại Việt Nam, để tưởng nhớ về một người con quê hương và nếu được hổ trợ những giàn phong điện, chuyển giao ngành làm muối và nuôi nhuyển thể công nghệ cao, giúp vực dậy một vùng đất càng ngày càng cạn kiệt về thủy sản và về môi sinh ở Phá Tam Giang.
HỘI AN, NGÀY 13 THÁNG 10 NĂM 2011.
LM ANTÔN NGUYỄN TRƯỜNG THĂNG.
Trả lời