AN CHỈ MỘT THỜI.
CỘI NGUỒN HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ ĐÀNG TRONG.
Thầy Phêrô Lê văn Hùng hiện đang học lớp Thần học năm I, Đại chủng viện Xuân Bích Huế, thuộc Giáo phận Kontum nhưng gốc gác ông bà thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Giáo sư hướng dẫn môn Lịch sử Truyền giáo tại Việt Nam đã khuyến khích thầy tìm hiểu địa danh An Chỉ, rất quan trọng để hiểu về Giáo hội và Hội Dòng Mến Thánh Giá.
Bờ xe nước trên Sông Vệ tuy không còn nữa nhưng nước Sông Vệ vẫn chảy đều.
Xin cám ơn thầy và ước mong các chị em Dòng MTG trên khắp thế giới đừng quên về nguồn cội và biết đâu trong tương lai gần, An Chỉ, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi, sẽ là một địa điểm hành hương về nguồn quan trọng.
Linh mục Antôn Nguyễn Trường Thăng xin giới thiệu bài viết.
Sài Gòn 12/5/2011.
AN CHỈ MỘT THỜI
CỘI NGUỒN HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ ĐÀNG TRONG
Dẫn nhập
Giáo Hội Việt Nam đã bước đi trong truyền thống hào hùng trên 300 năm, kể từ khi thiết lập hai giáo phận tông tòa đầu tiên tại Đàng Trong và Đàng Ngoài (1659). Để có được những thành quả như ngày hôm nay, Giáo Hội ViệtNamđã phải trải qua những ngày dài lịch sử trong thử thách và tôi luyện. Cùng đồng hành ngay từ ngày thành lập ấy phải kể đến Dòng Mến Thánh Giá, được thiết lập bởi Đức Cha Lambert de la Motte, Giám mục Tông tòa địa phận Đàng Trong. Chính Đức Cha đã thiết lập dòng Mến Thánh Giá đầu tiên ở Kiên Lao thuộc Đàng Ngoài ( 1670) và dòng Mến Thánh Giá An Chỉ cho địa phận Đàng Trong ( 1671).
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta sẽ thử tìm lại những gốc tích của địa danh An Chỉ và lịch sử hình thành dòng Mến Thánh Giá tại đây. Thiết nghĩ những tài liệu về An Chỉ còn ít hoặc nằm rải rác đâu đó trong các tài liệu còn lưu trữ được, người viết với hy vọng “thu về một mối” để chúng ta có cái nhìn rõ hơn về địa danh một thời này và cũng với hy vọng đóng góp chút gì đó cho quê hương Quảng Ngãi thân yêu.
Với những ước nguyện đó, chúng ta cùng khảo cứu địa danh An Chỉ và qua việc viết lại lịch sử dòng Mến Thánh Giá đầu tiên của Đàng Trong, các thế hệ ngày nay sẽ nhận biết cha ông họ đã đón nhận Tin Mừng từ rất sớm và đã hiên ngang sống đức tin như thế nào.
Đôi dòng về Đức cha Lambert de la Motte[1]
Nói đến lịch sử dòng Mến Thánh Giá Việt Nam là phải nói đến Đức cha Lambert de la Motte, người đã có công lớn trong việc sáng lập hội dòng. Ngài thuộc Hội thừa sai Paris (MEP), được Đức Giáo Hoàng Alexandre VII gọi làm Giám Mục hiệu tòa Bérythe vào ngày 29.7.1658 và một năm sau (09.9.1659) Ngài được bổ nhiệm làm Đại diện Tông tòa cai quản Địa phận Đàng Trong Việt Nam.
Trước khi sang ViệtNam, Ngài đã thăm dòng Thăm Viếng và cầu nguyện với hai thánh sáng lập dòng là François de Sales và Jeanne de Chantal. Noi gương hai thánh, ngài đã có dự định khi đến Việt Nam sẽ đào tạo hàng Giáo sĩ bản xứ và lập Dòng nữ tu địa phương, để cả hai cùng hợp lực với nhau trong công cuộc truyền giáo. Ước mơ ấy rồi đây sẽ thành sự khi ngài truyền chức cho các linh mục đầu tiên người ViệtNamvà thành lập Dòng Mến Thánh Giá (MTG).
Ngài cùng với các cha thừa sai trải qua một cuộc hành trình dài để đến được Juthia, cựu kinh đô Thái Lan và ở đây một thời gian vì tại Đàng Trong Việt Nam đang có cuộc bắt đạo của Hiền Vương.
Năm 1665, trong tư cách là quản nhiệm tạm thời Giáo phận Đàng Ngoài thay Đức Cha Pallu, Ngài sai Cha Deydier, một thừa sai, đi trước xem xét tình hình tại địa phận này. Cha Deydier đã tập hợp lại các Thầy giảng thời các Cha Dòng Tên lại, huấn luyện thêm để có thể lãnh chức linh mục. Nhờ các cha Dòng Tên, một số thiếu nữ Việt Namđã hăng say lòng mến Chúa[2]. Cha Deydier cũng huấn luyện họ để họ có thể thực hiện ý nguyện hiến mình phục vụ Chúa và Giáo Hội. Đến năm 1669, Đức Cha Lambert de la Motte đến được Bắc Việt, công việc đầu tiên của ngài là triệu tập Công đồng Phố Hiến (14.2.1669). Chính trong dịp này ngài đã thực hiện trọn vẹn ước mơ đầu tiên của mình đó là thiết lập một Dòng nữ tại ViệtNam lấy tên là Dòng MTG mà thời ấy gọi là “Câu Rút”. Đức Cha Lambert de la Motte là vị Sáng Lập, là người cha thiêng liêng đã khai sinh bên bờ Đông Nam lục địa Châu Á, Dòng nữ đầu tiên mang bản sắc Á Châu và trực tiếp hướng dẫn công việc truyền giáo cho lương dân. Với ơn Chúa trợ giúp và xuất phát từ kinh nghiệm thiêng liêng về Chúa Kitô chịu đóng đinh làm động cơ cho ngài sáng lập Dòng MTG hầu đáp ứng nhu cầu mục vụ thời bấy giờ. Quả thực đây là một công trình vừa độc đáo, vừa phong phú, phù hợp với nếp sống văn hóa ViệtNam và nhiều nước Á Đông khác. Đây là Dòng đầu tiên mang bản sắc Á Đông, chiêm niệm và hoạt động, có lời khấn và sống thành cộng đoàn theo giáo luật, trực thuộc vị bản quyền địa phương, phục vụ và hướng về công cuộc truyền giáo.
Sau khi thiết lập Dòng MTG Đàng Ngoài, Đức Cha Lambert de la Motte vội vã trở về Thái Lan cùng với cha Antoine Bouchard. Ngài cho cha Jacques de Bourges ở lại giúp cha Deydier lo củng cố và phát triển nhà Dòng mà Ngài mới khai sinh.[3]
Từ cuối tháng 8.1671 đến tháng 3.1672, Ðức cha Lambert đi kinh lý Đàng Trong lần thứ nhất. Trong khoảng thời gian này, vào tháng 12 năm 1671, ngài đã lập Hội Dòng MTG ở An Chỉ, Quảng Ngãi. Nhà dòng gồm 10 chị, sống chung trong cùng một cộng đoàn trong ngôi nhà và vườn do bà Luxia Kỳ dâng cúng. Luật dòng của họ hoàn toàn giống với luật dòng MTG Đàng Ngoài.
Địa danh An Chỉ
Có thể nói địa danh An Chỉ ngày nay chỉ là một địa danh bình thường, thậm chí không còn được biết đến. Tuy nhiên với Giáo hội công giáo ViệtNam, nó lại mang một ý nghĩa rất quan trọng. Có thể nói, trải qua hơn 300 năm, Dòng MTG An Chỉ gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển Giáo hội ViệtNam. Đây chính là một trong những nơi đón nhận Tin Mừng sớm nhất ở Đàng Trong và là cái nôi của MTG Đàng Trong.
Dưới thời Trịnh – Nguyễn phân tranh (thế kỷ XVII) thì An Chỉ thuộc huyện Chương Nghĩa, phủ Quảng Nghĩa (Quảng Ngãi), dinh Quảng Nam. Sau khi Hồ Quý Ly lấy được vùng đất Chiêm Động và Cổ Lũy Động của nước Chiêm Thành, ông ra lệnh cho cư dân vùng Thanh Nghệ vào khẩn hoang và lập làng. Chiêm Động và Cổ Lũy Động là vùng đất Quảng Namvà Quảng Ngãi ngày nay. Đến thời Chúa Nguyễn, việc khai khẩn, lập làng được đẩy mạnh cùng với phong trào Namtiến, nhiều làng xã đông đúc bắt đầu xuất hiện. An Chỉ (ngày nay thuộc xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) nằm bên bờ sông Vệ thơ mộng, giao thông đường thủy thuận lợi vì thông ra tới biển. Việc giao thương buôn bán dễ dàng, đây là lý do tại sao vùng đất này được các Cha dòng Tên thời Cha Đắc Lộ quan tâm và cũng đã có những tín hữu kitô ngay từ đầu thế kỷ XVII (1615). Bổn đạo thời này sống rải rác quanh vùng An Chỉ, Bầu Tây, Châu Me, đây cũng là những nơi các bổn đạo đến tụ họp cầu nguyện trong các Chúa Nhật do một Thầy giảng hướng dẫn vì ở đây chưa có linh mục.[4]
Dòng Mến Thánh Giá An Chỉ
Hơn một năm sau khi từ Đàng Ngoài về đến Xiêm La (4.1670), Đức cha Lambert de la Motte quyết định đi viếng thăm mục vụ địa phận Đàng Trong (tức Nam Việt) của ngài. Ngài rời Juthia, lên đường ngày 20.7.1671, trên một con thuyền do 4 người đàn ông xứ Đàng Trong điều khiển. Cùng đi với ngài có hai thừa sai Pháp : Vachet và Mahot, và hai linh mục người Đàng Trong : Giuse Trang và Luca Bền.[5] Cha Claudiô Guiart cũng được sai vào địa phận Đàng Trong dịp này, nhưng ngài đi sau ít bữa. Đến khu vực Bình Thuận thì thuyền gặp bão, song thuyền vẫn bình yên và đi tới được Ran Ran (Phú Yên), lúc đó là ranh giới Chiêm Thành và Đại Việt.
Để tránh sự kiểm soát của lính nhà Nguyễn, thuyền đi đến Lâm Tuyền (nay là giáo xứ Chợ Mới, Nha Trang) là một xứ đạo khoảng 800 tín hữu, họ đón tiếp Đức Cha ân cần, các xứ đạo lân cận hay tin Đức Cha tới cũng tuôn kéo đến rất đông. Ngài không ở lại đó lâu, trước khi ra đi ngài để lại cha Luca Bền[6] để trông coi giáo dân của vùng Nha Trang ( và Phú Yên. Tiếp đó ngài lên bờ phía Bình Định dùng đường bộ tìm cách đến Hội An. Dọc đường đi, ngài bị đầu độc (sau khi dùng bữa tại nhà ông quan trấn Nha Ru ( Ninh Hoà, Nha Phu ?), bệnh tưởng đã không qua khỏi nên Đức Cha phải lãnh nhận Bí tích Xức dầu Kẻ liệt từ tay thừa sai Vachet. Sau khi bình phục, Đức cha cùng với cha Vachet và cha Giuse Trang trực chỉ Quảng Nghĩa, để lại cha Mahot trông coi giáo dân vùng Quy Nhơn. Ngài đã lưu lại Quảng Nghĩa hơn 2 tháng. Nơi đây có 3 họ đạo rất sốt sắng là Đức Bà An Chỉ, Thánh Gia Bầu Tây và Châu Me. Như đã nói, giáo dân vùng đất Quảng Nghĩa chủ yếu tập trung đông tại ba họ đạo này vì nơi đây nằm trên trục truyền giáo Hội An – Nước Mặn (Quy Nhơn) và vì không có linh mục coi sóc nên một Thầy giảng phụ trách một lúc 3 họ đạo này.
Nghe tin Đức cha đến thăm giáo dân vùng Quảng Nghĩa, giáo dân hết sức phấn khởi. Vùng này lúc đó là vùng dân cư đông đúc và sầm uất hơn cả. Giáo dân rất quý mến các cha, nhất là sau cái chết của hai cha thừa sai Antoine Hainques và Pierre Brindeau[7]. Được tin báo là chính quyền sẽ bắt Đức cha và giáo dân như đã bắt 300 giáo dân trước đó, Đức Cha phải lẫn tránh trong một gia đình bà góa đạo đức tên là Lucia Kỳ, gần giáo xứ Đức Bà An Chỉ. Đức cha quyết định chọn họ Đức Bà An Chỉ để lập Dòng MTG tiên khởi cho địa phận Đàng Trong[8], theo như lời thuật của thừa sai Vachet:
«Chính tại An-si[9], đang lúc cha Guiart đi Hội An sửa soạn mọi thứ cho Công đồng, Đức cha Bêritê[10] đã thiết lập một Hội dòng các chị em khấn đức khiết tịnh trọn đời, ở chung với nhau và sống dưới một chị bề trên, mặc dù họ ăn mặc theo y như kiểu cách đơn giản nhất trong xứ. Đức cha không xét thấy là cần cho họ mang lúp, ngài gọi họ là Chị em Mến Thánh Giá, và ngài trao cho họ những lề luật rất giống với lề luật mà Thánh François de Sales đã dựng nên cho các nữ tu dòng Thăm Viếng[11]. Lúc đầu, họ chỉ có tám chị em mà người đứng đầu là em ruột của cha Giuse, linh mục người Đàng Trong, tuổi là 30»
Dòng Mến Thánh Giá Đàng Trong đã được Đức cha Lambert de la Motte thành lập ra sao ?
Lúc còn ở Juthia, Đức Cha đã nhận được thư của cha Hainques (do các thiếu nữ Quảng Ngãi nhờ cha viết giùm) cho hay là có một số thiếu nữ ở đây ước muốn « tận hiến cho Thiên Chúa cách trọn hảo nhất ». Do đó khi được sự chấp thuận của bà Lucia, Đức Cha đã tập hợp các thiếu nữ ấy lại với mục đích biết rõ ý nguyện của họ và trao đổi với họ về đời sống thiêng liêng. Các chị vui mừng vì được gặp Đức Cha, xem đây như ý Chúa muốn dùng Đức cha để dẫn dắt các chị trên đường tận hiến theo Chúa. Họ xác tín mạnh mẽ ước muốn dấn thân và sống ẩn dật theo con đường trọn lành Phúc Âm.[13] Đức Cha cho các chị lãnh nhận Bí tích Giải tội, Thêm sức và tham dự Thánh Lễ và yêu cầu các chị làm tuần chín ngày kính Đức trinh nữ và Thánh cả Giuse là bổn mạng của nhóm các chị.
Đức Cha quyết định tập hợp các chị lại và sống chung với nhau tại chính nhà bà Lucia Kỳ. Sở dĩ chọn nơi đây vì là nơi kín đáo, khó khám phá và có thể tránh cuộc hôn nhân theo phong tục bản xứ. Hơn nữa là vì bà Lucia đồng ý dâng nhà cửa, khu vườn cùng của cải để lo cho các chị có nơi ăn chốn ở.[14] Có tất cả 8 chị và em gái của cha Giuse Trang được Đức Cha chọn làm chị « Tổng phụ trách » đầu tiên cho cộng đoàn Mến Thánh Giá An Chỉ. Bà Lucia Ký dâng nhà cửa cùng cơ nghiệp của bà cho tổ chức Dòng mới, Mến Thánh Giá An Chỉ.
Sau đó, Đức cha đến Hội An để triệu tập Công đồng tại đây, rồi Ngài theo đường sông trở lại Nước Mặn (Quy Nhơn) rồi từ đó trở về Xiêm La (Thái Lan). Công việc săn sóc và huấn luyện nhà dòng An Chỉ được giao phó cho Cha Guillaume Mahot.
Theo lời mời của Chúa Hiền Vương[15], Đức Cha trở lại Việt Nam trong chuyến kinh lý địa phận Đàng Trong lần 2. Cha Vachet ghi nhận : « Lợi dụng cơ hội thuận tiện, Đức cha đến thăm nhà dòng An Chỉ. Tại đây Ngài được yên ủi khi thấy các nữ tu mà Ngài đã lập dòng cho họ vẫn sống sốt sắng như buổi ban đầu, và chị em giữ luật rất cặn kẽ do Đức Cha đã trao cho họ. »[16]
Cũng trong thư của cha Vachet gởi Đức cha Lambert de la Motte ngày 16.11.1677, cha viết : « Chuyến đi cuối cùng của Đức Cha đến Quảng Nghĩa (Quannhiac) một phần là để nhận lời khấn của các nữ tu MTG, từ 3 năm nay kể từ lúc lập Dòng trong Vương quốc này, các chị kiên vững cách quảng đại trong việc giữ lề luật. Những chị kỳ cựu nhất gồm 12 chị đã được khấn trọng thể cách công khai tại giáo xứ Thánh Gia nằm ngay bên cạnh tu viện »[17]
Dòng Mến Thánh Giá An Chỉ phát triển
Cuối năm 1672, sau khi từ Đàng Trong trở về Xiêm La (Thái Lan) Đức cha Lambert de la Motte đã thành lập tại Juthia một Dòng MTG, với bản luật như tại Việt Nam.
Từ An Chỉ, sức sống Mến Thánh Giá tỏa lan khắp nơi. Sau khi nhận lời khấn của các chị tại An Chỉ, số các thiếu nữ muốn dâng mình cho Chúa ngày một tăng, họ đã xin Đức Cha cho lập nhiều cộng đoàn, và theo cha Vachet, đã có 3 cộng đoàn được thiết lập.[18]
Cuối năm 1676, thừa sai Courtaulin[19] đã tìm cách thiết lập 1 tu viện tại Lâm Tuyền (ngày nay là giáo xứ Chợ Mới, Nha Trang) và 1 tu viện ở Bàu Nghè ( An Ngãi, Quảng Nam)[20]. Những năm sau đó còn xuất hiện thêm các tu viện tại Bàu Tây, Phường Chuối, Phú Hòa (Quảng Ngãi); Hội An, Phú Thượng, Trà Kiệu (Quảng Nam); Mằng Lăng, Hoa vông, Quán Cau (Phú Yên); Diêm Điền, Gia Hựu, Thác Đá, Đồng Quả, Nước Nhỉ, Làng Sông, Gò Thị (Bình Định).
Các nữ tu cùng với linh mục thừa sai lo công việc tông đồ tại một giáo xứ truyền giáo, sống giữa các phụ nữ, lo dạy giáo lý, coi sóc nhà thờ và nhà cửa của giáo xứ, tiếp đón các khách khứa khi các thừa sai đi chỗ khác.
Việc giúp đỡ của các nữ tu đặc biệt quý giá trong thời cấm đạo. Đặc biệt trong cơn bách hại, nhà cửa các chị thường là nơi ẩn náu cho những người bị bách hại ; các chị đã lén lút vào các trại giam đem lương thực, nhất là Mình Thánh Chúa cho các Đấng anh hùng tuyên xưng đức tin ; an ủi kẻ đau khổ, nâng dậy các kẻ chối đạo. Hơn nữa, những nơi mà các thừa sai không thể tới, thì các chị mạnh dạn đi tới[21]. Vì các thừa sai là người ngoại quốc, các ngài dễ bị phát hiện, khi đi ra chỗ công cộng. Các ngài cũng không thể liên lạc thông tin với nhau. Về phần các nữ tu, các chị đi tới đi lui, mà không ai thèm để ý, vì các chị là những đàn bà trong nước. Các chị len lỏi giữa dân chúng, ăn mặc như mọi người và nói tiếng nói như bất kỳ ai trong xứ. Một trong những sứ vụ quan trọng nhất là cần chuyển tin khẩn các thừa sai muốn thông báo cho một thừa sai khác. Các nữ tu di chuyển từ làng này sang làng khác như đi chợ. Các chị đưa tin truyền cho người này sang người khác, cho đến khi tin chuyển đến người nhận tin cuối cùng.
Dòng Mến Thánh Giá An Chỉ bị thử thách
Dòng MTG Đàng Trong khởi đi từ dòng MTG An Chỉ đã phát triển và tăng trưởng không ngừng. Cùng chung số phận với toàn thể Giáo hội Việt Nam, ngay từ ban đầu dòng MTG đã phải chịu những khó khăn do vua quan ghét đạo gây ra. Chỉ 7 năm sau ngày thành lập, nhà Dòng tại An Chỉ đã bị quan quân triều đình phá tan tành.
Cuối năm 1677, tình hình an ninh quá căng thẳng, cơn bách hại ngày càng gia tăng. Các vụ vu oan giá họa hòng tiêu diệt những cộng đoàn Kitô hữu bé nhỏ tại An Chỉ và các vùng xung quanh nhất là muốn phá tan các tu viện còn non trẻ tại đây. Điển hình như vụ cháu gái của bà Lucia Kỳ tố cáo chính bà Lucia nhằm triệt hạ bà và các kitô hữu trong xứ và nhất là nhắm đến việc tàn phá hoàn toàn các chị em MTG tại An Chỉ [22]. Phần đông các nữ tu thoát khỏi cơn bách hại. Quan quân kéo đến lục soát, triệt hạ Tu viện, bắt trói bà Lucia, 2 nữ tu kỳ cựu và một số người khác. Chúng bắt họ chứng kiến cảnh chúng tàn phá bình địa ngôi nhà thờ rồi sau đó giải họ về kinh đô Huế để tra khảo và giam giữ cho đến cuối Mùa Chay mới trả tự do sau khi có sự can thiệp của Cha Mahot. Cha đã tận tâm tận tụy lo sửa sang lại những đổ vỡ vì cuộc bách hại. Có thể nói ngay từ lúc khai sinh, Dòng MTG đã phải sống dưới bóng Thánh Giá như chính tên gọi mà Đức cha Lambert de la Motte đã chọn cho Dòng.
Dòng MTG An Chỉ được tái thiết
Một năm sau (1679) – là năm Đức cha Lambert de la Motte qua đời tại Thái Lan – Cha chính J. Courtaulin theo lời chối lại của Đức Cha đã đến tái thiết tu viện An Chỉ. Tuy nhiên, phải tái thiết nhà Dòng ở đâu bây giờ. Nếu tại An Chỉ thì liệu có tránh khỏi thảm cảnh như trước đây không; còn nếu tái thiết tại Huế thì xem ra có quá nhiều nguy hiểm; còn những nơi khác thì chẳng một ai bằng lòng. Cuối cùng, Cha Courtaulin quyết định tái lập ngay cạnh nhà thờ của ngài tại Hội An và quy tụ các nữ tu ở An Chỉ tản lạc về[23]. Nhưng Hội An không phải là nơi thuận lợi cho việc tu trì. Các chị luôn phải đối phó với quan quân triều đình, thậm chí còn bị người dân ở đó hiểu lầm. Năm 1682, khi tới Hội An, Đức cha Laneau[24] đã cho phân tán 15 thiếu nữ của Tu viện Hội An thành từng nhóm nhỏ 4 hoặc 5 người và ở nhiều điểm khác nhau. Chị bề trên của họ, mỗi năm ở 4 tháng trong mỗi cộng đoàn.[25]
Các cuộc bách hại vẫn tiếp diễn triền miên. Các tu viện tại Đàng Trong phải chấp nhận thân phận « hạt lúa mì » chịu mục nát đi trong lòng đất và trông chờ một tương lai xán lạn hơn. Trong thư gởi về Thánh Bộ Truyền Giáo năm 1701, Cha Labbé đã viết: “Ở Đàng Trong, không còn tu viện nào của các nữ tu cả. Nhưng có một số phụ nữ công giáo ăn chung và sống chung với nhau theo hình thức cộng đoàn nào đó”[26
An Chỉ ngày nay
Sau nhiều lần bị bách hại, nhà thờ An Chỉ và các nhà thờ lân cận đều bị tàn phá. Ngôi thánh đường được xây dựng sau này đã bị chiến tranh tàn phá, cộng đoàn kitô hữu phân tán, hiện chỉ còn mảnh đất như là chứng tích của ngôi thánh đường xưa và có lẽ cũng là khu vực của Dòng MTG An Chỉ xưa. Hiện tại chỉ còn 12 hộ gia đình công giáo vẫn bám trụ và sinh hoạt chung với giáo xứ Châu Me cách đấy không xa.
Dòng MTG An Chỉ không còn nữa nhưng nó chính là cái nôi của Dòng MTG Quy Nhơn ngày nay. Trải qua bao cơn bách hại mà vẫn kiên tâm đứng vững, nhất là sau những cải tổ đầu thế kỷ 20, nhà Dòng đã phát triển mạnh mẽ tại nhiều giáo phận tại ViệtNam. Ngay tại Quảng Ngãi ngày nay, nhà Dòng hiện có 2 cộng đoàn (Mai Trinh và Phú Hòa).
Ghi dấu 340 năm Mến Thánh Giá An Chỉ
Mùa Chay 2011
Petrus Lê Văn Hùng
Tài liệu Tham khảo:
- Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, Documents historiques, Tome I, Paris, 1920.
- Đào Quang Toản, Mến Thánh Giá thế kỷ 17, thành lập và tổ chức, Fenouillet, France, 1998.
- Đỗ Quang Chính, Dòng Mến Thánh Giá những năm đầu, NXB Tôn Giáo, 2008.
- 4. Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, Ghi Dấu 80 Năm Hồng Ân, 1929-2009.
- Tam Bách Chu Niên Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam 1670-1970, NXB Thanh Bình, Sài Gòn, 1970.
- Lịch sử Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán, Sài Gòn 1970.
[1] Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, Ghi Dấu 80 Năm Hồng Ân, 1929-2009
[2] Tam Bách Chu Niên Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam 1670-1970, NXB Thanh Bình, Sài Gòn, 1970.
[3] Lm. Phan Phát Huồn, Việt Nam giáo sử, Q.1, trang 187.
[4] Đỗ Quang Chính, Dòng Mến Thánh Giá những năm đầu, NXB Tôn Giáo, 2008, tr.87.
[5] Đào Quang Toản, Mến Thánh Giá thế kỷ 17, thành lập và tổ chức,Fenouillet,France, 1998, tr. 39.
[6] Cha Luca Bền và cha Giuse Trang là hai linh mục ViệtNam đầu tiên của Đàng Trong.
[7] A. Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, Documents historiques, Tome I, Paris, 1920. tr. 62.
Hai cha đã hoạt động truyền giáo đắc lực ở vùng này và chết vì kiệt sức và bị đầu độc (?)
[8] Lịch sử Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán, Sài Gòn 1970, tr. 15.
[9] Tức “An Chỉ” hay “An Chỷ”
[10] Tức Đức cha Lambert de la Motte, Giám Mục hiệu tòa Bérythe, Đại diện Tông tòa cai quản Địa phận Đàng Trong Việt Nam.
[11] Hai vị Thánh này đã lập Dòng nữ Thăm Viếng năm 1610, kết hợp đời sống chiêm niệm và đời sống tông đồ ngoài xã hội. Hình thức tu như trên là điều hết sức mới mẻ trong Giáo Hội lúc đó.
[12] A. Launay, Sđd, I, tr. 96.
“ C’est à An-si, pendent que M. Guiart allait à Faifo préparer toutes choses pour le synode, que M. de Bérithe institua une Congrégation de filles qui firent voeu de virginité perpetuelle, de demeurer ensemble et de vivre sous une supérieuse, quoiqu’elles fussent habillées de même sorte de la manière la plus simple du pays; il ne jugea pas à propos de les voiler, il les appela les Amantes de la Croix, et il leur donna des règles fort approchantes de celles que saint François de Sales a adressées pour les religieuses de la Visitation; elles ne furent au commencement que huit qui eurent à leur tête la soeur de M. Joseph, prêtre cochinchinois, âgée de 30 ans.”
[13] A. Launay, Sđd, I, tr. 96.
[14] A. Launay, Sđd, I, tr. 96.
[15] Tức Nguyễn Phúc Tần, con thứ hai của Nguyễn Phúc Lan (tức chúa Thượng), sinh năm 1620, nối nghiệp chúa vào năm 1648. Dân thường gọi là Chúa Hiền. Qua đời năm 1687.
[16] A. Launay, Sđd, I, tr.197.
[17] A. Launay, Sđd, I, tr.198.
“Le dernier voyage de sa Grandeur (Mgr Lambert de la Motte) fut en la province de Quannhiac, en partie pour y recevoir les voeux de filles de la Croix qui depuis 3 ans, qui était le temps de leurs premières institutions en ce Royaume, persistaient généreusement dans l’observance de leur règlement. Les plus anciennes firent les voeux solennels publiquement dans la paroisse de la Sainte Famille qui est jointe à leur couvent qui était composé de 12 filles.”
[18] A. Launay, Sđd, I, tr.199.
[19] Cha chính của Đại phận Đàng Trong từ tháng 6.1674, đến tháng 8.1682 ngài đi Trung Hoa. Năm 1685 ngài ra khỏi M.E.P. Đức cha Mahot đã chọn cha Labbé làm cha chính thay thế cha Courtaulin.
[20] A. Launay, Sđd, I, tr.226-227.
[21] Trích Lịch sử Hội dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm – 2005.
[22] A. Launay, Sđd, I, tr.224-226.
« Une nièce de Madamme Lucie qui avait été baptisée, mais qui était assez misérable de vivre comme la plus méchante des païennes, ayant méprisé tous les saints avis de sa tant …. Son but principal était de détruire entièrement les Amantes de la Croix »
[23] A. Launay, Sđd, I, tr.227.
[24] Đại diện Tông tòa tại Juthia.
[25] A. Launay, Sđd, I, tr.228.
[26] A. Launay, Sđd, I, tr.510
THAM KHẢO THÊM.
TRÊN GOOGLE CÓ RẤT NHIỀU BÀI VỀ HỘ DÒNG MTG.
XIN GIỚI THIỆU VÀI TRANG
BÀI NGHIÊN CỨU RẤT CÔNG PHU CỦA GS ĐỖ HỮU NGHIÊM VỀ DÒNG MTG.
http://www.dunglac.org/upload/article/f__1227629326.pdf
http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=55&ia=5531
335 NĂM HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ VIỆT–NAM
Trả lời