NĂM 1959 – 1961.
CHUẨN BỊ KHAI MẠC
CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICANÔ 2.
KHÁI QUÁT:
Những lý do triệu tập Công đồng
Công đồng Vatican II là sáng kiến độc đáo của Đức Gioan XXIII do một ơn linh hứng đặc biệt, khi ngài tham dự lễ bế mạc Tuần lễ Hợp nhất Kitô hữu vào ngày 25-1-1959, tại đền Thánh Phaolô Ngoại Thành. Với tên gọi Vatican II, Công đồng thật sự muốn tiếp tục những vấn đề còn đang bàn luận dang dở của Công đồng Vatican I, vì Công đồng này phải kết thúc đột ngột vào năm 1870, khi giáo phận Roma bị sáp nhập vào vương quốc Ý.
Sáng kiến của Đức Gioan XXIII không nằm trong chiều hướng nghiên cứu các vấn đề hay lên án các giáo thuyết sai lạc như hầu hết các công đồng trong quá khứ, nhưng từ những nhu cầu thực tế và cấp bách của Giáo Hội trong thế giới đương thời, vì Giáo Hội lúc đó đang phải đối phó với những thách đố vô cùng khó khăn.
Thật vậy, thế giới đổi thay quá nhanh kể từ Vatican I. Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật cuốn hút loài người vào một viễn ảnh vật chất vô cùng tươi sáng nhưng cũng đầy những âu lo, khắc khoải với thảm hoạ chiến tranh nguyên tử, với cuộc đối đầu giữa thế giới tư bản và cộng sản, với nền văn minh hưởng thụ… Tôn giáo dường như chưa giải đáp được những vấn nạn của con người.
Trong nội bộ Giáo Hội, những xung đột, chia rẽ không ngừng xảy ra giữa các xứ Kitô giáo lâu đời. Công cuộc truyền giáo không còn đạt được những kết quả lớn lao vì chính Kitô hữu dường như an thân và thoả mãn với đời sống đạo thụ động của mình. Do đó, cần một công đồng để thực hiện cuộc đổi mới sâu xa trên toàn thể đời sống Giáo Hội, đem lại giá trị thật sự cho tư tưởng con người cũng như cho đời sống nhân loại, trong tinh thần tìm về nguồn và vâng theo Chúa Thánh Thần (x. Diễn văn khai mạc giai đoạn chuẩn bị Công đồng, AAS 59 (1960) 1004-1014).
Công cuộc chuẩn bị
Công đồng được chuẩn bị trong thời gian hơn 3 năm, từ 7-1959 đến 11-1962. Tất cả các tham dự viên đều được hỏi ý kiến, các đại học Công giáo được thăm dò về các vấn đề có thể đưa ra ở Công đồng với 2.109 bản trả lời, gồm 8.972 đề nghị. 12 Uỷ ban dự bị và 3 văn phòng làm việc không ngừng trong suốt một năm và góp về Uỷ ban Trung ương, do chính Đức Giáo hoàng làm Chủ tịch, 70 lược đồ lớn, được in thành 19 cuốn sách, gồm 2.060 trang.
Vài nét khái quát về Công đồng chung Vatican II
http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20121017/18802
TẠI GIÁO PHÂN QUI NHƠN.
“ Ngày 25 tháng 1 năm 1959, sau khi cử hành lễ bế mạc Tuần cầu nguyện cho sự thống nhất của Giáo Hội tại Đền thờ Thánh Phao-lô ở ngoại ô thành Rô-ma, Đức Giáo Hoàng XXIII đã tuyên bố quyết định khai hội Công đồng chung, giữa lúc không ai nghĩ tới. Ngài nói Ngài đã được ơn soi sáng siêu nhiên đánh mạnh như tiếng sét, và Ngài gọi Công đồng Chung là bông hoa ngẫu sinh của một mùa xuân bất ngờ”.
( Trích THƯ LUÂN LƯU SỐ 9 của Đức cha Phêrô Maria PNC, Tòa Giám mục Qui Nhơn).
1. CÔNG VIỆC CHUẦN BỊ TẠI RÔMA.
THÔNG-ĐIỆP “ĐỂ KHAI-HỘI CÔNG-ĐỒNG CHUNG”
Của Đức Giáo Hoàng GIOAN XXIII
Về việc xin cầu nguyện cho Đại-Cộng-Đồng nhân dịp lễ
Chúa Thánh Thần hiện xuống năm 1961.
——
Thông Điệp gửi các Chư Huynh Thượng phụ Giáo Chủ, Trưởng Giáo Chủ, Tổng Giám Mục, Giám Mục và các vị Chính quyền hiện còn thông hảo cùng Tòa Thánh, về việc tổ chức cầu nguyện cho Công Đồng Chung Vatican thứ II, nhân dịp lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.
GIÁO HOÀNG GIOAN XXIII
Kính gửi Chư Huynh
Lời chào thân ái và Phép lành Tòa Thánh,
Ngày từ khi quyết định việc khai hội Công đồng Chung, ngày nào Ta cũng dâng lên Thiên Chúa lời nguyện tha thiết, xin Người đổ xuống trên Giáo Hội và các vị chăn chiên nguồn ơn từ bi thương xót. Công đồng Chung thực ra là một kỳ công kiệt tác vượt quá tầm sức của loài người. Nhưng sinh lực và hiệu lực của Công đồng Chung bắt đầu từ Chúa Cứu Thế, hồi xưa trong bài huấn dụ tâm huyết cho các Tông đồ Ngài đã hứa sẽ xin Đức Chúa Cha sai đấng an ủi khác, tức là Thần Chân lý: “Người sẽ dạy dỗ chúng con mọi sự và sẽ hồi âm cho chúng con mọi điều Cha đã giảng thuyết” (Gioan, 14, 26).
Đây là lý do thúc đẩy Ta hay nhắn nhủ Chư Huynh, cũng như khuyên bảo toàn thể giáo dân, nhất là các chủng sinh, các nhi đồng, các bệnh nhân luôn luôn phải cầu nguyện, phải hy sinh, để xin Chúa toàn năng ban cho Ta sức ủng hộ và ân sủng.
Và thật Ta vui mừng nhận thức rằng đã có ơn trên ủng hộ và đã được Chư Huynh sốt sắng cộng tác. Điều mà trước kia, với lòng hy vọng vô biên, Ta đem công bố trong nội cung thánh đường “Thánh Phaolô ngoại ô” thì ngày nay đã phát triển với những hình thức bao la rộng lớn, khiến các vị Hồng Y, Giám Mục đều ca ngợi tán thành, và toàn thể giáo dân trên khắp hoàn cầu đều hân hoan. Cái mà lúc ban đầu mới nhú lên như một hạt cải thì nay đã trở thành một cây đang mùa đua nở, sai hoa sai trái, và chứa đầy hứa hẹn cho một Giáo Hội tươi đẹp.
Chúng ta hãy ca hát lòng nhân từ của Chúa, hay khiêm nhường cảm tạ Chúa vì Người đã rộng tay ban ơn xuống cho sự nghiệp vĩ đại này.
Công cuộc chuẩn bị Công đồng Chung càng xúc tiến, Ta càng cảm thấy sự cần thiết phải tăng gia lời cầu nguyện. Bởi thê, với Chư Huynh đáng kính, ý Ta muốn rằng: trong dịp lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống nay mai, theo thường lệ, sẽ có tuần chín ngày cầu nguyện, thì toàn thể Giáo Hội hãy hợp ý với Ta dâng lên Chúa Thánh Thần những lời cầu khẩn tha thiết, xin Người ban ơn cách riêng cho những vị đang có phận sự chuẩn bị Công đồng Chung, xin chính Đấng là nguồn ban nước hằng sống, là lửa, là tình yêu, soi sáng trí tuệ cho các vị đó, và tỏa xuống trên các vị đó nguồn ân sủng dồi dào.
Hãy chạy đến nhờ sự chuyển cầu vô song của Đức Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ ban phát các ơn, và ở trên trời Người là quan thày của Công Đồng Chung. Hãy kêu xin sự bầu chữa của thánh Giuse, bạn thanh sạch Đức Mẹ, và mới đây Ta đã ủy thác sự mệnh Đại Công Đồng cho Người.
Để thêm phần long trọng cho lời cầu nguyện công cộng này, Ta muốn rằng: cũng trong dịp lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống năm nay, trong nội cung thánh đường Thánh Phêrô này – nơi mà sẽ nhóm Đại Công đồng – Ta sẽ phong chức Giám Mục cho một số các vị đã được kén chọn để đi truyền bá Phúc âm trong mấy nước xa xăm.
Ta con muốn cho cổ võ và tăng thêm nhiều sáng kiến có mục đích giải thích cho giáo dân hiểu biết sự quan trọng và những mục tiêu của Đại Công Đồng.
Chư Huynh đáng kính, Ta tha thiết hy vọng rằng Thiên Chúa toàn năng và các thánh Quan thày ở trên trời sẽ nhận lời cầu nguyện của chúng ta, và Giáo Hội, đang rực rỡ trong cảnh huy hoàng, sẽ nêu lên trước thế giới một tấm gương sán lạn về sự hợp nhất, về chân lý, về bác ái; tấm gương nay chắc sẽ lôi cuốn những ai còn đang ở tình trạng chưa được ngồi trong òng âu yếm của Giáo Hội.
Chính vì tin tưởng như thế hôm nay Ta rộng tay gởi tới “Chư Huynh, cũng như gởi tới đoàn chiên đã trao cho Chư Huynh coi sóc Phép lành Tòa Thánh.
Làm tại La Mã, bên Điện Thánh Phêrô, ngày 11 tháng 4 năm 1961, tức năm thứ III Triều đại của Ta.
GIÁO HOÀNG GIOAN XXIII
2. THƯ CHUNG CHUẨN BỊ CÔNG ĐỒNG
TẠI GIÁO PHẬN QUI NHƠN.
ĐỀ TÀI :
VIỆC THAM GIA CHUẨN BỊ CÔNG ĐỒNG CHUNG
In verbo tuo, laxabo rete”
GIÁM MỤC PHÊRÔ MARIA
Nhờ ơn Đức Chúa Trời và do quyền Tòa Thánh,
Cai quản Địa phận Qui-Nhơn
Gởi lời kính thăm các Cha, các Tu sĩ nam nữ và Anh Chị Em Giáo hữu thân mến,
Ngày 25 tháng 1 năm 1959, sau khi cử hành lễ bế mạc Tuần cầu nguyện cho sự thống nhất của Giáo Hội tại Đền thờ Thánh Phao-lô ở ngoại ô thành Rô-ma, Đức Giáo Hoàng XXIII đã tuyên bố quyết định khai hội Công đồng chung, giữa lúc không ai nghĩ tới. Ngài nói Ngài đã được ơn soi sáng siêu nhiên đánh mạnh như tiếng sét, và Ngài gọi Công đồng Chung là bông hoa ngẫu sinh của một mùa xuân bất ngờ.
Tòan thể thế giới Ky-tô-giáo đã hân hoan phấn khởi đón nhận tin mừng ấy. Và cũng từ đó, Đức Thánh Cha và Giáo triều Rô-ma lấy đó làm trung điểm hoạt động. Nhất là Đức Thánh Cha hằng tỏ lòng tha thiết phi thường với công cuộc vĩ đại này. Ngài đã dâng sự sống để cầu cho Công đồng chung được thành tựu. Không biết là bao nhiêu lần, Ngài đã nhắc nhở mọi tầng lớp Giáo Hội phải cầu nguyện cho Công đồng. Và ngày 11 tháng 4 năm 1961, Ngài lại gởi Thông điệp truyền cầu nguyện đặc biệt nhân ngày Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.
Nhưng Thông điệp ấy đến với chúng ta cận ngày quá, nên tôi đã giãn đến dịp Lễ Thánh Phêrô mới thi hành. Với thư này, tôi muốn cho anh chị em có một quan niệm về Công đồng Chung, tâm quan trọng và ích lợi của nó, cùng thách thức ta phải tham gia công cuộc ấy thế nào.
I.-Khái niệm về Công-đồng Chung.
Công-đồng Chung là thể thức long trọng nhất để thi hành quyền tối thượng của Giáo Hội. Công-đồng Chung là hội nghị hàng Giám Mục hoàn cầu, do Đức Giáo Hoàng triệu tập và chủ tọa, để bàn luận những vấn để đức tin, phong hóa kỷ luật, quản trị và tổ chức Giáo sự, cũng có khi tuyên bó tín điều, ban hành luật pháp hoặc chỉ thị về đời sống Công giáo và công vụ tông đồ.
Quyền triệu tập, chủ tọa và phê chuẩn Công-đồng Chung thuộc về một Đức Giáo Hoàng. Hội viên chính thức có quyền quyết nghị trong Công-đồng là các Đức Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục chính tòa, các Giám chức bản quyền, các Bề trên Dòng giáo sĩ v.v…
Lần họp sắp tới đây sẽ có tới 2.800 vị.
Ngoài ra, nhiều Thần học gia và Giáo luật sĩ cũng được triệu tập với tư cách cố vấn, giống như giám định viên trong các hội nghị quốc tế. Sau hết, đại biểu các giáo phái ly khai có thể được chấp thuận tham dự với tư cách quan sát viên. Vì Công đồng không che đậy gì cả.
Không kể Công đồng Gieerrusalem, đã nhóm họp năm 51 thì đến nay dã có 20 Công đồng Chung, tính trung bình mỗi thế kỷ một lần hội. Công đồng thứ I họp tại Ni-xê năm 325, luận về Thần tính của Chúa Giê-su, với 318 Giám mục tham dự. Công đồng chót họp tại Vatican, 1869-1870, với 700 hội viên luận về sự tương quan giữa lý trí và đức tin, và nghiên cứu về bản chất của Giáo Hội, trong đó đã tuyên bố tín điều và quyền tối thượng và ự vô-ngộ của Đức Giáo Hoàng khi Ngái lấy quyền tối cao mà tuyền dạy điều gì.
Công-đồng Chung sắp tới cũng nhóm tịa Vatican, trong Đền thờ Thánh Phê-rô, nên gọi là Công đồng Vatican II.
II.-Ích lợi và quan trọng của Công-đồng Chung.
Đành rằng Đức Giáo Hoàng có ơn vô ngộ và giáo sự, nhưng ơn ấy không chuẩn cho Ngài việc nghiên cứu, điều tra vấn đề tường tận. Nhưng còn ai có tư cách giúp Ngài việc ấy cho bằng các Giáo Chủ rải rác khắp hoàn cầu, hằng ngày xúc tiếp với các giáo đoàn và thế giới ? Hơn nữa, vào Cồng đồng, các vị đó cũng được thông phần ơn vô ngộ của Đấng kế vị Thánh Phê-rô. Vì thế, Đức Giáo Hoàng gọi Công đồng là Lễ Hiện xuống mới, đổ tràn trề ơn phước trên Giáo Hội để thông ra một nguồn sống mới, hầu canh tân mặt địa cầu ! Có đọc lịch sử Giáo Hội, ta tất nhận thấy ảnh hưởng lớn lao của các Cồng đồng Chung, mà thêm lòng tin tưởng vào biến cố vĩ đại mà ta sắp được hanh hanh tham dự và chứng kiến !
Mục đích chính yếu của Công đồng là cổ võ sự thăng tiến và canh tân phong tục, và thích nghi giáo kỷ với những nhu cầu thời đại. Không ai không nhận thấy sự biến chuyển quá mau lẹ của đời sống từ mấy chục năm gần đây. Thời mới có những tư tưởng mới, những phong tục mới cần phải đem đõi chiếu với nguyên tắc vĩnh tồn của Thánh giáo để xét đoán, rồi luận phi hoặc thừa nhận. Và thời nào thì kim cương ấy, thời thế mới cũng đòi hỏi những biện pháp mới, những thích nghi mới, nhất là trên bình diện mục vụ và lễ nghi.
Ngoài ra, Công đồng Chung cũng muốn bắt nhịp cầu thông cảm cho các Giáo Hội ly khai (Chính thống, Tin-lành) trở về hợp nhất trong lòng Giáo-Hội Công-Giáo. Tin mừng ấy đã được anh em ly khai đón nhận cách vô cùng phấn khởi đầy hy vọng.
Công việc chuẩn bị đã được xúc tiến mạnh mẽ và rộng rãi. Sau khi đã thu nhập và phân loại ý kiến của các Giám Mục và Đại-học công giáo hoàn cầu, Đức Thánh Cha đã trao việc nghiên cứu các vấn đề cho 10 ủy ban và 2 văn phòng phụ trách, gồm trên 700 Vị. Chính Đức Giáo Hoàng là linh hồn thúc đẩy công cuộc, đến nỗi vị Bí thư của Ngài đã nói: “Mỗi ngày Đức Thánh Cha chuẩn bị khai mạc Công đồng Chung, cũng như mỗi ngày Ngài chuẩn bị hành lễ vậy” (lời Đức Cha Capovilla).
Công đồng Chung sẽ là biến cố vĩ đại nhất của thế kỷ XX, chẳng những cho Giáo Hội mà cho cả hoàn cầu nữa.
III.-Cách-thức Tham gia Công-đồng Chung.
Thưa các Cha.
Anh Chị Em Giáo hữu thân mến.
Ta phải tham gia công cuộc trọng đại ấy thế nào ?
1.- Trước hết, ta nên nhận định, Công đồng Chung là việc chung của toàn thể Giáo Hội, không phải của riêng cho Đức Giáo Hoàng và hàng Giám Mục, vì nó sẽ đem nhiều ơn ích lớn lao cho mọi người, giáo sĩ cũng như tu sĩ và giáo dân. Vả hết thảy anh chị em đều sẽ hiện diện trong Công đồng bằng sự hiện diện của Giám mục mỗi Địa phận. Vì là Chủ giáo, Giám mục địa phận sẽ minh chứng với Công đồng về đức Tin và kỷ luật của Giáo khu mình, sẽ trình bày với Công đồng những ước vọng và thỉnh nguyện của Giáo hữu Địa phận mình.
Vì thế anh chị em chớ tưởng Công đồng là việc riêng của hàng Giám Mục, không hệ gì đến anh chị em. Không, anh chị em cần phải sốt sắng tham gia.
2.-Anh chị em tham gia bằng cách lưu tâm theo dõi sự tiến triển của Công đồng và mở rộng tâm hồn sẵn sàng đón nhận những quyết định sẽ ban bố, mà nhiệt liệt thi hành. Anh chị em còn có thể tham gia bằng cách đưa ra những y kiến xây dựng gởi về Tòa Giám Mục. Hy vọng sẽ nhìn được nhiều ý kiến của hàng giáo sĩ và cũng như của giáo dân để trình bầy với Cồng Đồng !
3.-Nhưng cách tham gia phổ cập, và hữu hiệu hơn hết là hằng ngày cầu nguyện cho Công đồng Chung theo ý Đức Giáo Hoàng. Như trên đã nói, không bỏ qua dịp nào mà Đức Giáo Hoàng không nhắc nhủ phải cầu nguyện cho Công đồng Chung được kết quả. Ngài đã phú thác nó cho Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Giáo Hội, cho Thánh Giuse, Quan Thầy Giáo Hội, và ngày gần đây, Ngài lại phú thác cho Chúa Thánh Thần nữa. Vì thông điệp đến cận ngày quá, tôi quyết định Địa phận ta sẽ tổ chức cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng vào lễ Thánh Phêrô tới đây. Tôi đã chọn Thánh Phêrô vì Ngài là đệ nhất Giáo Hoàng, và Công đồng sẽ diễn ra trong Thánh điện ở cạnh mồ Ngài. Hai ngày Chúa Nhật 25 tháng 6 và mồng 2 tháng 7 d.l. sắp tới, các Cha sẽ đọc thư này và thông điệp Đức Giáo Hoàng kèm theo rồi giải thích cho giáo dân và thúc giục họ năng cầu nguyện cho Công đồng. Sau khi dâng Minh Máu Thánh Chúa, sẽ đọc kinh cầu cho Công đồng do Đức Giáo Hoàng đã soạn (xem Bản Thông tin số 18 trang 4) ; nơi nào không đọc dược thì đọc 6 kinh Lạy Cha, Kính Mừng và Sáng Danh.
Ban chiều, ngày 2/7/1961, Kính trọng thể Lễ ông Thánh Phêrô và Phaolô sẽ đặt Mình Thánh Chúa chầu một giờ trọn; ngoài các kinh thường lệ, cũng đọc kinh cầu cho Công đồng trước khi hát Tantum ergo. Và từ nay đến khi chấm dứt Công đồng, tại các nhà thờ có Cha làm lễ, giáo hữu sẽ đọc 1 Kinh Lạy Cha, 1 Kinh Kính Mừng sau khi dâng Mình Máu Thánh Chúa, về ý nói trên.
Thưa các Cha và Anh Chị Em thân mến,
Ta phải sống đời sống của Giáo Hội, và lúc này phải tập trung nghị lực và lời cầu nguyện vào trọng tâm điểm của Giáo Hội, là Cộng đồng Chung. Nhờ sự tham gia nồng nhiệt của mọi tầng lớp, Công đồng Chung tất sẽ thành tựu, đem đến một mùa xuân mới cho Giáo Hội, và hoàn cầu, hứa hẹn những hoa trái thánh đức và hòa bình cho sáng danh Chúa cả trên trời và bình an cho loài người dưới đất.
Làm tại Tòa Giám Mục Qui Nhơn, ngày 8 tháng 6 năm 1961
Phêrô M. PHẠM-NGỌC-CHI
Giám-Mục Qui-Nhơn
NGUỒN : THƯ LUÂN -LƯU SỐ 9 và Thông điệp Đức Giáo Hoàng
Tòa Giám mục Qui Nhơn Tham – gia việc chuẩn – bị CÔNG-ĐỔNG CHUNG)
LÊN MẠNG INTERNET NGÀY 30 THÁNG 10 NĂM 2014
LM AN TÔN NGUYỄN TRƯỜNG THĂNG, ĐÀ NẴNG.
1961
Trả lời