CUỘC HÀNH HƯƠNG THÁNH ĐỊA
THÁNG 12 NĂM 1962
CỦA MỘT SỐ NGHỊ PHỤ
TRONG ĐÓ CÓ 8 VỊ VIỆT NAM
(PHẦN I, TỪ NGÀY 9/12 ĐẾN 12/12/1962))
Sau khi Khóa I Công đồng Vaticanô 2 kết thúc. Một số nghị phụ mong muốn hành hương Thánh địa trước khi trở về Giáo phận mừng lễ Giáng Sinh, 8 vị Giám mục Việt Nam ( miền Nam) đã ghi danh. Các nghị phụ chia thành hai nhóm: nhóm I lên đường ngày 9 tháng 12 gồm 71 vị và nhóm II sẽ đi vào ngày 10 tháng 12 gồm 67 vị. Đức thánh cha Gioan 23 biết tin trên rất hài lòng nên ban cho làm lễ… “bất cứ giờ nào”. Nên nhớ công cuộc cải tổ phụng vụ chưa bắt đầu. Đức cha Phêrô Maria kể lại tỉ mỉ các chi tiết giúp chúng ta hiểu rõ các diển biến. Vào năm 1962, Jerusalem còn trực thuộc nước Jordan, nên thay vì máy bay đáp xuống phi trường Tel Aviv như hiện nay, nhóm các ngài lại đáp xuống phi trường Amman. Tháng 7 năm 1997, nhóm sinh viên già của linh mục Antôn cũng “du…học” (voyage d’étude), hành hương Đất thánh 21 ngày, các địa điểm vẫn còn đó nhưng so với chuyến đi của các Nghị phụ có nhiều khác lạ. Ngày nay, 2014, chắc còn nhiều sự lạ khác…Mong các vị đã hoặc sắp hành hương Đất Thánh đọc kỹ diễn tiến chuyến đi cácH đây 52 năm của Đức cha Phêrô Maria mà so sánh…
–— Trên đường từ Roma đi Giêrusalem (9-12-1962)
Trong lúc tại Đền thờ ông Thánh Phêrô Đức Giáo Hoàng đang chủ tọa cuộc Phong Thánh cho ba Vị, Chân Phước Eymard, Pucci và di Camporosso thì chúng tôi sửa soạn lên đường đi viếng Thánh Địa. Cuộc hành hương này do Pelegrinage Paolini tổ chức riêng cho các Nghị Phụ Đức Thánh Cha nghe tin đó lấy làm hài lòng đã ban phép lành đặc biệt cho các người đi dự cuộc và ban nhiều đặc ân : chẳng hạn như làm lễ bất cứ giờ nào v.v.
Vì số Nghị Phụ xin đi khá đông, nên đã phải tổ chức làm 2 nhóm : nhóm I đi ngày 9-12 có 71 Vị, nhóm II đi ngày 10-12 có 67 Vị. Nhóm I “San Salvatore” bắt đầu viếng Giordania trước, nhóm 2 “Santa Maria” viếng Israel trước để đến ngày 14-12 thì hai nhóm gặp nhau ở Giêrusalem. Tất cả các Giám Mục Việt Nam chúng tôi là 8 người, (Đức Cha Saigon, Đalạt, Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên, Lê Hữu Từ, Trương Cao Đại và tôi) đều ở trong nhóm thứ I San Salvatore.
Quãng gần trưa ngày 9-12-1962, chúng tôi bỏ khách sạn Piccadilly đến Trung Tâm du lịch ở ngay trước Công Trường Đền thờ Thánh Phêrô, để lãnh giấy tờ. Lúc gần tới nơi, lễ phong Thánh vừa bế mạc, nên các đường phố chung quanh lại bị nạn “đút nút” như ngày khai mạc Công Đồng do những xe cộ và những giáo hữu, dự lễ trong Đền thờ cuồn cuộn tuốn ra. Mãi 1 giờ trưa chúng tôi mới tới nơi, vội vàng lấy giấy tờ xong lên xe ca để đi sân bay Ciampino, xa Roma chừng 20 cây số.
Ngay từ đầu chúng tôi đã thấy cuộc hành hương tổ chức chu đáo, vì đi đến đâu có người giải thích đến đó.
Ra khỏi khu vực Đền thờ ông Thánh Phêrô, đang lúc đi con đường bên bờ sông Tibrê, thì người giải thích chỉ cho chúng tôi : chỗ kia là Cù laoTiberrina, trong nhà thờ có xác ông thánh Batolomeo, có nhà Mẹ và nhà thương các Thày Dòng Bệnh viện Thánh Gioan Thiên Chúa, chỗ này là đền kính nữ thần Vesta (đã trên 2000 năm mà còn tồn tại) rồi cứ tiến đi qua đồi Palatino có Đền của Nêron, qua Campidoglio ở dưới có ngục Mamertina nơi giam giữ Thánh Phêrô và Phaolô ; rồi qua đường Appia cũ lát toàn bằng thứ đã vuông chật hẹp nhưng đầy ghi tích lịch sử : đâu là hang toại đạo Thánh Callixto, Thánh Sebastiano, bà thánh Prisca, đâu là nhà nguyện Quo Vadis, tục truyền là nơi Chúa Giêsu vác Thánh giá hiện ra với Thánh Phêrô lúc ông này thấy cơn bách đạo dữ tợn thì toan trốn khỏi Roma. Phêrô hỏi Chúa : “Thầy đi đâu ?” Chúa Giêsu đáp : “Thày vào thành Roma để chịu chết một lần nữa” Phêrô hiểu là Chúa Giêsu muốn mình ở lại nên đã trở về Roma và đã chịu chết vì đạo tại đó . . .
Đang lúc đi đàng có người cứ nhắc lại những câu chuyện lịch sử đầy ý nghĩa như vậy, làm cho chúng tôi hứng thú. Không mấy chốc đã tới phi trường Ciampino. Xong các thể thức giấy tờ thường lệ, chúng tôi lên máy bay và đúng 3 giờ chiều cất cánh. Chúng tôi đọc chung với nhau Kinh nhật một rồi hát kinh Lạy Nữ Vương rất vui vẻ sốt sắng. Một lúc sau máy bay cứ ven bờ biển nước Y để trực chỉ Amman (kinh đô Giordania). Lúc qua Nettuno người giải thích cũng chỉ cho chúng tôi và bảo ở đó có Vị Thánh nữ tân thời đã chết vì đức khiết trinh (Thánh Maria Goretti), rồi qua Napoli, Vesuvio, Capri . . . Lúc bay trên nước Hy Lạp, linh mục hướng đạo đọc cho chúng tôi một đoạn thư Thánh Tông đồ gởi cho giáo hữu Corintô . . . Rồi qua Nhã Điển, gò Cypro . . . Lúc đang bay trên Địa Trung Hải chúng tôi lần chuỗi chung với nhau, và không mấy chốc đã bay trên Beyrouth (thuộc Lyban nơi có những gỗ hương nam quí báu), qua Damasco (nơi Chúa đã hiện ra với Thánh Phaolô và làm cho người bắt đạo dữ tợn đó trở nên Tông Đồ hăng hái).
Sau 6 giờ bay, tức 9 giờ Roma (10 giờ Giordania) máy bay tới phi trường Amman, chúng tôi lại cùng nhau hát bài Lạy Nữ Vương và 3 Kinh sáng danh để tạ ơn Chúa và Mẹ đã đem chúng tôi đi bằng an.
Mặc dầu là Hồi Giáo, Chánh Phủ Amman đã ủy người đại diện để cùng với Giáo quyền địa phương ra đón chúng tôi tại phi trường.
Họ tử tế quá, đã miễn cho chúng tôi hết các thể thức giấy tờ và khám soát đồ đạc. Chúng tôi cứ 5 người lên 1 chiếc taxi đi từ Amman đến Giêrusalem. Sau độ 1 giờ rưỡi, qua những cánh đồng hiu quạnh và những đồi núi trơ trọi, buồn thiu, chúng tôi tới Thành Thánh Giêrusalem quãng nửa đêm Roma (1 giờ đêm Amman).
Vào khách sạn Casa Nova của các Cha Dòng Phanxico — những người có nhiệm vụ coi giữ Đất Thánh, các Cha ra đón chúng tôi niềm nở . . .
Sau khi đã phân phối nơi làm lễ sáng mai hoặc tại Mồ Thánh (Calvario), hoặc tại vườn Giếtsimani, hoặc tại nhà thờ San Salvatore . . . rồi ai nấy lãnh phòng (cứ 2 người một phòng) đi ngủ . . .
–— Giêrusalem (10-12-1962)
Một đêm ngủ ngon vì khí trời lạnh và khô . . . Sau khi đã làm lễ, lót lòng, chúng tôi bắt đầu đi viếng các nơi trong Thành Giêrusalem.
Trước hết là Mồ Thánh. Từ Casa Nova, chúng tôi xếp hàng đôi, bắt đầu hát ca vịnh “Laetatus sum in his quae dicta sunt mihi, in domum Domini ibimus”, rồi bài “Lauda Jerusalem Dominum, lauda Deum tuum Sion” !. . .
Đến trước nhà thờ Mồ Thánh, Cha hướng đạo đọc đoạn Phúc Âm nói về Chúa Giêsu lúc đã bị án tử phải vác khổ giá mình đến nơi gọi là Golgotha và chịu đóng đinh trên núi Sọ . . .
Một số đông dân chúng cùng với Cha Tu viện trưởng, người “coi giữ Thánh Địa”, với các tu sĩ nam nữ và các chủng sinh lớn bé ở Giêrusalem y phục chỉnh tề, đứng trước sân Nhà thờ đón chúng tôi. Để tỏ sự vui mừng vì là lần đầu có một số đông Giám Mục như vậy tới Giêrusalem, nên Cha Chủ sự không cẩm được sự cảm động, đã xướng kinh Te Deum. Mọi người vừa tiếp theo vừa tiến vào nhà thờ. Cha Tu viện trưởng nói ít lời chào thăm các Quí Vị hành hương và dâng hai bó hoa : 1 cho toàn thể hàng Giám Mục thế giới mà các Vị hành hương là đại diện sau khi đã họp Công Đồng Khóa I vừa xong, và 1 dâng Đức Thánh Cha để tỏ lòng ngưỡng mộ…
Rồi chúng tôi tiến vào Mồ Thánh, trước hết là Nhà nguyện Thiên Thần (nơi thiên thần vần hòn đá lấp cửa Mồ ngồi lên trốc và bảo các Bà : “ Giêsu Nazarét mà các bà tìm, Ngài không còn ở đây nữa mà đã sống lại . . .) Rồi cứ từng 4 Vị vào tận trong Mồ, nơi xác thánh Đức Chúa Giêsu nằm từ chiều thứ 6 đến sáng Chúa Nhựt Phục Sinh. Ai tả được sự cảm động chúng tôi lúc đó ? Nhiều Vị khóc ròng và khăn tay cứ lau nước mắt ! Cũng không lạ, vì ở đây, nơi táng xác Chúa, cũng là nơi Chúa sống lại: Chúa sống lại đó là nền tảng Đức Tin người Công Giáo, như lời Thánh Phaolô đã nói và đây là trung tâm của các Giáo hữu Kitô khắp hoàn cầu.
Viếng Mồ Thánh xong, chúng tôi chia ra làm 4 nhóm : nhóm tiếng Ý nhóm tiếng Pháp, nhóm tiếng Anh và nhóm tiếng Tây Ban Nha : có những người hướng đạo chuyên môn sẽ giải thích bằng các thứ tiếng đó.
Chúng tôi đi viếng bàn thờ “Hiện ra”, cách Mồ Thánh chừng 5 thước, nơi Chúa Giê su hiện ra đầu hết với Madalena, rồi cứ đi vòng vòng qua nhiều bàn thờ, đến nhà nguyện thánh Helena, nơi khổ giá của Chúa Giêsu và của 2 người kẻ trộm bị vứt bỏ đó sau khi đã tháo xác và đã bị vùi lấp. Đến đời Hoàng đế Constantino tha đạo, bà Quốc Mẫu Hêlêna đã cho đào lên nhưng 3 thập giá giống nhau không phân biệt được cái nào của Chúa Giêsu.
Sau khi để hai thập giá trên mình một người bệnh gần chết, không thấy công hiệu ! Để thập giáo thứ 3, người bệnh được khỏi tức thì, nên ai nấy đều nhận đó là Thánh Giá thật Chúa Giêsu — Nhà nguyện thánh Hêlêna là để kỷ niệm việc đó và nơi đó.
Rồi chúng tôi trèo thang, lên cao độ 5, 6 thước đến chính Golgotha nơi Chúa Giê su chịu đóng đinh. Ai nấy quá cảm động quì sụp xuống đọc kinh và hát Adoramus Te . . . rồi lẳng lặng cầu nguyện ở chính nơi Chúa Trời đất đã chịu chết để cứu chuộc nhân loại . . . Người ta còn chỉ nơi chôn Thánh giá và cái đường núi nứt rạn khi Chúa tắt thở lúc mà trời đất động địa, núi non là đã vỡ ra tan tác . . .
Tất cả buổi sáng chúng tôi quanh quẩn tại đồi Calvario viếng hết chỗ này đến chỗ khác, rồi gần trưa mới về Casa Nova dùng cơm.
— Giếtsimani
Chiều 10-12-1962 chúng tôi viếng vườn Giếtsimani cách xa Mồ Thánh độ non cây số. Đến cửa vào vườn, chúng tôi sắp hàng từ từ tiến đi một cách cung kính. Linh mục hướng dẫn lại đọc một đoạn Phúc Âm kể chuyện Chúa Giêsu sau khi ăn bữa tối với các môn đệ xong đã vào vườn nầy cầu nguyện và bị bắt . . . Thế rồi chúng tôi bắt đầu viếng : trước hết là Hang hấp hối, hiện giờ có ngôi thánh đường xinh xắn bọc lấy cả chỗ đó. Thánh đường này do tiền công đức của các giáo hữu hoàn cầu mà được xây cất, nên cũng gọi là Nhà thờ các dân. Lần lượt chúng tôi ra Vườn cây dầu chính nơi chúa Giêsu đem 3 môn đệ (Phêrô, Giacobe và Gioan) đi với, để các ông an ủi Ngài trong cơn sầu não hấp hối. Nhưng các ông cứ ngủ . . . Hiện nay còn 8 cây dầu cổ thụ, tương truyền là đã chứng kiến lúc Chúa Cầu nguyện và hấp hổi trong đêm ấy . . . Chúng tôi mỗi người lấy mấy lá làm kỷ niệm. — Rồi ra khỏi vườn chúng tôi vào Hang Giếtsênani, là nơi kín đáo rộng rãi, khoét sâu vào núi đá, Chúa Giêsu quen đem các Tông đồ vào đó để dạy dỗ thân mật, hoặc ngủ đêm và nhất là để cầu nguyện.
Bên cạnh có Nhà nguyện Đức Bà hồn xác lên trời, tương truyền Đức Mẹ tắt thở đoạn thì an táng tại đó nhưng nhờ đặc ân Thiên Chúa, Người đã lên Trời cả hồn và xác.
Cha hướng dẫn chúng tôi giải thích : chắc phần đất ấy cũng như Khu Giếtsimani phải là tư hữu của ông bà Gioakim hoặc của bà con nào của Đức Mẹ nên Chúa Giêsu mới năng lui tới và xác Đức Mẹ mới mai táng tại đó.
Ra ngoài đàng quay mặt về hướng tây thì thấy ở trên là khu Đền thờ Giêrusalem cũ (nay là chùa Mahômét) dưới là lũng Cédron nơi Chúa Giê su bị giải đến nhà thầy cả Anna và Caipha. Bên tay trái có mồ Absalon và gần đó là nghĩa địa chôn xác người chết, quen gọi là Đồng Giosaphát.
–— Nhà thờ Bà Thánh Anna.
Chúng tôi theo con đường phía tay mặt để đi viếng Nhà thờ bà thánh Anna. Lúc vừa qua cửa ông thánh Xitephanô, chúng tôi gặp ngay một đám táng. Mặc dầu là người Công giáo, quan tài (hòm) người chết do 4 người khiêng đi bằng tay, ván thiên (nắp) không đậy, nên trông thấy người chết ở trong rõ ràng . . . Do phong tục đó chúng tôi hiểu ngay câu chuyện kể trong Phúc Âm lúc Chúa gặp người ta đang đem chôn xác một chàng thanh niên, con một của người đàn bà góa. Ngài bảo đô tùy ngừng và truyền cho chàng thanh niên sống lại ngồi lên . . .
Còn Nhà thờ bà thánh Anna đồ sộ ngày nay tức là nơi gia đình ông Gioakim và bà Anna đã ở (trong hang dưới đất) ngày xưa, và là nơi Đức Bà Maria đã sinh ra. Khi khôn lớn Đức Bà mới ở Naxarét, chính là nơi gọi là Hang đá Truyền Tin (nhà người Do Thái nghèo, xưa cũng như nay, thường là một hang, hoặc tự nhiên hoặc nhân tạo, khoét vào núi đá).
Ở ngay bên cạnh có Bể chiên (Piscina probatica) có 5 cửa, ngày xưa dùng làm nơi chứa nước cho cừu lừa uống. Đời Chúa Giê su, hằng năm có 1 ngày thiên sứ hiện xuống đánh động nước và ai trong các bệnh nhân (mù, què . . .) nằm chờ đó xuống trước hết thì được khỏi . . .— Chỗ này người hướng đạo đọc cho chúng tôi đoạn Phúc Âm Chúa chữa người bất toại đã 38 năm … — Chúng tôi đi xem rất lâu khu vực này hiện còn đang khai phá để tìm các di tích cổ. Có khi phải đào xuống sâu đến 2, 3 mươi thước : công trình vĩ đại và tốn kém do các Cha Trắng (Pères Blancs) đảm nhiệm.
Rồi đi một tí nữa là đến khu vực Đồn Antonia, một đồn lính La mã canh gác nhất là các ngày đại Lễ Do Thái và cũng là dinh thự của Tổng Trấn La mã xưa. Philatô đã xử án Chúa nơi này. Trước hết chúng tôi vào một sân rộng mỗi bề chừng 50 thước, người Hy Lạp gọi là Lithostrotos, Do Thái kêu là Gabbata, chính là nơi quân lính cười nhạo Chúa Giê su, mặc áo đỏ, đội mạo gai và trao phủ việt cho Ngài như một ông vua giả … — Hết mọi người quì xuống lặng suy ngắm một hồi. Có các Bà Dòng “Đức Bà Sion” tiếp đón và giải thích từng chi tiết cho chúng tôi.
Rồi ra ngoài chúng tôi đi thăm Nhà nguyện đánh đòn, Nhà nguyện tuyên án 2 nơi kỷ niệm 2 việc Phúc Âm thuật lại Chúa bị đánh đòn và bị lên án tử. Ở ngoài đàng đi, còn giữ lại một cái cửa tò vò trên có chỗ đứng, tương truyền đó là nơi Philatô đem Chúa Giê su ra trước mặt dân mà nói : “Này là người” (Ecce Homo).
Trời đã tối, chúng tôi trở về Casa Nova, để dành những ngày sau sẽ còn trở lại xem các nơi khác nhất là ngắm 14 sự đau khổ Chúa trên Con Đường Thương Khó.
–— Bethania (11-12-1962)
Sáng 11-12-1962 tôi được phúc trọng làm Lễ tại Mồ Thánh : tôi đã dâng lễ cầu nguyện cho tất cả các người thân yêu và nhất là cho 3 Địa phận : Qui Nhơn, Bùi Chu, Phát Diệm. Sau đó chúng tôi đến viếng Bethania có nhà ông Laxarô và chị em Martha, cách Giêrusalem độ hơn 3 cây số. Đây là nơi trong đời truyền đạo và nhất là trước khi chịu chết, Chúa Giêsu lui tới và đã làm một phép lạ hiển hách là cho Laxarô chết 4 ngày sống lại. Chính nhà ở của 3 chị em thì nay đã xây cất một nhà thờ xinh đẹp do các cha Phanxico coi giữ. Chúng tôi vào nhà thờ cầu nguyện, nghe đoạn Phúc Âm kể chuyện Chúa Giêsu đến thăm nhà 3 chị em : Martha lo lắng những chuyện vật chất để thiết đãi Chúa, còn Maria ngồi nghe Chúa nói về những sự thiêng liêng . . . Rồi đi viếng Mồ Laxarô ở gần đó. Trước hết nghe đoạn Phúc Âm kể chuyện Laxarô bị bệnh, Chúa đang ở Ephrem, 2 chị em cho người đưa tin . . . Chúa trùng trình chưa về . . . khi tới nơi thì Laxarô chết đã 4 ngày, xác đã thúi . . . Chúa đã làm cho người chết thúi ấy sống lại . . . Mọi người chúng tôi hồi tưởng lại một lời rất oai vọng và rất an ủi Chúa phán dịp đó, nên đã đồng thanh hát to “Ego sum Resurrectio et Vita . . .” Rồi thay đổi nhau chui vào hang sâu đến 35 bậc để xem nơi táng xác Laxarô ngày xưa . . .
— Béphagê
Từ Béthania chúng tôi trẻ lại mấy trăm thước rồi qua viếng Betphagê, nơi Chúa cỡi lừa vào thành Giêrusalem cách trọng thể ngày lễ Lá. — Đọc chung với nhau đoạn Phúc Âm thuật lại chuyện đó, chúng tôi đồng thanh hát “Pueri Hebraeorum . . .”. Hằng năm ngày lễ Lá, các giáo sĩ và giáo hữu Giêrusalem vẫn còn kiệu lá long trọng từ đây cho đến nhà thờ Bà Thánh Anna.
–— Núi Cây dầu — Nhà thờ Pater noster — Dominus flevit.
Từ Betphagê lại qua vườn Giếtsimani để lên Núi Cây dầu. Theo một khẩu truyền thì Chúa lên Trời tại đây. Hiện nay chỉ còn một ngôi chùa Hồi Giáo ! Đến ngày lễ, tín hữu phải cắm trại ở ngoài trời và dựng bàn thờ riêng để làm lễ kỷ niệm Chúa lên trời. — Đứng đây bao quát được cả thành Giêrusalem : Núi Moriah (Đền thờ Giêrusalem xưa) Nhà thờ Mồ Thánh, Núi Sion, nhà Tiệc ly (ở bên đất Israel) . . .
Chúng tôi đi mấy chục thước nữa thì có Nhà Dòng Kín của các Nữ Tu người Pháp. Tục truyền ở đây Chúa dạy Kinh Lạy Cha. Chúng tôi vào nhà thờ và thi nhau đọc kinh đó bằng nhiều thứ tiếng. Chúng tôi đi chung quanh nhà thờ và các dẫy hành lang thấy kinh ấy được khắc bằng 53 thứ tiếng. Nhưng thiếu tiếng Việt ! Chúng tôi đã vào gặp Bà Mẹ nói chuyện việc đó. Bà hứa sẽ làm hài lòng vì mới đây chính ông Đại Sứ Việt Nam ở Giordania cũng đã có đề cập đến việc đó . . . Hy vọng không lâu tại đây cũng sẽ có kinh Pater noster bằng Việt ngữ !
Đi xuống một đỗi nữa, chúng tôi tới nơi gọi là “Chúa khóc” (Dominus flevit). Tại đây một lần nữa Chúa ngồi với các Tông đồ, quay về hướng Tây, thấy thành Giê rusalem đồ sộ, nhất là Đền thờ nguy nga tráng lệ. Các Tông đồ tắc lưỡi khen lao . . . Nhưng Chúa thấy trước mọi sự. Ngài thấy Thành Thánh bị vây và Đền thờ bị phá, sẽ chẳng còn để hòn đá nào chồng lên hòn đá nào và sẽ bị phá bình địa. Nên Chúa khóc thương thành . . .
—– Belem (chiều 11-12-1962)
Chiều ngày 11-12-1962 chúng tôi lên đường đi Belem, cách xa Giêrusalem chừng 15 cây số, nhưng vì là đường núi quanh co lên xuống, nên mất đến 3 khắc mới tới nơi. Dọc đàng thấy những bầy chiên đông đúc do một hoặc hai ba chú mục tử dẫn đi ăn cỏ (nhưng mùa đông trơ trọi, ít cỏ, trông tội nghiệp !) chúng tôi nhớ lại những dụ ngôn Chúa nói về chủ chăn và đoàn chiên dưới sự chỉ dẫn của Người . . . Thỉnh thoảng lại thấy những hang ăn sâu vào đá, hoặc tự nhiên hoặc người ta khoét ra để cho mục đồng hoặc những người nghèo khó trú đêm.
Gần đến Belem, chúng tôi có ngừng lại để xem Mồ Bà Raken, vợ ông Giacóp tổ phụ 12 chi tộc Israel.
Đến Belem chúng tôi ra ngay Cánh đồng kẻ chăn chiên, nơi sứ thần hiện ra báo tin Chúa Cứu Thế đã giáng sinh. Nơi ấy có một nhà nguyện đẹp do giáo hữu Canada góp tiền xây cất. Chúng tôi vào nhà nguyện đó, người hướng đạo đọc đoạn Phúc Âm Luca nói về việc sứ thần hiện ra nói với mục đồng và họ rủ nhau đến Belem thờ lạy Hài Nhi Thiên Chúa mới sinh. Chúng tôi đồng thanh hát bài Gloria in Excelsis Deo và Adeste fideles, rồi đi thăm một hang ngay ở bên làm cho chúng tôi hình dung được cái hang thực sự Chúa đã sinh ra khi xưa thế nào (vì chính hang Sinh Nhật ngày nay người ta đã xây nhà thờ nhà nguyện cái lớn cái nhỏ và trang hoàng đủ thứ không còn nhận được là hang bò lừa thuở xưa nữa).
Trời ở Đất Thánh lúc này chóng tối lắm, độ gần 5 giờ đã phải lên đèn, nên chúng tôi vội vàng lại lên xe để về chính Belem xem Hang đá Sinh Nhật nơi Chúa trời đất giáng trần.
Đến nơi, các Cha Dòng Phanxico ra đón chúng tôi niềm nở, rồi chúng tôi lặng thinh cung kính chui vào 1 cửa nhỏ. Qua cửa nhỏ vào một ngôi nhà thờ rộng rãi của người Hy Lạp rồi lại chui qua một cửa nữa xuống sâu đến 15 bậc thang mới đến chính Hang đá Sinh Nhật. Có độ 70 người mà không đủ chỗ đứng phải chen chúc nhau : chúng tôi nhớ đây là hang bò lừa Chúa đã chọn để sinh ra chứ đâu có lộng lẫy như Đền Thờ ông Thánh Phêrô hay các Ngôi Thánh Đường khác ngày xưa !!!
Chúng tôi quì cả xuống cầu nguyện, rồi đứng lên nghe đọc đoạn Phúc Âm nói về Chúa Giêsu sinh ra. Tôi thấy nhiều người cảm động nước mắt vòng quanh ! Rồi thay phiên nhau ai nấy đến hôn đất chính nơi Đức Mẹ đã hạ sinh Chúa : có một tấm kính phủ trên và chung quanh có hình ngôi sao với mấy lời này : Ở đây Chúa Giêsu Kitô đã sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria (Hic, de Virgine Maria Jesu Chistus natus est).
Bên cạnh có bàn thờ máng cỏ (chính máng cỏ đã đem về Roma để tại nhà thờ Đức Bà Cả). Đây là chỗ từ 12 giờ đêm đến 5 giờ sáng các Nghị Phụ hành hương sẽ thay đổi nhau làm lễ.
Rồi chúng tôi còn đi xem Hang các Anh Hài, để kính nhớ các trẻ em vô tội đã chịu giết vì Chúa Giêsu do lòng độc ác của Herođê, và gần đó Hang ông thánh Giêronimô nơi Ngài trú ẩn để dịch Bộ Thánh Kinh mà chúng ta quen gọi là Bộ Phổ Thông (Vulgata).
Ở Belem còn nhiều chỗ đáng xem. Chúng tôi chia ra từng nhóm để đi cho dễ chẳng hạn như Hang sữa, Vườn kín (Hortus, conclusus của Salomon, các bể nước của Đavít . . .)
Dùng cơm tối tại nhà các Cha Phanxico (Casa Nova) xong, những ai không làm lễ đêm tại Belem đã lên xe trở về Giêrusalem.
—-Núi Moriah (Đền thờ Giêrusalem) 12-12-1962
Sáng ngày 12-12-1962 tôi làm lễ tại vườn Giếtsimani. Cảm động biết bao lúc nhớ lại đây là nơi xưa Chúa đổ mồ hôi máu trong cơn hấp hối và cũng là nơi Ngài quen đến cầu nguyện nhất là trước khi bị bắt trong đêm ngày thứ V Tuần Thánh !
Rồi cả buổi sáng chúng tôi đi viếng núi Moriah, tục truyền là nới Abraham giết con tế lễ Đ.C.T. Cũng là nơi 10 thế kỷ trước Salomon đã xây đền thờ lộng lẫy để chứa Hòm bia Thánh và gậy ông Aaron nở hoa. Đền thờ đó bị phá hủy năm 586 trước kỷ nguyên và được Zorobabel tu bổ, sau lại bị tàn phá nữa, nhưng anh em Macabê đã xây lại và Hêrôđê đại vương đã mở rộng đời Chúa Giêsu. Đây là một công trình vĩ đại vào bậc 1, trông rất oai hùng như chúng ta thấy hình ảnh trong các sách giải nghĩa Thánh Kinh. Toàn khu Đền thờ rộng một bề 492 thước, một bề 310 và chia thành nhiều sân : sân ngoại thuộc, sân Phụ nữ, sân Israel, sân Tư tế, liền đó là bàn thờ để bánh bầy, rồi đến Nội Thánh và trong cùng là Nơi Cực Thánh . . .
Nhưng thương ôi ! vì tội giết con Đ.C.T. . . Đền thờ nguy nga tráng lệ đó không còn nữa ! Quả như lời Chúa Giêsu đã phán : “Sẽ không để hòn đã nào chồng lên hòn đá nào” (nghĩa là sẽ bị phá bình địa). Thực ra lời đó ứng nghiệm vào năm 70 khi Titô chiếm thành nghĩa là chưa đầy 5 năm sau khi Đền thờ vừa mới được tu bổ xong. Thế kỷ 4 Giulianô muốn phi(?) lời Chúa Giêsu nên truyền xây lại Đền thờ, nhưng ông đã thất bại một cách cay đắng và từ đó đến nay không còn ai nghĩ đến việc xây dựng lại đền thờ ấy nữa.
Không những thế, trên nơi Thánh và Cực Thánh, ngày nay chỉ thấy một ngôi Chùa Mahồmét lộng lẫy, quen gọi là chùa Hồi Giáo của Omar (Mosquée d’ Omar)!. . . Liền đó ở mạn đông cũng có một ngôi chùa khác khá to.
Vậy sáng ngày 12-12-1962 chúng tôi từ Casa Nova vừa đi vừa lần chuỗi lớn tiếng và hát Lauda Giêrusalem . . . Lên đến nơi Ông Trưởng Chùa Hồi Giáo ra đón và tuyên bố ông rất hân hoan được tiếp chúng tôi, ông xin thành thực chào mừng các Giám Mục nhân danh ông và nhân danh Chánh Phủ ông. Chánh Phủ ông hứa sẽ giữ gìn toàn vẹn nơi thánh nầy cũng như các di tích thánh khác trong nước . . .
Từ giã ông Trưởng chúng tôi tụ lại giữa sân nghe đọc mấy đoạn Phúc Âm có liên can đến Đền thờ : như đoạn nói về Đức Mẹ dâng Con, đoạn nói về Chúa Giêsu xua đuổi những con buôn, đoạn nói về người Pharisiêu và người thâu thuế vào Đền thờ cầu nguyện, đoạn nói về những cuộc tranh biện giữa Chúa Giêsu với các phe địch, và nhất là đoạn nói về lời tiên tri Chúa phán về Đền thờ bị tàn phá . . .
Rồi chúng tôi chia ra từng nhóm đi vòng quanh xem cả khu Đền thờ, đi đi lại lại trước tiền đường Salomon trèo lên góc tường phía đông nam Phúc Âm gọi là Pinnaculum Templi nơi quỉ đem Chúa Giê su đến và bào Ngài gieo mình xuống (trước đây sâu những 130 thước) . . . Trông về phía đông thì trên có núi Cây dầu, dưới có vườn Giếtsimani phía bác có đồn Antonia. — Chúng tôi còn vào cả Chùa Hồi Giáo (Phải trụt giầy) . . . Sau hết thì xuống xem một bức tường còn sót lại mà người Do Thái khi về thăm quê hương thường đứng tựa vào để than khóc, nhớ lại những vẻ oai hùng của họ thuở trước mà nay không còn ! Vì thế gọi là bức tường than khóc (Le mur des pleurs).
–— Samarria – Giếng ông Giacóp (chiều 12-12-1962)
Chiều ngày 12-12-1962 một đoàn xe chừng 20 chiếc đem chúng tôi lên Samaria để viếng một di tích thời danh gọi là Giếng ông Giacóp trong làng Sikem xa Giêrusalem trên 60 cây số.
Dọc đàng có ngừng lại : Béroth (El Bi rè h) nơi thánh Giuse và Đức Mẹ nhận ra Chúa Giêsu bị lạc mất và đã trở lại tìm thấy Ngài trong Đền thờ ; Bethel nơi Tổ phụ Abraham tạm trú và cũng là nơi Gia cóp chiêm bao thấy tháng bác từ đất lên trời ; Silo nơi chứa Nhà Tạm và Hòm Bia Thánh sau khi chiếm được đất Canaan.
Sau hết chúng tôi tới Giếng ông Giacóp, nơi Chúa Giêsu gặp mụ đàn bà Samaria và nói về Nước hằng sống. Sau khi nghe đọc đoạn Phúc Âm thánh Gioan thuật lại truyện ấy chúng tôi xuống bên giếng, hiện nay có nhà thờ Hy Lạp rộng rãi bao phủ, nhưng chưa hoàn thành. Mỗi người chúng tôi uống một ngụm nước làm kỷ niệm, rồi lên ngắm Núi Garizim, nơi Người Samaria hằng năm còn mổ chiên mừng đủ 15 ngày cũng như người Do Thái mừng lễ Chiên của họ trên Núi Moriah (Đền thờ Giêrusalem).
Lúc trở về chúng tôi đã vào thăm Emmau (Qoubeibeh) xa Giê rusalem độ 11 cây số nơi Chúa Giê su đã hiện ra với 2 Môn đệ trong ngày Ngài sống lại. Ở đây các Cha Phanxico và các đệ tử của Dòng đón tiếp chúng tôi long trọng . . .
Chúng tôi lại trở về nghỉ đêm tại Casa Nova ở Giêrusalem.
AN NGÃI, NGÀY 14 THÁNG 11 NĂM
LM ANTÔN NGUYỄN TRƯỜNG THĂNG.
Trả lời