13 THÁNG 10 NĂM 1962
PHIÊN HỌP KHOÁNG ĐẠI ĐẦU TIÊN
CÔNG ĐỒNG VATICANÔ 2.
Đức cha Phêrô Maria viết và gửi tiếp lá thư số 3 Tin tức Công Đồng Vaticanô 2 vào ngày 27 tháng 10 năm 1962. Trong lá thư ngài thấy những gì đã viết “chưa thấm vào đâu với sự thật” …nhiều phóng viên sói trán…răng cắn bút vì cuộc lễ hôm đó nó quá sức tưởng tượng của loài người, không biết phải viết cái gì để gọi là diễn tả 1 phần sự thật”. Quả đúng như thế, dù với phương tiện hiện đại nhất lúc ấy là vô tuyến truyền hình và các loại máy quay phim màu cũng chỉ đặc tả từng góc, từng nhóm, từng cảnh những gì diễn ra trong ngày 11 tháng 10 năm 1962. Đức cha tiếp tục tường thuật thêm những diễn biến xảy ra mấy ngày kế tiếp nhất là phiên họp khoáng đại đầu tiên ngày 13 tháng 10 năm 1962 trong phần đầu lá thư số 3. Vào thời điểm đó Sắc lệnh HIỆP NHẤT KI TÔ GIÁO …còn ở xa xa. Đức cha tiếp tục dùng từ Thệ phản (protestant) để viết về anh em Tin Lành. Tiếng Pháp, protestant từ động từ protester, chống đối, phản đối…Sau nầy tinh thần đại kết càng lúc càng thấm dần, các nghị phụ dùng từ anh em chia cách hay phân ly (frères séparés). Ngày nay gọi chung là anh em Ki tô hữu ( chrétiens, christians) … “con một nhà, tôi một Chúa” theo kiểu ông bà chúng ta!
TIN TỨC CÔNG ĐỒNG
Thư Đức Cha Địa phận gởi
Cha Chính P. Nguyễn Đình Tịch
(Số 3)
Hotel Piccadilly Roma, 27-10-1962
Via Magnagrecia, 122
Roma — Italia
Kính gửi
Cha Chính P. Nguyễn Đình Tịch
Nhà thờ Chính Tòa Qui Nhơn
Kính thưa Cha Chính,
Gởi Thư số 2 về nhà rồi, tôi đọc lại bản “đúp” thấy những điều tôi đã viết về Ngày Khai mạc Công Đồng (11-10-1962) không thấm vào đâu với sự thật ! Lễ nghi hôm ấy long trọng quá, số Giáo Chủ đông đúc quá, trong bộ y phục trắng toát uy nghi quá, tưởng như mình sống ở một thế giới khác ! Vì trên quả địa cầu này, từ tạo thiên lập địa đến bây giờ, từ đông sang tây, từ nam chí bắc, cả ở chính Kinh Thành muôn thuở này, chưa bao giờ diễn ra 1 cuộc lễ nào long trọng và trang nghiêm như vậy. Những ai ở xa được xem vô tuyến truyền hình, phim thời sự, hoặc coi hình ảnh in trên các báo chí cũng chỉ tưởng tượng được một phần nào sự thật. Nhiều phóng viên sói trán, lúc dự cuộc lễ hôm đó, cũng chỉ biết lố mắt và răng cắn bút vì như họ nói, cuộc lễ hôm đó nó quá sức tưởng tượng của loài người, không biết phải viết cái gì để gọi là diễn tả 1 phần sự thật !
—Toàn thế giới tại Roma
Một Tạp chí tại Roma đã đề chữ lớn ngoài bìa : “Toàn thế giới tại Roma”. Câu nói rất đúng trong ngày khai mạc Công Đồng.
Đúng, vì hôm đó gần hết các Quốc Gia trên thế giới đều có mặt bằng những Phái đoàn đặc biệt mà Chính Phủ của họ gởi đến để dự lễ khai mạc này. Đếm tất cả được 86 Quốc gia. Trong số các Thượng khách đó có những Vị Quốc Trưởng, những Ngoại Trưởng hoặc những Đặc Sứ. Cả những nước rất ít tín đồ Công Giáo như Nhật Bản, Indonexia, Hồi Quốc . . . cũng có mặt. Chỉ thiếu có các nước Cọng sản.
Đúng, vì lữ khách đến chứng kiến biến cố có một không hai trong Lịch sử loài người, đã từ khắp tứ phương thiên hạ mà đến. Việt Nam mình xa xôi như thế mà cũng có đến mấy chục từ các nước Âu Châu hoặc từ Việt Nam tới dự. Tôi đã được chứng kiến những cuộc đại lễ phong thánh vô cùng long trọng (như cuộc phong thánh ông Don Bosco năm 1934) hay cuộc tuyên bố tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời (1950), nhưng chưa bao giờ thấy số người đông như thế ở Roma. Đó là chưa kể ngày nay nhờ vô tuyến truyền hình, có triệu triệu người cứ ở nhà mà xem thấy mọi sự. Chứ không thì phải có mấy Roma mới chứa hết người !
Đúng, vì gần hết các Giáo Hội ly khai đều gởi Quan sát viên tới. Cho đến hôm nay người ta tính được độ 40 Vị. 1) Về bên Chính Thống Giáo Hội Copte (Ai Cập) gởi 2 Quan sát viên, Giáo Hội Jacobite 2, Giáo Hội Syria 1, Giáo Hội Armenia 1, Giáo Hội Nga hải ngoại 2, Giáo Hội Nga từ Mạc Tư Khoa 2 là linh mục trưởng Borovoi và tu viện trưởng Korliarov. Sự có mặt của Quan sát viên thuộc Giáo Hội Chính Thống Nga đã làm cho Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp (Constantinople) bất mãn và theo tin điện mới đây thì Giáo Hội Hy Lạp lại mới nhóm họp để xét lại xem có nên gởi Quan sát viên đến Công Đồng hay không (trước kia họ đã từ chối). 2) Về bên Thệ Phản (Tin Lành) có nhiều Quan Sát viên hơn : Anh giáo gởi 3. Nhóm Luthêrô gởi 2, Thệ phản “Linh Mục” gởi 3, Giáo Hội Phúc Âm Đức 1, Nhóm Môn đệ Chúa Kitô 1, Quakers 1, Congreganionalistes 2, Methodistes 3, Hội đồng phổ thệ các Giáo Hội ly khai 1, Cựu Công Giáo Hòa Lan 1, Hội Quốc tế Tự do tôn giáo 1 và thêm 1 số khá đông các Vị Thượng khách không Công Giáo khác (tức các Tu sĩ hoặc giáo sư lỗi lạc thuộc các Tu viện và các Đại Học Tn Lành).
Nhưng câu nói trên kia đúng nhất, là vì toàn thể hàng Giám Mục Công Giáo khắp hoàn cầu đều có mặt ở Roma. Số Giám Mục được triệu tập đến Công Đồng là 2.903 Vị. Ngoài 1 số các Giám Mục già cả bệnh tật và 1 số lớn các Giám Mục sau bức màn sắt và màn tre, còn bao nhiêu đều vui vẻ hào hứng nghe tiếng Đức Giáo Hoàng, qui tụ lại cả ở Roma. Theo cách tính bằng điện tử công bố sau phiên họp khoáng đại thứ V mới rồi thì số Giám Mục trong phiên họp đó là 2.365. Còn phải tính gần 100 Bề Trên Cả các Dòng Tu. Số chuyên viên và những cố vấn với Thơ ký riêng các Nghị Phụ có tới 5.000. Thật là một Hội nghị khổng lồ có một không hai. Trong số đó người ta nhận thấy đủ mầu da, tiếng nói. Cảm động thay khi thấy các Giám Mục da vàng, da đen, ngồi kề vai thích cánh với những bạn đồng nghiệp da đỏ, da trắng, trong tình huynh đệ và bác ái Chúa Ki tô. Ngồi ở phòng hội mà liếc nhìn chung quanh thấy có những vị trẻ tuổi chỉ trạc độ 30 (nhất là các Giám Mục Phi Châu), lại có những vị già nua tuổi tác bước vào phòng hội phải chống gậy hoặc có người dắt đi. Đặc biệt là niên trưởng các Nghị Phụ Công Đồng Vatican II này, là Đức Cha Carinci, thiếu mấy ngày nữa đầy trăm tuổi : Ngài nói, khi Đức Giáo Hoàng Pio IX khai mạc Công Đồng Vatican I (1869) Ngài mới lên 7 cũng theo mẹ đi xem. — Nhưng cảm động hơn hết là trong số các Nghị Phụ có tới 70 Vị từ sau bức màn sắt lọt ra được. Đó là 17 Giám Mục Ba Lan với Đức Hồng Y Wyszynski, 10 Giám Mục Nam Tư và chừng 40 Giám Mục Hung Gia Lợi, Đông Đức, Tiệp Khắc, Bảo Gia Lợi, Lettonia, Lithuania . . . Không có Đấng nào từ Albani và Lỗ ma Ni. Còn lại Á Đông thì từ Trung Cộng, Bắc Cao đến Bắc Việt không có một Vị nào có mặt tại Công Đồng cả !
–— Phiên họp khoáng đại đầu hết (13-10-1962)
“LÀN SÓNG ĐỎ”
Hôm nay 13-10-1962 bắt đầu phiên nhóm khoáng đại thứ I. Các phiên nhóm khoáng đại này do 1 trong 10 Hồng Y thuộc Chủ Tịch đoàn, chủ tọa. Y phục các Nghị Phụ cũng đơn giản, không mặc cappa và mitra trắng, nhưng mặc áo dòng tím, rochet trắng và mantelletta tím đội mũ trái khế tím … Lại một quang cảnh mầu sắc rất ngoạn mục khác diễn ra . . . Lúc gần 9 giờ sáng các xe ca từ các nơi đổ các Nghị Phụ xuống công trường Đền thờ, rồi các Ngài từng nhóm, từng nhóm, qua các cấp bậc đền thờ bước vào phòng hội khác nào những làn “sóng đỏ” cuồn cuộn chảy vô Thánh đường. Tưởng tượng xem, gần 2.500 Vị y phục mầu sắc như vậy ! . . .
Phiên họp bắt đầu bằng 1 lễ Misa do 1 Nghị Phụ (thường là 1 Tổng Giám Mục) cử hành, toàn thể Cử tọa đều thưa kinh với Vị Chủ Tế, Ca đoàn của nguyện đường Sixtina giúp 1 vài bài hát lúc dâng bánh rượu và sau dâng Mình Thánh. Lễ rồi mọi người kính cẩn đứng lên, vì Sách Phúc Âm được rước trọng thể từ 1 căn phòng Đền thờ để đem đặt trên giữa bàn thờ trong phòng hội, có 2 cây nên cháy 2 bên. Lúc đang rước toàn thể Cử tọa hát bài Christus Vincit . . .và Laudate ommes gentes . . . thật là cảm động và đầy ý nghĩa. Đây là bản sao rất quí báu của một Bộ Phúc Âm có trước thế kỷ XVI, tức là trước cuộc cách mạng do Luthêrô khởi xướng. Bộ Phúc Âm này sẽ hướng dẫn các cuộc thảo luận của Công Đồng.
Mỗi khi có phiên họp khoáng đại đều theo thủ tục đó.
Phiên họp nhóm đầu tiên hôm nay do Hồng Y Tisserant chủ tọa, giữa 9 Vị Hồng Y khác ngồi tại bàn Chủ tịch Đoàn.
HỒNG Y EUGENE TISSERANT
THÔNG THẠO 13 THỨ NGÔN NGỮ.
http://en.wikipedia.org/wiki/Eug%C3%A8ne_Tisserant
Chương trình buổi họp hôm nay là bỏ phiếu chọn 160 thành phần vào 10 Ủy Ban, mỗi Ủy Ban có 16 Vị, còn 8 Vị nữa cho mỗi Ủy Ban sẽ do Đức Giáo Hoàng chỉ định.
Ai cũng ngơ ngác nhìn nhau vì ai quen ai mà bỏ ? . . . Sau mấy phút im lặng, Đức Hồng Y Liénart. Giám Mục địa phận Lille, đứng lên xin hoãn đến phiên sau, để các Hàng Giám Mục địa phận liên lạc với nhau và xem ai được tiến cử do mỗi nhóm giới thiệu. Đức Hồng Y Frings (Đức) đồng ý và toàn thể Cử tọa biểu đồng tình hoan hô.
Phiên nhóm hôm đó kéo dài độ 1 tiếng đồng hồ : nhiều bác tài tưởng cũng như hôm trước, bỏ đi chơi, làm một số các Nghị Phụ mất thời giờ chờ đợi !
HỒNG Y ACHILLE LEONART VÀ ‘TIẾNG SÚNG CÁCH MẠNG”
DÀNH QUYỀN PHÁT BIỂU CHO TOÀN THỂ NGHỊ PHỤ
(cử tọa hoan nghênh)
THAY VÌ “VỖ TAY NHẤT TRÍ”
http://en.wikipedia.org/wiki/Achille_Li%C3%A9nart
Nhân việc Đức Hồng Y Liénart đề nghị hoãn việc bỏ phiếu, mấy tờ báo (Pháp) đã xuyên tạc rằng : Hàng Giám Mục Pháp làm cách mạng trong Công Đồng ! Tin đó đã làm cho các Giám Mục Pháp rầu lòng, còn các Nghị Phụ thì hết sức bỡ ngỡ, vì chính mình ở trong cuộc mà không mảy may gì là “cách mạng” mà chỉ là 1 đề nghị đã được toàn thể Cử tọa hoan nghênh. Xin hãy đề phòng với những tin tức đăng trong các báo chí về Công Đồng vì thường hay có những tin thất thiệt như vậy ! Cũng như chúng tôi đọc thấy mấy báo Pháp và một vài báo Việt Ngữ nói rằng : mỗi Giám Mục được Tòa Thánh cấp cho 1 xe hơi, Hồng Y được 2 . . . ! Đâu mà Tòa Thánh lắm xe như vậy. Sự thật là ngày nào có nhóm họp thì có những chiếc xe ca lịch sự đi từng khách sạn để chở từng 4, 5 chục Vị trên 1 xe tới Vatican, hội xong lại chở về nhà. Còn những lúc khác ai nấy phải tự liệu : thường các Giám Mục đi xe điện (tram), hoặc xe buýt cho rẻ tiền dù phải chen chúc hay đứng cả giờ : xe taxi bên nay mắc lắm, ít ai dám đi.
—Đức Giáo Hoàng tiếp các phóng viên.
Sáng ngày 13-10-1962 một cuộc triều yết đã được dành riêng cho các phóng viên, nhiếp ảnh viên . . . từ khắp nơi đã đến Roma. Vì có một số khá đông, trên 1.000 người, nên Đức Giáo Hoàng đã tiếp họ tại nguyện đường Sixtina, nơi đã tiếp các Phái đoàn đặc biệt hôm trước.
Đức Giáo Hoàng bước vào phòng, giữa những tiếng hoan hô nhiệt liệt. Ngài vui vẻ cảm ơn họ, nhờ những phương tiện vô cùng mau lẹ của họ mà chỉ trong khoảnh khắc khắp thế giới đều được tham gia Công Đồng . . . Trước đây 10 năm (1953), lúc từ giã nước Pháp để về lãnh nhiệm vụ mới, Ngài có nói với người Pháp : “Bao lâu tôi còn sống và bất kỳ ở đầu và trong nhiệm vụ nào, tôi sẽ là người bạn của các ông . . . Phần các ông hãy tin tôi là linh mục thành thực và hiếu hòa . . . Hôm nay tôi cũng nhắc lại lời ấy tới các phóng viên như vậy”. Ngài xin họ phải biết trọng sự thật, phải khách quan trong khi đưa tin tức, để cho thế giới được hiểu rõ mặt thật và tính chất đích xác của Công Đồng, là mưu ích lợi thiêng liêng cho Giáo Hội, tìm hòa bình và hạnh phúc cho nhân loại, chứ không có mánh khóe chính trị nào cả.
Trước khi từ biệt, Ngài chúc phúc lành cho họ.
(Còn tiếp)
AN NGÃI NGÀY 7 THÁNG 11 NĂM 2014
LM ANTÔN NGUYỄN TRƯỜNG THĂNG.
Trả lời