MỘT CƠN GIÓ THOẢNG !
( VENTUS EST, VITA MEA. GIÓP 7.7)
HỒI KÝ Ý NHẠC NGUYỄN KHÁNH THỌ) ( BÀI 4 ).
QUÊ HƯƠNG AN NGÃI VÀO THẬP NIÊN 1960. ÀNH TRƯỜNG THĂNG.
5. Thanh bần vẫn sống yên vui
Tu nhân tích đức… để đời cháu con
Như đã nói ở phần đầu, sau ngày vĩnh biệt Nhà Chúa về đời, tuy học thức cao (so với thời bấy giờ) nhưng Nội không thích nghề thầy thông thầy Ký hoặc chức chánh tổng, lí trưởng mà chỉ an phận thủ thường làm “anh nông dân” chân lấm tay bùn. Quanh năm cần cù làm lụng hết ruộng tới rẫy, chỉ khi nào cần thiết mới thuê mướn người phụ giúp. Qua vụ mùa (cấy lúa và làm cỏ rẫy xong), Nội dành cả thời gian còn lại để phục vụ Họ Đạo. Mỗi năm dạy một khoá Bao Đồng (3 tháng), có khi thêm một khoá Thêm Sức (vài tháng) cho con em trong địa sở. Tuy không giữ chức Câu Họ nhưng Nội là cánh tay phải của Cha sở, cộng tác đắc lực trong việc tổ chức họ đạo theo qui củ, nền nếp. Những ngày đại lễ, sau khi thảo luận với Cha sở, Nội đứng ra điều động các Ban trong họ, phân công tác để tổ chức thật long trọng đúng theo nghi thức của Giáo Hội như lễ nửa đêm (Giáng Sinh), tuần Thánh (Phục Sinh), kiệu Đức Mẹ ( Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ, bổn mạng của địa sở), Chầu Thánh Thể (Lễ Mình Thánh Chúa), viếng Nghĩa địa (Lễ Chư Thánh + Lễ Các Đẳng), … Thời đó, những ngày đại lễ trong năm được coi như những ngày hội lớn, toàn thể giáo dân đều tích cực tham gia công cũng như của. Trong đêm sinh nhật hoặc những ngày Rước kiệu (kiệu Đức Mẹ hay Kiệu Thánh Thể), giáo dân từ các Họ nhánh (Hội Yên, Hoà Mỹ, Ngãi Đông,…) tề tựu về An Ngãi để tham dự và luôn dịp thăm viếng bà con. Trên đường làng, từng đoàn người già trẻ lớn bé quần áo sạch sẽ tươm tất lũ lượt kéo đi. Nhiều tà áo đủ màu sặc sỡ của những đoá hoa đồng nội từ đâu xuất hiện khiến nhẵng chàng thanh niên địa phương say sưa chiêm ngắm. Trong khuôn viên thánh đường, những quán lều mọc lên bán đủ thức ăn như cháo gà, mì quảng, bún bò,… và thức uống. Vào dịp bất thường như rước Đức Giám Mục về ban phép Thêm Sức, rước Tân Linh Mục về vinh quy hoặc thăm quê ngoại cũng được Nội đứng ra điều động tổ chức thật chu đáo. Những dịp thuyên chuyển Cha Xứ cũng do Nội tổ chức “tống cựu nghênh tân” đúng theo truyền thống họ đạo. Đối với vị chủ chăn sắp ra đi thì sau thánh lễ bình an (thường vào sáng Chúa Nhật) toàn thể giáo dân tề tựu tại tư thất của Ngài, chính Nội đại diện đọc những lời từ biệt, dâng quà kỉ niệm. Giọng nói của Nội trầm, ấm, chậm rãi, dễ gợi cảm khiến cho những người có mặt không cầm được nước mắt, nhiều bà, nhiều cô đã khóc oà lên. Đến ngày Ngài lên đường, buổi tiễn đưa diễn ra trong khung cảnh bùi ngùi, xúc động, đầy thâm tình phụ tử mến thương tiếc nhớ. Thời bấy giờ, tình cảm giữa chủ chăn và đoàn chiên thật đậm đà thắm thiết mặc dù Cha xứ được coi là vị quan cai trị nhiều quyền uy và thế lực cả bên đạo lẫn bên đời. Ngài không những chăm lo phần tinh thần mà cả phần thể chất của giáo dân thuộc quyền (can thiệp cả những việc ngoài xã hội) để giúp con chiên duy trì nếp sống đạo đức, gương mẫu, bảo vệ trật tự an ninh trong họ, Ngài nghiêm ngặt triệt để bài trừ những tệ đoan xã hội như cờ bạc, rượu chè, trộm cắp, gian dâm,… Người phạm lỗi, không cần đưa ra làng xã xử phạt mà chính Ngài thẳng tay trừng trị trong nội bộ như phạt vạ đánh đòn, cấm xưng tội rước lễ. Phạt vạ dưới nhiều hình thức: đóng một số tiền vào quĩ của họ, mang trầu rượu đến thú Cha Sở, thú ban Trị Sự Họ hoặc trong buổi Lễ Chúa Nhật ra giữa nhà thờ xin lỗi giáo dân. Về hình phạt đánh đòn thì sau lễ sáng hoặc kinh trưa Chúa Nhật, người phạm lỗi ra trước nhà Cha Sở, nằm dài xuống đất để ông giáp trong họ (coi như Mõ làng), cầm roi đánh đủ số qui định, trước sự chứng kiến của Ban Trị Sự và giáo dân. Người nào ngoan cố, không chịu hai hình phạt nói trên, Cha Sở sẽ công bố giữa nhà thờ lệnh cấm xưng tội rước lễ (coi như bị loại khỏi Họ đạo). Trừ một thiểu số bê bối, cứng đầu,bất mãn, tỏ thái độ ngầm chống đối, hầu hết giáo dân đều quý trọng, mến phục Cha Sở, coi Cha Sở như vị cha tinh thần của mình, tuyệt đối vâng lời và xem những hành vi nói xấu Cha Sở là phạm đến chức thánh. Do đó mà phút giây đưa tiễn vị chủ chăn thật bùi ngùi xúc động, phần đông đều rơi lệ, có những bà, những cô nhào vào nắm áo dòng của “Cha”, không cho “Cha” đi. Có vài Cha Sở không muốn chứng kiến cảnh bịn rịn đó nên từ sáng sớm đã âm thầm ra đi khi giáo dân còn yên giấc ngủ. Nhưng lần tiễn đưa nào, dù công khai hay lén lút cũng đều có mặt Nội. Chính Nội hướng dẫn một phải đoàn đưa Cha Sở của mình xuống tận Đà Nẵng hoặc đến tận địa sở mới. Theo Ba được biết thì những Linh mục sau đây đã từng làm Chánh Xứ An Ngãi: Cha Khoa (sau đổi vào La Nang, Tam Kỳ), Cha Thì (sau đổi vào Kỳ Bương), Cha Lành (sau đổi vào Xóm Chuối), Cha Long (sau đổi vào Nhà Đá), Cha Châu (sau đổi vào Ô. Gia), Cha Cần (sau đổi vào Cây Vông). Nội mất vào năm 1947 dưới trào Cha Cần là Cha Sở. Trong số nói trên, có 2 vị quý Nội nhất, dù sau này ở xa vẫn thường xuyên thư từ liên lạc và qua lại thăm viếng là: Cha Khoa (đỡ đầu Rửa tội cho Bác Hai con), Cha Thì (bảo lãnh cho Ba đi học Trường Dòng Gagelin Qui Nhơn), riêng Cha Cần (bà con phía bên dì Năm Đáng) trong trường hợp đặc biệt. Vào tháng Giêng năm 1947, khi quân đội Pháp chiếm Đà Nẵng, sắp tấn công vùng An Ngãi – Phú Thượng, Cha Cần cũng hai Cha láng giềng được lệnh tản cư vào Trà Kiệu. Lệnh được một cán bộ thông báo vào buổi chiều thì sáng sớm hôm sau phải lên đường ngay. Đêm đó, Cha lo dọn tất cả đồ đạc, lớp để tạo phòng đóng kín cửa, lớp chôn giấu ngoài vườn và giao cho Nội chịu trách nhiệm trông coi. Cha chỉ ra đi với một chiếc vali đựng những vật dụng cần thiết. Sau khi Pháp chiếm đóng An Ngãi, giáo dân đi tản cư vào núi được kêu gọi trở về, yên tâm làm ăn. Mấy tháng sau Cha Cần trở về lại và được Nội giao trả tất cả đồ đạc không hư hỏng, thất thoát món nào. Cha Cần càng tin yêu Nội hơn, nhưng ít tháng sau, Nội qua đời, nhiều người sau này cho Ba biết là khi được tin này, Cha Cần đã khóc.
Mặc dù “vị tiền nhiệm” ra đi trong sự tiếc nhớ nhưng “vị kế nhiệm” đến thay vẫn được tiếp rước linh đình, nồng hậu. Được thông báo trước ngày “Cha mới” tới nhận địa sở, Nội tổ chức một phái đoàn đến tận đầu làng đòn về nhà thờ và tại đây, toàn thể giáo dân đã túc trực vỗ tay hoan hô rước Cha vào nhà thờ tạ ơn Chúa. Sau đó, Nội hướng dẫn Cha ra tư thất (nhà xứ) để giáo dân chúc mừng. Theo tục lệ thì một “chú heo” được cạo lông sạch sẽ do 4 thanh niên khiêng vào nhà xứ để gọi là “lễ ra mắt”, Nội đọc bài đại ý nói lên cảm nghĩ vui mừng, tin tưởng của giáo dân khi được tin Cha về nhận họ đạo, kính chúc Cha an khoẻ, chu toàn bổn phận,… Cha đáp từ và sau đó tiệc liên hoan mừng chủ chăn mới. Nội đứng ra bàn giao đồ đạc, sổ sách cho Cha mới và bắt tay cộng tác với người kế nhiệm cũng như trước đây với kẻ tiền nhiệm, thường hai cha sở, cũ và mới đã gặp nhau và qua sự giới thiệu của người cũ mà người mới được biết danh tánh và uy tín của người mới rồi.
Một công trình đặc biệt của Nội hiện còn lưu giữ tại Họ đạo là “Sổ nhân khẩu”. Nội lập 2 quyển sổ lớn: Cha Sở giữ một và Nội giữ một. Sổ ghi tất cả các gia đình Công Giáo trong họ. Mỗi gia đình được dành một trang giấy ghi rõ họ, tên, tên thánh của gia chủ, vợ và con cái với lí lịch từng người cùng những ngày kỉ niệm xảy ra trong đời của người đó: sinh, rửa tội, bao đồng, thêm sức, hôn phối, tử, … (ghi rõ ngày, tháng, năm). Khi người con trưởng thành có đôi bạn, ra ở riêng rồi sinh con cái thì được tách ra thành một gia đình mới. Nội thường xuyên theo dõi từng gia đình và cập nhật hoá đầy đủ. Nhờ đó mà khi vị Linh mục nào mới đến nhận sở chỉ nhìn vào quyển sổ nhân khẩu là nắm được tình hình giáo dân trong họ đạo. Còn giáo dân, ai muốn rõ con cái mình sinh hoặc rửa tội ngày nào chỉ cần nhờ Nội xem sổ là biết ngay. Theo lời vài người thuật lại thì vào năm 1947, một tuần trước khi Nội qua đời, Nội lên gặp Cha Sở (Cha Augustinô Cần) xin từ chức “Biện việc” với lí do đau yếu. Dĩ nhiên, Cha sở không chấp nhận thì mấy ngày sau Nội đem hết sổ sách lên bàn giao cho Cha và nói đùa: “Con chắc không còn sống bao lâu nên giao trước sổ sách cho Cha”. Không ngờ, câu nói chơi đã thành sự thật là sau đó ít hôm, bệnh đau bụng “bão” tái phát đột ngột và Nội từ trần (Đau bụng “bão” là chứng bệnh lạ, tự nhiên người cảm thấy bụng đau quặn thắt, không thuốc gì trị ngay được, người bệnh rên la đau đớn, rồi bệnh từ từ lắng dịu và dứt các cơn đau. Nhưng khi “trầm trọng”, bệnh nhân có thể chết.
Cuộc đời của Nội từ ngày Ba có trí khôn hiểu biết là sống an vui trong cảnh nghèo. Nội chỉ có mấy bộ quần áo cũ mặc thay đổi hằng ngày, bộ nào rách nát không vá được nữa mới may bộ khác thay thế. Quần áo “bà ba” cũng như quần cụt áo cánh toàn bằng vải thô nhưng bền chắc. Duy nhất một bộ đồ “vía” (gồm quần dài, 1 áo cụt vải “phin” trắng, 1 áo dài đen vải “lương” và 1 khăn đóng vải “nhiễu”) để mặc trong các ngày lễ lớn hoặc Chúa Nhật và trong các dịp đám cưới, đám giỗ. Mỗi lần mặc xong về giặt phơi khô rồi xếp cất. Sau này, dì Năm Đáng về sống với Nội cũng không hơn gì. Mấy bộ quần áo bà ba bằng vải “phin” và “trăng đầm” mặc thay đổi và một bộ quần dài sa tin trắng với áo dài sa tin đen mặc trong dịp lễ.
Trong những năm mất mùa đói kém thêm ảnh hưởng của trận đệ nhị thế chiến, trong nhà nhiều khi thiếu hụt nhứt là phải lo may sắm cho Bác Hai, cho Ba đi Chủng Viện. Nội đành phải đem ruộng “cầm thế” để lấy tiền chi dụng. Cầm thế thì dễ nhưng mấy năm sau thì không cũng không thể chạy ra tiền để chuộc lại. Ba còn nhớ, vào năm 1947, khi thực dân Pháp sắp tấn công vào vùng An Ngãi, Tùng Sơn, nhà chẳng còn tiền, Nội phải gọi người bà con trong họ (ông Bộ ở xóm Gò, đến nhà làm văn tụ cấm thế luôn số ruộng còn lại). Sau khi Nội qua đời, Bác Hai các con thấy không đủ khả năng chuộc lại nên đành bán đứt cho chủ nợ.
Một lần Ba thấy Nội lấy giấy báo gói bộ sách “Lịch sử Hội thánh Việt Nam” (một bộ sách quý thời bấy giờ) mang đi, Ba hỏi thì Nội bảo là đem cho ông câu Phong ở Phước Đông mượn đọc. Nhưng đến sau không thấy ông Câu Phong đem trả, Ba mới biết Nội đã bán rồi.
CUỐI THẾ KỶ 2O, CÂY SỢP VẪN CÒN RẤT RÕ. ẢNH TRƯỜNG THĂNG 1968.
CÙNG CẢNH XÓM GIỮA NĂM 2010. ẢNH TRƯỜNG THĂNG.
Nhà của Nội gồm 2 gian, mái lợp tranh, vách bằng phên tre, nền đất. Đến năm 1940, Nội mua được một căn nhà khá rộng tháo gỡ về dựng căn nhà trên và trên cũ đem xuống làm nhà dưới. Nhà này lợp tranh, vách đất, cửa bằng gỗ trong khoáng khoát mát mẻ.
Vật dụng trong nhà chẳng có gì quý giá, 2 chiếc giường bằng tre, 2 bộ ván bằng gỗ tạp, không có bàn ghế, tủ. Mỗi lần muốn viết, Nội lật chiếc ghế nhỏ nằm ngang rồi ngồi lên, dùng bộ ván nhỏ làm bàn để viết. Sau này dượng Tỏ (Chồng dì Bốn Xứng, chị một dì Năm Đáng) cho 1 cái bàn, đặt sát bộ ván lớn vì không có ghế.
Tuy nhiên, nhà sắp đặt tương đối gọn gàng sạch sẽ, có sân đất rộng xung quanh, vườn trồng ít hoa màu và vài thứ cây ăn trái (mít, xoài, mãng cầu tây, đu đủ,…).
Trong cảnh sống nghèo đó, Nội vẫn thản nhiên an phận, không tìm cách làm giàu bất chính, cũng chẳng mặc cảm tự ti đối với chòm xóm. Không bao giờ Ba nghe thấy Nội và dì bất hoà, cãi nhau về chuyện tiền bạc. Cho đến bây giờ, nhiều ông già bà lão cũng còn nhắc: “ông 5 đời vợ mà đời nào cũng thuận thảo gọi nhau “anh anh … em em” ngọt xớt…” và các cụ thường kể lại để làm gương cho con cháu vừa lập gia đình.
Đối với bà con xóm giềng, Nội tận tình giúp đỡ “vô điều kiện”. Đọc thư, viết thư giúp cho những gia đình “mù chữ” có chồng con đi làm ăn xa. Viết đơn từ khiếu nại, lập văn tự mua bán, vay nợ,… mỗi khi có ai cần nhờ đến. Gia đình nào gặp rắc rối: chồng bê tha, rượu chè, trai gái,… hoặc vợ cờ bạc, hỗn láo,… đều chạy đến nhờ Nội giải quyết. Trong việc dựng vợ gả chồng cho con cái phần đông cũng tìm đến Nội hỏi ý kiến hoặc nhờ đóng vai “ông mai”. Khi có người thân qua đời, bà con cũng chạy đến Nội vừa báo tin buồn vừa nhờ giúp một phần trong việc xin lễ và mai táng.
Tóm lại, mỗi lần có người trong họ đạo đến nhờ bất cứ việc gì và bất cứ lúc nào (dù đêm khuya, mưa gió,… ) Nội luôn vui vẻ sẵn sàng không quản ngại khó khăn hoặc đòi hỏi tiền bạc. Đã không giúp thì thôi mà đã giúp thì Nội lo đến nơi đến chốn.
Bản tính của Nội thẳng thắn không nịnh bợ kẻ giàu cũng chẳng coi khinh người nghèo mà đối xử mọi người như “con một nhà, tôi một Chúa” (câu này Nội thường nhắc mỗi khi có người đến cảm ơn Nội). Suốt đời, Ba chưa thấy Nội gây gổ với ai cũng chẳng thấy ai chửi mắng, bôi xấu Nội. Ba chỉ nhớ một lần không rõ có chuyện xích mích sao đó giữa dì Năm và anh Thống tức Xuân (gọi Nội bằng chú, nhà ở cách 3 miếng vườn) nên 2 bên lời qua tiếng lại. Chính Ba cũng về hùa với dì chửi anh Thống một trận tơi bời hoa lá. Nội rầy Ba và khuyên can dì bảo nhịn đi cho êm chuyện nhưng anh Thống hiểu lầm giận Nội suốt mấy năm. Nội vẫn thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra, không phiền trách cũng chẳng cải chính và mặc dù chú cháu không còn qua lại thân mật như xưa nhưng mỗi lần gặp anh, Nội vẫn chào hỏi. Thái độ đó dần cảm hoá anh Thống và sau cùng chú cháu “làm hoà” lại với nhau.
Tuy không giữ một chức vụ gì trong làng tổng, nhưng từ lí trưởng cho đến các hương chức đều coi Nội như cố vấn, bất cứ việc gì quan trọng liên quan đền người dân đều đến gặp Nội thảo luận, hỏi ý kiến. Có khi còn nhờ Nội thảo đơn từ gửi huyện, tỉnh.
Vào tháng 9/1945, Việt Minh cướp chính quyền, cán bộ về làng tổ chức chính quyền mới. Một cuộc họp toàn dân trong xã để bầu Ban Hành Chánh Lâm Thời. Mọi người nhất trí đề cử Nội vào chức Chủ tịch, nhưng khi tìm Nội thì chẳng thấy đâu. Thì ra, vì biết trước dân sẽ tín nhiệm mình, Nội đã lánh mặt. Do đó, buộc lòng phải đề cử người khác. Đến kì bầu cử Hội Đồng Nhân Dân xã, nhiều người năn nỉ Nội ra ứng cử nhưng Nội cũng một mực chối từ.
Cho đến năm 1946, Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam ra đời. Mỗi địa sở đều thành lập một Ban Chấp hành. Cha sở ngỏ ý mời Nội giữ chức Chủ tịch, lúc đầu Nội không chịu nhưng sau khi Cha Sở giải thích về mục đích và yêu cầu của tổ chức và dùng quyền chủ chăn “cưỡng bách”, Nội đành phải chấp nhận. Nội bắt tay hoạt động hăng say và tích cực, bất chấp nguy hiểm, tuyên truyền, vận động toàn thể giáo dân tham gia để tạo khối đoàn kết nhằm bảo vệ quyền lợi của Giáo Hội. Cũng vì chức vụ đó, tháng 2/1946, khi quân đội Pháp chiếm Đà Nẵng, Uỷ Ban Hành Kháng tỉnh Quảng Nam đã cho lệnh bắt Nội cùng một số thanh niên trong địa sở đưa về tạm giữ tại Hội An. Qua một tuần lễ điều tra mật tại địa phương, xét thấy Nội chẳng có tội gì nên trả tự do.
Đầu tháng 1/1947, quân đội Pháp tấn công lên vùng Cận Sơn theo hướng Bà Nà, Nội cùng bà con trong làng phải tạm lánh cư về phía sau núi Xóm Gò (hướng tây An Ngãi). Khi Pháp chiếm An Ngãi, bắc loa kêu gọi đồng bào trở về làm ăn. Chính Nội lấy một mảnh vải trắng cột trên đầu cây làm cờ cầm đi trước, bà con theo sau ra trình diện quân đội Pháp. Nhờ biết chút ít tiếng Pháp, Nội tiếp xúc với tên chỉ huy và mọi việc xảy ra êm đẹp. Đồng bào được lệnh giải tán, ai về nhà nấy.
Chiếm vùng Cận Sơn xong, Pháp đóng đồn tại Tùng Sơn, còn tại An Ngãi, chúng tổ chức lực lượng tự vệ (auto-defense), phát súng cho đàn ông và thanh niên để canh gác. Đồng bào ban ngày ở nhà làm ăn, đêm đến (19 giờ tối đến 5 giờ sáng) phải tập trung tại khu vực nhà thờ. Suốt đêm, trong làng có lệnh thiết quân luật, không ai được đi lại ngoài đường. Chung quanh nhà thờ có hàng rào kiên cố và công sự bố phòng chặt chẽ. Riêng Nội từ ngày bệnh đau bụng tái phát, mỗi đêm Nội ở nhà với vợ con. Nghe Nội bệnh, Cha Sở đến thăm, giải tội, xức dầu và cho thuốc uống. Nhưng, vào một đêm tháng 10/1947, bệnh đột ngột trở nên trầm trọng và Nội đã tắt thở.
Sáng ra, cả họ đạo được hung tin đều bùi ngùi xúc động và không ai bảo ai, tất cả đều kéo nhau đến nhà Nội thăm viếng, chia buồn. Vì dì Năm đang mang thai, nhà đơn chiếc nên mọi việc tẩm liệm, chôn cất đều do bà con trong họ góp phần giúp đỡ. Đám tang của Nội được tổ chức trọng thể chưa từng có từ trước đến nay.
Nội mất đi đã để lại bao tiếc thương mến nhớ cho toàn thể địa sở, công đức của Nội vẫn được lưu truyền mãi đến hôm nay. (Về cái chết của Nội có tin là có 1 cô gái hàng xóm bị dịch tả, Nội tận tình đến chăm sóc và sau đó bị lây bệnh).
( CÒN TIẾP)
TÁC GIẢ : Ý NHẠC NGUYỄN KHÁNH THỌ.
EM THAM GIA.
Em cám ơn anh rất nhiều vì khi cha qua đời em mới có 5, 6 tuổi, còn quá nhỏ dại. Kỷ niệm về cha rất ít ngoài mấy chuyện nho nhỏ. Em nhớ cha đã vẽ trên bìa carton trắng những chú gà con màu vàng xinh xinh để dạy em học vần. Em nhớ những tập truyện tranh tô màu để cho em xem. Một lần cha dẫn em đến trường các nữ tu Mến Thánh Giá ở nhà thờ An Ngãi, định gửi vào học với mấy anh chị lớn. Em nhớ “ Dì nhỏ” coi lớp lớn và “ Dì lớn” coi lớp nhỏ. Các Dì nói chuyện vui vẻ với cha và cười đùa với em. Vừa ngồi thử vào bàn học, em thấy Dì lớn lấy thước khẻ tay mấy trò dữ quá. Em sợ, nhất định không đi học. Một ngày chơi với mấy hạt cam thảm đo đỏ xinh xinh, em đã nuốt phải một hột. Chết rồi…một cái cây sẽ mọc lên từ lỗ “rún”. Thế là khóc ầm nhà. Cha đã chạy lại bế , dỗ dành, con ngủ đi cha mới lấy cái hột ra được. Ngủ dậy, cha khoe đã lấy ra được rồi. Em cười sung sướng vì thấy cha quá tài giỏi. Sau nầy bà ngoại và nhiều người kể lại là em suýt chết khi được hai, ba tuổi gì đó. Lửng thửng chơi, em thấy một cái hạt tròn và vào cái tuổi “ xơi cứt gà”, thứ gì cũng bỏ vô miệng “ thí nghiệm”, cái hột đó suýt gây thảm họa. Bị “ tào tháo rượt” đến suýt chết…vì đó là hạt “ sắn mồi ” tức củ đậu, một loại hạt rất nguy hiểm cho đường ruột. Có lẻ từ đó, để ngăn ngừa sở thích “ nghiên cứu” nên cả nhà dọa không được bỏ hạt gì vào miệng…nếu không cây sẽ mọc ra từ rốn. Cho đến tận bây giờ…em chưa thấy cái “ bản mặt” hạt củ đậu nó “ ra răng” mà suýt gây đại họa cho cuộc đời mình.
Anh kể lại biến cố 1947, em không biết nó xảy ra vào thời điểm nào. Chỉ nhớ một buổi chiều anh Hai ( Nguyễn Tấn Giáo) mặc binh phục Vệ quốc đoàn về thăm nhà. Em nhớ rất rõ hình ảnh rất đẹp trong nắng chiều anh từ phía cây Sợp ( cây đa làng) tiến về nhà. Trông anh hùng dũng làm sao. Ba bồng em đứng ở cửa chỉ về phía anh và bảo : Anh con đó. Đó là lần cuối cùng anh Hai gặp cha già. Phải đến năm 1951, em mới lại thấy anh, lúc đó đã là một thương binh cụt một bàn tay trở về xứ đạo. Vài năm sau cuộc đời anh kết thúc bằng một thảm kịch….! Phần anh, anh không còn thấy cha già nữa.
Em nhớ một hôm chơi một mình chổ “ ngã ba xóm Giữa”, thấy một tóan Vệ quốc đoàn, súng ống nặng nề đang di chuyển về phía Xóm Bàu, Hưởng Phước, chưa bao giờ em thấy một đòan người ăn mặc giống nhau như vậy, hình như áo màu đất. Em chú ý đặc biệt đến những người mang môt cái gì có ba chân bằng sắt. Một người khác vác một cái gì có cái ống có nhiều lỗ tròn. ( Sau nầu em mới thấy khẩu “ mi trêy giơ” ( mitreilleuse, đại liên) có tên Hotkiss 30. Vào thời kháng chiến bộ đội Việt Minh cũng có súng tốt đấy chớ). Bổng có những tiếng nỗ ầm vang và cả nhà chạy đi tìm em, bồng về, đưa xuống hầm núp, mùi ẩm thấp , nóc bằng tre và cây chuối, trên đổ đất.
Rồi em xuất hiện ở một nơi khác, trên vùng đồi gò. Mấy người bà con cho em bánh tét, bánh khô. Rồi em lại thấy mình ở một nơi có khe nước trong và nhiều hòn sỏi trắng, em sung sướng hụp lặn trong làn nước mát. Những kỷ niệm rời rạc ấy , sau nầy em “ xâu lại”. Khi quân Pháp tái chiếm Đà Nẵng, bộ đợi Việt Minh phải rút về vùng núi Tây Bắc Hòa Vang, lệnh tiêu thổ kháng chiến được ban hành, gia đình ta lên Xóm Gò rồi đang đêm di tản xa hơn về phía làng Hòa Mỹ.
Khi trở về Làng cũ, ba dẫn em vào nhà, em thấy mái tranh dột nát, nắng dọi xuống sàn ..một con rắn mối nằm chết trên nền nhà. Sau nầy em được biết tất cả tài sản, sách vở, của cải…ba làm chòi cất dấu tại rẩy Cao Sơn đã bị máy bay khu trục Pháp bắn cháy… Chiến tranh, đói khát, và bao biến động chính trị xảy ra, lôi con người vào lối đoạn trường. Chỉ một chút nghi ngờ là có thể mất mạng, không phía nầy thì bên khác, vậy mà cha chúng ta đã an toàn nhắm mắt trên giường bệnh sau một đời mến Chúa , yêu người. Em buồn nhưng rất hảnh diện, tự hào có một người bố như thế!
Bây giờ, cái xóm với ngôi nhà nho nhỏ , những cây trái và hàng rào rực hoa quỳ nhìn ra cánh đồng và cây sợp không còn nữa. Người ta chen chúc nhau cất nhà , cả cây Sợp cũng bị lấn đất tận gốc…Đồi nhỏ sau nhà sau biến thành lô cốt, bây giờ con cháu san lấp chia lô, bán đất…Chỉ có tiếng chim và tiếng ve còn vẳng bên tai em ngày em cố leo lên con đường dốc nhỏ rợp bóng cây . Qua trí nhớ, em phát họa lại ngôi nhà thân thương nầy.
MÁI NHÀ XƯA THEO TRÍ NHỚ CỦA EM.
ẢNH CHỤP NĂM 1969, TỪ NHÀ NHÌN RA CÂY SỢP, CÁNH ĐỒNG VÀ NÚI CÂY SƠN VẪN CÒN ĐÓ, NGOẠI TRỪ NÚI LOANG LỔ DO CHIẾN TRANH BÀ CON KHÔNG LÊN RẨY CAO SƠN ĐƯỢC , PHẢI PHÁ NÚI LÀM RẨY. NGÀY NAY TẤT CẢ CHỈ CÒN LÀ KỶ NIỆM VÌ KẾ HOẠCH ĐÔ THỊ HÓA VÔ TỔ CHỨC. CÂY SỢP BỊ VÂY QUANH KHÔNG BIẾT BAO NHIÊU NHÀ. ĐƯỜNG BỊ LẤN…CHỜ ĐỀN BÙ VÀ CÁNH ĐỒNG THÀNH KHU DÂN CƯ MỚI!!!!!!!!!!!!! KHÓC CHO QUÊ HƯƠNG XINH ĐẸP AN NGÃI. ẢNH TRƯỜNG THĂNG 7/1969.
Hội An, ngày 5 tháng 4 năm 2011.
Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng.
Trả lời