MỘT CƠN GIÓ THOẢNG !
( VENTUS EST, VITA MEA. GIÓP 7.7)
HỒI KÝ Ý NHẠC NGUYỄN KHÁNH THỌ) ( BÀI 26 )
CHẶNG CUỐI 1949. NGUY HIỂM .
SAU BAO NĂM CHIẾN TRANH, THÁNH ĐƯỜNG AN SƠN, QUẢNG NAM,
GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG ĐƯỢC XÂY DỰNG LẠI.
Đi một quảng độ 500 thước, cụ già rẽ vào con đường bờ ruộng về hướng nhà thờ An Sơn, Ba và Đắc theo sau và cảm thấy yên tâm vì đoán cụ có thể là người đồng đạo. Vừa đến nhà cụ gọi bà ra, giới thiệu lớn tiếng (có thể để cho lối xóm nghe khỏi nghi ngờ lôi thôi): “Bà nó ơi! Có 2 cháu ở Tam Kỳ ra thăm chơi đây nè…”. Một bà lão vẻ hiền lành chất phác bước ra vui vẻ chào và đon đã mời vào nhà rồi lui ra sau nhà bếp.
Bước vào nhà, Ba và Đắc nhìn thấy ngay giữa nhà phía trong cùng có bàn thờ Chúa nên càng vững dạ. Riêng Ba tò mò bước lại nhìn một bức hình chụp chung gia đình chủ nhà, đóng khung lộng kiến treo trên cột trước bàn thờ Ba bổng giật mình, tưởng là mơ nghĩ vì trong hình có 1 cặp vợ chồng đứng chung với ông bà chủ nhà. Đó là anh Năm Thống (có con đặt là Xuân) anh em chú bác họ với Ba còn vợ là chị Tám Tượng. Ba trực nhớ ngày trước Ông Nội các con đã có lần cho Ba biết chị Tám có người anh ruột là Thầy Ba Tâm ở họ đạo An Sơn. Như vậy, đúng là gia đình Thầy Ba Tâm rồi còn nghi ngờ gì nữa. Như mỡ cờ trong bụng nhưng Ba chưa cho Đắc biết cũng không vội hỏi chủ nhà. Lúc đó ông cụ thúc hối 2 anh em xuống nhà sau tắm rửa cho mát rồi lên nghỉ khỏe và dùng cơm tối.
BÁC TÔMA AQUINÔ NGUYỄN ĐỨC THỐNG, THÂN PHỤ CHỊ XUÂN.
HÌNH CHỤP KHOẢNG NĂM 1939- 1941.
Khi mát mẽ khỏe khoắn rồi, Ba mới hỏi ông cụ: “Xin lỗi Bác, 2 người đứng chụp chung hình với gia đình có phải là anh chị Xuân ở An Ngãi không?”. Ông cụ ngạc nhiên, trố mắt nhìn Ba đáp: “Còn ai nữa, con vợ thằng Xuân là em ruột tôi đó, nó mất lâu rồi… Mà răng cậu biết vợ chồng hắn?”. Lúc đó Ba mới thật sự yên tâm, cho ông cụ biết Ba và Đắc là “chú nhà trường”, Ba quê An Ngãi, Đắc quê Trà Kiệu, anh Xuân là anh con ông Bác họ của Ba và khi nói đến tên Ông Nội thì ông cụ tỏ vẻ mừng rỡ: “Tưởng ai xa lạ, ngờ đâu chỗ bà con, lần mô tôi ra An Ngãi thăm vợ chồng thằng Xuân lại không ghé nhà của cậu, có thể cậu còn nhỏ nên không nhớ… Tôi là Ba Tâm đây!”.
CÁC CHÁU ĐÀ LẠT VÀ OTTAWA ƠI…BÀ NGOẠI ( SAGE FEMME : HỘ SINH )
TÁM TƯỢNG XINH QUÁ !
Gặp được chỗ bà con đáng tin cậy nên trong bữa cơm tối, Ba thứ thật mục đích chuyến đi của 2 anh em. Thấy Ba Tâm trách tại sao lúc chiều không nói thật rồi thầy bảo khẻ: “may mà 2 cậu gặp tôi chớ đi ẩu dễ bị bắt lắm, bao nhiêu người đi ngã nầy đều bị dính hết… Thôi, cứ dùng cơm tự nhiên đừng nói chuyện “nớ” nữa vì có thể có người rình ngoài hè nghe ngóng… mai tôi sẽ tính cho…”
Đêm hôm đó, 2 anh em ngủ một giấc thật ngon sau một ngày đường gần 20 cây số mỏi mệt nhất là gặp được “quới nhân” hứa giúp đỡ… Khoảng 4 giờ sáng, thầy Ba Tâm đánh thức 2 anh em dậy, mời điểm tâm món xôi đậu (cơm nếp) đã nấu sẵn, rồi dặn nhỏ: “Chừ 2 cậu chịu khó trở lại Tam Kỳ, tìm đến Uỷ Ban Hành Kháng Huyện xin giấy phép ra vùng tác chiến với lý do thăm cha cậu ruột đau nặng. Được giấy này, quay trở lại đây tôi sẽ chỉ cách cho đi về tới Trà Kiệu an toàn”.
Nghe lời thầy Ba Tâm, 2 anh em đành quay trở lại Tam Kỳ, cố đi thật nhanh làm sao về cho kịp trong ngày. Nhưng, khổ nổi vì hôm trước trong lúc đi đường mỗi lần khát nước Ba ghé quán đớp một chén xu – xia (bông cỏ) nên hôm này bị “sình bụng” nên cứ một đoạn đường bị “Tào Tháo” rượt phải chạy vào bụi rậm “bỏ của nợ”. Do đó, khoảng 13 giờ 30 mới đến Tam Kỳ hỏi thăm đường đến trụ sở Uỷ Ban Hành Kháng Huyện, nhưng khi hỏi trụ sở đóng ở đâu thì người dân nào cũng nhìn 2 anh em rồi lắc đầu trả lời “không biết”. Thì ra, trong thời kháng chiến, đồng bào địa phương đã được học tập kỹ “kín miệng cứu nước” nghĩa là không được tiết lộ nơi trú quân của bộ đội cũng như nơi làm việc của các cơ quan hành chánh Tỉnh, huyện, xã… Hai anh em còn do dự chưa biết tính cách nào, may sao gặp được ông già “say rượu” đi ngược chiều, chân nam đá chân xiêu, miệng lảm nhảm gì đó. Ba đánh liều chặn hỏi thăm đường, ông ta khoa chân múa tay giọng lè nhè: “chỉ răng được… kín miệng cứu nước mà…” Ba và Đắc cố này nỉ sau cùng ông ta mới vỗ ngực tỏ vẻ “chịu chơi”: “nói rứa chứ kín hở chi… Để già chỉ cho…” vừa nói vừa chỉ một ngôi nhà ngói cỗ cách khoảng trăm thước. Hai anh em cám ơn rồi đi thẳng tới đó vừa đến giờ, Uỷ Ban làm việc. Ba và Đắc mỗi người viết một đơn theo đúng lời dặn của Thầy Ba Tâm và sau khi xem qua đơn họ cấp giấy phép ngay chẳng gạn hỏi gì lôi thôi cả. Thật may mắn không ngờ…
Hai anh em vội quay bước, tuy mệt mỏi cũng cố nhanh chân, về đến nhà Thầy Ba Tâm khoảng 22 giờ đêm. Hai ông bà vẫn còn để đèn sáng ngồi đợi cơm để 2 anh em về cùng ăn chung. Trong bữa cơm, thầy dặn nhỏ: “xin được giấy phép coi như khỏe trong đoạn đường từ đây ra Phú Cường (họ nhánh cách Trà Kiệu 7, 8 cây số), 2 cậu cứ mạnh dạn theo đường xe lửa mà đi, qua trạm kiểm soát vẫn bình tĩnh đừng lộ vẻ sợ sệt để Công An nghi ngờ… Đến Phú Cường, vào xóm nhà thờ hỏi thăm “bổn đạo” đường đi tiếp về Trà Kiệu.
(CÒN TIẾP)
TÁC GIẢ Ý NHẠC NGUYỄN KHÁNH THỌ.
CHỊ TÊRÊXA NGUYỄN THỊ XUÂN , OTTAWA, CANADA.
Chị Xuân ơi, chắc khi đọc lại đoạn hồi ký nầy, chị sẽ mừng lắm vì biết thêm thông tin về gia đình bà ngoại và cậu ruột Ba Tâm ở Giáo xứ An Sơn. Bảy tuổi chị đã mồ côi mẹ và sớm lìa xa quê hương để rồi nặng gánh gia đình, chị không có nhiều kỷ niệm về quê hương An Ngãi và An Sơn. Bây giờ cuộc sống đã đưa chị đến tận Montreal và sau đó đến Ottawa, Canada… Em cám ơn chị đã kể cho em nghe về anh Ý Nhạc tinh nghịch, trèo lên cây me và hái trái ném vào đầu cô bé Xuân đến phát khóc… Về chuyện chị hỏi anh Khánh Thọ : cây kia là cây gì. Anh đã trã lời chị là ” cây mống”. Mà cây mống chi? Anh trã lời: cây ” mống chuồn”. Còn quá bé để hiểu về loại cây ” mống chuồn…muốn chồng nầy”. Anh Ba Thọ quả là cậu trai khá lém lỉnh lúc nhỏ!
Em đang ở chơi với các con cháu chị tại Đà Lạt…Các chắt của chị phải gọi em là ông, ông, ông chú !
MỚI ĐÓ MÀ TRÊN 40 NĂM RỒI ĐÓ. ẢNH CHỤP CÁC CHÁU VỚI CHA ÁI NĂM 1969-70.
PHOTO TRƯỜNG THĂNG.
SỐ MỘT A THI SÁCH, ĐÀ LẠT, CÙNG CÁC CON CHÁU CHỊ TÊ RÊ XA XUÂN.
TRƯỚC KHI CHIA TAY 14 GIỜ 30/8/2011.
ĐÀ LẠT NGÀY 29 THÁNG 8 NĂM 2011.
Wow…………
Chung con cam on Ong Chu ..coi nhung hinh xua cua chung con sao ma de thuong wa ?
sao ma con duoc nhung hinh nhu vay hay wa Ong Chu ui .
Con ThuThuy.