MỘT CƠN GIÓ THOẢNG !
( VENTUS EST, VITA MEA. GIÓP 7.7)
HỒI KÝ Ý NHẠC NGUYỄN KHÁNH THỌ) ( BÀI 23)
VỀ QUÊ QUA VÙNG BẮC BÌNH ĐỊNH 1949.)
BỒNG SƠN, TAM QUAN, GIA HỰU …XỨ DỪA. NGUỒN INTERNET.
Lúc đó, vùng Liên Khu 5 (gồm các tỉnh Nam, Ngãi, Bình, Phú ) còn thuộc vùng gọi là Tự do vì quân Pháp chưa tiến chiếm nên ban ngày máy bay Pháp bất chợt bắn phá hoặc dội bom những nơi tình nghi là cơ quan hành chánh hoặc quân sự. Do đó, xe lửa ( là phương tiện chuyên chở duy nhất còn lại, chạy từ ga An Tân, ranh giới Tam Kỳ – Quảng Ngãi đến Bồng Sơn vì quốc lộ 1 bị đào phá theo lệnh tiêu thổ kháng chiến, không còn xe đò nào chạy được) , phải chạy ban đêm. Khi xe lửa ra đến ga Tam Quan ( cách Bồng Sơn 13 cây số ) và ga kế tiếp sẽ là Chương Hoà. Ba và Đắc rũ Bình đi luôn Quảng Ngãi chơi rồi sau đó 3 anh em sẽ trở lại Gia Hựu một thể. Bình do dự vì không có “giấy xuất tỉnh” và vé xe chỉ tới Chương Hoà mà thôi. Nhưng, vì Ba và Đắc cố thuyết phục, Bình xiêu lòng nghe theo, thử liều một phen xem sao. Đến ga Đức Phổ, vào khoảng nữa đêm. Vì hành khách quá đông chen lấn nhau ra cửa và trời tranh tối tranh sáng dưới bóng đèn dầu, Ba sắp đặt kế hoạch để Bình lọt qua mà không bị chặn lại… Ba anh em đi hàng dọc tiếp nhau: Đắc, Bình rồi tới Ba. Đến sát cửa, Đắc trình vé cho nhân viên kiểm soát vừa lướt qua thì Bình tiếp đưa vé rồi lách nhanh ra, và không chậm trễ, Ba “dúi” ngay vé của Ba vào tay ông này. Hành động thật chớp nhoáng nhưng cũng không qua mắt được ông kiểm soát giàu kinh nghiệm. Ông ta chặn Ba lại hỏi sao mua vé đi Chương Hoà lại xuống ga Đức Phổ? Ba bình tĩnh cự lại và yêu cầu ông ra xem thử cái vé Ba vừa trình ghi Chương Hoà hay Đức Phổ? Biết có chuyện đi “lậu vé” nhưng thiếu bằng cớ nên chẳng làm gì được, phần hành khách xô đẩy ồn ào la ó… nhân viên kiểm soát vừa phân bua vừa cằn nhằn rồi cũng phải để Ba ra cửa. Ra khỏi nhà ga, gặp Đắc đứng đợi còn Bình biến đâu mất dạng. Ba và Đắc đi một quãng đường cách ga vài trăm thước mới “phát hiện” Bình ngồi co rút trong một trạm gác bỏ trống. Ba anh em được một trận cười… Thế là thoát nạn!
Cả 3 vào một quán trọ gần ga nghỉ chân đợi sáng ra đi họ đạo Trà Câu, ghé nhà ông bạn Hoài (một cựu Chủng Sinh) hỏi thăm tin tức Bác Hai các con. Ông Hoài cho biết đơn vị của Bác Hai vừa di chuyển vào Tam Quan, hơn tuần lễ, không rõ địa điểm mới. Ba anh em ở lại nhà Hoài dùng cơm trưa và ngay chiều hôm đó trở lại ga Đức Phổ chờ đến đêm mua vé vào Chương Hoà. Ba định vào đó hỏi thăm nơi dưỡng quân của đơn vị Bác Hai đồng thời ghé họ đạo Gia Hựu nghỉ chơi một thời gian rồi hạ hồi phân giải.
Một giai thoại vui nữa xảy ra… Ba anh em mua vé vào ga, lúc đó khoảng 20 giờ đêm, còn đang đứng trước một sân ga, bổng có 2 Công An xuất hiện, đi qua lại dò xét từng hành khách. Ba và Đắc vẫn thản nhiên đứng nói chuyện với nhau, mắt luôn theo dõi hành động của 2 Công An. Trái lại, Bình “có tật giật mình” ( vì không có giấy xuất tỉnh ) nên có vài cử chỉ bối rồi khả nghi sao đó nên 2 Công An chận xét hỏi giấy tờ. Bình chỉ có một giấy Chứng Minh ghi địa chỉ xã Phước Vân, Tuy Phước, Bình Định và một giấy phép đi đường ra đến Gia Hựu ( cũng thuộc phạm vi tỉnh Bình Định ). Hai Công An yêu cầu Bình cho xem “giấy xuất tỉnh”… Bình tái mặt, áp úng đáp! “Không có”. Hai Công An bèn mở một màn lục soát thật tỉ mỉ, giải thích cách nào họ cũng không nghe. Thấy đến lúc cần phải xuất đầu lộ diện, may ra có cứu vãn được tình thế, Ba và Đắc bước lại chào 2 Công An, nhận Bình là bạn đồng hành. Hai anh em xuất trình giấy xuất tỉnh và cho biết vừa ra Đức Phổ sáng nay, sẵn dịp gặp Bình trên xe lửa nên rũ đi chơi luôn. Hai anh em ghé Trà Câu tìm gặp người anh đi bộ đội nhưng không gặp vì đơn vị đã di chuyển vào Tam Quan nên đêm nay phải quay trở lại. Ba năn nỉ 2 Công An cũng thông cảm và sự thật là như vậy… mấy anh em đều là học sinh không có hành động gì phải nghi ngờ. Họ nhất quyết không chịu Ba phải uốn 3 tấc lưỡi Tô Tần, đi một màn “vuốt nhẹ”, vừa tình vừa lý… kết cuộc họ cũng đồng ý “tha” sau một hồi “giáo dục” Bình nên tôn trọng luật lệ nhà nước. Một phen nữa thoát nạn… Bình cằn nhằn đổ lỗi cho Ba và Đắc trong khi 2 người cứ nhìn nhau cười mà chẳng dám để anh ta thấy…
Linh mục TRỊNH HOÀI ÂN.
Khoảng 8 giờ 00 sáng xe lửa vào đến ga Chương Hoà, 3 anh em rũ nhau đi về hướng biển hy vọng tìm ra chỗ đơn vị của Bác Hai các con đóng quân, nhưng thăm dò mãi đến xế chiều không kết quả nên quay trở lại hướng Xoài ( họ nhánh của Gia Hựu ) ghé nhà Thầy Ngợi và Luôn ở chơi mấy ngày rồi lên Gia Hựu ở nhà Thầy Paulus Cần ( đã nói ở đoạn trước ). Hai cụ thân sinh của thầy hiền lành, đạo đức đối xử với 3 anh em như con cháu trong nhà, riêng thầy cũng coi Ba như em ruột, nên ở chơi thoải mái, ăn no ngủ kỹ không ngại gì cả. Thêm Cha già Trịnh Hoài Ân ( cậu ruột Thầy Cần, năm 1973 đang làm Cha chính địa phận Quy Nhơn, mất năm 1975) về nghỉ bệnh ở đây nên phần “cơm nước” bữa nào cũng tươm tất. Cha già tính bình dị, vui vẻ, nói chuyện hoạt bát, hấp dẫn người nghe không buồn chán. Ngài còn có biệt tài “coi hòn chì” đoán vận mệnh tương lai và cho thuốc trị bệnh. Thỉnh thoảng 3 anh em được tháp tùng Cha già đi ăn cơm khách khi nhà này lúc nhà khác ( thời đó giáo dân rất quý trọng các Thầy, Chú Chủng Sinh ). Độ tuần lễ sau, vào một buổi chiều Thầy Nguyễn Thanh Phất ( sau tu dòng Thiên An tức là Cha Placide ) từ Gò Thị ra ghé nhà Thầy Cần ( bạn đồng lớp ). Anh em tay bắt mặt mừng và Thầy cho biết cách đây mấy ngày Pháp đổ bộ Phù Mỹ bắt linh mục Augustinô Long ( Cựu chánh xứ An Ngãi như đã nói trước ) và Pháp dẫn đi. Thầy nghe một số anh em cho biết “dự tính” của Ba và Đắc nên đi tìm cho bằng được. Thầy đề nghị cho Thầy cùng kết bạn đồng hành.
HÒN CHÌ…VÀ CÂN HÒN CHÌ. NGUỒN INTERNET.
Để Thầy Phất nghỉ dưỡng sức vài ngày, anh em chuẩn bị xuất hành, nhờ Cha già “bói” cho một quẻ. Cha cầm hòn chì coi một lúc rồi cười bảo: thượng lộ bình an. Anh em càng vững tâm lên đường…
(CÒN TIẾP)
TÁC GIẢ Ý NHẠC NGUYỄN KHÁNH THỌ.
Quá hấp dẫn…Em chưa bao giờ thấy ai viết về thời kỳ nầy như anh. Năm 1956, em đi xe đò Thành Lộc vào Nha Trang, ngang đoạn Tam Kỳ , Quảng Ngãi, Bồng Sơn xe cứ “cà dồng cà dồng”, xe lại là ghế gổ nên khổ cho cái bàn tọa! Lúc đó, em không hiểu sao đường bị đào cách quảng, nữa bên thôi, kiểu “dích dắc” như vậy. Năm 1954, hòa bình được lập lại cả hai miền Nam Bắc, những khoảng trống được lấp lại nhưng còn khá tệ, khiến xe luôn “cà giựt cà tưng”…Vì thế, dù là ” xe thơ” , tức xe chở hàng bưu điện, có quyền ưu tiên qua phà hoặc các loại phương tiện khác, từ Đà Nẵng cũng phải mất hai ngày mới tới Nha Trang.
Em nghe các bạn Bắc Bình Định nói về xe ” goòng”, tức xe lửa do người đẩy, đoạn nào dốc lên phải đẩy, xuống dốc thì khỏe rồi !
Cha già Trịnh Hoài Ân nổi tiếng với khoa Radiesthesie …Cảm xạ học, có căn cứ khoa học ” Cảm xạ học, tiếng Pháp được gọi là Radiesthésie ( xuất phát từ 2 tiếng Latin là Radius – tia sáng, tia xạ và Aisthesis-nhạy cảm), là khả năng nhạy cảm của con người với bức xạ từ các vật thể. Ngày nay, khoa học hiện đại đã chứng minh mọi sinh vật, khoáng vật đều có bức xạ dưới dạng sóng và con người co khả năng cảm nhận, phân tích và sử dụng được lượng thông tin đặc biệt này trong đời sống xã hội, nếu có kiến thức về cảm xạ học và công cụ hỗ trợ”
http://www.vanhoaphuongdong.com/showthread.php?t=507
Người ta dùng cảm xạ học dò mạch nước, tìm người thân trong các thành phố, tìm đồ vật thất lạc… nhưng kiểu ” bói toán” nầy, khó mà tin. Cháu cha già, linh mục X hình như giữ được hòn chì nầy. Lúc học ở Đà Lạt, em nhờ thầy dùng ” hòn chì” dò thuốc lá cho ” chim”, chim em nuôi bị bệnh…phải tìm thuốc lá chữa trị. Không còn nhớ thuốc có thiêng không?
DỪA XỨ…NẨU. NGUỒN INTERNET.
HỘI AN 16 THÁNG 8 NĂM 2011
Trả lời