MỘT CƠN GIÓ THOẢNG !
( VENTUS EST, VITA MEA. GIÓP 7.7)
HỒI KÝ Ý NHẠC NGUYỄN KHÁNH THỌ) ( BÀI 21 )
QUI NHƠN, QUI HÒA 1947/49.
LÒNG NHÀ THỜ CHÍNH TÒA QUI NHƠN HÔM NAY
ẢNH : TRƯỜNG THĂNG 2009.
QUI NHƠN TIÊU THỔ KHÁNG CHIẾN. CHỈ CÒN VÀI CƠ SỞ.
NHÀ THỜ CHÍNH TÒA QUI NHƠN GIỮA CẢNH ĐỔ NÁT.
HÌNH KHÔNG ẢNH CỦA PHÁP TRƯỚC 1953. CÁM ƠN CHA ĐỆ.
Không nhớ vào tháng nào, Ba xin phép Cha Bề Trên xuống Quy Nhơn ở chơi vài tuần. Ba ở chung với Thầy Truyền, Bình, Xữ tại Cơ Sở Toà Giám Mục. Cảnh thành phố thật tiêu điều, vườn không nhà trống, chỉ còn một số người Trung Hoa sống rải rác ở mấy căn phố trệt đường Gia Long (vì họ được coi như bất khả xâm phạm) và một số ngư dân ở Xóm Tấn (hải cảng) trong những căn chòi lá tồi tàn. Trường Dòng Gagelin, Dòng Nữ Tu Bác Ái Vinh Sơn coi như bình địa, không còn vết tích, Nhà in vì đúc bằng bê tông cốt sắt không phá đập được nên người ta đổ dầu vào những trụ sắt chân móng đốt nóng đến khi ngã quỵ sang một bên. Đại Chủng Viện bị phá sập mái còn trơ vơ 2 từng lầu không cửa, chịu đựng nắng mưa sương gió… Nhà Thờ Chánh Toà còn nguyên nhưng mất cửa và kiếng bị đập bể gần hết. Chỉ riêng Toà Giám Mục và những căn nhà phụ thuộc còn nguyên nhưng bên trong chẳng còn gì.
Những ngày sống ở đây, hàng ngày cùng với Bình, Xữ, đi lượm kiếng bể, sắt vụn bán kiếm tiền xài, chiều chiều đi tắm biển hoặc chơi bài “Ban Cô”. Những đêm tối trời, theo một anh bạn “dân chài” đi soi bắt cua dọc theo bờ cảng Xóm Tấn. Một lần vào thăm cậu Rậu gác Đại Chủng Viện, ở lại chơi, đêm đến ra bãi biển rượt bắt còng về luộc ăn… Một giai thoại vui đến này Ba vẫn còn nhớ là sau khi bắt đầy một thùng nhỏ còng đem về luộc, nhưng trời tối rửa không được sạch lắm nên gặp nấy chú còng vừa đớp “phân” dính ở yếm. Đêm đó, có mặt Cẩm Bụng (tức Nguyễn Ngọc Liên, sau này làm dân biển Bình Định, nay ở Mỹ). Cậu ta ăn luôn cả con không lột bỏ “yếm” nên cứ cằn nhằn sao còng có mùi thum thủm. Khi khám phá ra sự thật, anh em được trận cười vở bụng.
TU PHỤC CÁC NỮ TU PHAN SINH THỪA SAI ĐỨC MẸ NGÀY XƯA.
CÁC CHỊ ĐÃ ĐẾN PHỤC VỤ BỆNH NHÂN PHONG TẠI QUI HÒA. NGUỒN INTERNET.
Từ lâu, nghe nói đến “Làng Quy Hoà” nơi an nghỉ của thi sĩ Hàn Mạc Tử (một nhà thơ Công Giáo nỗi tiếng thời bấy giờ, Ba rất hâm mộ và thuộc lòng nhiều thi phẩm). Làng cách xa Quy Nhơn độ 6 cây số phải qua đèo Gành Ráng, xuống hết chân đèo là vùng đất bằng phẳng nằm sát bờ biển bốn mùa thông reo. Qua cổng sắt lớn ngôi làng hiện ra với những ngôi nhà lớn, nhỏ khang trang, vách gạch mái ngói. Đó là nơi tập trung tất cả những người mắc bệnh nan y: “bệnh cùi”. Lần đầu tiên Ba có dịp vào thăm, được linh mục Biên (Cha Sở cũ) và linh mục Nhã (thầy cũ) tiếp đãi nồng hậu. Linh mục Nhã đưa Ba cùng mấy anh em đi thăm từng khu dành cho những bệnh nhân có gia đình, đến những khu dành cho những người mắc bệnh quá nặng, khu nuôi trẻ sơ sinh, khu dạy trẻ… Tất cả đều ngăn nắp sạch sẽ nhứt là Nhà Nguyện rộng mát, trang trí đơn sơ, nhưng đẹp mắt với nền gạch bóng chùi sáng. Không ai nghĩ rằng nơi đâu hằng ngày có những người thân mình lỡ lói, cụt tay sứt chân, đến để tìm nguồn an ủi thiêng liêng, tìm phương thuốc tinh thần để xoa dịu vết thương thể xác. Ba càng cảm thương cho những người không may nhận lấy số phận hẩm hiu trong kiếp sống lại càng cảm phục tinh thần hy sinh cao cả của 2 vị linh mục cùng các bà phước tình nguyện dâng hiến đời mình phục vụ các bệnh nhân.
Thăm chơi Quy Nhơn vài tuần Ba trở về Tiểu Chủng Viện tiếp tục “Thủ trại” cho Thầy Phất về quê. Lễ Giáng Sinh năm 1947, một mình Ba và 1 chú giúp trường tên Thích chung sức làm Hang Đá cũng được mấy dì phước khen “đẹp” nên đãi 1 chầu “Réveillon” cháo gà thật ngon.
Tết năm 1948 (Mậu Tý) một cái Tết ly hương, đơn độc. xa gia đình vắng bè bạn. Mồng một Tết “mừng tuổi” Cha Bề Trên, qua chúc Tết mấy dì phước quen rồi lũi thủi về phòng ngủ, thả hồn về cố hương nhớ Nội, nhớ bà con với bao kỷ niệm Tết thời thơ ấu… Mồng hai Tết đi thăm và chúc Tết gia đình mấy ông bạn Chủng Sinh hai họ đạo Tân Dinh (như Gương, Mỹ…) và Tân Quán (Mạnh …) không nhớ chiều nào, Luận (bạn chí thân học trên Ba 1 lớp đang làm thầy giảng họ đạo Tân Dinh) rủ xuống phòng đãi 1 chầu rượu đế thứ hảo hạng. Để giải buồn và trong lúc cao hứng Ba nốc cạn 2 bình nhỏ (cỡ 1 xị) mới lửng thững ra về “chân nam đá chân xiêu” vừa lên tới phòng ngủ “ô kê thau” ( ?) tại chỗ, rửa mặt. Đêm đó, Ba đánh một giấc tới sáng… quên buồn, quên nhớ, quên tất cả…
Sau tết, Đắc đi chơi chán trở về Chủng Viện, Bình từ Quy Nhơn cũng xin về lại nên Ba bớt cô đơn. Mấy anh em chia nhau công việc phục vụ Nhà Thờ.
Cũng không nhớ vào tháng nào, Ba xin phép Cha Bề Trên đi Bồng Sơn thăm linh mục Tý (Ba gọi bằng Chú, hiện làm Chánh Sở họ đạo Trung Lương), gặp ông Ba Trí (tên con là Thiên, con ông Cựu Cầm lúc đó hoạt động cho Việt Minh nên khi Tây chiếm An Ngãi, cũng bỏ chạy vào Bình Định) ngoài Quảng vào. Ông báo cho Ba biết tin buồn là Nội đã qua đời… Ba sững sờ… không dám tin là thật nhưng ông Trí quả quyết có gặp mấy người An Ngãi vào cho biết. Lòng Ba cảm thấy đau nhói, nước mắt như muốn trào ra… Ba hỏi chuyện qua loa rồi bỏ xuống phòng riêng nằm khóc tức tưởi. Ba thầm nghĩ: “nếu tin này là thật, đời mình quá vô phúc” vì Ba chỉ còn một tình thương duy nhất là Nội, nay Nội vĩnh viễn ra đi, Ba không gặp mặt lần cuối cũng chẳng nghe được lời trăn trối… có gì buồn tủi đau xót hơn! Sáng hôm sau, Chú Tý làm lễ cầu hồn cho Nội và suốt Thánh Lễ, Ba vô cùng xúc động, thầm khóc thở than với Chúa.
CHÚ GIUSE TÝ KHI VỀ GIÀ.
Ở chơi vài tuần Ba cảm thấy buồn chán nên xin trở về lại Tiểu Chủng Viện mang theo tâm trạng của kẻ mồ côi từ nay đơn độc trên đường đời vạn nẻo. Về trường, từ Cha Bề Trên, các dì Phước đến bạn bè, ai nghe tin buồn cũng lựa lời an ủi Ba. Biết bao đêm trằn trọc nằm thao thức, hình ảnh của Nội cứ như lảng vảng trước mặt Ba, bao nhiêu kỷ niệm xa xưa hiện về trong ký ức. Ba chỉ còn úp mặt xuống gối khóc thầm giữa đêm lặng cho vơi đi sầu khổ… rồi chìm dần trong giấc ngủ lúc nào không hay…
(CÒN TIẾP)
TÁC GIẢ Ý NHẠC NGUYỄN KHÁNH THỌ.
“Tiêu thổ kháng chiến” của người Nga chống lại quân Napoleon và Hitler để họ không có chỗ trú ẩn mùa đông khá thành công…còn ở nước ta bao công trình xây dựng và di sản văn hóa phút chốc tiêu tan mây khói…. để rồi sau đó xây dựng lại, rồi lại bị chiến tranh tàn phá… Cái vòng lẩn quẩn xây rồi phá, phá rồi xây…kéo dài nhiều thế hệ. Lúc nào cũng phải bắt đầu lại, tội nghiệp dân ta quá! Không an cư sao mà lạc nghiệp được!
Theo anh kể, Qui Nhơn tan nát mà Qui Hòa gần đó lại bình yên…nghĩ không ra?
Năm 1960, tụi em, lớp đệ tam, cũng đến trại phong Qui Hòa. Giữa trưa, nên không gặp ai cả. Tụi em vào nhà thờ tham quan, đi lại trên nền nhà láng bóng, mát mẻ! Bổng một tiếng quát bằng tiếng Pháp ” Imbeciles” ( Đồ ngu). Tá hỏa tam tinh, hóa ra là tiếng la của một linh mục người Pháp. Nghĩ mình có làm gì nên tội mà bị xài xể như vậy, tức anh ách.Lấy lại bình tĩnh, linh mục giải thích : nền nhà nơi chúng con đứng dành cho người bị phong nặng phải bò lết để dự lễ. Tuy xem ra sạch sẽ, nhưng vi trùng Hansen đầy dẫy, ngài sợ chúng em bị lây nhiễm nên mới nặng lời như thế!
Mới lớn mà anh phải chứng kiến bao nhiêu biến cố đau thương khắp nơi và gặp bao nhiêu nghịch cảnh trong đời… nhưng anh vẫn ngẩng cao đầu. Rất phục anh!
Trả lời