MỘT CƠN GIÓ THOẢNG !
( VENTUS EST, VITA MEA. GIÓP 7.7)
HỒI KÝ Ý NHẠC NGUYỄN KHÁNH THỌ) ( BÀI 2).
XÓM BÀU AN NGÃI, NÚI BA VIÊN XA XA. ẢNH TRƯỜNG THĂNG.
2. Có chàng “tu xuất” đẹp trai…
Tình duyên dang dở… năm đời hiền thê.
Vĩnh biệt nhà Chúa, trở về đời… Nội là một thanh niên “có giá” nhất trong địa sở thời bấy giờ. Nhiều cô gái con nhà khuê các thầm mong sao lọt vào cặp “mắt xanh” của chàng “tu xuất” đó. Nhưng người thiếu nữ được chàng “chấm” là trưởng nữ của ông Câu Họ, nàng tên Nguyễn Thị Kham. Nói đúng hơn, chính ông Cậu thấy chàng trai tài đức kiện toàn nên gọi đến “gả con” vô điều kiện.
Nhưng cuộc tình đôi trai tài gái sắc ấy không bền lâu. Nàng sanh gái đầu lòng đặt tên Luyến (do đó, người trong họ đạo cũng quen gọi Nội là “thầy Luyến”). nhưng chưa đầy năm, đứa con cưng của đôi vợ chồng đã sớm về chầu Chúa. Khi nàng sinh gái thứ hai (Ba không nhớ tên) thì cả mẹ lẫn con cùng vĩnh biệt chàng sang bên kia thế giới.
Chàng “tu xuất” âm thầm đau xót quay về an phận với cuộc sống độc thân, chăm lo công tác nhà thờ và dĩ nông vi bản. Ba năm sau, có người bà con (không nhớ tên) ngỏ ý muốn làm mối cho chàng một thiếu nữ đoan trang thuộc gia đình lễ giáo tại địa sở Mỹ Hoà, một họ đạo cận sơn cách xa An Ngãi 7,8 cây số. Nàng tên Nguyễn Thị Ngày, con gái thứ năm của ông Câu Họ tên Trương. Nghe vậy, chàng cũng tò mò muốn chiêm ngưỡng dung nhan nàng ra sao (theo lời Nội thuật lại với Ba). Một ngày đẹp trời, 2 người cùng đi bộ đến tận nơi và qua lời giới thiệu của “ông mai”, chàng được ông bà cậu tiếp đãi trọng hậu, mời ở lại dùng cơm trưa. Thái độ từ tốn và tác phong lễ độ của chàng không mấy chốc đã thu phục được cảm tình của ông bà Cậu. Đến bữa cơm, “người đẹp” xuất hiện, hai tay bưng một mâm đầy thức ăn thịnh soạn. Chàng liếc trộm nàng và không ngờ “tiếng sét ái tình” xẹt qua tim. Chàng cảm thấy mến người con gái chưa quen đó. Trên đường về chàng tâm sự với “ông mai” rằng mình đồng ý nhưng ngại nỗi mình nghèo so với nàng, không môn đăng hộ đối. “Ông mai” bảo cứ yên tâm, mọi việc để ông ta lo chu tất. Tuần lễ sau, “ông mai” hớn hở đến báo tin vui cho chàng là “đàng gái” chấp nhận chọn chàng làm “nghĩa tế” vô điều kiện và “người đẹp” cũng thuận tình. Thế là hôn lễ giữa chàng và nàng đã được cử hành sau đó.
MỸ HÒA. QUÊ HƯƠNG DÌ NGÀY, NAY LÀ ĐẦU NGUỒN HỒ HÒA TRUNG.
DƯỚI CHÂN NÚI BÀ NÀ.
Nhưng, nàng về sống chung với chàng, hạ sinh được 2 gái rồi cả 3 mẹ con cùng bỏ chàng vĩnh viễn ra đi. Lần thứ hai, cuộc tình của chàng nửa đường đứt gánh. Ba được biết, gái đầu lòng giữa Nội và Bà thứ hai này tên Nguyễn Thị Sáng nhưng chẳng nghe ai gọi Nội là “Thầy Sáng” cả, có thể người con gái này mất sớm.
Người đàn bà thứ ba đã kinh qua cuộc đời tình ái của Nội là một góa phụ tên Nguyễn Thị Khương (bà có một đời chồng và chung sống không bao lâu thì người này chết). Bà là gái thứ của một ông Câu Họ địa sở Phước Đông, cách xa An Ngãi 5 cây số trên đường Đà Nẵng – Bà Nà. Đó là ông Cậu Kính (gọi theo tên con), người có thế lực và uy tín tại địa phương. Trưởng nam của ông là Nguyễn Văn Kính, học cùng lớp với Nội tại Chủng Viện, được thụ phong Linh mục và mất vào năm 196…, thứ nam là Nguyễn Văn Ngợi (có con đầu lòng tên Bổ, nên địa phương thường gọi là ông Câu Bổ, xã Bổ hay Chánh Bổ) từng làm lí trường rồi chánh tổng và nối nghiệp cha làm Câu Họ . Với góa phụ này, Nội cũng được một người bà con “mai mối”, đưa Nội đến nhà ông Câu giới thiệu và làm quen. Nội đồng ý và hôn lễ cũng đã được cử hành “vô điều kiện”. Đây chính là Bà Nội của các con, hai ông bà chung sống hạnh phúc, sinh hạ được hai trai. Trai trưởng tên Nguyễn Tấn Giáo (tức Bác Hai của các con, phụ thân của chị Thủy ) và trai thứ là Ba được Nội đặt tên Nguyễn Khánh Thọ. Ba chào đời vừa giáp năm thì Bà Nội mất. Ông Nội Sống cảnh gà trống nuôi con, chưa nghĩ gì đến việc tái giá. Cảm thông trước hoàn cảnh của Nội, người chị dâu (tức Bác Điều gái) tự nguyện về ở chung, giúp đỡ em chồng lo cho 2 con còn nhỏ dại (tức là Bác Hai và Ba). Riêng đối với Ba, Bác tận tình chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ, coi như con ruột. Tình cảm mến sâu đậm đã khắc ghi vào tâm não Ba như tình thiêng liêng mẫu tử. Tình cảm mến đó không bao giờ phai nhạt trong suốt cuộc đời của Ba. Mãi đến hôm nay, khi viết lại mấy dòng này, Ba vẫn còn hình dung được cử chỉ, lời nói nhất là nụ cười của người Bác thân yêu với mối tình cảm thiêng liêng vô giá đó.
NHÀ THỜ HỌ PHƯỚC ĐÔNG. GIÁO XỨ HÒA NINH NGÀY NAY.
QUÊ MẸ ANH Ý NHẠC, DÌ KHƯƠNG. ẢNH TRƯỜNG THĂNG.
Cũng nên nói qua về gia thế ông bà Cố ngoại của các con. Không rõ ông bà đến lập nghiệp tại địa phương từ đời nào mà điền sản (gồm ruộng, đất thổ, rẫy) được liệt vào hạng “Nhất Đẳng” và ông bà coi như đại địa chủ trong vùng. Tuy giàu của nhưng ông bà rất hiền đức, sống giản dị và hay thương người nên được dân làng mến phục. Ông bà rất cưng chiều cháu ngoại vì thấy các cháu sớm mồ côi mẹ, nhất là đối với Ba (“Cháu ngoại út”). Ba còn nhờ mỗi lần Nội dắt Ba về Ngoại là được dịp cho Ba tha hồ vòi vĩnh, đòi ăn đủ thứ, chui vô ngồi trong lòng ông hoặc nằm bên cạnh ông để nũng nịu và lục ví (bóp) để xin “lì xì”. Ngoài vườn trồng cam, quýt, tắt, bưởi (loại bưởi nhỏ rất ngọt) mặc tình cho Bác Hai và Ba ra trèo hái.
Ông bà mất vào năm nào ba không còn nhớ (có thể lúc đó Ba 6,7 tuổi). Bà đi trước và ông nối gót theo sau (cách nhau độ một vài năm).
Sau khi ông bà Cố qua đời, ông Cậu Ngợi coi như con trưởng được thừa hưởng toàn bộ gia sản (vì ông Cậu Kính đi tu, nhường phần mình cho em). Ông Cậu Ngợi có gọi Nội lên chia một phần nhỏ của Bà Nội nhưng Ông Nội không nhận.
Về gia đình ông Cậu Ngợi, có một mẫu chuyện thương tâm “Cha giết Con” mà đến bây giờ Ba chưa quên. Không nhớ vào năm nào (lúc đó dường như ông Cố còn sống nhưng đã già yếu) vợ chồng ông Cậu cùng con trai (anh hai Bổ có vợ chị Hai Giám ở Tùng Sơn một con) dọn nhà lên ở Nà Vét làm ruộng, rẫy. Đây là vùng rừng núi ít người ở nhưng đất đai màu mỡ, ông bà Cố là một trong số địa chủ đến khai phá đầu tiên. Một đêm, bọn cướp được tin ông bà Cậu vừa bán lúa, chè nhiều tiền nên đến để vơ vét. Giữa khuya, nghe tiếng chân người đi bên ngoài hướng về phía cửa trước, ông Cậu chụp vội cây “mác” dài có mũi nhọn bằng sắt, nhanh chân lẻn ra cửa sau lẫn vào vườn chè, nấp bên cạnh gốc cây to, đưa hướng mũi mác nhọn về trước thủ thế. Bỗng một bóng đen lù lù đi tới, ông Cậu không dám lên tiếng hỏi ai và vì quá hoảng sợ nên khi bóng đen tiến gần sát, ông Cậu đâm một cái thật mạnh rồi rút ngọn mác ra. Bóng đen “ự” mấy tiếng rồi ngã xuống. Ông Cậu vội đổi hướng chạy qua nấp ở một gốc cây to khác gần đó. Bọn cướp vào nhà thấy đàn bà, con nít nên chỉ tra hỏi qua loa rồi chia nhau lục soát khắp nhà, đập bể cả rương tủ chẳng thấy cái gì đáng giá (nghe đâu lúc chiều ông Cậu bán lúa, bán chè xong, bao nhiêu tiền cho vào hũ chôn ngoài vườn). Đến gần sáng, bọn cướp sợ lộ tung tích nên đành rút lui. Khi biết chắc bọn chúng đã đi xa và trời bắt đầu mờ sáng, ông Cậu mới dám vào nhà, khoe với vợ con: “Tao hự được một thằng chết rồi, chắc còn nằm ngoài vườn !”. Nhưng chị Hai Giám (vợ anh Hai Bổ) không thấy chồng đâu mới hỏi thì cả nhà sực nhớ vội đổ xo ra vườn tìm. Song, Cậu đi thẳng ra chỗ nấp đêm hôm thì… một cái xác không hồn nằm gần đó, máu đầy người chảy lan ra mặt đất và… không ai khác, chính là người con trai duy nhất của ông Cậu: “Hai Bổ”.
Vụ án “Cha giết Con” được cấp thời báo Huyện đến khám nghiệm, lập vi bằng. Nhờ uy thế của ông Cố lúc đó cộng thêm một số tiền “phải chăng” nên vụ án được bỏ qua. Ông Nội được hung tin nên vội dẫn Bác Hai và Ba lên Nà Vét dự đám tang anh Hai Bổ.
Bà Nội mất được 3 năm, theo lời người quen kể thì Nội đã đi hỏi cô 5 Ngân con bà Giang trong họ. Hai ông bà thuận gả nhưng sắp đến ngày cưới, cô Ngân cứ bệnh “rề rề”, hai ông bà thấy Nội có tướng sát thê nên sợ mà từ hôn vì hai ông bà chỉ có người con gái duy nhất.
Ba còn nhớ, một ngày nọ, bà con trong làng kéo đến nhà Nội dự bữa tiệc thịnh soạn rồi chiều đó, dì Năm Linh (tức Dì Phụng) một góa phụ 2 con, nhà ở vườn trên kế cận, lại dọn đồ đạc qua sống chung với Nội. Sau này nghe nội Kể: “Vì chỗ láng giềng thường xuyên qua lại, cảm thông cảnh phòng không gối chiếc của nhau nên thuận kí hợp đồng về chung sống. Đây là hiền thê thứ 4 của nội.
Cũng từ hôm ấy, bác Điều coi như hết bổn phận với em chồng và đã trở về nhà sống với các con mình. Dì Phụng thay thế trong cương vị “Kế mẫu”, một kế mẫu dịu hiền, đối xử với con chồng như con ruột, chẳng bao giờ nặng lời chứ đừng nói hành hạ, đánh đập. Dì Phụng về ở với Nội được vài năm thì vào dịp ông Cố Ngoại các con mất, ông Cậu Kính ở Ninh Hòa về thọ tang và đề nghị với Nội cho hai anh em Ba vào ở với ông Cậu để ăn học. Nội đồng ý và trong thời gian Ba sống tại Ninh Hòa, dì Phụng sinh được 2 con (không nhớ trai hay gái). Người con đầu vừa lọt lòng mẹ đã sớm vĩnh biệt cõi đời và người con thứ hai, dị Phụng sinh xong rồi cả mẹ lẫn con cùng vĩnh biệt ra đi. Ba không nhớ dì Phụng mất vào năm nào.
Sống với ông Cậu khoảng năm rưỡi, Bác Hai và ba trở về quê sống với Nội. Sau khi dì Phụng mất, 2 con riêng của dì vẫn sống dưới sự đùm bọc của Nội cho đến khi hai anh em Ba trở về thì cả hai được bên ngoại đón về nuôi. Nội nhờ người cháu ruột của dì Phụng (chị Miên) đến giúp công việc nhà. Chị Miên hiền lành, ít nói, siêng năng, thương lo cho Ba như lo cho em ruột và Ba cũng quý mến chị.
CHÀNG VÀ NÀNG, CHÚ THĂNG TRONG BỤNG…TOURANE 1941.
Ba còn nhớ mang máng vào năm 1938, nghe dư luận trong họ đạo bàn tán về cô gái thứ 5 của ông Biện Thái ở Xóm Bàu đã trốn nhà ra đi, nay trở về. Ông Biện đưa con đến trình Cha và thú họ vì thời đó tục lệ trong họ đạo rất khắt khe (coi những cô gái bỏ nhà cha mẹ trốn đi như vậy là “con hoang” nên lúc trở về phải trình diện Cha Sở và thú tội trước bổn đạo trong nhà thờ dù có những cô dù xa nhà nhưng vẫn sống đàng hoàng.
Ngờ đâu… mấy tháng sau, cô gái đó trở thành hiền thê thứ 5 của Nội. Hôn lễ được cử hành tại Nhà Thờ và đám cưới được tổ chức đơn giản nhưng đông đủ bà con hai họ. Đó là dì Nguyễn Thị Đáng (tức Dì Năm Đáng) chị ruột ông Cậu Bảy (Linh mục Nguyễn Hữu Mừng) và cũng là …….chú Thăng và cô Ba các con.
Đôi “chồng già vợ trẻ” đó chung sống với nhau trong cảnh thuận hoà, hạnh phúc. Nội cưng chiều dì, không cho đi làm, chỉ ở nhà lo nội trợ. Đổi lại, dì luôn kính nể Nội, tuy thỉnh thoảng có “nhỏng nhẽo” đôi chút nhưng không bao giờ hành động trái ý Nội. Những ngày đầu mới về ở với Nội, thời đó trong làng có phong trào “dạy võ” nên vào những đêm trăng sáng, một số người thường tụ tập tại nhà anh Hai Ga (có con tên Tuấn, vào năm 1945 bị bắt đi mất tích) để xem. Dì Năm tuổi còn trẻ nên cũng ham vui nên thường dẫn Ba đến đó chơi. Trong đám thanh niên tập võ có con trai ông bà Lý (ở xóm chợ) từ Đà Nẵng về thăm nhà. Cậu ta đẹp trai, cao lớn, ăn mặc chải chuốt ra vẻ một “công tử … thành” và mỗi lần gặp dì Năm là tìm dịp bắt chuyện làm quen nên có tiếng đồn không hay đến tai Nội. Một đêm, hai dì cháu đi chơi về, Nội mở cửa, có vẻ buồn và trách nhẹ: “Em đã có chồng, đi chơi đêm hoài không tốt …”. Dì làm thinh không đáp và từ hôm đó dì không đi xem tập võ nữa.
Sau đám cưới dì Năm, chị Miên thôi việc trở về ở với mẹ ruột (dì Giêng, em ruột dì Phụng). với cương vị “kế mẫu” dì Năm đối xử với Bác Hai và Ba cũng như dì Phụng, ít khi la rầy mà chỉ “méc” Nội mỗi khi 2 anh em Ba phạm lỗi. Ba còn nhớ rõ, một buổi trưa, Ba phá phách gì đó, dì Năm bảo Ba đi ngủ, Ba không nghe nên dì Năm lấy roi định đánh Ba mấy cái. Ba né tránh và cãi trả: “Bà quyền gì đánh tôi?”. Dì cầm roi xông tới, Ba chạy ra sân nói với lại: “Tôi không cần ở nhà này nữa đâu” rồi bỏ đi luôn. Lúc đó phần uất ức, phần tự ái, Ba định lên Phước Đông (quê ngoại) ở với ông Cậu Bổ nhưng dọc đường gặp anh Hai Cư (người bà con trong họ) ở rẫy về hỏi đi đâu. Ba thuật lại câu chuyện và nói rõ ý định. Hai Cư khuyên cản, rủ về nhà anh ta chơi, đợi dì hết giận sẽ trở về. Đêm đó Ba ở nhà vợ chồng Hai Cư, nghĩ hối hận về hành động dại dột của mình. Chiều hôm sau, Hai Cư khuyên mãi, Ba mới lủi thủi về nhà. Nội cũng như dì Năm chẳng nói gì. Nhưng đêm đến Ba nghe dường như dì cằn nhằn Nội không biết dạy con. Nội làm thinh. Đợi 2 ngày sau, vào buổi tối, cơm nước xong, Nội gọi Ba lên, bắt nằm xuồng, quất cho mấy roi về tội hỗn láo với dì.
Trong những khi rảnh rỗi, dì cháu ngồi nhà, dì thường kể lại cuộc đời “đi hoang” của dì. Ba chỉ nhớ đại khái là sau khi trốn nhà, dì xuống Đà Nẵng gặp chị bạn quen rủ vào TuyHòa (tỉnh Phú yên cũ) tìm việc và giới thiệu vào làm công cho một gia đình người Pháp. Hai ông bà đã lớn tuổi, đối xử tử tế với người làm công. Dì được chủ tín nhiệm vì tính siêng năng thiệt thà. Nhưng đến sau, vì nhớ nhà nên dì xin nghỉ việc và quay về với mái ấm gia đình.
Thấy Nội lao động vất vả cũng chỉ “vừa đủ ăn” nên dì Năm sống giản dị, không thích đòi hỏi, may sắm hoặc đua đòi chưng diện. Về sau, vì thấy gia đình thiếu hụt trước giá sinh hoạt đắt đỏ nên dì bàn với Nội xin đi buôn kiếm chút lời bù đắp vào. Nội đồng ý. Hàng ngày, sáng sớm, dì đi mua hàng, đến chiều, dì gánh ra chợ bán (chợ chiều), tới chạng vạng tối mới về. Vừa đến nhà, bỏ gánh hàng xuống, dì vào bếp lo bữa cơm tối cho gia đình. Dù nắng mưa khổ cực, làm không rảnh tay dì vẫn an phận không hề than thở.
Tháng Giêng năm 1942, dì mang thai gần sinh, vì tuổi lớn, con so nên chiều hôm đó bỗng nhiên dì cảm thấy bụng đau nhói, nằm quằn quại trên giường, cả nhà cuống quít chạy đi rước “cô Mụ”, Ba cứ chạy lên chạy xuống thăm chừng sợ dì có mệnh hệ nào, hai hàng nước mắt tự dung trào ra vì quá thương dì. “Cô Mụ … vườn” bó tay nên bà con khuyên Nội thuê “xe kéo” đưa dì đi bệnh viện Đà Nẵng và trong đêm đó, dì sinh bé trai kháu khỉnh, mẹ tròn con vuông. Bé trai đó không ai khác đó là chú Thăng của các con. Còn cô Ba, chào đời năm 1944 lúc Ba đang học ở Tiểu Chủng Viện Làng Sông (Qui Nhơn).
Những năm Ba học ở trường Dòng Gagelin (Qui Nhơn) cũng như ở Chủng Viện Làng Sông. Mỗi lần về nghỉ hè, dì Năm chăm sóc từng miếng ăn, cái mặc và đến ngày tựu trường, cũng chính dì Năm đi mua sắm quần áo và những vật dụng cần thiết. Những năm đầu, dì thường theo Nội đưa Ba xuống tận Đà Nẵng để đáp tàu lửa vào Qui Nhơn. Lần nào cũng bịn rịn chia tay, Ba mếu máo nói lời chào Nội và dì, Nội thì ngó đi chỗ khác, dì thì đôi mắt lưng tròng. Tình cảm quí mến giữa “mẹ ghẻ, con chồng” đã ghi nét sâu đậm vào kí ức thời thơ ấu của Ba vì lúc đó Ba đã khôn lớn và hiểu biết nhiều hơn.
Vào tháng Giêng năm 1947, Ba từ Qui Nhơn về quê nghỉ Tết, đúng vào lúc quân Pháp đổ bộ Đà Nẵng và chuẩn bị tấn công vùng An Ngãi (Cha Augustinô Cần), Phước Đông (Cha Phêrô Sinh) và Phú Thượng (Cha Antôn Mầu) tản cư vào vùng tự do (tức địa sở Trà Kiệu, cách Đà Nẵng khoảng 30 cây số về hướng Nam). Thấy ba ở lại không tiện, Nội khuyên Ba tản cư theo các Linh mục. Trong phút giây từ biệt, hai dì cháu cùng khóc. Và Ba nào ngờ, đây là phút giây vĩnh biệt để rồi không bao giờ gặp lại người kế mẫu thân thương đó.
Cũng trong năm này (vào khoảng tháng 9 hay tháng 10 Ba không nhớ), trong khi Ba còn tại Chủng Viện Làng Sông thì Nội đột ngột ngã bệnh mấy ngày rồi mất trong lúc dì đang mang thai. Nghe đâu dì sinh được bé trai chưa đầy tháng. Dì cũng ra đi và mấy tháng sau, em bé cũng theo mẹ về bên kia thế giới.
Về dì Năm, còn một giai thoại Ba chưa quên tưởng cũng nên ghi lại đây. Một hôm vào xế trưa, hai dì cháu cùng đi thăm rẫy chè ở Cao Sơn (cách An Ngãi khoảng 7 cây số trên đường đi Bà Nà). Đi hơn hai phần đường, một chiếc xe nhà từ hướng Đà Nẵng lên chạy vụt qua, trên xe chỉ có một mình anh tài xế. Có thể vì thấy “người đẹp” lạc bước trên đoạn đường vắng xuyên rừng giữa trời trưa nắng cháy. Anh tài xế hào hoa “động lòng trắc ẩn” sao đó bèn thắng xe từ từ ngừng lại vẫy 2 dì cháu đến cho quá giang. Dì hơi ngại ngùng nhưng dì cháu vẫn thẳng đường tiến đến gần xe. Anh tài “lịch sự” mở của băng trước mời dì nhưng dì từ chối và cùng Ba lên ngồi ở băng sau. Anh tài vừa lái xe vừa hỏi đủ thứ chuyện “cà kê dê ngỗng” nào em ở đâu, đi đâu, chồng con chưa,.v.v. rồi tự giới thiệu mình chưa vợ, hiện làm tài xế cho ông bà chủ người Pháp đang nghỉ mát tại Bà Nà, hôm nay đưa xe lên đón. Mặc cho anh tài “đấu hót”, dì Năm thản nhiên ngồi cười, thỉnh thoảng đáp vài câu ngắn gọn. Khi đến con đường mòn chạy vào rẫy, dì bảo anh tài ngừng xe, cảm ơn rồi hai dì cháu cùng xuống xe. Nhưng, 2 dì cháu đi được mấy thước, anh tài gọi dì lại nói nhỏ mấy câu, dì cười không đáp. Dì bảo: “Anh tài cho địa chỉ để khi nào có dịp xuống Đà Nẵng thì ghé nhà chơi”. Dù sao thì hai dì cháu cũng đi được một khúc đường không mỏi chân lại được ngồi mát. Trên đường về, Ba trêu dì bằng cách dọa về “méc” Nội. Nhưng vừa đến nhà, Ba chưa kịp nói thì dì đã kể hết câu chuyện cho Nội nghe. Nội nói đùa: “Sao không theo người ta luôn đi !”. Hai ông bà cùng cười.
Nội mất và tháng sau dì Năm cũng mất theo. Thế là thiên tình sử “nửa đường đứt gánh” của chàng “tu xuất” năm nào coi như kết thúc. ( còn tiếp).
TÁC GIẢ : Ý NHẠC NGUYỄN KHÁNH THỌ.
MỘ PHẦN NHỮNG NGƯỜI THẦN YÊU, 1971.
CHO EM KỂ THÊM :
Vào đầu thế kỷ 20, dù vùng Tourane ( Hàn, Đà Nẵng hiện nay) đã tiếp xúc với văn minh Âu châu và đã có bệnh viện, nhiều “đốc tờ” ( docteur, bác sĩ), nhiều nhà hộ sinh và tân dược…nhưng không hiểu vì sao các bà rất dễ tử vong do sinh nở. Khi đọc lại các sổ sách tại nhà thờ An Ngãi, tôi thấy có rất nhiều ông góa vợ tái hôn. Tử vong vì sinh nở phổ biến khắp thế giới. Trong một tài liệu đọc được, ngay tại nước Pháp văn minh , cho đến năm 1948, vẫn còn nhiều sản phụ tử vong do sinh nở hoặc hậu sản , sản hậu gì đó. Có lẻ thuốc trụ sinh chưa được phổ biến.
Qua hồi ký của anh Ý Nhạc, thấy “ ông già” quả là một nhân vật có quá nhiều bi kịch. Có điều lạ là ai cũng quý mến. Các phu nhân đều xuất thân từ những gia đình danh giá , không Câu, thì Biện. Hai anh em thường kể chuyện cho nhau nghe . Anh Ý Nhạc thường cười và bảo : Năm bà, nhưng ba còn : gin” ! Anh em nhìn nhau cười bể nhà! Khi làm linh mục, nhiều người thấy “ dị”, xấu hổ, ngại ngùng khi “ tái giá”, tôi thường khuyến khích “ can đảm lên”… Ba tôi mà “ dị” thì không có anh Ý Nhạc, lẫn tôi. Con cái không nên ích kỷ mà hãy nghĩ đến hạnh phúc của cha, mẹ mình… Tuy nhiên, ông dượng hay kế mẫu phải thật sự thương yêu, sống đạo đức, sống vì mọi người. Anh Ý Nhạc và tôi “ cùng cha khác mẹ” nhưng giữa chúng tôi không có gì cách biệt.
Mẹ tôi thuộc hạng “ gái tân thời”. Các dì và thiếu nữ quê tôi thời ấy đều nhuộm răng đen. Mẹ vẫn để răng trắng. Lớn lên mẹ theo Dì Bốn Xứng đi buôn. Đường xe lửa đã hoàn chỉnh nên việc đi lại rất thuận lợi vào thời gian đó. Tàu chợ phát xuất từ Đà Nẵng đi Huế và Quảng Ngãi, Qui Nhơn v.v. đi và về rất đúng giờ. Dì Bốn là vợ Dượng Tỏ, công nhân nhà máy thuốc lá “ Tu Ranh” (Tourane, Đà Nẵng) , mặc Âu phục, diện giày da, đi “ xe máy” ( xe đạp). Làm hảng thuốc lá nhưng có lẻ là thuốc xắt Cẩm Lệ lừng danh một thời. Sau nầy, tôi thấy Dượng tẩm, vấn và xắt thuốc lá Cẩm Lệ. Những lát thuốc nâu đen, dẻo rơi xuống…ngon như kẹo, thấy mà thèm . Dì Bốn buôn vải , thỉnh thoảng tôi thấy phơi những súc vải dài, thường màu trắng , đen. Hai chị em mang hàng thổ sản địa phương Tổng Giáo, huyện Hòa Vang là “chè sao” ( trà) và chè khô ( chè già, giã nát, phơi khô), vừa nhẹ vừa có giá. Vào thờ đó công ty Fyard và Denison trụ sở đóng tại làng Tùng Sơn, cách làng tôi một cây số, khuyến khích dân trồng chè bán cho họ sao chế để xuất khẩu. Đọc lại thư tịch thương mại thành phố Tourane, sẽ thấy rõ, trà là một trong những món hàng xuất khẩu chính của vùng nầy như yến sào, quế, gừng, nghệ v.v. Hai chị em thường buôn trên cung đường Đà Nẵng- Trà Kiệu, vừa đồng đạo, vừa có nhiều bà con. Ra khỏi lũy tre làng, mẹ tiếp thu nhiều kiến thức, trí mở ra, và có những quan niệm khác về hôn nhân. Phải đặt trên tình yêu chứ không do áp đặt kiểu “ ép duyên” hoặc cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Chuyện “ đi hoang ” của mẹ , chữ anh Ý Nhạc dùng hơi mới. Phải gọi là “ đi dong” tức đi vong. Một hôm tôi gặp cha Sinh, lúc đó hình như làm phó xứ hoặc coi sóc một họ đạo gần An Ngãi có nhắc chuyện “ mẹ con đi dong” và cười tinh nghịch. Vào thời đó mà một cô gái rời nhà đi xa trong một thời gian vài tháng là có vấn đề, và mọi người tha hồ “ tán hưu tán vượn”.
Khi tôi được 13 tuổi, bà ngoại có kể lại chuyện nầy. Ông bà ngoại định gã mẹ cho một người nào đó ở An Ngãi, hoặc Trà Kiệu chi đó nhưng mẹ không bằng lòng. Chắc là ông bà thúc bách quá nên mẹ đánh liều rời nhà trong một thời gian. Chuyện mẹ xa nhà không phải là chuyện mới và không thấy ai nói mẹ ra đi “ theo trai” hay làm chuyện gì bậy bạ. Dù sao vào thời đó, một cô gái bỏ nhà ra đi vẫn là “ gương xấu”, nên việc thú cha, thú Chúa…vẫn là việc cần thiết để “ răn đe” các thiếu nữ công giáo nên: “ liệu hồn đấy”! Mẹ đi buôn bán, quen biết nhiều bạn bè nên việc cùng cô bạn đi tuốt đến Phú Yên xin việc làm cũng không có gì khó khăn vào một thời mà “ “nhựt trình”( báo ) phổ biến rộng rãi. Những tin đăng tải…tìm người làm, xuất hiện nhan nhản. Phú Yên lúc đó 9 thập niên 1930) là vùng đất rộng, người thưa, nên chuyện cần người làm là bình thường. Chuyến đi nầy chắc bạn bè đã kháo láo với nhau lâu rồi, nay để tránh thịnh nộ của cha già, mẹ đành ra đi một thời gian. Ông ngoại không bao giờ nói với tôi về chuyện nầy. Chắc nghĩ lại, ngoại cũng thấy mình làm hơi quá. May chứ không thì mất con luôn. Mẹ đi với nhiều chị em chứ không đi một mình. Bà kể lại là khóc hết nước mắt vì nhớ con. Mẹ cũng vậy. Cuối cùng mẹ phải nhờ bạn nhắn về và cho địa chỉ để bà vào đón. Bà kể công việc làm là xếp trứng vịt cho một đồn điền nào đó ở tỉnh Phú Yên, anh Ba kể là do một đôi vợ chồng già người Pháp cai quản.
Cha tôi rất hiểu mẹ như sau nầy anh Ý Nhạc sẽ kể tiếp vì cha đã dạy Bao đồng ( Rước lễ lần đầu) và Thêm sức cho cô bé thứ Năm ông bà Biện Thái. Cha chắc rất am tường “ lý lịch” cô bé nầy. Sau vụ “ đi dong” thì dưới con mắt của những kẻ hẹp hòi, mẹ có vấn đề. Riêng đối với cha, quá hiểu mẹ và hoàn cảnh éo le nầy nên càng quý mẹ, một cô gái bản lãnh tân thời, rất hợp với mình. Dì Mười ( nữ tu Albertine Nguyễn Hữu thị Thôi) , lúc ấy còn bé, ngây thơ không ngờ đóng vai trò làm “ chim xanh” bất đắc dĩ; đưa tin tức cho hai người mà không biết, vì khi thì thầy hỏi qua, khi thì chị hỏi lại, chẳng hạn “ Hôm nay chị đi mô”, “Hôm nay thầy làm gì?”, cô bé thật lòng kể hết, nhờ đó ăn kẹo bánh cả hai bên, phủ phê. Đôi lúc chị mắng yêu : “ Em ăn bánh kẹo thì em ráng chịu, chị không biết đó nghe!”. Chi tiết nầy khiến tôi an lòng, mẹ và cha tôi yêu kính nhau thực sự.
Về bản lãnh của mẹ, tôi được nghe kể : Mẹ thầy ( lúc đó tôi chưa làm linh mục) “ gan” lắm! Tại làng Vân Dương ( bên kia bàu An Ngãi) có một vụ treo cổ tự tử. Quan huyện xuống làm “ ăn kết” ( enquête, điều tra ). Sau khi làm xong, cho phép hạ xác xuống nhưng không ai dám dứt giây. Mẹ thầy lúc đó đi buôn cũng có đến xem. Họ không dám dứt giây vì sợ người chết về bắt thế mạng. Đợi miết mà không ai dám vì người chết trông dễ sợ, thè lưỡi dài nhằng, mẹ thầy nói “ đưa dao cho tôi”. Người ta bắc ghế và mẹ thầy cầm dao cắt đứt giây cho người ta đỡ xác xuống”. Eo ôi.
Đúng là một cô gái có bản lãnh! Con rất phục mẹ!
Chuyện đi xe kéo anh Ý Nhạc kể không đúng. Lúc đầu tôi cũng nghĩ như vậy vì lúc năm tuổi, có lần tôi được đi xe kéo với cậu Bảy Mừng ( linh mục Tađêô Nguyễn Hữu Mừng) . Tôi vừa thích thú vừa chóng mặt…vì xe chạy nhanh quá! Người kéo xe là anh Hai Ly, người ốm nhưng cao lòng nhòng, nên “ cao như Hai Ly” trở thành một lối so sánh. Sau nầy chị Mười Sau, ẵm bế tôi lúc nhỏ, nay ở Tùng Sơn, trên 80 mà còn rất khỏe, kể rằng : Ngày 30 Tết, mẹ chuyển bụng mà sinh cha không được. Tết đó cả nhà lo lắng, cuối cùng phải khiêng xuống nhà thương Hàn ( Tourane), mẹ phải ngồi xổm trong rổ phân ( loại rỗ to và bền chắc) cho hai người gánh vì không còn cách mô khác.”. Mồng ( mùng) 9 Tết Nhâm Ngọ, tôi mới cất tiếng khóc chào đời. Tội nghiệp mẹ quá! Thương mẹ quá! Cám tạ Chúa và cám ơn mẹ!
Hội An ngày 01 tháng 04 năm 2011.
Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng.
Trả lời