MỘT CƠN GIÓ THOẢNG !
( VENTUS EST, VITA MEA. GIÓP 7.7)
HỒI KÝ Ý NHẠC NGUYỄN KHÁNH THỌ) ( BÀI 17 )
LÀNG SÔNG 1946-47..
ALMA MATER. TRƯỜNG MẸ YÊU DẤU LÀNG SÔNG.
TRÊN 15O NĂM LỊCH SỬ VỚI BAO KỶ NIỆM VUI BUỒN.
PHOTO TRẦN ĐỨC CẦU, QUI NHƠN, 1960.
10.
Cuối tháng 8/1946 Cha Bề Trên địa phận nhắn tin gọi các Thầy 2 ban Thần Học, Triết Học và các Chú từ lớp 8 đến lớp 1 tựu trường đúng ngày 1.9. Lần này có thêm ông bạn Xử (lớp 6). Anh em đáp xe lửa từ Đà Nẵng vào Diêu Trì rồi theo đường bộ về Làng Sông.
Niên khoá 1946 – 1947, Ba lên lớp 2 cũng gọi là lớp Văn Chương (Classe de la Littérature). Giáo sư gồm có: linh mục Võ Ngọc Nhã phụ trách các môn La tinh, Anh văn và Việt văn. Thầy Huỳnh Kim Lăng phụ trách Pháp văn và Sử Địa. Thầy Trương Đắc Cần phụ trách Toán (Hình học). Thầy Cần còn kiêm chức vụ giám thị “chú lớn”. Cha Nhã hiền lành, nhỏ nhẹ, vui tính, nhiều tình cảm, có khiếu về văn thơ. Thầy Lăng năm nay khác hẳn thầy Lăng giám thị ngày nào (1942) dễ tính hơn và rất nhiệt tình với bổn phận (thầy chịu khó soạn bài nên môn học của thầy có phần hấp dẫn nhứt là Sử – địa). Thầy Cần hơi nguyên tắc, nghiêm nghị nhưng hiền từ, có khiếu về Toán nên dạy rất dễ hiểu và mau tiến. Với cương vị giám thị, thầy đối xử với “chú lớn” như anh em, dễ cảm thông, không mặc cảm, mỗi lần cần nhắc nhở điều gì vẫn luôn giữ thái độ bình tĩnh, giọng nói nhỏ nhẹ. Riêng đối với Ba, thầy có cảm tình đặc biệt, một phần vì thầy là “anh kết nghĩa” của Chính (đồng hương của Ba) một phần vì thấy Ba có khiếu về Toán. Những phần thưởng về thi đố hình học của Thầy luôn về tay Ba, không những Ba giải nhanh mà còn chứng minh khác lối chứng minh của Thầy. Tuy nhiên Ba lại thích văn chương hơn nhất là trong lĩnh vực thơ. Ba lấy bút hiệu “Bích Thủy” (bí danh của Nội) và bắt đầu sáng tác những bài thơ Đạo và thơ trữ tình (phần nhiều là thơ Đường, thơ mới và lục bát). Lớp học vẫn còn 11 người và Ba cùng với Báu tranh nhau nhất, nhì. Trong năm này, Ba có nhiều bạn thâm giao nhưng đặt biệt là 2 “bạn kết nghĩa”: Tăng Xuân Ba (học trên 2 lớp) và Nguyễn Công Luận (học trên 1 lớp). Tình bạn vẫn kéo dài dù sau này cả 3 không còn ở Chủng Viện nữa. hiện nay (1983) Ba ( Xuân Ba)ở đâu Ba cũng không rõ, còn Luận đang ở Sài Gòn (năm 1982) Ba đã đỡ đầu Rửa Tội cho chú rễ tân tòng của Luận tên Nghĩa).
Đến mùa Giáng Sinh, lớp của Ba được giao công tác làm “Hang đá”. Nhờ ông bạn Thất (nay là linh mục Huệ) vừa khéo tay vừa có óc mỹ thuật nên công tác hoàn thành tốt đẹp, nỗi bật nhất là ngôi sao lạ “kiểu tân kỳ”, nhiều cánh, nhiều màu. Noel năm nay, Chủng Sinh đồng ca nhiều bài hát mới của Hùng Lân, Hải Linh do Cha Võ Ngọc Nhã trong dịp ra Bắc thụ phong linh mục, chép đem về, như Đêm Đông, Tìm Hang Đá, Cao Cung Lên, Cùng Đi Bê Lemv.v.
CHA HUỲNH KIM LĂNG, CHA BÌNH, CHA CHÂU, CHA LÀNH, CHÚ TÝ,
CHA QUÁ..ANH THƯỜNG NHẮC TÊN. TĨNH TẤM LINH MỤC 1961?
Lễ Giáng Sinh rồi Tết Dương Lịch trôi qua trong cảnh thanh bình lặng lẽ… Ngờ đâu mấy ngày sau, Chủng Viện được lịnh của Ủy Ban Hành Kháng tỉnh yêu cầu giải tán. Anh em lại được miễn thi Đệ I Lục Cá Nguyệt và khăn gói lên đường về quê nghỉ Tết sớm. Riêng các Thầy, Chú Nha Trang đành ở lại trường vì lúc đó Pháp đã chiếm tỉnh Khánh Hoà ra tới chân đèo Cả…Ông Cậu Bảy, Sách, Chính và Ba đáp xe lửa về đến ga Trà Kiệu (vì Pháp chiếm Đà Nẵng trước Noel 1946) ngủ lại một đêm sáng hôm sau “cuốc bộ” qua ngã La Nang, Lệ Sơn, Tuý Loan (huyện Hiếu Đức) về An Ngãi. Ba về đến nhà vào khoảng 17g00 này 5-1-1947, thì được biết cách đây hơn tuần lễ Ủy Ban Hành Kháng Tỉnh Quảng Nam đã cho Công An đến địa sở mời Nội cùng một số thanh niên (kể cả Hai Phiên) vào Hội An vì bị tình nghi “phản động”. Nhưng khi tạm giam để cho “mật” điều tra tại chỗ thấy không đủ bằng cớ nên họ đã trả tự do cho Nội trước tiên. Ngay hôm chiều Ba về thì anh Hai Phiên cùng một số anh em khác mừng được thả. Anh em cho biết trong danh sách những người được Tỉnh mời cũng có tên Ba.
Vùng Đông An Ngãi đang sôi sục khói lửa chiến tranh. Pháp chiếm Đà Nẵng đang trên đà tiến về hướng Tây (hướng Bà Nà) chỉ còn cách xa độ 7 cây số… Súng nổ liên hồi từ xa vọng lại “ì ầm”, ban đêm ánh lửa đạn sáng rực, còn ban ngày những cột khói đen ngòm bốc lên cả một vùng. Dân quân địa phương được lệnh sẵn sàng chiến đấu còn đồng bào nơm nớp chuẩn bị tản cư…
(CÒN TIẾP)
TÁC GIẢ Ý NHẠC NGUYỄN KHÁNH THỌ.
Năm 1946, em mới 4 tuổi nhưng năm 1947, nhờ hồi ký của anh, em bắt đầu ” xâu lại” những biến cố mà em nhớ được, nhất là những tiếng nổ kinh hồn… gọi là ” ca nông”! Những âm thanh khủng khiếp , những cột khói đen ngòm sắp nhận chìm cả thế hệ tuổi em vào hỏa ngục chiến tranh và bất hạnh.
HỘI AN, NGÀY 17 THÁNG 7 NĂM 2011.
LM ANTÔN NGUYỄN TRƯỜNG THĂNG.
Trả lời