SÁNG SỚM TẠI NHÀ HỎA TÁNG
NGHĨA TRANG BÌNH HƯNG HÒA
NGHĨA TRANG BÌNH HƯNG HÒA TỪ VỆ TINH.
THEO WIKIMAPIA.
Theo Wikipedia : Nghĩa trang Bình Hưng Hòa là nghĩa trang chính, lớn nhất của Thành phố Hồ Chí Minh. Nghĩa trang nằm ở phường Bình Hưng Hòa và Bình Hưng Hòa A của quận Bình Tân, trên trục 2 con đường chính là đường Tân Kỳ Tân Quý và đường Bình Long. Trước đây nghĩa trang này thuộc Huyện Bình Chánh ngoại thành nhưng do quá trình đô thị hóa nhanh chóng, nghĩa trang hiện nay nằm trong nội thành thành phố.
…Nằm trong khuôn viên của nghĩa trang còn có Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa (còn được quen gọi là Lò thiêu) với 4 phòng nghi lễ khá khang trang và lịch sự.
Trước đây nghĩa trang Bình Hưng Hòa có 2 hồ lớn, 1 hồ nằm ở phía bên trong đã được san lấp năm 2008 để lấy đất chôn cất, 1 hồ nằm ngay mặt tiền đường Bình Long tuy nhiên đã bị hút hết nước.
Năm 2008, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định sẽ giải tỏa nghĩa trang Bình Hưng Hòa, các mộ cốt sẽ được dời qua các nghĩa trang khác và hiện tại vẫn đang trong quá trình nghiên cứu đền bù và di dời”
Trước đây nghĩa trang rộng đến 80 hecta và có đến 80.000 ngôi mộ. Bốn phòng nghi thức an táng và 13 lò thiêu.
Linh mục Antôn nghe nói nhiều về nghề nghĩa trang danh tiếng nầy nhưng chưa bao giờ đến đây. Sáng nay 22 tháng 8 năm 2012, do các linh mục trong giáo phận dự tĩnh tâm năm nên linh mục được mời đến giúp nghi lễ hỏa táng cho một giáo dân.
Vị phụ trách đưa tôi đến Nghĩa trang Bình Hưng Hòa, hay tham dự các nghi thức an táng tại đây cho biết:
-Sáng sớm, thường có nhiều đám tang công giáo vì các giáo xứ dâng lễ an táng xong là di quan ngay, không coi giờ hên xui gì.
Khi chúng tôi đến đây vào khoảng 6 giờ 15 thì đã thấy có những xe tang đầu tiên và đúng là các thi hài công giáo. Xe chạy thẳng lên các phòng nghi thức hỏa táng và thân bằng quyến thuộc nhanh chóng vào các phòng quy định tiến hành nghi lễ.
Khu vực hỏa thiêu càng lúc càng nhộn nhịp với những cổ xe sơn son thiếp vàng lộng lẫy và từng đoàn từng đoàn kế tiếp nhau. Các đoàn thuộc Giáo hội Phật giáo thường có nhiều sư thầy và ni cô đồng hành, nhiều màu sắc hơn.
Sân rộng bây giờ được lấp kín người và xe. Các ban kèn đồng cật lực thổi, khi thì Phật giáo Việt Nam, lúc Lạy Mẹ xin yên ủi …hoặc bài ca tạm biệt mà lúc nhỏ chúng tôi thường bi bô “ò e con ma…”.
Bên ngoài khu vực hỏa táng hàng chục xe buýt xếp hàng và cuộc sống cạnh tranh buôn bán diễn ra tấp nập. Cà phê, điểm tâm, hương đèn, hoa quả, đồ lưu niệm, cả những con gà con nhuộm vàng, nhuộm đỏ không rỏ làm gì…Ban ngày nơi đây ồn ào, nhưng đêm về lúc vắng lặng, chốn nầy cũng diễn ra bao cuộc cạnh tranh khốc liệt vì miếng cơm manh áo. Báo chí còn nói đến nổi bất hạnh của những người không mảnh đất cắm dùi phải chen chúc sống giữa mồ mả, những dịch vụ chăm sóc phần mộ, hay những cuộc thanh toán, tội ác, “gà móng đỏ”, ma túy cần sa đập mộ bán sắt, cờ bạc, cá độ đá gà… Xem ra sống quan trọng hơn chết. Tất cả mọi người sợ “ma sống hơn ma chết”.
Trở lại sân trong, mọi đến đây thấy chết cũng bình thường , không gì quá ầm ỉ. Ở khu phố chỉ có một nhà tang nhưng đến đây thấy ùn ùn nhiều đám kéo đến, giàu có, nghèo có, đa tôn giáo…tranh nhau vào hoặc chờ đến lượt mình như một cửa hàng, một rạp hát!
Cũng may, có xe đến trước nhưng người thân kẹt xe chưa đến được, nhờ đó đoàn chúng tôi tranh thủ xin vào. Âm thanh đa hệ: kẻ khóc, người nói chuyện, kèn đồng, lò thiêu lưu ý, thầy tụng kinh, ca đoàn công giáo hát, hầm bà lằng.
Những tiếng khóc nức nỡ vang lên rồi tắt ngấm khi chuyên viên hạ “huyệt tượng trưng”, đưa quan tài xuống tầng dưới, kịp trang trí cho một đám khác. Linh mục cũng cử hành nghi thức công giáo hỏa táng tương tự hạ huyệt nơi nghĩa trang, ngoại trừ vài mục từ liên quan đến lửa…Chúa Thánh Thần, hầu xoa dịu cảnh thiêu đốt sắp tới thể xác những người thân yêu. Nghi lễ vừa dứt, người hướng dẫn nhắn bảo ai có xin lỗi gì với người quá cố thì chạm vào quan tài. Chưa kịp thì máy đã nhanh chóng hạ từ từ quan tài xuống tầng trệt. Cũng người nầy nhắc bảo thân nhân nhanh chân xuống dưới để tiếp tục tiễn đưa.
Do chưa chứng kiến hỏa táng lần nào nên tôi cũng vội xuống tầng dưới. Một dãy dài ghế ngồi với màn hình treo cao. Mỗi gia đình dán mắt vào màn hình như “xem TV” cách thức người thân mình được di chuyển vào nơi hỏa táng. Bên trong cửa kính và hàng rào, các nhân viên tất bật làm việc, di chuyển, vất bỏ “phụ kiện tùy táng” như hoa, đèn, rồi xếp hàng các quan tài theo thứ tự lượt mình.
Đây là một dịch vụ thương mãi, kinh doanh theo phương pháp dây chuyền.
Mới 7 giờ 30 mà đã có gần chục đám. Một vài xác đã vào lò, bảy tám vị còn nằm chờ. Ngày hên như hôm nay chắc cơ sở trúng đậm.
Quanh tôi bầu khí ồn ào, chẳng nghe mấy tiếng khóc, mọi người nhanh chân ra về, nói cười vui vẻ để còn lo cho cuộc sống. Không nhớ có ngửi thấy mùi gì.
Tôi chợt nghĩ, nếu không có đời sau, thì sống hay chết còn ý nghĩa gì nữa.
Lát nữa gia đình sẽ nhận một chút xương tàn. Phần lớn tro bụi còn lại sẽ đi vào các thùng plastic màu xanh hay màu cam nằm phía ngoài nhà hỏa táng.
Phù vân nối tiếp phù vân.
Lời Kinh Thánh nhưng mấy ai để ý. Ngoài kia xe cộ ầm ào, mọi người bon chen, tranh thủ, cuộc sống vẫn tiếp diễn như không hề có sự chết trên đời.
SG 22 THÁNG 8 NĂM 2012.
Trả lời