THƯƠNG CHIẾC ÁO DÀI .
ÁO DÀI VÀ NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM ĐẤT QUẢNG.
MẸ MARIA TRANG PHỤC ÁO DÀI THA THƯỚT. NGUỒN INTERNET.
Khi xem trên You tube cuộc trình diễn áo dài của Cộng đồng Thánh Tôma nào đó và một You tube khác kèm theo tiếng hát Bonjour VietNam (Chào Việt Nam) nước mắt tôi tự nhiên chảy dài không kìm hãm được.
NHÓM THỢ CHẠM CÔNG GIÁO TAM TÒA THẬP NIÊN 1930.
GIÁO DÂN LÀNG ĐÚC ĐỒNG PHƯỚC KIỀU 1938.
Chú ý cậu bé mặc áo dài đứng gần lm J. Dương Ngọc Liên.
ĐÁM TANG GIÁO XỨ HỘI AN XƯA.
Chiếc áo dài đưa tôi về miền quá khứ , về những kỷ niệm thân thương của một xứ đạo nghèo Quảng Nam, miền Trung những năm chiến tranh cực khổ. Tôi nghĩ đến ông bà tôi, cha mẹ tôi, nhưng đứa em và bạn bè tôi, đến ngôi thánh đường với những hàng cột gổ vươn thẳng. Đa số đã về với Chúa.
Nghèo nhưng không có nghĩa là xuề xòa, là nhếch nhác khi đi dự thánh lễ hay trong các đám tiệc. Đói cho sạch, rách cho thơm.
Cách kinh đô Huế phồn hoa không xa, nhưng người dân Đất Quảng không nhìn thấy được những vị vua với áo cẩm bào, những ông quan áo mão cân đai, những vương tôn công tử, những mệnh phụ phu nhân, tiểu thư gấm vóc lụa là…
ÁO DÀI CÔNG TỬ, TIỂU THƯ KINH ĐÔ HUẾ . THEO BAVH.
Ngày đó, vào thập niên 1940, tại các xứ đạo hình như chỉ có hai màu chủ đạo : đen và trắng cho y phục áo dài cả nam lẫn nữ. Các cô gái áo trắng quần trắng hoặc đen, còn cánh nam quần trắng và áo dài đen hoặc trắng. Trong nhà thờ, ít thấy màu mè khác ngoại trừ những người từ thành phố về.
Ông bà tôi, ba mẹ tôi tuy cuộc sống đạm bạc với nương chè, ruộng lúa, buôn thúng, bán bưng, nhưng dù cơm còn độn sắn lát, khoai lang khô, mít khô , chúng tôi vẫn có gì bỏ bụng, không phải chịu nạn đói khủng khiếp như miền đồng bằng Bắc Bộ. Bù cho việc thiếu gạo cơm, chúng tôi có ê hề chuối chín : chuối mốc, chuối lùn, chuối thanh tiêu, chuối hột (chát), mít ráo, mít ướt, ổi, thị ta, thị tàu, khế chua khế ngọt, me, bứa, hạt mít nài, trái ươi, sim, trâm, móc, cà na, hạt sen…nói chung là “lu bù kèn” trái ngon vật lạ trong các khu rừng quanh đó hoặc tại vườn nhà. Trên đường đi học về trưa đói bụng có thể dừng lại bên hàng rào vò một chùm trái “ ổi nho” hoặc tìm những chùm “ dũ dẻ” đẹp như những nải mít tí hon.
MỘT NGƯỜI CHO MẤY TRÁI DŨ DẺ VÙNG QUẾ SƠN . TO NHƯNG KHÔNG NGON! ! NẾU CẢ CHÙM 20 TRÁI THỈ ĐẸP BIẾT MẤY. VÙNG NÀO CÓ CÂY NẦY NÊN ƯƠM TRỒNG LÀM CÂY CẢNH. HOA DŨ DẺ BUỔI CHIỀU THƠM “HẾT XẨY”.
Sắn “ ca nông”, “ tây trắng, tây đen”, dẻo, khoai mở, khoai tím, khoai lang, khoai từ, trút ( bình tinh), môn ( khoai sọ) không lúc nào thiếu. Một nồi hạt mít luộc cũng dư “ca lô ri” xét theo dinh dưỡng hiện nay. Quê tôi vùng cận sơn lại có bàu nước rộng cả trăm mẫu cho nên cá đồng , ốc bươu , ếch, nhái , lươn, chình…không hiếm. Chuột đồng quê tôi ăn lúa và hạt sen…chắc cũng bổ lắm nhưng không ai ăn. Nói chung, rừng cung cấp nhiều “chất đạm”, to thì có nai, mang, heo rừng, nhỏ thì chồn , nhím, sóc, thỏ, kỳ nhông, kỳ đà, cu đất , cu ngói, cu xanh, chàng làng, “chắc hoạch”…Làng tôi và nhiều làng đa số dân công giáo khác hợp thành Tổng Giáo, huyện Hòa Vang định cư gần vịnh Đà Nẵng đất rộng người thưa, cá biển , tôm , cua, mực , ghẹ ê hề nên nước mắm Nam Ô hoặc nước mắm nhỉ “ tự cung tự cấp” không thiếu. Món lạ nhất là thỉnh thoảng có bà con đi lính ngoài đảo “ Ba ra sên” ( Paracels, Hoàng Sa ) về đem tặng món gân ốc tai tượng , nghe nói khi nước ròng xuống họ bắt ốc to như cái “nồi” đồng, dùng dao cắt hai cái gân thôi, còn bỏ tất cả, sau đó xắc lát mỏng, đem phơi khô, trắng ngà, nướng ăn thấy “nhức nhối”. (Tại sao bây giờ quần đảo lại thuộc nước khác, nghĩ cũng lạ!). Bây giờ tôi mới hiểu ra tại sao thế giới yêu cầu bảo vệ “ da dạng sinh học”. Năm trăm héc ta chè lá mà các công ty Pháp Fyard và Denison thu hoạch xuất khẩu sang các nước đang mãi lo đánh giặc cũng đem lại chút hiện kim để sửa nhà, đóng tủ, “ làm dây chuyền, xuyến vàng phòng khi có con cái “ dựng vợ, gả chồng” … Ngày nay tôi đau lòng khi nhìn núi đồi bị tịch thu bán cho người ta múc đất, lấn sông lấn biển…Đất đỏ, đất sét trôi về lấp đầy vịnh; từ cống rảnh thành phố dầu nhớt , túi ni lông và bao loại chất thải độc hại như axít, chất tẩy tuôn ra bao quanh cả bán đảo Sơn Trà, tôm cá, cua mực, nghêu sò làm sao sống nổi mà có sống cũng mang đầy mầm bệnh. Ai chịu trách nhiệm về môi sinh? Hình như là trời, đất, biển chịu lấy. Tất cả vô can. Tôi cảm thấy thương cho người nghèo hôm nay. Còn người giàu họ có thực phẩm ngoại nhập…thịt bò Úc, Mỹ, Argentina….Xem ra tươi rói nhưng không biết đã qua tủ đông lạnh “bao nhiêu mùa thu lá rơi ” ???!!!
ÁO DÀI ” XẾP LY”.
Trở lại với chiếc áo dài, ngày chúa nhật, trai gái từ bảy tuổi trở lên lôi từ tủ ra bộ áo “vía” của mình, đặt dưới đầu làm gối để “ủi ” và hình như các nếp gấp lại trở thành dấu hiệu của sự sạch sẽ, tươm tất.
Dầu đại chiến thế giới đã bùng nổ từ năm 1939 nhưng quê tôi chưa có dấu hiệu gì biến động. Bằng chứng là ba mẹ tôi còn chụp chung một tấm hình kỷ niệm mối tình của một anh chồng có tướng “sát thê” và mẹ tôi, mới 25 tuổi. Tấm ảnh duy nhất còn lại nhờ ông anh khác mẹ trân quý giữ gìn nếu không tôi sẽ không bao giờ biết mặt mẹ cha. Tôi thường nhìn bức ảnh và cười một mình, chiếc áo dài rộng của mẹ đang che chở một mầm sống đang hình thành đó là tôi. Có lẻ tấm ảnh được chụp mùa hè 1941, Tết Nhâm Ngọ 1942, cậu bé đó mới cất tiếng khóc chào đời.
SONG THÂN 1941.
Nhìn vào ảnh thấy ba tôi, một ông biện họ, một thầy giáo làng trịnh trọng trong chiếc áo dài đen, mắt kính “mô đen Giáo hoàng Piô 12” và chiếc khăn đóng truyền thống rất khéo. Bên kia, mẹ tôi nghiêm nghị không kém, phô hết 10 ngón tay với chiếc áo “trăng đầm” đen láng. Xem ra ông bà cũng có chút “quý kim” là chiếc dây chuyền trên cổ. Tôi chỉ tiếc là tấm ảnh không ghi được mái tóc đen nhánh xức dầu dừa “ thơm” và búi tóc “đầu rìu” và hàm răng trắng của mẹ. Các dì tôi đều nhuộm răng đen. Như vậy mẹ tôi cũng thuộc hạng tân tiến đó. Tôi bật cười khi thấy bên kia ba mang giày hạ đàng hoàng còn mẹ thì “ nhà úp bóng” ( photographe) trang bị đôi hài quá nhỏ so với bàn chân nông dân chính cống thường mang guốc gỗ.
Vào thời kỳ đó cái kiểu hai người hai bên “bình bông ở giữa” là “mốt thời thượng” nhưng xem ra quá xa cách , ngày nay với photoshop tôi buộc hai vị phải sáp lại gần hơn cho có vẻ “tình cảm một chút”.
Ba mẹ tôi mất năm 1948, cách nhau có một năm, bỏ lại cậu trai út và cô gái út nhỏ bơ vơ giữa chợ đời.
Nhưng phúc đức nhờ phụ mẫu, bà con nội ngoại đã ấp yêu, che chở chúng tôi dầu cũng có ý kiến của một ông câu nọ, hình như không ưa ba tôi lắm vì ba có “cái tật hay binh kẻ cô thế” ( Vè : “Hay binh thầy Luyến” ( tên chị Hai) muốn nhận nuôi để “nó chăn trâu”.
Chúa có kế hoạch khác, cũng chăn nhưng mà chăn chiên.
Rồi tôi được nhận vào Tiểu Chủng Viện Nha Trang năm 1954.
Tôi mới học xong lớp nhì. Làm bài thi một mình.
Có lẻ vì nhờ thành tích đi tu của gia đình nội ngoại và sự quý hiếm ơn gọi vùng Quảng Nam hơn là thực tài mà Cố Joseph Clause Hồng MEP đã nhận tôi vào Tiểu chủng viện Nha Trang. Đường bộ Đà Nẵng Nha Trang thuộc “vùng tự do Việt Minh” , nên tôi được gởi xuống tàu Hải quân Pháp để vào nhập học.
CHÚ NHÀ TRƯỜNG ” NHỎ” :
THANH PHONG, TRƯỜNG THĂNG 1955.
Để cho ra vẻ “chú nhà trường”, tôi phải thay Âu phục bằng chiếc áo dài đen quần trắng lượt bượt. Phải đến năm 1957, khi nhập Chủng viện Tân Phước của Giáo phận Bùi Chu di cư, tôi mới giã từ chiếc áo dài thân thương đó.
Tôi lớn lên và rất thích em gái, các em họ, bạn bè của họ, cùng mấy chị đệ tử dòng thánh Phaolô trong màu áo dài học trò. Sao mà xinh thế, trắng trong thế! Khi có máy ảnh riêng tôi thường thích ghi lại chiếc áo dài.
Chiếc áo dài gắn liền với đời sống đạo của người công giáo Việt Nam nam cũng như nữ từ bao đời. Ai dám bảo chúng ta mất gốc! Các chị em thuộc giáo hội Phật giáo cũng mang áo dài màu lam, nhưng hơi khác áo dài truyền thống.
ĐÀO QUY ĐÃ VỀ VỚI CHÚA. THU BA GÓA PHỤ.
(ẢNH TRƯỜNG THĂNG 1965 )
Từ ngày làm linh mục, tôi khuyến khích chị em công giáo mặc chiếc áo dài truyền thống khi dự thánh lễ và các cuộc kiệu. Nhiều khi tôi nặng lời với các cô gái thế hệ “quần Jean áo pull” nhất là những chiếc áo “quảng cáo không công cho nhiều hảng buôn, xí nghiệp”, chưa nói đến những kiểu áo bải biển trong thánh đường. Nhưng tôi làm gì được một mình khi người ta lấy lý do hiện đại và văn minh và liệt mình vào hạng “olim” ( đọc ô lim, tiếng La tinh có nghĩa là xưa cũ , cổ lổ ). Có lẻ , Hội Đồng Giám mục Việt Nam có nên có những quy định cần thiết về y phục khi tham dự phụng vụ như tôi thấy các phụ nữ công giáo Nhật Bản , dù đi du lịch vẫn thủ chiến khăn voan trắng chùm đầu khi dự thánh lễ.
Rất may, trong khi một số người Việt Nam công giáo trong nước coi thường chiếc áo dài thì anh chị em công giáo Việt Nam tại hải ngoại lại tôn vinh nó, tuy hơi màu mè “cung đình” một chút nhưng như thế là quý lắm rồi. Giáo dân miền Bắc, sau bao nhiêu năm giả từ áo dài, ngày nay các xứ đạo cũng quay lại với chiếc áo truyền thống . Đẹp và thánh thiện biết bao!
Chiếc áo dài hôm nay được các nhà tạo mẫu đưa ra nhiều kiểu dáng rất lạ từ cung đình đến hiện đại, từ kín đến hở. “Mốt là mốt”, sẽ rất mau lụi tàn. Riêng người phụ nữ công giáo Việt Nam hãy cố gắng giữ gìn chiếc áo dài truyền thống, đơn sơ , kín đáo mà trang nhả như một dấu ấn không phai mờ về lòng trung thành của chúng ta với Chúa, Giáo Hội và sự gắn bó với truyền thống dân tộc.
PHỤ NỮ CÔNG GIÁO ĐÀ NẴNG VÀ CÁC NỮ TU PHAOLÔ.
KIỆU THÁNH THỂ 1959 TRÊN ĐƯỜNG PHỐ ĐÀ NẴNG.
LM ANDI TRẦN CAO TƯỜNG ( +2010) VÀ THANH THIẾU NIÊN XÚNG XÍNH ÁO DÀI TẠI MỘT GIÁO XỨ VIỆT NAM BÊN HOA KỲ. NGUỒN DUNGLAC.ORG
Hội An ngày 29 tháng 11 năm 2010.
Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng.
BÀI ĐỌC THÊM.
TÀ ÁO DÀI VIỆT NAM
Nguyễn Tất Đạt
( Con trai của Họa sĩ CÁT TƯỜNG)
HỌA SĨ NGUYỄN CÁT TƯỜNG
(1911-1946)
Lời Tòa soạn Diễn Đàn Thế Kỷ.- Bài Tà Áo Dài Việt Nam sau đây nguyên là bài nói chuyện của ông Nguyễn Tất Đạt, trưởng nam của họa sĩ Nguyễn Cát Tường (tức Le Mur, cha đẻ của chiếc áo dài tân thời), trong đêm nhạc Thu và Tình Yêu, tổ chức tại Little Saigon ngày 4 tháng 11, 2011. Bài nói này là phần mở đầu của tiết mục Trình Diễn Áo Dài trong chương trình…
Kính thưa quý vị,
Đêm nhạc hôm nay có chủ đề là Thu và Tình Yêu. Vẻ đẹp lãng mạn của mùa thu rất thích hợp với tình yêu, trong đó chính tà áo dài của người phụ nữ Việt Nam sẽ làm lộng lẫy thêm vẻ duyên dáng của mùa thu lẫn tình yêu. Chẳng thế mà nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã viết nên câu nhạc: Với bao tà áo xanh đây màu thu… Trong âm nhạc và thơ văn của ta, mùa thu, tình yêu và tà áo dài luôn luôn quấn quít lấy nhau. Nhưng điều đáng chú ý là sự quấn quít ấy chỉ bắt đầu từ giữa thập niên 1930 của thế kỷ 20 trở về sau mà thôi. Nhân chương trình hôm nay có mục trình diễn áo dài, tôi xin có một số ý kiến về sự kiện này.
Từ nghìn xưa, đất nước Việt Nam của chúng ta sống trong nền văn hóa khép kín kiểu Á đông, với chế độ quân chủ và đặc biệt chịu ảnh hưởng của tư tưởng Khổng Mạnh. Khi người Pháp xâm chiếm nước ta vào hậu bán thế kỷ 19 thì ảnh hưởng của nền văn minh Âu Tây mới dần dần thâm nhập vào xã hội Việt Nam, ảnh hưởng của Nho giáo ngày một thu hẹp lại trong khi ảnh hưởng của văn hóa Pháp ngày một mạnh hơn. Trong quá trình chuyển động ấy, thập niên 1930 đã chứng kiến một biến chuyển lớn về văn hóa giúp xã hội tiến nhanh trong việc đổi mới. Đó là sự xuất hiện của nhóm Tự Lực Văn Đoàn với một nhà xuất bản và hai tờ báo Phong Hóa và Ngày Nay. Văn đoàn này chủ trương dùng báo chí và văn chương để đả phá những cái thủ cựu lạc hậu, đồng thời tiếp thu những cái tiến bộ về nếp sống và tinh thần khoa học của Âu Tây. Với một nhóm người có tài năng và nặng lòng canh tân đất nước, nhóm Tự Lực Văn Đoàn đã thực sự gây được một ảnh hưởng mới mẻ trong xã hội Việt Nam về nhiều mặt. Một trong nhiều cải cách đã đạt được kết quả cụ thể của báo Phong Hóa và Ngày Nay là đổi mới chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam.
Thưa quý vị, nếu ở đầu thập niên 1930 những người đàn ông theo tân học đã mặc veston, thắt cà vạt, mang dày da giống như người Pháp thì về cánh phụ nữ sự thay đổi về y phục vẫn còn rụt rè lắm, nếu không nói là hầu như chưa có gì. Tuy về màu sắc thì lác đác đã có phần linh động hơn là chỉ có màu đen và màu trắng, chiếc áo dài của phụ nữ ở thời điểm ấy vẫn là những chiếc áo mà thế hệ mẹ và bà mình vẫn mặc trước kia, nghĩa là luộm thuộm, quá kín đáo và bất tiện, nhất là không làm tôn vẻ đẹp của dáng vẻ và thân hình người phụ nữ lên. Năm 1934, báo Phong Hóa đã dành hẳn một mục về cải cách y phục của phụ nữ, do họa sĩ Nguyễn Cát Tường phụ trách. Trong bài mở đầu cho mục này, ông viết: “Đoái nhìn lại nước nhà tôi không khỏi có điều chán nản. Trừ y phục của bọn trai chúng tôi, phần nhiều phỏng theo kiểu mẫu của người Âu, Mỹ, còn y phục của các bạn gái, tôi xem thấy có nhiều điều bất tiện mà lại không có vẻ chi là mỹ thuật.” Một đoạn khác, ông viết: “Phụ nữ đời nay có khác phụ nữ đời xưa họa chăng ở chỗ không đội nón thúng quai thao, không đi dép cong hay giầy “mõm nhái” như họ. Còn thì, vẫn kiểu áo lòe sòe ấy, vẫn cái quần lụng thụng đen ngòm ấy.” Và ông đề nghị phải sửa đổi y phục phụ nữ. Liên tiếp trong nhiều năm sau đó, trên mặt báo này, ông đã trình bày nhiều kiểu quần áo cho phụ nữ Việt Nam do ông vẽ ra, mà đặc biệt là sửa đổi chiếc áo dài. Có thể nói ông là tác giả của chiếc áo dài tân thời, mà từ thời thập niên 1930, cả xã hội đã mệnh danh là “Áo Dài Le Mur”. Xin nói thêm về tên gọi này: tên ông là Tường, mà trong tiếng Pháp, bức tường gọi là Le mur, nên ông lấy biệt danh là Le Mur cho các tác phẩm hí họa, minh họa và vẽ kiểu y phục của mình.
Có thể nói không ngoa, từ các cải cách của họa sĩ Nguyễn Cát Tường, chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam đã bước hẳn sang một giai đoạn mới. Với chiếc áo dài “tân thời” –như cách gọi của thời ấy- người phụ nữ Việt Nam đã đẹp hẳn lên nhờ chiếc áo làm nổi bật vẻ duyên dáng của thân thể mà vẫn giữ được sự kín đáo nữ tính. Và trên cái nền cải cách ấy chiếc áo dài lại tiếp tục được cải tiến hết thế hệ này sang thế hệ khác để giữ luôn luôn vẻ yêu kiều hợp với thẩm mỹ của mỗi thời đại. Từ sau cuộc cải cách lớn về y phục phụ nữ trong thập niên 1930 ấy, chiếc áo dài tung gió chơi vơi đã gây cảm hứng cho không biết bao nhiêu là nhạc sĩ, họa sĩ, thi sĩ, văn sĩ và các nhà nhiếp ảnh. Cuộc sống của người Việt Nam đã đẹp hẳn lên với chiếc áo dài. Đối với thế giới, chiếc áo dài Việt Nam đã là một nét văn hóa dân tộc nổi bật rất đặc sắc không thua sút y phục bất cứ nước nào.
Riêng trong một lãnh vực quan trọng trong đời sống chúng ta là tình yêu, thì lạ thay, tình yêu cũng rực rỡ hẳn lên với tà áo dài duyên dáng. Ngay từ ngày xưa y phục của người phụ nữ đã đóng vai trò thu hút đối với cái tình của đàn ông đối với người khác phái. Câu ca dao sau đây nói lên tính chất thi vị của một lời tỏ tình, trong đó vạt áo dài của người phụ nữ là trung tâm:
Người về ta chẳng cho về
Ta nắm lấy áo ta đề câu thơ
Lẳng lơ, tình tứ (và hơi “thô bạo” nữa) biết bao trong hành động “nắm lấy áo”! Dĩ nhiên động tác có vẻ thô thiển ấy là để ngăn cản không cho người đẹp ra về, nhưng tiếp theo lại là “ta đề câu thơ” lên vạt áo thì bao nhiêu vẻ phóng đãng bậy bạ đã được xóa hết, chỉ còn lại cái tình tứ rất có ăn học, một lối “bạo lực” rất văn nghệ! Ôi cái vạt áo dài của người nữ từ xưa đã đóng vai trò mời gọi biết là chừng nào trong mối tình nam nữ!
Kịp đến khi chiếc áo dài đã được cách tân thì nó trở nên gợi tình hơn gấp bội với các đường nét phô diễn thân thể với hai tà có khả năng gọi gió. Trước sau, chính vẻ đẹp của phái nữ là điểm thu hút nam giới, mà chiếc áo dài khi đã vượt ra khỏi quan niệm chật hẹp đã giam hãm người đàn bà một cách quá đáng để chính nó cùng với người mặc nó đạt tới cái ĐẸP viên mãn thì cũng là lúc văn nhân thi sĩ – và nói chung những tâm hồn nghệ sĩ – đã say mê và ca tụng hết lời.
Chúng ta hãy đọc đoạn mở đầu bài Áo Dài Trong Thơ và Nhạc của tác giả Lê Hữu (đăng ở diendantheky.net ngày 22 tháng 10, 2001) để thấy tà áo dài đã gây cảm hứng cho văn nghệ sĩ nước ta như thế nào:
Chiều nào áo tím nhiều quá / lòng thấy rộn ràng nhớ người…
Giọng hát trầm ấm, dìu dặt của Duy Trác cất lên đâu đó trong một ngày đầu thu gợi nhớ hình ảnh và nơi chốn thân quen trước “cổng trường áo tím” những chiều tan học. Áo tím túa ra như đàn bướm, áo tím thướt tha dọc theo những “lối đi dưới lá” trên lề đường Phan Thanh Giản, trên những đường phố Saigon ngập nắng. Những tà áo nhẹ bay trong gió từ lâu lắm đã đi vào thi ca, làm rung động lòng người và là nguồn cảm hứng vô tận của những người làm thơ, viết nhạc. Tà áo nên thơ ấy, dưới đôi mắt ngắm nhìn của người nghệ sĩ, là bức tranh sinh động với nhiều đường nét, nhiều dáng vẻ, thể hiện qua từng lời thơ ý nhạc:
Dưới mắt Phạm Đình Chương là “Áo bay mở, khép nghìn tâm sự…” (Mộng dưới hoa)
Dưới mắt Vũ Thành là “Áo dài bay ngờm ngợp cả khung trời…” (Mùa kỷ niệm)
Dưới mắt Hoàng Dương là “Áo mầu tung gió chơi vơi…” (Hướng về Hà Nội)
Dưới mắt Trịnh Công Sơn là “Áo xưa lồng lộng đã xô dạt trời chiều…” (Tình nhớ)
Những vạt áo dài, từ lâu lắm, đã lất phất trong những trang thơ tiền chiến. Từ…
“Đôi tà áo lụa bay trong nắng” (Áo lụa, Bàng Bá Lân) đến…
“Nắng thơ dệt sáng trên tà áo
lá nhỏ mừng vui phất cửa ngoài” (Áo trắng, Huy Cận)
Áo dài cũng len cả vào những câu lục bát trữ tình của Nguyễn Bính:
“Hồn anh như bông cỏ may
một chiều cả gió bám đầy áo em” (Bông cỏ may)
Và len cả vào dòng thơ hào hùng và lãng mạn của Quang Dũng:
“Em đi áo mỏng buông hờn tủi
dòng lệ thơ ngây có dạt dào” (Đôi bờ)
Áo dài còn là giấc mơ thanh bình của những làng quê hiền hòa trong tình ca quê hương của Phạm Duy:
Nằm mơ, mơ thấy trăm họ tốt tươi / mơ thấy bên lề cuộc đời / áo dài đùa trong tiếng cười… (Quê nghèo)
Áo dài lướt thướt như vạt áo của nàng Xuân trong thơ Trần Mộng Tú:
“Tôi gói xuân vào hai vạt áo
ngước nhìn mây trắng dạ mang mang” (Mẫu Đơn)
Áo dài bồng bềnh như dải trăng thu huyền ảo trong thơ Nghiêu Minh:
“Dấu thu kinh tự còn mê
Em mang tà áo bốn bề là trăng” (Thu vô lượng)
Chỉ mới một đoạn mở đầu, chúng ta đã thấy biết bao là kiểu dáng và tình tự của chiếc áo dài trong con mắt của người nghệ sĩ. Những câu thơ, câu hát được trích dẫn còn dài lắm, đó là chưa kể những tác phẩm ngoài văn tự như hội họa, nhiếp ảnh nhằm ghi lại trực tiếp, cụ thể vẻ đẹp của chiếc áo dài và người phụ nữ mặc nó. Có thể nói cảm hứng mà tà áo dài mang lại cho người nghệ sĩ nước ta là vô bờ, trùng trùng điệp điệp, đã đem lại cho cuộc sống của người Việt Nam vô vàn xúc cảm phiêu du.
Trong cõi tinh thần và tình cảm giàu có mà chiếc áo dài đã mang lại, tôi chỉ biết nói: Xin cám ơn chiếc áo dài!
Và vì không thể lan man mãi theo những cảm xúc vô tận này, tôi chỉ xin đọc mấy câu của nhà thơ Nguyên Sa để kết thúc bài nói chuyện hôm nay:
Có phải em mang trên áo bay
Hai phần gió thổi, một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay?
CHÉP TỪ :
http://bttvhqn.blogspot.com/2011/11/ta-ao-dai-viet-nam.html
ĐÀN BƯỚM TRẮNG.
CÂY BÂY GIỜ ĐÃ LỚN… CÒN CÁC CÁNH BƯỚM TRẮNG KIA BAY VỀ ĐÂU?
XUÂN HÈ 2007, TRÊN ĐƯỜNG VỀ ĐÀ NẴNG, LM ANTÔN ĐÃ DỪNG XE MÁY… GHI HÌNH ĐÀN BƯỚM VÔ TƯ, HẠNH PHÚC TRONG NẮNG SỚM VỪA LÊN.
( KHÚC ĐƯỜNG HỘI AN- TRÀ QUẾ)
(15/11/2011)
CƠN GIÔNG ĐANG TỚI.
TRANH SƠN DẦU CỦA T.T. 2008
Trả lời