NHỮNG KHOẢNH KHẮC “BẤT TỬ”
CỦA MỘT SỐ CÁC GIÁM MỤC VIỆT NAM
QUA CÁI NHÌN CỦA TRƯỜNG THĂNG.
Đời tôi, một chuỗi ngày dài ghi đậm nét bằng bao nhiêu biến cố vui buồn của đất nước, đạo giáo và gia đình. Ngày mai, đồng nghĩa với mất mác của hôm qua và hôm nay. Tuy luôn hướng về tương lai, nhưng tôi không quên được quá khứ … Sống với quá nhiều kỷ niệm tình cảm như thế, đương nhiên tôi thuộc nhóm hoài cổ bất trị.
Từ khi cầm máy ảnh, tôi luôn ao ước ghi lại phút giây hiện tại “hic et nunc” (tại đây và lúc nầy) khi có thể những con người và cảnh vật thân thương . Nhiều người cho là vô bổ và tốn tiền nhưng những chuyện gần như vô nghĩa trên một lúc nào tình cờ xem lại, lúc thấy vui vui, khi lại buồn buồn nhất là lúc người và cảnh vật trên tan biến như không hiện hữu trên cỏi đời nầy .
Hôm nay, tôi muốn gửi đến độc giả những hình ảnh 1/60 hoặc 1/100 giây đó của một số giám mục Việt Nam mà tôi đã “ chộp” được.
Khi còn là sinh viên Giáo hoàng Học viện Đà lạt, tôi đã “lén” chụp tấm ảnh nầy nhân dịp các Đức Giám mục Việt nam về khánh thành ngôi nhà mới. Ngoài mấy linh mục Dòng Tên như Paul Deslierres, Ferdinand Lacretelle , chúng ta thấy có 8 vị giám mục. Ba vị là “bồ tèo” của nhau: Đức Tổng Giám mục Nguyễn văn Bình và cập bài trùng Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi và Đa Minh Hoàng Văn Đoàn OP. Sáu vị kia gồm Đức cha “Tây” Marcel Piquet Lợi MEP, Đức cha “Pháp” Paul Seitz Kim, MEP đang tiếp xúc với Đức Cha Simon Hòa Nguyễn văn Hiền và một vị quay lưng tôi không nhận ra (“mây bi” Đức cha Giuse Phạm văn Thiên, hoặc Philipphê Nguyễn Kim Điền) Phía trên, góc phải là Đức cha Giuse Trần văn Thiện , giáo phận Mỹ Tho, đang đàm đạo với hai cha Dòng Tên..
ĐỨC CHA PHÊRÔ MARIA PHẠM NGỌC CHI VÀ GIUSE LÊ VĂN ẤN TẠI NGÀY HOÀN TẤT VIỆC TRÙNG TU NHÀ THỜ AN NGÃI NĂM 1966.
ĐỨC CHA GIUSE LÊ VẮN ẤN ĐÃ NHẬN RA ” THẰNG CON BẤT HIẾU”
CỦA LM F.X.NGUYỄN XUÂN VĂN. ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT 1969.
ĐỨC TỔNG PHILIPPHÊ KIM ĐIỀN CƯỜI QUÁ TƯƠI. 1969.
Bức ảnh thứ hai chụp tại Kontum vào mùa hè 1970. Hồi đó có ông bạn muốn chuyển chiếc xe Jeep về cho linh mục H. ở Kontum và rủ tôi cùng đi. Đang là thời kỳ chiến tranh, đường sá rất nguy hiểm nhưng không hiểu sao việc ao ước muốn biết Tây nguyên còn mạnh hơn nổi sợ hải. Đến nơi, chúng tôi nhận được tin vài ngày trước đó linh mục Chế Nguyên Khoa đã chết do loạt đạn bắn vào chiếc Land Rover của ngài. Khi tới TGM Kontum, tôi thấy Đức cha Paul Seitz đang quan sát một thầy vòng sơn trắng trên các lổ đạn.
Trà Kiệu mùa hè năm 1971, lúc đó chưa làm linh mục, nhân dịp Đại hội tháng 5 tại Trà Kiệu tôi cũng đi hành hương. Chiều hôm 30, tôi chụp được hình ảnh của Đức cha F.X Nguyễn Văn Thuận, lúc đó là vị giám mục trẻ tuổi nhất trong Giám mục đòan Miền Nam. Ngày hôm sau, 31 tháng 5, súng đạn nổ rầm trời, tôi lại ghi được vài ảnh các Đức Cha, sau khi dùng cơm, lên xe ra về. Nhìn nét mặt khi ấy, có vị bối rối “xanh mặt” có vị khá điểm tỉnh.
Tuần thánh và Mùa Phục sinh năm 1972, là một linh mục sinh viên mới toanh, tôi được điều về giúp Giáo xứ Lạc Dương, giáo phận Đà Lạt. Chúa nhật Phục Sinh, Đức cha Simon Hòa Nguyễn văn Hiền đến thăm. Sau bửa cơm trưa ngài hứng chí yêu cầu đưa một chiếc kèn clairon và phùng mang trợn mắt thổi. Tôi không nhớ có phát ra âm thanh nào không, nhưng thật thú vị khi nhìn hình ảnh vị chủ chăn khả kính, miệng thổi kèn, tay cầm điếu thuốc lá trong sự phấn khởi của đoàn con.
Mấy năm sau không ngờ linh mục Antôn được điều về Trà Kiệu và mọc rể ớ đó 14 năm.
Năm 1984, Đức cha Phêrô Maria về đây hưu dưỡng và tôi có dịp ghi lại vài tấm ảnh đặc biệt. Thời gian đó thầy Long giúp ngài nổi hứng: “dưỡng râu”. Ánh sáng trời 45 độ và bóng râm lột tả hết vẽ đẹp của một cụ già sắp giả từ giả cỏi đời ” thung lũng nước mắt” nầy.
( Hôm nay ngày thứ hai tuần thánh 2012, nhìn lại tấm ảnh nầy, tôi ngạc nhiên thấy cái vùng tối hiện lên hình dáng Chúa Giêsu đang ngồi giảng, rất giống hình ảnh tại nhà thờ Núi Trà Kiệu, phải chăng Chúa Giêsu kín đáo hiện diện bên Phêrô Maria yêu quý của Người?)
Thời gian sau khi ngài qua đời năm 1988, một phái đoàn các Đức cha đến viếng mộ, đứng đầu là Đức Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình, người bạn năm xưa tại trường Truyền giáo. Ngoài ra còn có Đức cha Nguyễn Văn Nẩm, Đức cha Nguyễn Sơn Lâm và Đức cha Phaolô Huỳnh Đông Các. Các Đức cha đang vây quanh “ giếng Giacóp” nhà thờ núi Trà Kiệu. Đức cha Bình đang khuyến khích Đức cha Nẩm ráng uống nước cho “khỏi bịnh”! Nhưng kẻ trước người sau đều lần lượt từ giả cỏi đời.
Về Đà Nẵng sau năm 1990, thỉnh thoảng lại chụp được vài tấm ảnh của Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách. Ngày tái lập giáo xứ Ngọc Quang, ngài suy nghĩ gì bên vịnh Sông Hàn? Ngày nay, từ chỗ ngài đứng, người ta lấp biển hàng cây số vuông.
Ghi lại một vài hình ảnh “ bán chính thức” để tưởng nhớ các vị và cũng cầu nguyện cho các vị đương nhiệm được can đảm với việc POIMEN (ποιμήν) “ kẻ chăn bầy” nhiều lúc quá cô đơn và đau khổ.
RÔMA, TRỤ SỞ PHÁT DIỆM, NĂM 1996.
BA VỊ ĐÃ CHẦU CHÚA. CÓ NHẬN RA KHÔNG?
GÁNH HÀNG “DỊU NHA DỊU NHỚT” CỦA ĐỨC CHA NGUYỄN VĂN SANG TẠI PHÚ CAM HUẾ.
CÂU ĐỐ :
ĐỐ CÁC BẠN, ĐỨC HỒNG Y GIOAN BAOTIXITA ĐANG Ở ĐÂU?
VÀ BA ĐỨC CHA NẦY ĐANG BÀN CHUYỆN GÌ?
THÀ LÀM” BẾP’ HƠN ‘CHĂN BẦY” PHẢI KHÔNG HAI ĐỨC THẦY GIUSE VŨ DUY THỐNG VÀ GIUSE NGÔ QUANG KIỆT ? PARIS 1996.
HỘI AN, NGÀY CHỜ BÃO LỤT ĐẾN, 26 THÁNG 9 NĂM 2011.
LM ANTÔN NGUYỄN TRƯỜNG THĂNG.
Trả lời