LM BIỂN ĐỨC NGUYỄN TẤN KHÓA
(1935 – 2013)
TỪ NGHĨA TRANG NHÌN VỀ NHÀ THỜ.
ĐÀ NẴNG 17 THÁNG 4 NĂM 2013.
TỪ BIỆT LINH MỤC BIỂN ĐỨC NGUYỄN TẤN KHÓA
TRONG TANG LỄ LÚC 15 GIỜ NGÀY 16 THÁNG 4 NĂM 2013.
LỜI TỪ BIỆT CHA BÊNÊĐICTÔ NGUYỄN TẤN KHOÁ.
TRONG TANG LỄ , LÚC 15 GIỜ NGÀY 16 THÁNG 4 NĂM 2013,
CỦA LINH MỤC ANTÔN NGUYỄN TRƯỜNG THĂNG
Thưa Đức cha Giuse.Giám mục Giáo phận Đà nẵng.
Thưa quý vị khách quý đến từ nhiều miền đất nước.
Thưa đại gia đình linh tông huyết tộc và cộng đồng dân Chúa thân mến.
Khi nghe tin linh mục Bênêđictô Nguyễn Tấn Khoá qua đời, tôi có linh cảm sẽ đuợc mời nói vài lời từ biệt, vì thế khi cha Tổng đại diện giáo phận Đà Nẵng gọi điện thoại yêu cầu, không so đo, tôi đã nhận lời ngay, Không phải mình tài ba gì, nhưng tôi tự tin là mình biết, hiểu, quý mến ngài nhiều.
Trong những lời sau đây nếu có gì sơ xuất và thiếu sót, xin quý vị niệm tình tha thứ.
Quê hương tổ tiên ông bà cố Phêrô Nguyễn Hải và Anna Nguyễn thị Kinh thuộc làng Phước Kiều, một làng đúc đồng danh tiếng đất Quảng, do những biến động chính trị lọan lạc, chiến tranh cuối thế kỷ 19, ông bà đã đến trú ẩn tại vùng gò đồi, rừng rậm Phú Thượng, Trong một lần tâm sự, cha Bênedictô đã cho biết : “Cha mẹ tôi nghèo khó đến độ sau đám cưới phải đi mượn gạo nấu cơm”. Nghe thật cảm động. Nhưng nghèo gì thì nghèo, họ không hề nghèo đức tin, đức cậy, đức mến. Khó gì thì khó, họ lại giàu lòng Mến Chúa, Yêu người. Qua nỗ lực lao động và chăm chỉ trong công việc, dần dần họ đã tạo lập được một cơ nghiệp vững vàng với nhiều rẩy chè và một khu vườn im mát nhiều loại trái cây ngon ngọt. Không phú hào, địa chủ cũng là hạng trung nông có của ăn của để.
Lần lượt 4 cậu trai chào đời, bốn trai, “tứ quý” theo ước mơ thời kỳ đó. Riêng cậu út, dĩ nhiên rất được cả nhà cưng chiều. Từ nhỏ, cậu học hành giỏi giang, lễ phép, đạo đức, nên khi cha sở, quý chức khuyến khích, ông bà cố Hải và Kinh sẵn sàng dâng con út quý yêu cho Chúa. Linh mục Giuse Lê Văn Ấn, sau nầy lên Giám mục tiên khởi Xuân Lộc, lúc đó là cha sở họ An Ngãi nhận đỡ đầu.
Giữa thời chiến tranh Việt Pháp, Tiểu chủng viện địa phận Qui Nhơn chuyển về Phan Rang, làng Dinh Thuỷ, Tấn Tài.
Qua hồi ký Ý Nhạc Nguyễn Khánh Thọ, anh tôi, tôi được biết những thông tin sau:
“ Khi có tin sắp có tàu Hải quân Pháp vào Nha Trang, tôi xuống Đà Nẵng đợi Đắc ở Trà Kiệu cùng đi, nhưng anh ta ra trễ khi tàu đã rời bến. Chỉ có tôi đi chung với Vương Xuân Hiền…cùng hai tân chủng sinh Nguyễn Tấn Khoá (hiện là chính xứ Tam Kỳ) và Nguyễn Thanh Kỷ ( cả hai quê Phú Thượng)…Từ thành phố Nha Trang, chúng tôi đáp xe lửa vào Tháp Chàm (Phan Rang), rồi xuống họ Dinh Thuỷ, nhập Tiểu Chủng viện, … Nguyễn Tấn Khoá và Kỷ vào lớp 8”
CHỦNG SINH QUÝ HIẾM CỦA TỈNH QUẢNG NAM VÀO NĂM 1949.
SAU ĐƯỢC 3 LINH MỤC : CHA MỪNG, CHA HẢO, CHA KHÓA
(hàng sau góc trái)
Lớp 8 vào thời đó tương đương với lớp 4 hôm nay. Chương trình Trung học Pháp bắt đầu bằng lớp 6, sixième, tức lớp 6 hiện nay.
Năm đó là 1948.
Qua bao chủng viện, cuối cùng ngày 6 tháng 6 năm 1964, ngài được thụ phong linh mục và sau đó làm việc ở Hà Tân, quản lý giáo phận Đà nẵng và kể từ 15 tháng 8 năm 1972, về Tam Kỳ.
Hạt Tam Kỳ hậu chiến, chỉ có 5 giáo xứ Tiên Phước, Bình Phong, An Sơn, Hà Lam, Tam Kỳ.
Với tư cách hạt trưởng ngài luôn ở bên cạnh, chia xẻ vui buồn, khó khăn với các linh mục, chủng sinh và giáo dân. Từ Dốc Sỏi, đến Thuận Yên, từ vùng biển cát nóng đến sông Ly ly, ngài góp phần giúp mọi người giữ vững niềm tin tôn giáo và hội nhập vào cuộc sống xã hội mới.
Đi bộ, đi đò, và bằng đủ lọai phương tiện, cha đến các họ đạo không có chủ chăn, nâng đỡ tinh thần các chủng sinh, giáo dân lao động công ích tại Đại công trình thuỷ lợi Phú Ninh, thăm viếng các cụ già neo đơn, giúp đỡ anh chị em khuyết tật.
Nhận thấy lòng nhiệt thành trong công việc hoà nhập cộng đồng giáo dân hạt Tam Kỳ vào cuộc sống mới, ngài được mời vào Mặt trận huyện Tam Kỳ, rồi tỉh Quảng Nam Đà Nẵng, cuối cùng là Đại biểu Quốc Hội và Chủ tịch Uỷ Ban Đoàn kết công giáo Việt Nam.
Sau nầy, nhiều người tuy không biết rõ ngài nhưng lại sẵn sàng “ném đá” vì những chức vụ nầy.
Linh mục Benêdictô làm gì nên tội
Ngài có lời nói, chữ viết, việc làm gì chống Toà Thánh, Đức Thánh Cha, hàng Giáo phẩm công giáo Việt Nam, hay phá hoại giáo phận Đà Nẵng không?
Tại giáo Phận Đà Nẵng, 4 đời giám mục luôn tin tưởng và tín nhiệm cha. Chức vụ Hat trưởng Tam Kỳ 37 năm, một kỷ lục, là một bằng chứng.
Các anh em linh mục, tu sĩ trong giáo phận cũng rất quý mến ngài.
Riêng giáo dân, đặc biệt Hạt Tam Kỳ không thể nào quên công ơn giữ gìn và phát triển Giáo hạt. Từ 5 xứ đạo năm 1975, Tam Kỳ hiện nay lên đến 10 giáo xứ và còn có thể thêm nhiều giáo xứ khác nữa. Từ con số 5000 nay đã lên 10.800 giáo dân.
Cha đã trùng tu 4 nhà nguyện, xây mới 4 thánh đường, có thể không đồ sộ theo tiêu chuẩn hiện nay, nhưng là những công trình vô cùng khó khăn vào thời bao cấp. Cha sống chan hoà với các vị lãnh đạo hoặc tín đồ tôn giáo bạn. Quan hệ tốt và đôi lúc phải nỗ lực thuyết phục một số cán bộ chính quyền địa phương còn tư tưởng giáo điều, giúp thực thi quyền lợi sống đạo và hành đạo của người công giáo. Ngài mở nhiều lớp đào tạo giáo lý viên, tổ chức dạy giáo lý, học kinh nguyện tại các họ đạo, sinh hoạt giới trẻ. Song song với việc học đạo, ngài động viên con em học văn hoá. Nhờ đó sau nầy hạt Tam Kỳ có nhiều ứng viên đủ tiêu chuẩn tuyển sinh vào chủng viện Xuân Bích, Huế và số tân linh mục hạt Tam Kỳ vượt trội tại giáo phận Đà Nẵng. một vị trong đó là Đức cha Giuse của chúng ta.
Không nên a dua cho ngài là kẻ xu thời, chạy theo “phong trào”!
Được hấp thụ một nền giáo dục triết học và thần học toàn diện theo linh đạo Xuân Bích; được ánh sáng Tin mừng Chúa Giêsu Kitô soi dẫn; ngài vâng lời thực hành những huấn lệnh của công đồng Vatican II “mở cửa với thế giới, đối thoại chân thành, yêu thương và phục vụ công ích” và thư chung 1980 của Hội đồng Gíam mục Việt Nam với những chỉ thị hội nhập rõ ràng. Xin đơn cử một câu nhắn gửi các linh mục trích từ thư chung:
“Anh em hãy làm cho Chúa Giêsu hiện diện thật sự giữa đoàn chiên, khi anh em phục vụ các tín hữu cách tận tâm và khiêm tốn( LM 15). Nhất là đươc nhìn nhận là người đại diện chính thức của Hội Thánh tại địa phương, anh em hãy trở nên hình ảnh của Chúa Cứu Thế, vị Mục tử hiền lành và khiêm nhường…
Xin anh em hãy cùng chúng tôi và Hội Thánh ở Việt Nam đi vào con đường đã lựa chọn : là sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc và phục vụ hạnh phúc của đồng bào”
Từng lời, từng chữ đoạn văn nầy, linh mục Bênêdictô đã thực thi trọn vẹn.
Giờ đây xin cho phép tôi đuợc ngõ vài lời với cha Bênêđictô thân thương.
Cha Bênêdictô thân mến.
Trứơc cửa nhà thờ chính toà hôm nay ghi câu châm ngôn hướng dẫn đời linh mục của cha trích từ thư của thánh Phaolô Tông đồ I Côrintô như muốn gói trọn cuộc đời dâng hiến.
“Omnia omnibus. Mọi sự cho mọi người” (I Corintô 9, 22)
Dẫu bíêt rằng cuộc sống trần gian như lời sách Giảng Viên Qohelet nhắc nhở:
“Vanitas vanitatum, omnia vanitas
Phù vân của các phù vân, Tất cả phù vân”. (Giảng viên 1,2)
Thường được diễn giải
Phù vân tất cả phù vân
Cuộcđời tất cả chỉ là phù vân.
Không vì thế mà cuộc đời mỗi người là con số không trái lại vô cùng giá trị ngay một nhạc sĩ đời cũng cảm nghiệm” Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi…ôi cát bụi tuyệt vời”. Nhận thức ơn gọi làm người, làm con Chúa và ơn thiên triệu linh mục là một hồng ân vô giá, cha an tâm phó thác tin yêu.
Suốt đời cha là niềm lạc quan vui sống, là tiếng cười đùa không ngớt. Đến chết vẫn còn cười…quả đúng vậy, chiều tối trước khi lìa đời , cha vẫn còn vui đùa với đám con cháu.
Không ai nghĩ Chúa sớm đưa cha đi. Không một lời giã từ, không một lời trăn trối, không làm phiền hà đến ai. Quả là một cái chết hạnh phúc nhất là giữa Mùa mừng Phục sinh khăp nơi vang lên những tiếng Alleluia, Alleluia Mừng lên! Vui lên bất tận.
Nhiệm vụ trần thế đạo đời đã kết thúc. Cha đã vì Chúa trở thành “Omnia omnibus Tất cả cho mọi người”, thì hôm nay xin Đức Kitô Phục Sinh sẽ là “Omnia tuo Benedicto”, Tất cả dành cho con Bênêdictô”. Xin Chúa tha thứ những yếu đuối thân phận con người và sớm đón cha vào thiên đàng, vĩnh viễn trở thành công dân “Yêu nước Thiên Chúa”.
Tạm biệt cha!
Hẹn ngày tái ngộ quê trời!
Alleluia!
GIẢ TỪ CỘNG ĐOÀN ĐÀ NẴNG
VỀ QUÊ HƯƠNG PHÚ THƯỢNG.
ĐÀ NẴNG 16 THÁNG 4 NĂM 2013.
AI TÍN
LINH MỤC BIỂN ĐỨC NGUYỄN TẤN KHÓA.
Trong niềm tin vào Mầu Nhiệm Phục Sinh
Giáo phận Đà Nẵng và Gia đình
Thành kính báo tin:
Ảnh Trường Thăng
Cha Bênêđictô NGUYỄN TẤN KHÓA
1937 – 2013.
Linh mục Giáo phận Đà Nẵng
Đã bất ngờ lâm bệnh và qua đời
vào lúc 4 giờ 30, Chúa Nhật, ngày 14 tháng 4 năm 2013
tại Bệnh viện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
hưởng thọ 78 tuổi, với 49 năm linh mục.
Nghi Thức Tẩm Liệm
Cử hành vào lúc 8 giờ 00, Thứ Hai, ngày 15 tháng 4 năm 2013
tại Nhà xứ Họ đạo Phú Quý, xã Tam Mỹ, huyện Núi Thành,
tỉnh Quảng Nam.
Lúc 12g00, linh cửu Ngài sẽ được đưa về Hội trường Nhà xứ Chính Tòa,
số 156 Trần Phú, thành phố Đà Nẵng.
Từ 14g00, thân hữu có thể đến cầu nguyện và kính viếng Ngài.
Thánh Lễ Cầu Nguyện
Giáo phận sẽ chính thức cử hành Thánh Lễ cầu nguyện và tiễn biệt
vào lúc 15g00 Thứ Ba, ngày 16 tháng 4 năm 2013
tại Nhà thờ Chính Tòa Giáo phận Đà Nẵng.
Sau Thánh Lễ,
linh cửu Ngài được đưa về Hội trường Nhà xứ Phú Thượng,
xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.
Thánh Lễ An Táng
sẽ được cử hành vào lúc 07g00, Thứ Tư ngày 17 tháng 4 năm 2013
tại Nhà thờ Giáo xứ Phú Thượng, Giáo phận Đà Nẵng.
Sau đó, Ngài được an nghỉ tại Nghĩa trang Giáo xứ Phú Thượng.
Xin hiệp ý cầu nguyện cho Cha Bênêđictô
được nghỉ yên trong Chúa.
TIỂU SỬ
Cha Bênêđitô NGUYỄN TẤN KHÓA
CHỦNG SINH BÊNÊĐICTÔ TẤN KHÓA
CHỦNG VIỆN DINH THỦY. PHANRANG.
Tư liệu TRƯỜNG THĂNG.
Sinh ngày 31.10.1935 tại thôn Phú Thượng,
xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng,
thuộc Giáo xứ Phú Thượng, Giáo phận Đà Nẵng.
– 1948 – 1956: Học Tiểu Chủng viện Nha Trang.
– 1956 – 1958: Đi giúp tại La Nang và Tiểu Chủng viện.
– 1958 – 1964: Học Đại Chủng viện Thị Nghè và Huế.
– 06.6.1964: Thụ phong linh mục tại Nhà thờ Phú Thượng,
Giáo phận Đà Nẵng do Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi.
– 1964 – 1970: Quản xứ Hà Tân, Giáo phận Đà Nẵng.
– 1970 – 1972: Quản lý Giáo phận Đà Nẵng.
– 1972 – 2009: Quản xứ, Quản hạt Tam Kỳ, Giáo phận Đà Nẵng.
– Từ 26.8.2009 đến nay: Quản nhiệm Họ đạo Phú Quý (Tam Mỹ),
Giáo hạt Tam Kỳ, Giáo phận Đà Nẵng.
– 2010 – 2012: Kiêm Quản nhiệm Giáo xứ Thuận Yên, GP Đà Nẵng.
R.I.P
ĐỨC CHA PHAO LÔ TỊNH NGUYỄN BÌNH TĨNH
VÀ LM ANTÔN TẠI NHÀ TANG LỄ GX CHÍNH TÒA ĐN.
Trả lời