CÂY ME CADIERE.
LINH MỤC LEOPOLD MICHEL CADIERE VÀ HÀNG ME
HỌ ĐẠO ĐÀ NẴNG 1892.
Huế 22 tháng 1 năm 2011.
Tôi đang ngồi trong phòng căn nhà chính của Đại Chủng viện Huế 34 Kim Long, nhìn ra cửa trước mặt, ngoài trời kia, giữa trời mưa lạnh, dưới gốc cây phượng vĩ trụi lá là bức tượng bán thân của linh mục Leopold Cadiere bằng cẩm thạch trắng. Chủng viện đã được diễm phúc lớn trở thành nơi an nghỉ ngàn thu cho rất đông các giám mục, linh mục truyền giáo hoặc Việt Nam trong đó có ngôi mộ của nhà Việt Nam học đáng kính Leopold Cadiere.
Ngài là một trong những người ngoại quốc được người Việt yêu quý và tri ân. Năm 1996, khi còn ở Paris, tôi đã “ photocopie” mấy bài của linh mục Cadiere từ báo Indochine illustree, nhưng rồi tôi đã đánh mất khi di chuyển từ nhà xứ nầy sang xứ khác. Tôi hỏi thăm các thân hữu, kể cả những người chuyên nghiên cứu về linh mục Leopold Cadiere nhưng họ cũng không có. Tìm trên mạng Internet cũng không thấy đăng bài nầy.
Có gì mà quan trọng thế?
Đó không phải là câu chuyện khi vừa đến bến cảng Nhà Rồng Sài Gòn và hai từ tiếng Việt đầu tiên mà ngài mạnh dạn nói do lời khuyên của các thừa sai đến trước. “ Di di” ( đi đi ) để từ chối những phu khuân vác, chuyên chở đang ứng chực và gây phiền toái cho khách mới đến khi kèo nài, níu kéo. Cũng không phải là câu chuyện giữa ngài và linh mục Laurent Bính, cha sở Tourane , Đà Nẵng. Bị mưa lụt và bão tố, ngài không thể đi Huế ngay mà phải lưu lại tại thị xã nầy. Ngài kể lại những ngày đó như sau :
“ Mấy hôm sau, tôi tới Đà Nẵng ngày 3.12,1892.
Linh mục chình xứ khi ấy là cha Laurent rất tốt, người nhỏ nhắn, khô cằn, với những con mắt sắc sảo. Ông là hiện thân của lòng nhân hậu. Ông phân phát thuốc men, cả ngày và đêm, nơi ông ở là chỗ lui tới thường trực. Trong vườn của ông có một cái giếng khơi cung cấp nước cho tất cả khu phố : đó là nguyên nhân của đông đúc, thường là om sòm và bao giờ cũng ồn ào.
Ông là tuyên úy bệnh viện, đương thời kể là khá quan trọng. Những ngày ông đến đó dâng lễ cho các dì phước, nếu trời mưa- và cả mùa mưa- ông đi chân đất, quần sắn cao lên đùi, mang một chiếc áo tơi bằng lá, nón đội trên đầu. Trong thời ấy, đó là trang phục của các thừa sai ở vùng quê.
Ngày nay ( 1942), nếu giáo dân ở Đà Nẵng thấy cha xứ ăn mặc như thế đi trên đại lộ trước cửa nhà thờ, thì họ nghĩ sao? Đây chỉ là một lối đi đơn giản trên cát, không có nhà cửa gì bên phải cũng như bên trái. Chỉ ở bờ sông mới có nhà. Quan đầu tỉnh khi ấy là ông Hallays cũng muốn phát vạch ra những con đường phố tương lai và trồng cây lên trên. Vì muốn làm nhanh, ông cho trồng nhưng cây lớn bứng ở rừng ra, nên bị khô héo hết. Qua sự kiện nầy, dân thị xã dưới quyền cai trị đã tôn vinh ông lên hàng quý tộc tên là ngài Hallays ở xứ Trụ cột ( Hallays des Poteaux) có thêm chữ “de” hay chữ “des” theo Pháp ngữ.
Cha Laurent là giáo sư thứ hai dạy tôi tiếng Việt.
Trong thời đó, từ Đà Nẵng ra Huế, phải đi bằng tàu thủy. Gió thổi mạnh- tôi bị say sóng chí chết từ Sài Gòn ra Đà Nẵng- hiện đang mưa to như màn trời mở rộng cho thác nước đổ xuống, toàn địa phương đều ngập dưới nước. Tất nhiên, tàu thủy không thể ra khơi. Tôi phải ở lại Đà Nẵng 18 ngày. Cha Laurent đã giới thiệu cho tôi một ông thầy dạy đọc tiếng Việt ( répétiteur). Đây là ông Oanh mà tôi không biết ông làm thông ngôn cho sở nào. Tôi chịu ơn ông ấy rất nhiều về các bài học ông ấy đã dạy tôi.”
Qua đoạn văn trên chúng ta có thể hình dung thành phố Đà Nẵng vào cuối thế kỷ 19 với các động cát kéo dài. Từ nhà thờ Chính tòa hiện nay đến thành Điện Hải chưa có nhà cửa gì. Cố Bính đi dâng lễ tại nhà nguyện bệnh viện nơi có các nữ tu Phaolô làm việc phải đi ngang qua những gò nỗng, bụi rậm. Các nữ tu bị đuổi việc sau năm 1905, khi luật “séparation de L’Etat et de l’Eglise” ( tách bạch đạo đời) của Chính quyền vô thần Pháp có hiệu lực. Ghi lại sự kiện nầy để biết Giáo hội Đà Nẵng sau khi Pháp chiếm vùng nầy chẳng có nhờ vả gì thực dân Pháp như những người khéo tưởng tượng tô vẽ ra .
NHÀ NGUYỆN BỆNH VIỆN TOURANE Ở THÀNH ĐIỆN HẢI, CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG KIÊN CỐ ĐẦU TIÊN CỦA NGƯỜI PHÁP CUỐI THẾ KỲ 19 TẠI THÀNH ĐIỆN HẢI, NAY BỊ XÓA SỔ. ẢNH CHỤP LẠI TRÊN SÁCH ĐN XƯA VÀ NAY 1998.
Cha Cadiere kể tiếp: “ Khi nước xuống thấp, mà biển vẫn còn sóng lớn, cha Laurent quyết định đưa tôi ra Huế bằng đường bộ, trên một chiếc ghế do phu khuân vác chuyển đi. Ông trao cho tôi một mảnh giấy có mấy câu ghi chép hữu ích cho tôi trong cuộc hành trình. Tôi nhớ hai câu : “ Cái nầy tên gì?” và “Cái nầy cái gì?” Hai câu đó chứng tỏ ông nói tiếng Việt theo phương ngữ Nam Kỳ. Vì nếu ông ở Huế, thì dã ghi : : “ Cái ni tên chi? và “Cái ni cái chi?”. Tuy nhiên ba câu đó giúp tôi rất nhiều trong ba ngày hành trình.
Đường cái quan ( nay là quốc lộ 1) khi ấy mới được sửa sang từ chân đèo tới đỉnh đèo về phía Đà Nẵng mà thôi. Từ Đà Nẵng đến Liên Chiểu còn là đường mòn trong đụn cát, cứ đi hai bước phải lùi lại một bước, vì cát trôi trượt mạnh. Từ đỉnh đèo xuống Lăng Cô là đường mòn trên đá, vì phải xếp đá chồng lên nhau. Giữa đêm, tôi tới Bãi Ca ( Bãi Cá hay Cả?) và ngủ trong hàng quán với tiếng sóng ru ngủ. Câu cái nầy cái gì đã giúp tôi chút ít trước lúc đến đây. Tôi đã nghe một tiếng gầm lớn trong rừng, tôi liền hỏi : Cái nầy cái gì. Chú trưởng đoàn- một giáo dân Đà Nẵng mà cha Laurent đã giao phó chăm sóc tôi- liền trả lời: Con mèo. Đến bây giờ tôi vẫn chưa biết đích xác đó là con mèo, con báo hay con hổ.
Chúng ta nhớ lại khía cạnh thực tiễn của cha Lambert dạy: Cái nầy cái gì?- Cái ni cái chi? Thì có thể nói rằng :Chỉ bắng một câu ấy – nếu ta biết xử dụng nó tận cùng, ta sẽ học được tiếng Việt….Xin bạn hãy nghĩ đến người Hoa khi sang Việt Nam, có sách vỡ gì không? Họ học nói tiếng Việt chỉ bằng một câu : Cái ni cái chi? Họ sang đây lúc còn trẻ, sẽ nói được tiếng Việt rất thạo, và nếu sang khi già thì vẫn nói được tiếng Việt với một giọng đặc biệt, đâu họ cần sách vở gì…
Cha Cadiere đã minh chứng muốn học tiếng Việt cho giỏi chỉ cần tiếp xúc với nhiều người và chỉ với món bửu bối “ Cái ni tên chi? và Cái nầy là cái gì?…riết rồi phải giỏi thôi”.
Qua bài viết của ngài chúng ta thấy cuối thế kỷ 19, con đường từ Đà Nẵng đi Huế qua đèo Hải Vân cũng còn rất sơ sài như thời nhà sư Thích Đại Sán cuối thế kỷ 17 . Tuy nhiên công việc làm mới con đường đèo nầy vào năm 1892 đang được tiến hành “ Ở thời đó, con đường qua đèo Hải Vân mới làm xong một nửa bên phía Đà Nẵng”.
Tôi xin chân thành cám ơn Tuần báo Công Giáo Dân tộc và cây đại thụ Nguyễn Đình Đầu đã phiên dịch và cho phổ biến bài viết về Kỷ niệm của một ông già An nam hóa ( Souvenirs d’un vieil Annamitisant) ( Indochine, 1942) của cố Cadiere Cả.
Sau khi đã dài dòng về nhiều chuyện mà bỏ qua cũng uổng , giờ tôi mới đề cập đến câu chuyện muốn trình bày. Tôi nhớ rất rõ cha Cadière có nói về mấy cây me…
Cây me mà có chi quan trọng?
HANG ĐÁ LỘ ĐỨC NHÀ THỜ CHÍNH TÒA ĐÀ NẴNG. CÂY ME RỢP BÓNG BÊN TRÁI TĂNG THÊM VẺ ĐẸP VÀ LÀ NƠI GHI DẤU NHIỀU KỶ NIỆM THÂN THƯƠNG.
Nhưng là cây me lịch sử mà !
Tôi phải nhẫn nại đợi chờ đến câu cuối cùng của bài viết qua mấy số báo Công Giáo và Dân Tộc mới thấy xuất hiện cây me mà mình quan tâm.
Cha Cadiere viết : “ Ngày nay chỉ còn lại ở nhà xứ Đà Nẵng những cây me và mấy thứ cây khác ở cuối vườn làm chứng cho những ngày tôi lưu lại đây lần đầu tiên. Những cây đó đối với tôi rất là thân thiết.”
Những cây đó đối với tôi rất là thân thiết.
“ Cha Cadiere thân mến.
Nhà thờ và nhà xứ Đà Nẵng bây giờ đã thay đổi nhiều. Khu đất rộng mênh mông thuộc nhà thờ thời cha kéo dài từ đường Nguyễn Chí Thanh hiện nay, qua Trần Hưng Đạo, chạy tuốt ra bờ sông Hàn, vòng sang Thái Phiên đâu còn như xưa nữa. Nhà thờ lợp tranh thời cha đã được người bạn Louis Vallet Ngân xây dựng một thánh đường tuyệt đẹp theo phong cách Tân Gô Tíc (neo gothique) năm 1923. Một hang đá Đức Mẹ Lộ Đức đã được cha Jules Saulot Lượng hòan thành thập niên 1930. Nhiều cây cối đã bị chặt bỏ để hình thành Tu viện Thánh Tâm và các cơ sở khác”.
THÁNH ĐƯỜNG ĐÀ NẴNG HOÀN THÀNH NĂM 1924. LƯU Ý HÀNG ME CHẠY DỌC BÊN HÔNG NHÀ THỜ.
Cha sẽ hỏi : Vậy chẳng còn gì sao?
Thưa cha còn chứ. Đó là cây me độc nhất còn sót lại cạnh hang đá Đức Mẹ. Một cây me trên trăm tuổi căn cứ vào lời chứng của cha. “ chỉ còn lại ở nhà xứ Đà Nẵng những cây me…” của năm 1892. Nếu cha đã đi dạo dưới hàng me nầy thì tuổi nó phải cọng thêm 5 năm nữa tức 1887, năm họ đạo chính thức sinh hoạt.
TOÀN CẢNH KHU VỰC NHÀ THỜ CHÍNH TÒA ĐÀ NẴNG NĂM 1993. LƯU Ý HÀNG DỪA QUANH NHÀ THỜ. CÂY DỪA ” CHỨNG MỘC” TRƯỚC NHÀ THỜ VÀ CÂY ME BÊN HANG ĐÁ. ẢNH DO PHI CÔNG BP CHỤP THEO YÊU CẦUCỦA LM ANTÔN TRƯỜNG THĂNG.
…….
Hội An…tháng 2 năm 2011.
……
Ba năm qua, nhiều người hăm đốn hạ nó chỉ vì muốn lấy thêm vài mét vuông đất trong khi nó chẳng làm hại đến ai. Linh mục Antôn đã nhắc nhở cho họ biết phải biết giữ gìn, bảo vệ và trân quý nó vì đây là dấu tích xưa nhất của giáo xứ Đà Nẵng. Chúng ta đã hạ cây dừa vì sợ nguy hiểm , một cây dừa đã đồng hành với giáo xứ gần 80 năm. Chúng ta đã hạ nhiều cây cọ hai bên hông nhà thờ vì những lý do không đâu. Khi xây dựng ngôi nhà sinh hoạt vào năm 1992, dù cần mặt bằng để dựng giàn giáo, nhưng tôi nhắc nhở thợ phải gìn giữ tối đa các cành me già . Mỗi năm cây vẫn đều đặn ra quả và màu lá xanh cùng với những cành buông thả làm tăng thêm vẻ đẹp cho hang đá Đức Mẹ cạnh bên.
Tôi bắt đầu viết bài nầy tại chủng viện Kim Long Huế vào tháng 1 năm 2011. Khi từ từ Huế về muốn chụp thêm vài tấm ảnh minh họa cho bài viết, tim tôi bị thắt lại khi thấy cành me già buông lơi duyên dáng bị cưa cụt và dưới gốc là những thùng rác.
BÔI BÁC NƠI THIÊNG THÁNH!
Người ta có thế nhẫn tâm như thế ư!
Nhà thơ Rasul Gamzatov của Nga đã từng viết trong cuốn “Dagestan của tôi” một câu từ nay gần như thành ngữ:
“Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục, tương lai sẽ đáp trả anh bằng đại bác”.
Quá khứ là nhân, tương lai là quả. Nếu phản bội quá khứ , hậu quả xấu sẽ đến tất nhiên.
Xin những người hữu trách của giáo xứ Chính tòa Đà Nẵng, hãy dẹp ngay cái thùng rác hôi hám bên hang đá Đức Mẹ và cây Me Cadiere kia!
Mọi người hãy cổ động nhau yêu quý và bảo vệ nó.
69 năm trước đây tức vào năm 1942, khi viết bài nầy những kỷ niệm về những hàng me chua kia vẫn còn làm rung động trái tim của một người già
“ Ngày nay chỉ còn lại ở nhà xứ Đà Nẵng những cây me và mấy thứ cây khác ở cuối vườn làm chứng cho những ngày tôi lưu lại đây lần đầu tiên. Những cây đó đối với tôi rất là thân thiết.”
Một thành phố mà quên lịch sử của mình, một giáo xứ mà quên cội nguồn của mình đồng nghĩa với thảm họa!
Tại thành phố Đà Nẵng thân yêu nầy có thể có nhiều cây cổ thụ tự mọc già tuổi hơn, nhưng hãy bảo vệ cây me do bàn tay con người trồng tại giáo xứ nầy chậm nhất là vào năm 1887.
Hãy yêu quý cây cổ thụ quý hiếm từ nay sẽ mang tên CÂY ME CỐ CADIERE!
Cây me nầy không chỉ “ rất thân thiết” với linh mục Leopold Cadiere Cả làm việc tại Huế mà của mọi thế hệ giáo dân giáo phận Đà Nẵng!
Huế, 20 . 01. 2011.
Hội An, 02.02. 2011.
Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng.
Trả lời