VỤ ĐỐT SÁCH ĐẠO TẠI DINH TRẤN THANH CHIÊM
DO LỆNH CỦA ÔNG NGHÈ BỘ, 26 THÁNG 7 NĂM 1644.
HOẠN NẠN CHO ÔNG ANRÊ GIÀ VÀ MẤT MÁC CHO NỀN VĂN HỌC CÔNG GIÁO NON TRẺ VIỆT NAM.
Ngày 2 tháng 7 năm 1644 ông Anrê già Kẻ Chàm (Kẻ Chiêm), có tài liệu gọi là Sơn, đã 73 tuổi, thủ lãnh công giáo Dinh trấn Thanh Chiêm bị ông Nghè Bộ bắt tống ngục. Từ đó suy ra ông sinh năm 1571 và có lẽ được rửa tội thời linh mục Pina 1622, tức ông đã trên 50 tuổi. Linh mục Alexandre de Rhodes trong bản tường trình đầu tiên viết đầu tháng 8 năm 1644 cho biết:
“Ngôi nhà đầu tiên bị nhắm đến là nhà của ông Anrê ở Kẻ Chàm (Thanh Chiêm); đó là một Kitô hữu kỳ cựu, nổi tiếng vì những trận đòn ông đã chịu những năm trước đó do tuyên xưng Đức Tin thánh thiện của chúng ta. Và giờ đây vì cùng một lý do đó, ông đã bị cầm tù, bị trói và bị giải đi công khai qua các đường phố, bởi ông đã có một lời tuyên xưng đáng khen về đức tin thánh thiện của chúng ta, khi ở trước mặt Ông Nghè Bộ khai rằng ông là Kitô hữu từ nhiều năm nay và ông tôn thờ Chúa Trời Đất, ông đã ba hay bốn lần có cùng một câu trả lời như vậy, điều này làm cho quan tức giận; quả vậy chính ông Anrê đã tuyên bố ông sẵn sàng chấp nhận hình phạt mà quan sắp bắt ông phải chịu. Chính vì lời tuyên xưng đó mà người ta đã buộc ông mang một cái gông nặng trên cổ; và cái gông này làm cho ông thêm vẻ đĩnh đạc, dù ở tuổi 73 ông có vẻ khí khái của một chàng thanh niên. Ông chính là người xứ Đàng Trong đầu tiên được vinh hạnh mang lấy xiềng xích quý giá này, đúng hơn là cái ách của Chúa; và vì lý do cao thượng đó ông nếm được sự dịu ngọt mà Chúa đã ban cho ông: “bởi ách của ta êm ái”.
Khoảng 7 người Bồ Đào Nha gồm thuyền trưởng, thương gia, thủy thủ có mặt tại Hội An và Dinh trấn Thanh Chiêm hôm đó đã can thiệp với Ông Nghẻ Bộ, giúp cha Alexandre de Rhodes và để cứu mạng sống thầy Anrê Ranran 19 tuổi. Sau này, vào tháng 12 năm 1644, họ đã được triệu tập khai báo theo các câu hỏi mà ban điều tra pháp lý thành phố Macau yêu cầu. Những lời khai bên lề cũng mang lại mang lại nhiều thông tin lịch sử.
Một vụ đốt sách viết tay thu được tại gia đình ông Anrê Kẻ Chàm.
Những nhân chứng được Tòa án Macau triệu tập vào tháng 12 năm 1644, chỉ vài tháng sau cái chết của thầy Anrê Phú An không được biết trước câu hỏi, thế mà trong câu hỏi số năm họ trã lời gần như “y chang” nhau, chứng tỏ họ là những con người hết sức thành thật “thấy sao, nghe sao, khai vậy”
“Câu hỏi số 5. Ông bà có biết một ông quan tên là Ông Nghè Bộ, hay một người khác, đã kết án tử hình thầy dựa vào lệnh của vua Đàng Trong là người đang cai trị với danh hiệu (Thai Báu) (Thái Bá), và vì mối hiềm thù mà nhà vua cũng như quan đã chống lại đức tin của chúng ta? Và ông bà có biết cũng vì cùng lý do đó mà những người lính, khi bắt được Anrê, đã lấy đi tất cả những ảnh thánh, những đồ thánh? Và cũng vào dịp này, Ông Nghè Bộ ngầm ra lệnh cho cha Alexandre Rhodes hãy trở về Macao, và không được làm cho người ta trở lại Kitô giáo nữa vì việc đó đi ngược lại ý chỉ nhà vua? Xin khai sự kiện hiển nhiên rõ ràng, công luận và tiếng đồn”.
Nhân chứng số 3 ông Antonio Pecanha de Mendonca, 40 tuổi trong câu hỏi thứ năm cho biết:
“Nhân chứng trả lời rằng sự việc đã thực sự xảy ra như vậy, và chính viên quan đó đã tiết lộ và giải thích trước mặt nhân chứng và những người Bồ đang hiện diện như thế; còn về các ảnh tượng và thánh giá mà quân lính đã lấy khi họ bắt thầy Anrê trong nhà cha Alexandre Rhodes, thì nhờ sự can thiệp và cầu xin của những người Bồ, viên quan này đã trả lại cho cha Alexandre; nhưng một cây thánh giá bằng gỗ và nhiều giấy tờ khác cùng với những cuốn vở viết tay ghi những lời cầu nguyện và lễ bái được tìm thấy trong nhà của Anrê Cả, người được tha mạng, thì quan ra lệnh đốt đi ở một nơi xa, bởi vì ông nói rằng đó là lệnh của nhà vua, người không muốn trong đất nước của mình có nhiều người Kitô hữu; và ông lưu ý cha Alexandre Rhodes Dòng Tên, ngài đang hiện diện ở đó rằng, ngài phải ra khỏi đất nước này cùng với những người Bồ, ngài chỉ có thể đến và trở về cùng với họ, như chính họ vậy, chứ không được ở lại đó cách cố định”.
Nhân chứng thứ tư Manoel da Fonseca ra tòa Macau ngày 20 tháng 12 năm 1644, cũng khai:
“Nhân chứng trả lời rằng chính quan Ông Nghè Bộ đã giải thích cho nhân chứng, và đã tuyên bố với những người Bồ, cũng như với cha Alexandre Rhodes vào lúc chính nhân chứng đang có mặt, rằng theo mệnh lệnh của nhà vua người ta không được phép làm cho người ta thành Kitô hữu tại đất nước của ông; và vì lý do đó quan bảo cha Alexandre phải trở về Macau và không nên ở lại Nam Việt, và ngài chỉ có thể đến và đi theo những người Bồ trên cùng một chuyến tàu, trên đất nước này và trở về với những người Bồ đó. Và nhân chứng còn biết rằng họ đã tịch thu những hình ảnh và đồ trang trí mà họ thấy trong nhà cha Alexandre Rhodes, nhưng do sự can thiệp và sự yêu cầu của những người Bồ, và nhất là của thuyền trưởng, quan đã trả lại tất cả cho thuyền trưởng; quan chỉ cho đốt một vài quyển giáo lý được chép bằng tay, và những cuốn vở thấy trong nhà của Anrê già, tức người được tha mạng sống như nhân chứng đã nói’.
Nhân chứng số 5, Antonio Mendes đã trình diện, là con trai của Antonio Carvalho và Suzana Mendes, đã kết hôn, trú quán trại thành phố này, 31 tuổi, anh khai:
“Nhân chứng trả lời có biết điều đó, bởi vì rõ ràng hiển nhiên mọi người ở Nam Việt ai cũng biết, và bởi vì chính quan Ông Nghè Bộ đã tuyên bố rằng dựa vào mệnh lệnh của nhà vua mà ông ra lệnh giết những thầy giảng vốn miệt mài làm cho người ta theo Kitô giáo ở vương quốc Nam Việt này, và ông tha mạng cho cha Alexandre Rhodes bởi vì ngài nổi tiếng và ngài đã có mặt ở đó từ lâu rồi, nhưng buộc ngài phải trở về cùng với những người Bồ, và không được phép ở lại trong vương quốc này; ngài chỉ có thể đến và đi theo những người Bồ trên cùng một chuyến tàu. Và tất cả những điều đó vì lòng thù hằn và hiềm khích đối với các Kitô hữu và đạo Chúa Kitô, như người ta có thể nghi nhận trong việc các ảnh tượng và tượng chuộc tội mà quân lính đã chiếm được trong nhà cha Alexandre Rhodes. Ngay cả khi ông quan này trả lại tất cả theo lời thỉnh cầu của những người Bồ và cha Alexandre, ông vẫn ra lệnh đốt một thánh giá gỗ với vài quyển vở viết tay mà chúng đã tìm thấy trong nhà ông Anrê già, vì đó là những việc làm của người Kitô hữu, và vì trong những quyển vở này ghi lại những bài kinh để dạy cầu nguyện. Và tất cả điều đó là công khai và rõ ràng hiển nhiên ở Nam Việt”.
Nhân chứng số 7 là Agostinho da Silva xuất hiện; anh đã lập gia đình, chính trú tại thành Macao này, là nơi anh sinh ra, con của Francisco Fernandes và bà Domingas da Costa; anh khai mình 31 tuổi , anh khai:
“Nhân chứng trả lời rằng đã nghe chính quan Ông Nghè Bộ đã tuyên bố theo lệnh của vua nước này mà giết chết những kitô hữu thầy giảng, những người miệt mài rửa tội và làm cho người ta theo Kitô giáo; vì lý do đó ông khuyên và lưu ý với cha Alexandre Rhodes rằng ông tha mạng cho cha vì cha là bạn ông, nhưng buộc cha phải đi khỏi Nam Việt, và đừng ở lại đây nữa, nhưng cha chỉ có thể đến và đi với những người Bồ trên cùng một chuyến thuyền mà không được làm cho người ta theo Kitô giáo. Và chính nhân chứng biết vì đã tận mắt nhìn thấy rằng khi người ta đã bắt thầy Anrê, người cũng đã lấy đi vài hình ảnh Chúa Cứu Thế, Đức Mẹ, tượng chuộc tội, tất cả những tranh ảnh đó ở trong nhà quan, và vài đồ trang trí thánh, chén thánh, dĩa thánh, và những đồ khác dùng cho thánh lễ; do sự can thiệp và khẩn cầu của những người Bồ mà quan đã trả lại cho cha Alexandre Rhodes; ông chỉ cho đốt, tại một nơi vắng vẻ, một thánh giá nhỏ bằng gỗ với vài quyển sách kinh chép bằng tay mà người ta đã thu được trong nhà Anrê già”.
Ít nhất cũng có 4 lời khai trùng khớp nhau đến kinh ngạc. Xin nhắc lại, các nhân không được biết trước câu hỏi, chỉ được gợi ý qua câu hỏi số 5.
Từ năm 1621, trong bản Tường trình của Gaspar Luis, đã cho biết sách giáo lý và kinh thường đọc đã được giáo dân Đàng Trong dịch ra tiếng Việt và học thuộc lòng. Có lẽ vào thời đó chữ quốc ngữ mới phôi thai tại Thanh Chiêm với sự cố gắng cá nhân của cha Francisco de Pina, nhưng đến năm 1644, thứ chữ ấy đã trở nên thông dụng trong nội bộ Giáo hội Đàng Trong. Cuộc tranh luận mô thức Rửa tội năm 1645 tại Macau, các giáo sĩ và thầy giảng đã ghi nhiều câu chữ quốc ngữ và đến năm 1651 khi hai tác phẫm của linh mục Alexandre de Rhodes xuât bản tại Roma, việc viết chữ quốc ngữ đã định hình rõ nét.
Từ đó suy ra, việc đốt sách năm 1644 do ông Nghè Bộ ngoài các kinh sách chữ nôm còn có không ít văn bản chữ Quốc ngữ ký âm Latin. Gia đình ông Anrê già là một gia đình trí thức, ông có thể làm quan về hưu hay thầy dạy học cho nhiều thế hệ thanh thiếu niên. Năm 1623, linh mục Pina đã cho biết về khả năng hiểu biết của một người tại Kẻ Chàm tên là Anrê, có thể là con đỡ đầu của ông Anrê già. Sau này giáo dân Đàng Trong truyền tay một tác phẩm lừng danh của người con của ông Anrê là Lữ Y (Ludovico) Đướn (Đang, Đương, Đoan?) với trên 4000 câu lục bát còn sót lại. Chúng ta sẽ trở lại với nhân vật này trong một bài viết khác. Biết đâu trong số sách vở bị đốt kia có nhiều thơ phú của ông già Anrê.
Xin cám ơn các người Bồ Đào Nha chân thực đã ghi lại những lời chứng “đốt sách đạo” trên, một bằng chứng cho thấy sự năng động của giáo dân trong việc truyền bá giáo lý, Kinh thánh và phiên dịch kinh sách đạo ngay từ khi Giáo hội mới được đặt nền móng tại Đàng Trong.
Và ông Nghè Bộ. một Nho gia, đã biết chuyện Tần Thủy Hoàng đốt sách, ngoài việc tàn ác giết chàng trai Anrê trong một bản án bất công chỉ diễn ra trong 24 tiếng đồng hồ; tỏ ra hỗn láo, tiểu nhân với một nhà trí thức đạo đức, ôn hòa như ông Anrê Kẻ Chàm; lại còn thêm mang tiếng là kẻ đốt sách, phá hoại văn hóa.
Lịch sử tiếp tục xuất hiện nhiều Ông Nghè Bộ khác chống đối Tin mừng…rốt cuộc cũng chỉ là công dã tràng. Ngày nay người công giáo gốc Việt trong nước và hải ngoại đã lên con số 8 triệu. Và chưa thấy có dấu hiệu gì dừng lại…!
Xem chi tiết trong các bài , mục Á Thánh Anrê trong antontruongthang.blog
https://antontruongthang.com/a-thanh-anre/
AN NGÃI 9 THÁNG 8 NĂM 2016.




