VIỆC BẮT GIỮ THẦY GIẢNG ANRÊ PHÚ YÊN, 19 TUỔI.
TRƯA NGÀY 25 THÁNG 7 NĂM 1644, TẠI LÀNG HOA NÔNG, HỘI AN.
SỐNG ĐỘNG QUA CÁC CHỨNG NHÂN BỒ ĐÀO NHA VÀ LINH MỤC ALEXANDRE DE RHODES.
Qua các bản tường thuật và biên bản còn lưu giữ, chúng ta biết chắc chắn là thầy giảng Anrê Phú Yên bị bắt tại Hội An, sau đó được giải về Dinh Chàm vào ngày 25 tháng 7 năm 1644 và 24 giờ sau bị hành hình tại một bãi đất hoang phía tây Dinh trấn Thanh Chiêm.
Thánh Giacôbê Cả (lớn, major) vì có vị Giacôbê nhỏ (minor) theo truyền thuyết xác người được chôn cất tại Compostella nay là Tây Ban Nha. Từ thời Trung cổ đây là diểm hành hương quan trọng của giáo dân Âu Châu. Qua mọi nẻo đường, đi bộ, đi ngựa, đi lừa hay ngày nay xe đạp, lớn bé trẻ già nam nữ mong có lần hành hương về đây. Do đó không lạ gì người Bồ Đào Nha, Nhật Bản công giáo và người Việt tại Hội An đã tổ chức thánh lễ long trọng ngày hôm ấy 25 tháng 7 năm 1644,tại nhà cha Alexandre de Rhodes, cách đây 372 năm. Đây cũng là dịp chia tay nhau, khi những đợt gió mùa cuối cùng thổi về phương Bắc sắp chấm dứt, các thuyền buồm đi Macau, Nhật Bản, Trung Quốc tụ họp đông đảo tại Hội An, chuẩn bị lên đường, hẹn mùa xuân sang năm.
Và buổi trưa định mệnh hôm ấy, thầy giảng Anrê Phú Yên 19 tuổi, ngây thơ, vô tội đã bị bắt và hành hình.
Trong loạt bài về việc truy tìm địa điểm chính xác nơi cư trú của linh mục Alexandre de Rhodes và nhóm thầy giảng tại Hội An, qua chứng từ của Linh mục Lữ Y Đang ( Đương), con trai của ông già Anrê, người bị bắt cùng ngày với thầy Anrê, qua các di tích và bản đồ của người Pháp còn lưu lại, chúng ta có thể xác nhận đó là làng Hoa Nông nay thuộc xã Cẩm Châu, thành phố Hội An.
Làng nằm trên một dòng sông thơ mộng có nhiều dừa nước mang tên Hoa Nông (Huê Nông) theo giọng Triều Châu hay Hòa Nông theo giọng Quảng Đông. Đây không có nghĩa là thuộc người Hoa mà chỉ là làng trồng hoa hoặc liên hệ đến các công việc nông tang. Ngày nay, ngôi làng sau khi bị xâm thực hoặc bồi lấp nhiều lần do sự đỏng đảnh của con sông Thu Bồn “bên lỡ bên bồi ”.
Trong bản tường trình đầu tiên gửi về Macau cùng với thi hài thầy Anrê, ký tên ngày 1 tháng 8 năm 1644, linh mục Alexandre de Rhodes ghi rõ nhà ngài gần Hội An, việc bắt giữ và việc áp tải về Kẻ Chàm.
“Đồng thời, Ông Nghè Bộ cũng sai một viên quan cùng với quân đội đến nhà chúng tôi; ngôi nhà này ở gần Fayfo (Hội An), tại một ngôi làng là nơi người Bồ và người Đàng Trong dễ dàng tụ họp lại để xem lễ. Khi chúng đến, người đầu tiên chúng tóm được là thầy giảng Anrê diễm phúc; chúng trói ngay thầy lại, và quất roi mây tới tấp. Ngay tức khắc, chúng đã hành động như những con chó sói háu ăn đã quen với trò cướp bóc này; và vì chúng triệt hạ bàn thờ cách bừa bãi và tàn nhẫn, thầy Anrê bảo chúng cởi trói cho thầy, để thầy xếp chỉnh tề tất cả những thứ đó lại đúng vị trí; vậy họ tạm thời cởi trói cho thầy, cho đến khi chúng thu gom tất cả đồ đạc đưa lên thuyền và cướp tất cả những gì chúng muốn. Khi đã làm xong, chúng lại trói thầy Anrê diễm phúc, bọn chúng cũng trói một người khác trong số các thanh niên của chúng tôi, người này đang bị ốm, thầy Anrê nhân hậu bảo chúng tha cho người bị ốm, và chúng đồng ý trói giải thầy đi một mình; đó là những gì chúng đã làm.”
Ngôi nhà nầy như linh mục Alexandre de Rhodes khẳng định: “ngôi nhà này ở gần Fayfo (Hội An), tại một ngôi làng là nơi người Bồ và người Đàng Trong dễ dàng tụ họp lại để xem lễ”.
Bên cạnh chi tiết bài tường thuật trên còn có một loạt các chứng từ khác của thuyền trưởng và thủy thủ đoàn có mặt tại chỗ cũng như tháp tùng thầy Anrê cho đến nơi tử hình.
Trong tháng 12 năm 1644 đến tháng giêng năm 1645, 23 nhân chứng đã được triệu tập
Nhân chứng thứ nhất là João de Rezende de Figuciroa. Anh khai mình sinh tại Coimbra, con của Balthezars de Rezende Figuciroa và Maria de Misquita. Anh đã lập gia đình và sống tại thành phố Macau, 36 tuổi. Trong lời khai anh cũng nêu tên nhiều người có mặt hôm đó
“Những người chứng kiến cái chết này và có mặt ở các địa điểm, gồm có: Francisco de Azevedo, Antonio Pecanha, Domingos Rodrigue Castillan, Agostinho da Silva, Antonio Mendes, Manoel da Fonceca, và chính nhân chứng cùng với những người khác nữa, và cha Alexandre Rhodes, Horacio Massa”
Anh là thuyền trưởng chiếc tàu San Antonio và Jam Baptista “ tư cách là thuyền trưởng của một chiếc tàu năm đó đến thăm Đàng Trong” cũng sẽ là tàu mang thi hài thầy Anrê về Macau đầu tháng 8 năm 1644.
Về việc bắt giữ thầy Anrê, anh khai: “Nhân chứng đã trả lời rằng: anh ta đã biết thầy Anrê ở Đàng Trong, có lẽ khoảng chừng 19 tuổi, hơn kém gì đó, người ta bảo cha mẹ thầy là người Kitô hữu, và thầy sống trong nhà Cha Alexandre nơi thầy vẫn phục vụ; thầy đã bị vị quan toàn quyền vùng này bắt giữ và sau đó giết chết tại Kẻ Chàm (Dinh trấn Thanh Chiêm); và điều này nhân chứng nói rằng đã tận mắt nhìn thấy, vì nhân chứng có mặt vào lúc hành quyết; nhân chứng đã đến đó với tư cách là thuyền trưởng của một chiếc tàu năm đó đang đến thăm Đàng Trong, và nhân chứng đã nhìn thấy tận mắt tất cả những gì đã diễn ra.”
Nhân chứng thứ hai ông Francisco de Azevedo Teizeira trình diện. Ông sinh quán tại thành phố Évora, con của Jerónimo de Azevedo de Faria và bà Cracia Lopes de Oliveira, ông đã có gia đình và đã định cư và là công dân của thành phố Macau. Anh khai “ cả ba lần nhân chứng đã đến Đàng Trong, ông đều biết thầy Anrê ở trong nhà cha ở Hội An, ông đã nhìn thấy thầy phục vụ cha với lòng trung tín và nhiệt thành trong việc quản trị người Kitô hữu ở đây; và ở đó thầy đã bị giải đi giam ở Cacham (Kẻ Chàm) ở đó có một quan tên là Ông Nghè Bộ, chức quan tương đương với Quan Thống Đốc Ngân Khố ở Macao, và ở đó cũng có một vị thống đốc khác, là phó vương của nhà vua”.
Và việc bắt giữ xảy ra vào “ngày 25 tháng 7 năm 1644 này vào lúc giữa trưa, khi thầy Anrê đang ở trong nhà của Cha Alexandre Rhodes, cha đã đi đến một chỗ khác sau khi đã cử hành Thánh Lễ; ở đó thầy đang xếp những những đồ trang trí và chịu trách nhiệm chăm sóc một vài người Kitô hữu bị bệnh đang ở trong nhà này”. (Lưu ý việc bắt giữ vào giữa trưa).
Nhân chứng số ba: Antonio Pecanha de Mendonca khẳng định mình sinh quán tại Lisbonne, giáo xứ thánh Catarina núi Sinai, con trai của Francisco Borges và bà Isabel de Mendonca, 40 tuổi. Được triệu đến bằng thư mời bởi thư tín viên Antonio Rangel, anh khai:
“Và chính nhân chứng đã nhìn thấy và đã là nhân chứng vụ bắt giữ và cái chết của thầy Anrê bởi vì nhân chứng có mặt, và là một trong số những người Bồ cũng có mặt tại nhà giam, ở đó nhân chứng đồng hành với thầy Anrê, và tại nơi nhà quan người kết án tử hình thầy
Nhân chứng số bốn, Manoel da Fonseca, sinh quán tại thành phố Macau, goá vợ, là con trai của cha mẹ vô danh, thuỷ thủ của những chuyến hành trình trên biển từ Macau đến các hải cảng Đàng Trong.
“ Nhân chứng trả lời rằng đã tận mắt nhìn thấy thầy Anrê, tuổi chừng mười chín hai mươi, người Đàng Trong, là người phục vụ cha Alexandre với tư cách thầy giảng; chính khi đang ở trong nhà Cha mà người ta đã bắt thầy; và thầy bị giải đến Kẻ Chàm, ở đó thầy bị hành quyết; và chính nhân chứng đã tận mắt nhìn thấy vì nhân chứng đang có mặt với những người Bồ đang trên hành trình ở đấy năm này, trên chiếc thuyền của João de Rezende, và chính nhân chứng là thủy thủ”.
Anh còn thêm chi tiết “đã nghe nói thầy Anrê bị trói và bị giải về Kẻ Chàm, đó là nơi nhân chứng dừng tàu vào ngày sau đó, ông đã thấy thầy đang ở trong một nhà tranh với những người canh gác, vai mang gông”
Nhân chứng số 5, Antonio Mendes trình diện, là con trai của Antonio Carvalho và Suzana Mendes, đã kết hôn, trú quán tại thành phố này, anh khai mình 31 tuổi, trả lời rằng “có biết thầy Anrê, người ta bảo thầy Anrê là người Nam Việt sinh quán tại tỉnh Phú Yên, có lẽ chừng 20 tuổi, người ta bảo rằng cha mẹ thầy là người Kitô hữu; và nhân chứng biết vì đã nhìn thấy chàng thanh niên Anrê thầy giảng ở trong nhà cha Alexandre Rhodes Dòng Tên, đang phục vụ giáo hội tại nơi này, là nơi các Kitô hữu khác ở đó tụ họp về. Và vì thầy Anrê đang ở trong nhà cha nên thầy bị bắt vào ngày 25 tháng 7, ngày lễ thánh Giacôbê, và bị giải về Kẻ Chàm, cách Hội An hai dặm về phía đầu nguồn của dòng sông”( Xin lưu ý, 2 dặm)
Anh Domingos Rodrigues, sinh quán Séville, con của ông Sebastĩao Rodrigues và Elvira de Moncibacs, đã lập gia đình, và cư trú tại thành phố này, khoảng 36 tuổi là nhân chứng thứ sáu, anh khai: “nhân chứng đã nghe nói rằng khi thầy đang ở trong nhà cha Alexandre Rhodes thì bị bắt và giải về Kẻ Chàm ở đó thầy bị hành quyết”.
Nhân chứng thứ 7, Agostinho da Silva khai: “anh đã lập gia đình, chính trú tại thành Macao này, là nơi anh sinh ra, con của Francisco Fernandes và bà Domingas da Costa; anh khai mình 31 tuổi :”đã đến Đàng Trong tám lần, biết rất rõ thầy Anrê giáo lý viên, là người phục vụ cha Alexandre Rhodes và ở trong nhà cha. Điều hiển nhiên rõ ràng và mọi người ai cũng biết thầy Anrê có cha mẹ đều là người Kitô hữu. Và vào tháng 7 năm này, nhân chứng đang ở Hội An với những thương gia khác, những người đi từ thành phố này đến Nam Việt, đã hay tin rằng Anrê đã bị bắt theo mệnh lệnh của quan Ông Nghè Bộ, và từ đó bị giải về làm tù nhân ở Kẻ Chàm, tại đó thầy đã bị hành hình”..
Anh Anrê de Souza là nhân chứng thứ 8, sinh quán tại thành này, làm lính gác, anh khai mình khoảng 22 đến 23 tuổi, con của Manoel de Souza và Luzia da Trindade,
“ Nhân chứng trả lời rằng đã nghe những người Bồ đến Nam Việt vào đợt gió mùa cuối cùng nói những điều đó, và chính nhân chứng, đã đến đó cùng với họ, nhưng nhân chứng đã có mặt trên một chiếc CHÔ ( tàu buôn ) để đến miền đất nầy, và anh lên đất liền chỉ để tìm hàng tiếp tế; vậy anh ta đã nghe những người Bồ này kể rằng thầy Anrê đã bị bắt và bị giết chết ở Kẻ Chàm bởi vì thầy là người Kitô hữu và vì thầy nhiệt tình làm việc cho dân Kitô giáo; và nơi các Kitô hữu rõ ràng hiển nhiên và ai cũng biết thầy là Kitô hữu đã được rửa tội, và thầy phục vụ cho cha Alexandre Rhodes”.
Qua các chứng từ trên chúng ta nắm chắc việc bắt giữ thầy Anrê xảy ra vào buổi trưa ngày 25 tháng 7 năm 1644, ngày lễ thánh Giacôbê Tông đồ, tại nơi lưu trú cũng là nguyện đường của linh mục Alexandre de Rhodes.
Hôm nay 362 năm sau, mời mọi người nhớ lại.
XEM THÊM;
https://antontruongthang.com/…/tim-hieu-con-duong-ap-giai-…/
AN NGÃI NGÀY 25 THÁNG 7 NĂM 2016.




