ÔNG THA MÀ BÀ CHẲNG THA.
CÒN SỢ CÁI LỤT HĂM BA THÁNG MƯỜI.
NĂM NAY, BÍNH THÂN 2016,
23 THÁNG 10, ÂM VÀ DƯƠNG LỊCH TRÙNG NHAU.
Ca dao Miền Trung :
Ông tha mà bà chẳng tha.
Còn sợ cái lụt hăm ba ( 23) tháng mười ( tháng 10 Âm lịch)
Ông cười mà bà chẳng cười
Trời cho cái lụt mồng mười ( 10) tháng ba ( tháng 3 Âm lịch, lụt Tiểu Mãn).
Mười ngày qua, tin tức lũ lụt miền Trung làm mất tinh thần nhiều người. Phương tiện truyền thông hiện đại nhanh như chớp báo toàn tin dữ khiến hình ảnh miền Trung bị “trời hành, đày đọa”, “lầm than”, “chìm trong gian khổ”, “trời gieo nắng hạn…lụt cuốn tan hoang”…kèm theo hình ảnh, video, mì tôm ….cứu trợ v.v. đánh động đến trái tim cả nước, nhưng cũng có thể làm sai lạc hình ảnh người miền Trung anh dũng “khốn khổ”.
Gần 6 năm trước đây, linh mục Antôn có đưa lên mạng bài viết : Bão lụt Miền Trung, thiên tai hay nhân tai. Suy tư nhân đọc ký sự Đàng Trong của giáo sĩ Cristoforo Borri SJ, thế kỹ 17.
Khi đọc Ký sự Đàng Trong của linh mục Cristoforo Borri, người đã sống tại Miền Trung từ năm 1617 đến năm 1622, tôi thấy ông mô tả người đương thời với một cái nhìn hoàn toàn khác về lụt lội. Ký sự chương hai với nhan đề: Khí hậu và đặc tính lãnh thổ Đàng Trong đã mô tả như sau:
“ Như đã nói ở trên, xứ này ở vào giữa vĩ tuyến 11 và 17, do đó, nóng chứ không lạnh. Tuy vậy xứ này lại không nóng như Ấn Độ, mặc dầu cũng vĩ tuyến như nhau và thuộc về miền nhiệt đới như nhau. Lý do sự khác biệt này là ở Ấn Độ không phân rõ bốn mùa. Mùa hạ kéo dài tới chín tháng liên tục. Trong thời gian đó, không thấy có một chút mây trên trời, ngày cũng như đêm, thành thử không khí luôn luôn bị thiêu đốt bởi ánh nắng mặt trời. Ba tháng còn lại được kể là mùa đông, không phải vì thiếu nóng, mà là vì mưa liên tục, thường là cả ngày lẫn đêm trong mùa này. Nói theo kiểu bình thường thì mưa liên tục như thế hẳn phải làm không khí mát dịu. Tuy nhiên, vì mưa vào tháng năm, tháng sáu, tháng bảy, lúc mặt trời ở điểm cao nhất, ở tột đỉnh của Ấn Độ và lại không hề có ngọn gió nào khác ngoài những ngọn gió thật nóng, nên không khí rất ngột ngạt, làm cho nhiệt độ khó chịu hơn là vào chính giữa mùa hạ vì lúc này thường có gió nhẹ thổi từ biển vào đem khí mát cho nội địa. Nếu không có sự an bài đặc biệt, thì không sao ở được trong những xứ sở này.
Ở Đàng Trong thì không thế bởi vì có đủ bốn mùa trong năm, tuy không rõ ràng như ở Châu Âu vốn có khí hậu ôn hòa hơn. Mùa hạ gồm ba tháng sáu, bảy, và tám, cũng rất nóng vì ở vào miền nhiệt đới và mặt trời trong những tháng đó cũng ở điểm cao nhất trên đầu chúng ta. Nhưng vào tháng chín, mười và mười một thuộc mùa thu thì hết nóng và khí hậu dịu bởi có mưa liên tục, nhất là ở miền núi Kẻ Mọi. Do đó nước lũ làm ngập khắp xứ, đổ ra biển, như thể đất liền và biển chỉ còn là một. Cứ mười lăm hôm lại xảy ra một trận lụt và mỗi lần kéo dài ba ngày. Ích lợi của nước lũ là không những nó làm cho không khí mát mẻ, mà còn đem phù sa làm cho đất phì nhiêu và dồi dào về mọi sự, nhất là về lúa là thức ăn tốt nhất trời ban và là lương thực chung cho khắp xứ. Còn vào ba tháng mùa đông – tháng chạp, tháng giêng và tháng hai thì có gió bắc thổi, đem mưa đủ lạnh để phân biệt mùa đông với các mùa khác trong năm. Sau cùng vào các tháng ba, tư và năm, hiện rõ các hiệu quả của một mùa xuân thú vị, tất cả đều xanh tươi và nở hoa.
Nhân tiện nói về lụt, tôi xin kể thêm ở chương này một vài sự kỳ lạ người ta gặp thấy trong dịp này.
Trước hết mọi người ở đây đều mong nước lũ, không những để được mát mẻ và dễ chịu, mà còn để cho đồng ruộng được mầu mỡ. Thế nên khi thấy mùa nước tới, họ để lộ hẳn sự vui mừng và thích thú: họ thăm hỏi nhau, chúc mừng nhau, ôm nhau hò hét vui vẻ và nhắc đi nhắc lại “đã đến lụt, đã đến lụt” có nghĩa là nước đã tới, nước đã tới rồi. Nói tóm lại là không ai là không bày tỏ niềm vui, từ kẻ thế gia đến chúa cũng vậy.
Nhưng thường thì nước lũ tới bất thần, không ai ngờ, ban chiều chưa ai nghĩ tới, nhưng sáng ra nước đã kéo vào tư bề, và người ta bị nhốt trong nhà, tình trạng này diễn ra khắp xứ. Do đọ họ thường mất hết gia súc vì không kịp đưa chúng chạy lên núi hay những nơi cao hơn.
Vào trường hợp này, có một luật kì lạ ở xứ này là bò, dê, lợn và các vật khác bị chết đuối thì không còn thuộc về chủ, nhưng đương nhiên thuộc về người thứ nhất vớt được. Đây cũng là một điều làm cho người ta vui thích một cách lạ lùng: vừa có lụt, mọi người đều nhảy xuống thuyền bơi đi tìm vớt gia súc chết đuối, để rồi làm thịt và dọn cỗ linh đình.
Còn trẻ con thì tùy theo tuổi, chúng để mắt và vui thú rình trên cánh đồng lúa mênh mông đầy rẫy chuột lớn, chuột bé, vì hang ngập nước nên chúng phải ngoi ra, bò lên cây để thoát, thành thử thật là rất vui mắt khi được nhìn thấy những cảnh cây nặng trĩu những chuột thay vì lá hay quả. Từng đám trẻ con trên các chiếc thuyền nhỏ của chúng tới rung cây làm các con vật này rớt xuống nước và chết đuối. Trò đùa nghịch và giải trí của trẻ con, nhưng thực ra có ích lợi lớn cho đồng ruộng vì thoát được những con vật gây thiệt hại nặng cho những cánh đồng rộng lớn.
Cái lợi cuối cùng, không phải là nhỏ, đó là người ta đều có thể sắm sửa cho đủ mọi thứ cần dùng. Vì trong ba ngày này, nước lụt làm cho người ta có thể đi lại khắp nơi bằng thuyền một cách rất dễ dàng đến độ không có gì mà không chuyển được từ nơi này qua nơi khác. Do đó, người ta dành thời gian này để họp chợ, những phiên chợ có tiếng nhất trong xứ, số người đến họp chợ trong dịp này đông hơn bất kỳ buổi họp chợ nào khác trong năm. Cũng trong ba ngày này, người ta đi lấy cây để thổi nấu và dựng nhà. Họ chất cây từ trên núi vào thuyền và dễ dàng bơi qua các nẻo, các ngõ và tới tận nhà vốn được cất trên các hàng cột khá cao để cho nước ra vào tự do. Ai cũng leo lên sàn cao nhất và phải khen họ vì không bao giờ lụt bén tới bởi họ đã lấy kích thước chính xác, do kinh nghiệm lâu năm, của mực nước cao thấp, do đó họ không sợ vì họ biết chắc là nước luôn ở phía dưới nhà họ. “ ( trích Ký sự Đàng Trong của linh mục Borri) ( Bản dịch của Nguyễn Khắc Xuyên có thể tìm thấy trên mạng Dũng Lạc, Dunglac.org, nay không còn)
Trong câu chuyện khí hậu Miền Trung , linh mục Borri mô tả bão lụt không là mối kinh hoàng mà là niềm vui . Từ Chúa Đàng Trong đến chú bé con đầu nhảy mừng vỗ tay “Dadenlut, dadenlut” ( Đã đến lụt, đã đến lụt).
“Thế nên khi thấy mùa nước tới, họ để lộ hẳn sự vui mừng và thích thú: họ thăm hỏi nhau, chúc mừng nhau, ôm nhau hò hét vui vẻ và nhắc đi nhắc lại “đã đến lụt, đã đến lụt” có nghĩa là nước đã tới, nước đã tới rồi. Nói tóm lại là không ai là không bày tỏ niềm vui, từ kẻ thế gia đến chúa cũng vậy”.
Tại sao vui mừng?
Lụt đưa đến những lợi ích như làm giảm nhiệt độ và đem phân lá mục từ núi rừng Trường Sơn về bón cho các cánh đồng ( phù sa).
“Trước hết mọi người ở đây đều mong nước lũ, không những để được mát mẻ và dễ chịu, mà còn để cho đồng ruộng được mầu mỡ ..Ích lợi của nước lũ là không những nó làm cho không khí mát mẻ, mà còn đem phù sa làm cho đất phì nhiêu và dồi dào về mọi sự, nhất là về lúa là thức ăn tốt nhất trời ban và là lương thực chung cho khắp xứ”.
Nước lụt tiêu diệt sâu bọ.Trò chơi giết chuột của các em hóa ra lợi cho nông nghiệp.
“Còn trẻ con thì tuỳ theo tuổi, chúng để mắt và vui thú rình trên cánh đồng lúa mênh mông đầy rẫy chuột lớn, chuột bé, vì hang ngập nước nên chúng phải ngoi ra, bò lên cây để thoát, thành thử thật là rất vui mắt khi được nhìn thấy những cảnh cây nặng trĩu những chuột thay vì lá hay quả. Từng đám trẻ con trên các chiếc thuyền nhỏ của chúng tới rung cây làm các con vật này rớt xuống nước và chết đuối. Trò đùa nghịch và giải trí của trẻ con, nhưng thực ra có ích lợi lớn cho đồng ruộng vì thoát được những con vật gây thiệt hại nặng cho những cánh đồng rộng lớn”.
Lợi cho việc giao thông vận tải : gỗ trên rừng và lâm sản được chuyển về miền xuôi. Ngược lại gạo, mắm, vải vóc và các nhu yếu phẩm khác được chuyển ngược lên. Sau khi “nước bình” có nghĩa là không còn chảy dữ dội nữa, nếu còn chỉ tại các sông suối, còn tại các thôn làng sinh sống nước phẳng lặng như hồ thì đây là dịp hội chợ, mua bán, thăm viếng…nhau và vui chơi. (Tôi có kinh nghiệm nầy sau 14 năm làm cha sở giáo xứ Trà Kiệu. Hết bão, hết mưa, trời nắng hoặc “ nhâm”, leo lên chiếc ghe đan tre và cha con chèo đi thăm viếng, cứu trợ giáo dân vừa sạch, vừa nhanh, vừa vui vì khỏi lội bùn. Khi về có khi có cá, trái cây hoặc vài “ chiến lợi phẩm” săn được. Với một cái ná cao su và ít sỏi…giống như thời cha Borri, nhiều chú “ Tý” phải bỏ mạng. Từ làng nầy sang làng khác , người ta chèo thẳng qua cánh đồng khỏi vòng vo trong các rặng tre như thường lệ. Nước lênh láng và hình ảnh núi non , nhà cửa, cỏ cây, xóm làng lồng bóng nước, trông rất nên thơ. Tại vùng cầu Bà Rén, xứ Xuân Thạnh, dịp nầy các vạn đò cũng có hội đua ghe rất hào hứng).
Lụt cung cấp chất đốt là những cây gổ từ rừng trôi về. Người ta chèo ghe vớt củi và có khi những cây gổ lớn.
“Cái lợi cuối cùng, không phải là nhỏ, đó là người ta đều có thể sắm sửa cho đủ mọi thứ cần dùng. Vì trong ba ngày này, nước lụt làm cho người ta có thể đi lại khắp nơi bằng thuyền một cách rất dễ dàng đến độ không có gì mà không chuyển được từ nơi này qua nơi khác. Do đó, người ta dành thời gian này để họp chợ, những phiên chợ có tiếng nhất trong xứ, số người đến họp chợ trong dịp này đông hơn bất kỳ buổi họp chợ nào khác trong năm. Cũng trong ba ngày này, người ta đi lấy cây để thổi nấu và dựng nhà”.
Xem ra luật lệ đã nhắc nhở người dân phải lo đề phòng và di tản gia súc lên nơi cao tránh thiệt hại, ai không cảnh giác bị thiệt hại thì ráng chịu.
“Nhưng thường thì nước lũ tới bất thần, không ai ngờ, ban chiều chưa ai nghĩ tới, nhưng sáng ra nước đã kéo vào tư bề, và người ta bị nhốt trong nhà, tình trạng này diễn ra khắp xứ. Do đó họ thường mất hết gia súc vì không kịp đưa chúng chạy lên núi hay những nơi cao hơn.
Vào trường hợp này, có một luật kì lạ ở xứ này là bò, dê, lợn và các vật khác bị chết đuối thì không còn thuộc về chủ, nhưng đương nhiên thuộc về người thứ nhất vớt được. Đây cũng là một điều làm cho người ta vui thích một cách lạ lùng: vừa có lụt, mọi người đều nhảy xuống thuyền bơi đi tìm vớt gia súc chết đuối, để rồi làm thịt và dọn cỗ linh đình”.
Xem ra mọi người đã chuẩn bị kỷ sống chung với lụt nên xây dựng nhà cửa toàn là nhà sàn kiên cố có lẻ vì dân số không nhiều, gổ xây dựng không thiếu.
“ Họ chất cây từ trên núi vào thuyền và dễ dàng bơi qua các nẻo, các ngõ và tới tận nhà vốn được cất trên các hàng cột khá cao để cho nước ra vào tự do. Ai cũng leo lên sàn cao nhất và phải khen họ vì không bao giờ lụt bén tới bởi họ đã lấy kích thước chính xác, do kinh nghiệm lâu năm, của mực nước cao thấp, do đó họ không sợ vì họ biết chắc là nước luôn ở phía dưới nhà họ”.
Các bải biển, đầm phá chưa có người định cư nên khi nước tràn về mà không gây nguy hiểm và thiệt hại.
“ Do đó nước lũ làm ngập khắp xứ, đổ ra biển, như thể đất liền và biển chỉ còn là một. Cứ mười lăm hôm lại xảy ra một trận lụt và mỗi lần kéo dài ba ngày”.
So sánh với thời cận đại và hiện đại, quá nhiều đổi thay. Nền khoa học kỷ thuật đem lại nhiều lợi ích và tiện nghi nhưng cũng làm không khí nóng lên gây bão lụt thêm mạnh, thêm nguy hiểm”.
Định góp ý thêm, nhưng không khéo lại bị ném cả núi đá!
Mời xem thêm : https://antontruongthang.com/…/bao-l%E1%BB%A5t-mi%E1%BB%81…/
AN NGÃI CHÚA NHẬT 23 THÁNG 10 ÂM DƯƠNG LỊCH 2016,





Bình luận
