NHÀ NGHIÊN CỨU PHẠM ĐÌNH KHIÊM
VIẾT VỀ DINH TRẤN THANH CHIÊM NĂM 1959.
Trong khi đi tìm tư liệu để viết về thầy giảng Anrê Phú Yên mất mạng vì đức tin vào năm 1644 tại dinh Ciam, Quảng Nam, Nhà văn Phạm Đình Khiêm đã may mắn phát hiện ra hai Dinh trấn cũ vào thế kỷ 17: Dinh trấn Phú Yên và Dinh trấn Thanh Chiêm, đã bị lớp bụi thời gian che lấp. Kể từ đó, hai di tích này đã được quan tâm nghiên cứu nhiều hơn. Phát hiện trên đã được công bố trên Tập san sử địa và được nhiều người quan tâm. Do không có những tư liệu trên, tạm thời xin đọc một đoạn trong sách Người chứng thứ nhất để có thể hình dung về miền đất này 60 năm trước đây. (Phạm Đình Khiêm, Người chứng thứ nhất, 2000, sao chụp từ ấn bản thứ nhất 1959,trang 119 tt..)
Một nếp thành xưa
Trên đường quốc lộ 1, tỉnh Quảng Nam, giữa khoảng quận lỵ Điện Bàn và cầu Câu Lâu trên sông Thu Bồn, tại cây số 952, về phía đông, có một con đường đất rộng rãi nhẵn nhụi, dẫn vào thôn Thanh Chiêm thuộc xã Vĩnh Thọ, quận Điện Bàn. Đường này đi Hội An chỉ hết 7 số, trong khi theo quốc lộ, qua Điện Bàn, phải mất 9 cây số.
Từ quốc lộ vào hương lộ, trước hết du khách gặp một đám đất trống gọi là đất “Văn thánh”, trước kia có đền thờ Đức Khổng Tử, tiếp đến một ngôi chùa cổ, cổng đề “Hội phước tự”, rồi một ngôi đình. Theo con đường tẽ vào xóm bên cạnh đình, đi độ 500 thước, du khách gặp một khúc đường chạy dài theo chiều đông tây, ngăn đôi xóm nhà cửa ở phía nam với đồng ruộng phía bắc. Một khúc đường, cao lớn và rộng rãi như bờ đê, mà không phải đê, vì không ngăn nước sông, cũng không phải đường, vì không có lối giao thông. Một khúc đường cụt, nổi lên giữa thổ cư đồng ruộng, dài độ 800 thước không nối vào đâu, bề mặt rộng tới chín, mười thước, hiện để cỏ mọc trâu ăn và có khoảng chôn nhiều mồ mả. Đó chính là di tích một trong bốn mặt thành đất của dinh trấn Quảng Nam xưa, theo sự nhìn nhận của các bô lão trong làng và truyền thống lưu lại.
Vẫn theo lời các cụ, thì xưa kia sát bên bờ thành (lũy) có trì (hào), sau dần dần, dân bạt bớt đất trên thành xuống lấp trì để cấy cày.
Thành này là thành bắc. Mặt đông và mặt tây, thành đã bị bạt hẳn để lấp hào, làm ruộng, cất nhà, song người ta còn nhận thấy nhiều mô đất và nhất là nhiều mương ao cách quãng nhau theo đường thẳng, khiến liên tưởng đến thành và trì cũ. Mặt nam không thấy di tích gì ngoài con đường hương lộ rộng rãi, vững chắc: theo các bô lão, xưa đó là quan lộ đi Hội An.
Gần bờ thành bắc, có một đám đất gọi là đất “nhà lao” rộng trên 700 thước vuông, nếu là thổ cư rất đẹp đẽ, nhưng từ bao đời nay, không ai dám làm nhà trên đất đó: dân làng kiêng đất ấy xưa kia là nhà tù. Cách “nhà lao” vài trăm thước, có một khu thổ cư, địa thế đẹp và cao ráo, gọi là đất “hành cung”. Gần đó có một cái hồ chữ nhật rộng rãi, song lòng đã cạn, cày cấy được. Ngoài ra còn có chỗ gọi là “Kho muối”, chỗ gọi là “Tầu tượng” (nuôi voi), có chỗ gọi là “Mô súng”.
Trên khu đất chữ nhật rộng rãi này, có độ 500 dân cư, kể cả nam, phụ lão ấu tức là gần nữa dân số thôn Thanh Chiêm. Tất cả đều nhìn nhận đó là đất của thành nội xưa mà cha ông họ được vào chia nhau ở, từ sau khi vua Minh Mạng dời thành sang địa phận làng La Qua, cách vài cây số về phía bắc.1
Ở phía đông, có chỗ gọi là “tịch điền” có chỗ kêu “vọng khuyết”. Ta biết tịch điền là lễ kính Thần nông và mở mùa cầy cấy, có từ đời Lương Võ Đế bên Tàu, còn vọng khuyết là nhà để các quan tỉnh chầu vọng về kinh những ngày kỵ huý của nhà vua.
Phía tây thành có một xóm gọi là “Phường Đúc” nay thuộc thôn Phước Kiều, sát cạnh thôn Thanh Chiêm. Dân ở đó làm nghề đúc đồ đồng, cha truyền con nối từ bao đời nay.
Phía tây nam, bên quốc lộ, có chỗ gọi “chợ củi”, mặc dầu ở đó hiện nay không có chợ, và “Bến Chợ củi”, trên bở Sài Giang (sông Củi), nhánh nhỏ của sông Thu Bồn. Người ta nói chính Sài Giang xưa mới là con sông lớn, chảy gần bên thành, có bến tàu đậu, có chợ buôn bán tiếp tế cho thành, vì thế xưa có danh từ “Sài Giang – Hành Lãnh”2 để chỉ phong cảnh Quảng Nam.
Đàng sau chỗ Chợ củi, ở phía tây quốc lộ, có một miếu âm hồn rất cổ để cúng vong hồn, gần đó là chỗ pháp trường để xử tử tội nhân ngày xưa, nay gọi là “Gò sứ”, cách chỗ “dinh trấn” cũ độ 700 thước tây. Xa hơn độ 1000 thước nữa còn có dấu tích sơ sài “thành vệ” bằng đất, bị lở xuống sông Thu Bồn gần hết. “Thành vệ” là chỗ quân lính đóng để giữ thành, như một tiền đồn.
Chúng ta vừa thăm viếng một mảnh đất ghi dấu rất nhiều biến cố quan trọng trong lịch sử Việt Nam cận đại. Đây chính là nơi bốn thế kỷ trước, chúa Nguyễn Hoàng đã thiết lập dinh trấn Quảng Nam để kiểm soát hai cửa ngõ giao thiệp với ngoại bang – Hội An và Đà Nẵng – đồng thời dùng làm căn cứ phát triển về phương nam. Đây cũng chính là nơi thấm máu vị anh hùng tử đạo đầu tiên của xứ Nam từ khi tiếp nhận ánh sáng Đức Tin.
Thực ra từ trước đến nay chưa tác giả nào cho biết đích xác thủ phủ Quảng Nam ngày xưa đặt ở chỗ nào, mà các nguồn sử liệu thì lại mâu thuẫn nhau.
Sách Đại Nam thực lục tiền biên 3 cho biết, tháng 7 năm nhâm dần (1602), năm 45 đời Gia Dũ Hoàng Đế (Nguyễn Hoàng), dinh trấn Quảng Nam được thiết lập tại xã Cần Húc4, huyện Duy Xuyên.
Phụ chính đại thần Tôn Thất Hân, trong cuốn Tiên nguyên toát yếu phổ, mục nói về thân thế ông Nguyễn Hoàng, có nhắc đến việc xây thành Quảng Nam ở làng Cần Húc, song lại nói:
“Người ta không biết gì về tên làng này, và cũng không rõ thuộc tổng nào”.5
Sách Đại Nam nhất thống chí chép:
“Hồi mới dựng nghiệp chúa, xây dinh trấn tại xã Thanh Chiêm, huyện Diên Phước, sau loạn nên bỏ. Đến buổi trung hưng, sau khi thâu phục Quảng Nam, tạm lập dinh trấn tại phố Hội An, năm Gia Long thứ hai, dời vào xây tại chỗ đất cũ Thanh Chiêm, đắp thành bằng đất”.6
Nhưng tác giả sách ấy lại tự mâu thuẫn với mình, vì xa hơn, ở mục chùa miếu, nhân nói đến việc chúa Nguyễn Hoàng xây chùa Long Hưng tại xã Cần Húc, tác giả lại viết:
“Buổi mới dựng nghiệp chúa, xây dinh Quảng Nam tại xã đó (Cần Húc) nay hãy còn. Chùa Long Hưng xây ở phía đông dinh, nay không còn nữa”.7
Trước những dữ kiện mâu thuẫn ấy, nhiều nhà học giả như cha Cadière, ông Bonifacy, trong các tác phẩm, dẫu nhiều phen muốn giải quyết vấn đề vị trí trấn lỵ Quảng Nam ngày xưa, song không giải quyết được. Riêng giáo sĩ Cadière có nói trống rằng trấn lỵ này “ở trong vùng lân cận thành Quảng Nam ngày nay”8 – “cách độ hai hoặc ba cây số”9, nhưng không nói rõ ở chỗ nào, phía nào, thuộc làng nào và nhất là không đưa ra lập luận hay chứng cớ nào cả.
Nhưng điều mà lịch sử còn dấu kín, anh linh vị tử đạo Anrê sẽ phát giác ra để cho lịch sử người được đầy đủ, và di tích người được gìn giữ. Thực vậy, sở dĩ chúng ta quả quyết được làng Thanh Chiêm nói trên, với những di tích còn lại, là nơi đặt dinh trấn Quảng Nam ngày xưa, phần lớn nhờ những chi tiết lịch sử rõ rệt về cuộc tử đạo của thầy giảng Anrê, như ta sẽ thấy sau đây. Chính đó là thị trấn mà giáo sĩ Đắc Lộ cũng đã vẽ trên bản đồ của người và ghi tên là “dinh Ciam”, trên tả ngạn con sông lớn chảy thẳng ra “Haifo” tức Hải Phố – người Âu Châu còn gọi là “Faifo” tức Hội An ngày nay. Hai chữ “dinh Ciam” rõ ràng là phiên âm bởi tiếng “Dinh Chiêm”, tiếng dân chúng gọi tắt dinh trấn Thanh Chiêm vậy”.
Ngày nay, khung cảnh vùng đất này đã biến dạng nhiều do liên tiếp có những con đường quốc lộ A1 và những câu cầu Câu Lâu mới chạy ngang qua, cùng sự tăng cường dân số và những công trình xây dựng. Ngoài những địa danh gợi nhớ một thời quá khứ như: Tàu tượng (chuồng voi), Vọng khuyết, bến Chợ củi, Tịch điền, mô súng, kho muối…Nơi đây còn một số viên đá gốc Chăm, những giếng Chăm hình vuông, hoặc hình tròn xếp đá đẽo gọt rất đẹp. Công việc khảo cổ chưa được tiến hành nghiêm túc nhưng với chừng ấy thứ cũng đũ gợi lên nguồn gốc Dinh trấn Thanh Chiêm và cái gốc Chăm xưa.
AN NGÃI NGÀY 18 THÁNG 8 NĂM 2016.





Bình luận
Cầu cho cha luôn mạnh khỏe, sáng suốt. ..
