HỘI THẢO CHỮ QUỐC NGỮ TẠI THANH CHIÊM 24/8/2016.
NHỚ VỀ NHỮNG NGƯỜI ĐẸP DINH TRẤN QUẢNG NAM THẾ KỶ 17, 18.
Cuối tháng 8 này cuộc Hội thảo Chữ Quốc ngữ và Dinh trấn Thanh Chiêm sẽ diễn ra và chắc chắn sẽ rất sôi động vì những khám phá mới tại ngay miền đất có thể gọi là chính thức khai sinh ra lối ký âm tiếng Việt theo mẫu tự La Tinh với linh mục dòng Tên Francisco de Pina.
Tôi may mắn giữ được một số trang viết của nhà văn Nguyễn Văn Xuân, người con của làng Thanh Chiêm. Có lẽ không ai biết và viết về Thanh Chiêm với sự xác tín như thầy.
Ở đây, thầy Xuân chỉ nhắc đến các giai nhân Dinh trấn qua bài “ GIẤC MỘNG CÔNG NƯƠNG”
Bài viết năm 2002 vì khởi đầu thầy viết: “Sang năm 2002 này, có sử gia đề nghị làm lễ kỷ niệm 400 năm Dinh Trấn Thanh Chiêm hay dinh trấn Quảng Nam” Thầy tự nhận là “một người hay mơ mộng thì việc đầu tiên là đi tìm những cô gái đẹp. Nhưng biết họ là ai kể cả mùi hương phảng phất nhất mà Nguyễn Du từng bảo “Hương thừa nhường vẫn ra vào đâu đây ” thì càng đào sâu với tất cả sức mạnh của khướu giác cũng chỉ thâu nhận được hương cau, hương lúa”
“Nhưng tôi đâu cần phải tìm ở phương trời nào ngoài chinh chân trời của tôi đang sống.
Những người thứ nhất mà tôi truy ra là các công nữ NGỌC KHOA, NGỌC VẠN con gái của chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên. … Ngọc Vạn đã trở thành hoàng hậu của Cao Miên từ 1623 còn Ngọc Khoa thì có hai giả thuyết: một là nàng đã trở thành phu nhân của một đại thương gia Nhật Bản mà nay còn đền thờ ở xứ mặt trời mọc, hai là nàng trở thành hoàng hậu Chiêm quốc theo chủ trương mỹ nhân kế của một số triều đại nước ta”
KỲ NỮ HỌ TỐNG.
Nàng là vợ của Nguyễn Phước Kỳ ( nay là Tôn Thất Kỳ ) công tử của chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên đã kế tục sự nghiệp của cha khi ông về Thuận Hoá để nối ngôi chúa Nguyễn Hoàng năm 1613. Bà đẹp cho đến mức sử sách của ta từ trước tới nay không phải thiếu những lời hoa mỹ để ca tụng nhan sắc các hoàng hậu, các phi tần triều đại cũ nhưng nhiều lắm cũng chỉ năm ba câu. Còn người đẹp họ Tống này người chép lịch sủ gần như không cần cân nhắc mà hiển nhiên có bao nhiêu lời đề cao để ca tụng Nhan sắc thì sử gia trút ra gần hết. Mà không chỉ mấy dòng theo lề lối cũ. Ông gần như ân hận mình đã không biết nhiều ngôn từ diễm lệ tôn quý hơn để diễn tả cho hết ” Vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương “. Tống Thị là người đàn bà vừa xinh đẹp vừa đoan trang đến thế thì bỗng một biến cố ” sét đánh ” nổ ra: Chúa Sãi chết sau khi chồng nàng qua đời thì ngôi cao đã trao lại cho em Nguyễn Phước Kỳ là Phước Lan con trai của nàng bị ra rìa. Lòng Tống Thị tan nát và giấc mộng làm ” mẫu hậu ” coi như tuyệt vọng. Nhưng với người đàn bà trẻ trung, xinh đẹp đầy tham vọng không thể đầu hàng một cách giản dị đến thế. Nàng đã vùng lên để khai thác hết dục vọng theo hai nghĩa vừa chính trị vừa nhân tính. Nàng sẽ không từ chối một cơ hội nào để biến tất cả tham vọng ấy thành hiện thực. Nàng tìm cách quyến rũ em chồng ( Phước Lan ). Nàng cũng không từ kế hoạch liều lĩnh bậc nhất là đưa thơ tán tỉnh chúa trịnh ở Bắc để mang quân Bắc vào Nam loại bỏ chúa Nguyễn. Khi quân Bắc thất bại ở mặt trận quân sự, nàng không ngần ngại kết liên với một em chồng khác và là chú ruột của vị chúa lừng lẫy đương thời ( Chúa Hiền ). Tên tổng tư lệnh quân dội này là một loại gian ác đã ghê tởm nàng đến sâu xa cùng cực nhưng cũng đã ngã khuỵu trước nhan sắc kỳ dị của nàng. Với người đàn ông nào, kể cả chúa Trịnh, muốn chinh phục họ là nàng đều trao tặng chuổi ” Bách hoa hương ” có mùi thơm ma thuật . Nhưng khi vị đại tướng tổng tư lệnh cùng nàng âm mưu nổi loạn thì ông ta đã bị tài năng quân sự kiệt hiệt của chúa hiền đánh bại. Ông ta được tha tội chết nhưng Tống Thị thì không thể thoát được ” lưới trời lồng lộng ” để kết thúc giấc mơ ” đệ nhất phu nhân ” và cũng để kết thúc cuộc đời ” hồng nhan bạc mệnh ” của nàng.
Tôi đã đi tìm nàng trên khắp các nẻo đường, những nôi tôi biết nàng đã từng trú ngụ hoặc đi qua trong làng Thanh Chiêm của tôi đến làng Kim Long ở Huế ..
Tôi đã tìm hết cách để phục hồi sóng gió cuộc đời nàng bằng quyển tiểu thuyết cuối cùng đời viết văn của tôi dưới tên Quái Nữ và nay mang tên mới Kỳ Nữ họ Tống để làm ô danh một người đẹp dù nàng đã bị xử tử hình cách đây ba thế kỷ.
MẠC THỊ GIAI, ĐOÀN QUÍ PHI.
Tôi sẽ rất không công bằng nếu quên nhắc tới hai bà hoàng hậu khác: một người họ Mạc, một người họ Đoàn.
Họ Mạc thời bây giờ trước khi Nguyễn Hoàng về trấn thủ miền Thuận Quảng thì họ này đã từng lãnh chiếm vùng Cao Bằng và Thuận Quảng. Bà họ Mạc nhan sắc ra sao thì chỉ cần nhắc hai chữ Cao Bằng với thành họ Mạc với các nhan sắc ngày nay còn lưu lại cũng đủ để trí tưởng tượng của tôi có nơi bám víu.
Bà là con của Mạc Kính Điển ( sau bị đổi ra họ Nguyễn ) là vợ của Sãi Vương Nguyễn Phước Nguyên. ( tức bà Mạc Thị Giai).
Còn bà là hoàng hậu thứ hai ( Hiếu chiêu hoàng hậu ) vợ Nguyễn Phước Lan ( Chúa Thượng ) họ Đoàn con gái Đoàn Công Nhạn. Hiện nay người ta vẫn tìm lai lịch của bà vì làng Đông Yên ở sát vách làng tôi chuyên nghề trồng dâu, nuôi tằm và một làng Đông Yên khác ở cách đó mấy cây số thì cả hai nơi đều nhận đó là chính quán của họ Đoàn.
THỪA THIÊN HOÀNG HẬU.
Trên đây các bà nguyên phi, các công nương về sau hầu hết đều có hiện diện ở làng tôi hoặc chính ngay nơi nhà tôi trú ngụ, Người đàn bà sau cùng tôi được biết lại cũng do một sự tình cờ có tính cách ” thấy người sang bắt quàng làm họ “. Ấy chính là ngôi nhà của tôi ở từ nhỏ đến khi khôn lớn bất ngờ tôi cũng được hưởng ” hương thừa ” lưu lại trên vài trăm năm của một bà hoàng hậu khác. Nguyên sát làng tôi có làng An Quán, nơi có một ngôi nhà cổ kính, nhân dân thường gọi “Lăng bà Gia Long “. Khi lớn lên tôi biết chắc không hoàng hậu triều Nguyễn nào lại an táng ở xa đế đô như thế. Đúng. Nó chính là ” Lăng của mẹ bà Gia Long “. Chồng bà là Tống Phước (?) gốc Thanh Hoá theo Nguyễn Hoàng vào Nam từ nhiều đời. Khi Nguyễn Ánh chạy loạn Tây Sơn vào Nam thì đến năm 17 tuổi Nguyễn Ánh cưới bà họ Tống về làm chính phi ( năm ?) về sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi Gia Long bà trở thành Thừa thiên hoàng hậu và có người con rất nổi tiếng là hoàng tử Cảnh lúc bốn tuổi đã cầm đầu phái đoàn với Bá Đa Lộc lãnh đạo sang Pháp cầu viện. Những chuyện đó thuộc về lịch sử.
Dầu không được một thông tin nào về người đẹp nhưng tôi vẫn tưởng tượng ra hồn cô tiểu thư duyên dáng phảng phất đâu đây để đáp ứng những yêu cầu nhan sắc rất sớm nẩy nở trong tôi…
Bốn trăm năm, kỷ niệm dinh trấn, với tôi cũng là kỷ niệm của:” Vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương “./.
MARIA MAĐALÊNA NGỌC LIÊN CÔNG CHÚA.
Thầy Nguyễn Văn Xuân không lưu ý đến một người đẹp khác con của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên là công chúa Ngọc Liên. Bà được gả cho Mạc Phúc Vinh sau đối quốc tính là Nguyễn Phúc Vinh, con trai khai quốc công thần Nhà Nguyễn Mạc Cảnh Huống, một vị tướng lừng lẫy cai trị Trấn Biên Dinh Phú Yên.
Theo Phạm Đình Khiêm “Quan Trấn thủ đầu tiên được chúa Nguyễn cử vào giữ dinh Trấn biên từ năm 1629 là quan Phó tướng Nguyễn phúc Vinh. Quan còn trị nhậm tại Phú Yên cho tới năm 1641. Theo sử liệu, Bà Maria Mađalena Ngọc Liên Công Chúa (1596-1665), là trưởng nữ của Sãi Vương, là chị của Hoàng tử Kỳ và là mẹ của Công thượng vương (theo sử liệu Nhà Nguyễn). Năm 1614, được cha là Sãi Vương gả cho Nguyễn phúc Vinh, tước là Thanh lộc hầu, sang lập dinh Trấn biên, làm Trấn thủ đầu tiên tại Phú Yến, lại làm rể của chúa đương thời, thật là được tín nhiệm.
Sinh được hai người con, con trai làm tới chức Nội đội trưởng và con gái tên lên 13 tuổi vào năm 1645 … Bà là vợ cả, muốn theo Công giáo, nên quan Trấn thủ dinh Trấn biên, tại Phú Yên, đã rất đồng ý cho bà Rửa tội, năm 1636, với thánh hiệu là Maria Mađalena…
Bà Maria Mađâlena sống đạo rất sốt sắng, nhiệt thành với việc truyền giáo. Ngoài việc lập một nhà nguyện công cộng ngay trong dinh quan Trấn thủ, bà Maria Phú Yên còn là thủy tổ các công cuộc từ thiện Bác ái xã hội Công giáo tại Việt Nam, từ năm 1636. Bà đã sáng lập ngôi nhà thương Công giáo đầu tiên, tại Phú Yên, để săn sóc, cứu chữa các bệnh nhân, đồng thời lo việc cứu giúp các tâm hồn. Hằng ngày, nhiều giáo dân đã tham gia công cuộc từ thiện bác ái Công giáo này với bà quan, nên đã giúp được rất nhiều người trở lại Công giáo. Tính đến tháng 2 năm 1640, theo bản thống kê của các giáo sĩ, số giáo dân miền Trung lên đến 15,000 tín hữu
… Sau bà về ở Quảng Nam, bà lập một nhà thờ ở cách Hội An chừng nửa dặm, làm nhiều việc đạo đức, từ thiện, giúp nhiều người trở lại Công giáo. Trong cuộc cấm đạo thời chúa Hiền năm 1665, mặc dầu tuổi tác già yếu và không vì nể dòng dõi quí phái, bà cũng bị bắt, bị đánh đập cực khổ đến nỗi trong một phút yếu hèn, bà trót chối đạo; song khi về tới nhà, bà thống hối, ăn năn, khóc lóc thảm thiết, và tìm đến giáo sĩ để xưng tội. Được cha bề trên Louis Chevreuil giải tội cho… Sau đó, người ta không biết bà chết bao giờ và trong hoàn cảnh nào. Chỉ biết có lẽ bà chết sau năm 1665, thọ 69 tuổi”. (Người Chứng thứ Nhất – của Phạm đình Khiêm – NCTN – tr.54-88).
Trong thời gian xảy ra bản án của thầy giảng Anrê tại Thanh Chiêm, ngày 26 tháng 7 năm 1644, cha Đắc Lộ đã nhờ quan Nguyễn Phúc Vinh can thiệp, nhưng ông, đang nghỉ hưu tỏ ra lo sợ cho cả người trong gia đình đang giữ đạo. Ngày nay không xa nhà thờ Phước Kiều có đất của tộc Huỳnh gốc họ Mạc, phải chăng đây là đất của quan trấn thủ lúc về hưu và sau bà Ngọc Liên cũng về cư ngụ ở đó?
AN NGÃI NGÀY 6 THÁNG 8 NĂM 2016.





Bình luận
