ĐÔI LỜI VỀ HỘI THẢO DINH TRẤN THANH CHIÊM
VÀ CHỮ QUỐC NGỮ
BC: Có nhắc đến tên linh mục Antôn trong bài viết.
Bạn Đinh Bá Truyền ở bển nhắn trên FB là “nhớ “tường thuật trực tiếp” nhiều nhiều về Hội thảo nhé! Thằng em đang hóng…”. Tuy nhiên, chiều qua mình có việc phải đi Huế nên không tham dự trọn vẹn hội thảo để tường thuật cho bạn một cách đủ đầy như mong đợi. Vậy nên, status này chỉ viết chút chút về diễn tiến buổi sáng.
Trước đó, một thành viên trong Ban tổ chức hội thảo nói với mình là nhờ anh biên tập các tham luận, hiệu đính các bản dịch, viết báo cáo đề dẫn và tham gia chủ trì hội thảo. Mình làm xong 3 việc đầu tiên, thì lên kịch bản điều hành hội thảo gửi cho Ban tổ chức hội thảo.
Do có đến 70 tham luận, nên không thể có đủ thời gian cho tất cả tác giả tham luận đăng đàn. Vì thế mình đề xuất với Ban tổ chức sẽ lựa chọn 3 tham luận của chủ đề 1; 8 tham luận của chủ đề 2; 3 tham luận của chủ đề 3; 3 tham luận của chủ đề 4; và 1 tham luận của chủ đề 5, để trình bày trước hội thảo và dành 1 giờ vào cuối buổi sáng để thảo luận các nội dung thuộc chủ đề 1 và chủ đề 2; cũng như dành 1 giờ vào cuối buổi chiều để thảo luận các nội dung thuộc chủ đề 2, chủ đề 3 và chủ đề 5.
Là người trực tiếp đọc và biên tập 69 tham luận (trừ tham luận bị sót của nhà báoThắng Trương Điện) nên mình khá rõ “giá trị” của các tham luận. Do vậy những tham luận mình “chọn” để trình bày là những tham luận “đinh” trong các chủ đề; có những phát hiện mới (chứng cứ, tư liệu); có những kiến giải mới và quan điểm khách quan; có tính phản biện cao và có những đề xuất mà theo mình là có giá trị khoa học, đóng góp cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích Dinh trấn Thanh Chiêm, tôn vinh chữ Quốc ngữ.
Mình không quan tâm tác giả tham luận đó là ai, có học hàm học vị hay không, tham luận ngắn hay dài… Miễn có giá trị học thuật và hấp dẫn là được.
Tuy nhiên trước khi bước vào hội thảo thì mình được đại diện huyện Điện Bàn thông báo là Ban tổ chức đã mời được một nhà sử học to và một số quan chức từ trung ương vô Quảng, tham gia điều hành hội thảo, và kế hoạch có thay đổi so với ban đầu. Vậy nên mình sẽ không tham gia điều hành hội thảo và đọc báo cáo đề dẫn như dự liệu. Việc đó đã có người khác lo.
Mình OK thôi, và quyết định thay vì sẽ ráng tham dự hội thảo đến phút cuối và sẽ trở về Đà Nẵng để bắt chuyến xe đò cuối cùng đi Huế, kịp giảng bài cho một lớp tập huấn do Vụ TTCS (Bộ 4T) tổ chức ở Huế sáng nay, thì mình sẽ đi Huế sớm hơn vì đã có người đảm nhận vai trò của mình.
Vì chương trình thay đổi nên các tham luận được mời trình bày không giống hoàn toàn như mình đề xuất trước đó: số tham luận của các giáo sư, tiến sĩ được đưa vô nhiều hơn, dù một số tham luận của họ chẳng nêu được vấn đề gì mới, tư liệu sử dụng cũng không được cập nhật và quan điểm thì xưa gần bằng quả đất. May mà có các ý kiến của vị: Nguyễn Anh Huy, Antôn Nguyễn Trường Thăng, Nguyễn Hai Tính… nên không khí hội thảo mới sôi động và có phần “tươi mới” hơn. Mình chờ anh Fukuda Yasuo và bác Tuyên Đinh Trọng trình bày tham luận nhưng hết buổi sáng thì hai vị này vẫn chưa được mời lên diễn đàn. Không rõ buổi chiều họ có được đăng đàn hay không?
Mình cũng mong Ban tổ chức mời PGS.TS. Ngô Văn Minh, người cho rằng: “các danh xưng Kẻ Chiêm, Kẻ Chàm, Dinh Chiêm, Cacciam Ciam, Dinh Cham, Dinhciam, Digcham, Cacciam, Cachao, Cáchão, Cacham, Cachàm… trong các nguồn sử liệu Việt Nam và sử liệu phương Tây vào các thế kỷ XVII – XIX chỉ khẳng định đó là lỵ sở của Dinh trấn Quảng Nam mà không chỉ rõ đó là Thanh Chiêm như cách hiểu của nhiều người”, để mình có cơ hội trao đổi với ông ấy về vấn đề này. Nhưng đến hết buổi sáng thì ông ấy vẫn chưa được mời phát biểu, nên mình cũng mất cơ hội phản biện.
Cuối cùng mình gửi lại cho Ban tổ chức 5 tờ bản đồ do phương Tây vẽ vào thế kỷ XVII (do bạn Đinh Bá Truyền gửi cho mình) mà mình đã in ra với kích thước A0, trên đó có ghi rõ vị trí Cacchiam, Dinh Chiam.., nằm ở phía bắc sông Thu Bồn, ứng với vị trí làng Thanh Chiêm ngày nay, để Ban tổ chức có thêm tư liệu khẳng định CacChao, Cacham, Dinh Cham… chính là Thanh Chiêm ngày nay.
Sau đó thì mình đi về với cố đô Huế “tình thương mến thương”.
Tạm biệt hội thảo. Chúc hội thảo thành công.
Còn bạn Đinh Bá Truyền thì chịu khó theo dõi thông tin về hội thảo ở FB của các bạn bè xứ Quảng khác nhé.
NGƯỜI NƯỚC HUỆ (từ Sài Gòn – Morin hotel, nước Huệ)