LƯỢC SỬ GIÁO XỨ HỘI AN. GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG.
Cù lao Chàm. Poulo Champello. Nơi tàu buồm cấp bến qua nhũng chuyến hành trình dài ngày từ Vịnh Pec xích đến Nhật Bản. Ảnh: Trường Thăng.
A. THỜI THƯỢNG CỔ VÀ TRUNG CỔ.
Những khám phá khảo cổ học cho biết vùng đất Miền Trung hiện nay đã có người ở từ thời thượng cổ. Nền văn hóa Sa Huỳnh và những khu mộ chum chứng minh giả thuyết trên. Họ là tổ tiên dân tộc Champa sau nầy.
Vào thế kỷ thứ hai, người Chăm đã thoát ách đô hộ Trung Quốc để lập thành vương quốc Lâm Ấp. Những di tích tại Mỹ Sơn, Trà Kiệu và nhiều nơi khác đã chứng minh về nền văn minh rực rở Champa. Những đồ gốm đời Hán, Đường, Tống các thế kỷ 2 đến 7, 10 đã có mặt tại Kinh đô Simhapura, Thành Sư Tử Trà Kiệu. Người Champa đã sớm giao lưu rộng rải với các xứ Nam Dương, Ấn Độ, Philippin và các nước vùng vịnh Péc xích qua các thủy thủ Trung Quốc và Hồi giáo.
Vào thời trung cổ , các thương gia Ả rập đã biết đến vùng đất nầy, trong truyện kể của các thủy thủ và các tay phiêu lưu, họ đặt biệt lưu tâm đến sản vật quý đó là trầm hương của vương quốc Champa. Trong thế kỷ 15 sau khi Vasco de Gama vòng quanh mũi Hảo Vọng, người Bồ Đào Nha với các thuyền buồm trưng cờ Thập Tự Chinh đánh phá các pháo đài và chiếm thương trường của người Hồi ở vùng vịnh Péc xích và Tây Ấn Độ rồi tiến dần về phía Viển Đông Á Châu, đến Trung Hoa và Nhật Bản.
B. THẾ KỶ 16. GIAO LƯU ĐÔNG TÂY.
Châu Ấn Thuyền Nhật Bản đang tiến về Hội An. Tranh thế kỷ 17 đang lưu giữ tại một ngôi chùa ở Nagoya, Nhật Bản.
Thuyền Bồ Đào Nha, Trung Hoa, Nhật Bản …qua lại dập dìu trên con “ đường tơ lụa trên biển” nầy. Giáo sư Pierre – Yves Manguin qua tác phẩm Người Bồ Đào Nha trên duyên hải Việt Nam và Chămpa ( Les Portugais sur les cotes du Vietnam et du Champa) đã cung cấp nhiều bản đồ hải trình . Cù lao Chàm, Đại chiêm Hải Khẩu ( Hội An) Cửa Hàn là những địa điểm buộc tàu bè phải dừng lại để tiếp tế nước ngọt, nhiên liệu ( củi đốt), thực phẩm trên các chuyến đi dài ngày từ Malacca đến Nhật Bản và ngược lại. Chính vì thế mà những từ Sài Phố (phố củi) ( Chú thích : Phải chăng từ đó biến dạng thành Faifoo trong ngôn ngữ người Bồ Đào Nha để chỉ Hội An ?), Sài Thị ( Chợ Củi), Sài Giang ( sông chợ củi), Gò Sài ( gò chất củi) lại trở thành địa danh quan trọng. Vùng đất nầy kéo dài từ Thanh Chiêm đến La Nghi (Hội An), cảng Thanh Hà ngày xưa. Khi thuyền cập bến các linh mục tuyên úy , giáo dân công giáo thuộc nhiều quốc tịch đã đem những thông tin về một tôn giáo ở phương Tây và dân chúng gọi tôn giáo mới nầy là đạo của người Bồ Đào Nha: “ HOA LANG ĐẠO”.
Lịch sử cho biết những năm đầu thế kỷ 16 đã có những người Âu Châu ghé đến chẳng hạn năm 1516, Duarte Coelho đã dựng Thánh giá ở Cù lao Chàm. Năm 1596, linh mục Alonso Ximenez và Diego Aduarte đến Cachan ( Kẻ chàm).
Năm 1598, linh mục dòng thánh Augúttinô Rafael Madre de Dios đến rao giảng Tin Mừng tại vùng nầy và rửa tội cho bà Gioanna và con gái là Phanxica tại Dinhcham, Thanh Chiêm. Vì thế Hội An không phải là vùng trắng công giáo trước năm 1615.
C. THẾ KỶ 17 : THỜI HOÀNG KIM HỘI NHẬP ĐẠO THÁNH ĐỨC CHÚA TRỜI ĐẤT.
Thời gian đầu, người Bồ Đào Nha chỉ quan tâm đến đất nước Trung Hoa và Nhật Bản, nơi từ năm 1547, thánh Phanxicô Xaviê và các nhà truyền giáo đã thu phục nhiều linh hồn. Đầu thế kỷ 17, cụ thể là năm 1613, các nhà lãnh đạo Nhật Bản bách hại đạo công giáo và trục xuất giáo sĩ. Nhiều giáo dân Nhật lợi dụng việc buôn bán đã đến Hội An sinh sống và lập gia đình với phụ nữ bản xứ.
Tình hình cấm đạo tại Nhật Bản càng lúc càng tăng đã đưa thêm nhiều kiều dân Nhật đến Hội An. Cha Đắc Lộ trong cuốn Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài có ghi lại “ Có rất nhiều giáo dân ( Nhật), kể từ năm 1614 bắt đầu có sắc lệnh cấm đạo, đã kéo nhau lũ lượt đi, nhất là vào mùa chay, và cả ngoài mùa chay nữa, mỗi năm ba hay ba bốn lần, để được xưng tội với các cha dòng biết nói tiếng Nhật và rước lễ, và mỗi lần có tới bốn chiếc tàu. Họ tự do đi, lấy cớ buôn bán. Và cứ thế gần mười năm nay, họ tiếp tục và rất được mãn nguyện và yên ủi về thiêng liêng..” ( Xem Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài. Bản dịch Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên, Tủ sách Đại kết,TP HCM 1994, tr. 36 tt ) . Mười năm tức là 1624, năm cha Đắc Lộ đến Đàng Trong.
Chính cộng đồng Nhật Bản và Bồ Đào Nha đã xây dựng những nhà thờ công giáo đầu tiên tại Đà Nẵng và Hội An. Tiến sĩ Li Tana khi nghiên cứu lịch sử xứ Đàng Trong giai đoạn từ 1604 đến 1635. cho biết khoảng thời gian nầy có 70 Châu Ấn thuyền Nhật Bản, tức thuyền có phép xuất dương đến Đàng Trong. Tuy nhiên khoảng thời gian ngắn từ 1611 đến 1622 có đến 51 chiếc. ( Xem LI TANA, Xứ Đàng Trong, Nhà Xuất bản Trẻ, 1999, trang 60,61 ) Thời kỳ nầy trùng khớp với giai đoạn bế quan tỏa cảng, cấm đạo công giáo tại Nhật Bản. Sách Lịch sử công giáo Nhật Bản có ghi :
Mối quan hệ giao thương nở rộ với Cochin China là nguồn gốc định cư của người Nhật Bản ở Touron (bây giờ là Đà Nẵng) và Faifo (Hội An). Các tu sĩ dòng Tên đầu tiên được gởi từ Macao đến những hải cảng này là Diego Carvalho bị trục xuất khỏi Nhật bản vào năm 1614 và Francesco Busomi. Cả hai đến vào tháng Giêng năm 1615, Cha Carvalho săn sóc giáo hữu Nhật Bản ở Faiko( sic) .( Faifo, Hội An). Tuy nhiên, một năm sau Ngài trở về Macao, lại có thể xâm nhập vào Nhật Bản và đã chết tử đạo ở Sendai vào năm 1624, Cha Busomi định cư ở Touron ( Đà Nẵng) nơi Ngài đã xây dựng một Thánh đường, vài tháng sau Thánh đường bị người bản xứ thiêu hủy, Busomi ẩn nấp trong nhà của một giáo dân Công giáo người Nhật ở Faiko( Hội An ).
Các vị thừa sai mới, đến vào năm 1617: Pedro Marquez, sinh tại Nagasaki, Cha là người Bồ Đào Nha và Mẹ là Nhật Bản và Paul Saitò, người sau này tái nhập vào Nhật Bản và đã chết trên cọc (tử đạo) vào năm 1633. Mặc dầu chính quyền cũng khá chống đối tôn giáo mới, tân tòng người bản địa cũng như người Nhật Bản vẫn được rửa tội. Báo cáo mục vụ trong năm 1621 kể rằng : trong năm ấy đã có 82 người bản xứ và 27 người Nhật đã nhận phép rửa.
Năm 1631, Thánh đường ở Faiko bị phá hủy do lệnh chính quyền. Vào thời điểm ấy, nhiều người tị nạn đã đến và trong năm 1633, số lượng người Nhật gia tăng lên 300 người, thái độ của nhà cầm quyền địa phương là cương quyết duy trì sự chống đối với việc rao giảng Đức tin, chỉ dụ cấm đạo, ban hành chống giáo dân Công giáo bản địa và các vị thừa sai của họ, không bắt buộc những người định cư Nhật Bản phải thi hành, những người đóng vai trò như ngoài lãnh thổ. Trong hoàn cảnh này, giáo dân Nhật Bản có thể che dấu các vị thừa sai bị gây ưu phiền, tuy vậy, Busomi và Marquez vẫn bị cưỡng bách phải rời xứ sở tạm thời.
Ở Cochin China, tình hình giáo dân Công giáo Nhật Bản không bao giờ hứa hẹn, họ sống trong sự sợ hãi triền miên, phải bị khủng bố và một số trong họ đã bị đẩy vào chỗ chết với giáo hữu bản địa. Năm 1658, một số kytô hữu nổi bậc đã bắt đầu di cư sang xứ sở khác, năm 1665, mọi thừa sai nước ngoài đều bị trục xuất và sự khủng bố bao gồm mọi kytô hữu, bản địa cũng như Nhật Bản. Tiếc thay, một số người Nhật giàu có, những người đã là trụ cột của giáo hội, chịu thua mối đe dọa nhà cửa và tài sản phải bị tịch thu, đã bỏ đạo bằng cách thực hành Efumi.( đạp Thánh giá) Trong hoàn cảnh đau buồn này, cộng đồng kytô hữu Nhật Bản suy sụp và trở nên tuyệt giống vào cuối thế kỷ 17.” ( Bản dịch từ A History of the Catholic Church in Japan, tác giả Joseph Jennes, CICM. Bản dịch tiếng Việt , xem Lịch sử Giáo Hội Công giáo Nhật Bản, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, Hà Nội Quý 4, 2008 trang,235,236)
Năm 1602, Dinh trấn Thanh Chiêm được xây dựng và Hội An là cánh cửa mở ra thế giới. Chính sách ngọai thương của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên, con trưởng Chúa Nguyễn Hoàng đã giúp kiều dân Nhật Bản tại Hội An được tự do sống theo phong tục và đạo giáo mình nhờ đó mà giáo dân Nhật, Việt dựng được những cơ sở thờ tự đầu tiên tại Cửa Hàn và Hội An. Để giúp đở phần thiêng liêng : hôn nhân và rửa tội, cha giám tỉnh Dòng Tên tại Ma cau đã gửi một đoàn truyền giáo đến Turon ( Cửa Hàn) và Hội An ( Faifoo). Phát xuất từ Macau ngày 6 – 1 -1615, phái đoàn do cha Francesco Busomi cầm đầu đã đến Cửa Hàn ngày 18 -1- 1615, sau đó đến Hội An. Đây là một ngày đáng ghi nhớ.
Một thời gian ngắn sau, linh mục Gaspar Luis, qua bản phúc trình viết bằng tiếng Ý, năm 1621 về công cuộc truyền giáo ở Đàng Trong cho thấy các giáo sĩ gặt hái nhiều thành quả. Do ‘’nhờ thông thạo ngôn ngữ’’ , bảy người ( 4 cha, 3 thầy ) đã xây dựng hai cơ sở. Trong một năm tám mươi hai người bản xứ và 27 người Nhật đã đón nhận đức tin trong đó có nhiều bậc vị vọng.
Tại nhà bà lớn Gioanna, có các lớp giáo lý hẳn hoi, người giáo dân hiểu đạo thấu đáo, không như trước đây học theo thông ngôn họ chỉ biết qua quít. Dần dần họ nhận ra đạo không phải của người Bồ ‘’ mà là đạo chung của mọi người, vì thế xứng đáng được xứ Đàng Trong tin theo’’
Nhờ quen thân với Hoàng tử Nguyễn Phúc Kỳ, linh mục Francisco Pina thiết lập nhà thờ đầu tiên cho người Việt tại Dinh trấn Thanh Chiêm ( Chiêm Thượng theo Chu Thuấn Thủy, Dinh Cham theo các Giáo sĩ Tây phương).
Hội An, Dinh Chăm là cái nôi của Đạo thánh Đức Chúa Trời Đất tại vùng Đất Quảng nầy. Đây là căn cứ xuất phát của các đoàn truyền giáo ra phía Bắc đến bờ sông Gianh, ranh giới phân chia Đàng Trong và Đàng Ngoài hoặc đi về phía nam đến Dinh Trấn Biên Phú An, mà Đèo Cả là ranh giới hai nước Chiêm, Việt.
NHỮNG GIÁO SĨ DÒNG TÊN TIÊU BIỂU
* LM FRANCESCO BUZOMI ( 1576 – 1639 ) Vị khai sinh Giáo hội Đàng Trong.
* LM FRANCESCO DE PINA ( 1585 – 1525 ) Người tiên phong trong việc hình thành chữ quốc ngữ viết theo mẫu tự La tinh.
* LM CRISTOFORO BORRI ( 1583 -1632) Một nhà khoa hoc viết cuốn Ký sự Đàng Trong 1621 rất nổi tiếng.
* LM PEDRO MARQUEZ ( 1575 – 1670 ) Hoạt động giúp công dồng NHật Bản
Giáo sĩ Alexandre de Rhodes ( Đắc Lộ ) . Hình ảnh mới tìm thấy ở Avignon.
* LM ALEXANDRE DE RHODES ( 15-3-1593 – 5-11-1660) Cha Đắc Lộ đến Hội An năm 1624. Lần hai 1640, trong thư viết năm 1641 thì Lễ Giáng Sinh năm 1640 ngài mừng lễ ở Hà Lam và ăn Tết tại Cát lâm, Bàu Bàng ? ( Baobam)
Lần ba, đến Hội An 1-1642. Ra Huế dâng quà nhưng không được ở. Về lén lút ở Cửa Hàn, thăm giáo hữu và tổ chức HỘI THẦY GIẢNG như ở Đàng Ngoài . Nhận lời tuyên thệ của 10 thầy ngày 1-7-1643 . Họ khấn giữ mình độc thân, để tài sàn chung và vâng lời thầy Bề Trên.
Lần bốn 1644, năm tháng sau, trở lại Hội an và chứng kiến cái chết anh dũng của vị tử đạo tiên khởi miền Nam : thầy Anrê Phú Yên ngày 26 tháng 7 năm 1644. Được lệnh bị trục xuất nhưng vẫn nấn ná sau bị bắt và bị trục xuất vĩnh viển. Ngày chia ly đau đớn , giáo dân khóc lóc thảm thiết ‘’ Tôi phải bỏ Đàng Trong trong cả thể xác nhưng tâm hồn tôi, mẵi mãi ở cả hai nơi Đàng Trong và Đàng Ngoài.’’
Ngài rời Đàng Trong vĩnh viễn ngày 3- 7- 1645.
* LM GIROLAMO MAJORICA .( 1591 – 1656 ) Sau ra Đàng Ngoài, tác giả nhiều sách chữ Nôm.
* CÁC Vị KHÁC ; ANTONIO DE FONTES, GASPAR LUIS, GABRIEL DE MATTOS, MATHIAS MACHIDO, MICHEL MARCHI, METELLO SACCANO với các bản tường trình giá trị.
Kể từ khi phái đoàn truyền giáo do cha Busomi cầm đầu cho đến khi cha Đắc Lộ rời Đàng Trong tức 1615 đến 1645, biết bao dâu bể, vui buồn. Giáo Hội tuy gặp gian nan thử thách nhưng vẫn tiến đều. Năm 1626 con số tín hữu đã lên 15.000. Năm 1639 lúc cha Buzomi và các bạn bị trục xuất con số lên đến 40.000. Khi cha Louis Chevreuil, cha chính, đại diện Đức Cha Lambert de la Motte đến Hội An năm 1664, con số giáo dân lên đến 50.000.
Các cha Dòng Tên còn đào luyện những người con ưu tú cho Giáo hội, những giáo dân nhiệt thành truyền giáo, trong đó không ít người mới trở lại
Tại kinh đô Kim Long , bà Minh Đức Vương Thái Phi.(1568-1649) là người bảo vệ và là cột trụ giáo đoàn Thuận Hóa (Hóa, Huế ).
Tại vùng Quảng Nam, lịch sử ghi lại những nhân vật công giáo nổi tiếng sau :
* Công chúa Maria Mađalêna Ngọc Liên là mẹ đở đầu giáo hội Quảng nam và Phú Yên.
* Ông Anrê già ( senior) hoặc Sơn (?) , lãnh tụ công giáo , chịu nhiều đau khổ vì đức tin cùng với Á Thánh An rê.
* Thầy giảng Anrê. + 1644. Tử đạo tiên khởi miền Nam. đợi lên đài vinh quang hiển thánh.
* Thầy Inhaxiô, Y Nhã ( 1609 – 1645 ) một thầy giảng lừng danh đem nhiều người trở về với Chúa.
* João Vuang ( 1588- 1663) Một nhà nho, một thi sĩ, một chứng tá đức tin trong máu đào.
* Alexù Dậu , Cha Nhật , mẹ Việt, chết vì đức tin .
* Raphael Rhodes. Mới 13 tuổi đã giúp cha Đắc Lộ và sau nầy nâng đở giáo đoàn Đàng Ngoài.
* Lữ y Đương ( Đang, Đoan ? ) + 1686 là thầy giảng, rồi linh mục, tác giả Sấm Truyền Ca bằng văn vần danh tiếng.
Giáo đoàn Hội An đóng góp nhiều cho việc đặt nền móng xây dựng Giáo hội Việt Nam và là nhịp cầu giao lưu Đông Tây. Nhiều môn học như lịch sử, địa lý, thiên văn, toán học, y học, khoa học kỷ thuật của Âu Châu được du nhập.
Trong khi đó các giáo sĩ thích nghi văn hoá, đem thi ca, tuồng kịch đạo đức vào đời sống tôn giáo : Ngắm sự thương khó, rước kiệu, trồng Thánh giá thay cây nêu, tôn kính Chúa Ba Ngôi ba ngày Tết. Điều ngày nay chúng ta ước mơ ‘’ Hội nhập văn hoá’’
Tại Dinh trấn Thanh Chiêm ( Chiêm Thượng. Dinh chăm) cha Pina đặt nền móng cho chữ Quốc ngữ vào nhưng năm 1620 – 1623, mở đường cho nước Việt về sau phát triển và tiến nhanh vào việc hội nhập thế giới.
Vào năm 1670, Đàng Ngoài và Đàng Trong con số giáo dân đã vượt 300.000 vậy mà chưa ai lãnh nhận Bí tích Thêm Sức vì không có giám mục. Bức xúc trước tình cảnh đó, linh mục Đắc Lộ đã phúc trình cho Tòa Thánh và xin Tòa Thánh lập giáo phận, cử giám mục.
Ngày 9 tháng 9 năm 1659, hai giáo phận Đàng Trong (Cocincina ) và Đàng Ngoài ( Tonkin, Đông Kinh ) được thiết lập. Đức cha Pierre Lambert de la Motte được chỉ định làm giám mục Đàng Trong. Hội Thừa sai Paris mới được thành lập đã gửi người đến Hội An. Mối quan hệ giữa Dòng Tên và Hội Thừa sai có nhiều gây cấn. Vào thời kỳ đó, người Nhật công giáo suy yếu, ảnh hưởng Bồ cũng không còn với sự nhập cuộc của nhiều cường quốc hàng hải mới như Hòa Lan, Anh quốc, Pháp quốc. Dòng Tên không còn đũ nhân sự, nên giáo dân trực thuộc dòng nầy cũng giảm nhiều. Ngược lại, ảnh hưởng các thừa sai Pháp mạnh hơn nên cha De Courtaulin cho xây dựng một nhà thờ mới thật to lớn bằng gổ lim ( bois de fer) tại Rue des Chinois, phố người Tàu ( Đại Đường Nhai), nay là đường Nguyễn Thái Học và Trần Phú. Nhà thờ nầy là nơi phong chức giám mục cho Đức cha Guillaume Mahot MEP năm 1682 “Nhà thờ Hội An khá đẹp và khá tỷ lệ. Đây là một nhà rường, với các gian chạm trổ mộc đến độ tinh xảo. Nhà thờ được nâng bởi hai hàng cột, mỗi bên 6 chiếc, cách nhau khoảng 15 bộ ( pieds) làm thành gian chính nhà thờ, là nơi dành riêng cho quý bà. Còn các ông thì hai gian bên. Gian cuối nhà thờ là một nhà nguyện cao hơn ba bậc cấp để kẻ xa người gần đều thấy linh mục” ( Xem Documents historiques de la Cochinchine tome 1, trang 271). Chỉ tưởng tượng cũng đã hình dung một ngôi nhà gổ tuyệt đẹp. Lạ lùng nhất là vị trí chổ ngồi của các bà, gian chính giữa.
Các giám mục , giám mục ngưới Pháp đến làm việc tại Hội An thời gian nầy : Đức cha Lambert de la Motte, Đức Cha Laneau, Đức cha Guillaume Mahot (1671- 1684). Các linh mục Louis Chevreuil ( 1664- 1665) , Vachet, Courtaulin, Antoine Hainques ( 1665- 1670), Pierre Brindeau ( 1669- 1671), Claude Guiart ( 1671- 1673).
D. THẾ KỶ 18. MỘT THẾ KỶ SÔI ĐỘNG.
Chính sách tiêu diệt hoặc bao dung cho Đạo Đức Chúa Trời đất tùy thuộc vào tính khí của các Chúa nhà Nguyễn. Có lúc cho phép, có lúc nghiêm khắc nhất là những Chúa tôn sùng văn hóa Trung Hoa.
Trong khi đối ngoại gặp khó khăn đối nội cũng hết sức căng thẳng. Đức cha Francois Perez đã yêu cầu Dòng Phan sinh Philippin đến hổ trợ. Do xáo trộn tranh chấp giữa các dòng tu, Đức cha Elzear Achards de la Baume phải đến giải quyết.Thống kê 1747 cho thấy Hội An trực thuộc 4 nhóm khác nhau, vì có tới bốn Hội dòng : Dòng Tên, Dòng truyền giáo, dòng Phan sinh, Hội thừa sai Paris. Thời gian nầy có các Đức cha Francois Perez ( 1691-1728), Đức cha Alexandris ( 1728- 1738), Đức giám mục phó Valerium Rist , dòng Phan Sinh. Các linh mục thừa sai Pháp như Pierre Langlois, Flory. ..Ở Huế và Hội An cũng có mấy linh mục Dòng Tên như Gioan Baptista Sanna , làm việc 12 năm tại vùng nầy và chết năm 1726.
Bình yên chưa thấy đâu thì năm 1750 ,Võ Vương ra lệnh trục xuất toàn bộ giáo sĩ . Dân chúng oán thán vì chính sách khắc nghiệt của các Chúa Nhà Nguyễn gây nên cuộc nổi loạn Tây Sơn vào năm 1774. Trên khúc ruột Miền Trung nầy chiến tranh giữa Tây Sơn, Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn đã giết chết quá nữa dân số vì nạn binh đao, đói kém, dịch bệnh. Cuộc chiến đã xóa sổ hầu như toàn bộ những làng công giáo và các cơ sở tôn giáo vùng Đà Nẵng và Hội An.
Giáo dân vùng đát nầy lưu tán khắp nơi , nhiều người di dân theo Chúa Nguyễn vào Đồng Nai.
E. THẾ KỶ 19 BÁCH HẠI VÀ THỬ THÁCH.
Năm 1802, vua Gia Long thống nhất đất nước, đạo thánh chưa kịp phục hồi thì năm 1835 vua Minh Mạng đã ra lệnh triệt phá đạo công giáo và công việc đó chỉ chấm dứt sau Phong trào Văn thân “Bình Tây Sát Tả” vào năm 1886.
Cộng đồng đạo thánh tại Hội An có thể coi như bị tận diệt: không nhà thờ, không linh mục, không lời kinh tiếng hát…Một lần nữa, giáo dân trốn lên vùng rừng núi hay dùng thuyền bè chạy vào vùng đất mới Đồng Nai, Gia Định, Lục Tỉnh. Ngày nay tộc họ giáo xứ Miền nam chắc chắn có ghi tên những lưu dân bất đắc dĩ của xứ Hội An nầy.
F. THẾ KỶ 20. TỪ ĐỐNG TRO TÀN VÀ THẾ KỶ 21: VUI MỪNG VÀ HY VỌNG.
Linh mục thừa sai Pierre Auguste Gallioz Thiết.
Vào đầu thế kỷ 20, các linh mục thừa sai Paris quy tụ các giáo dân còn sót hoặc có công ăn việc làm tại Hội An như một họ nhánh của Trà Kiệu. Theo sự tìm hiểu của linh mục Phêrô Lê như Hảo : “ Mãi tới năm 1914, một số giáo dân quy tụ về mới dựng được một nhà nguyện trên một gò hoang, gần khu nghĩa trang, nhưng không có linh mục phụ trách. Thỉnh thỏang mới có cha ở Phước Kiều về dâng thánh lễ” ( Tư liệu Hội An công giáo, kỹ niệm 385 năm ,lm Lê Như Hảo, trang 7) Linh mục phụ trách vùng nầy lúc bấy giờ là Joseph Lalanne tức cố Lân, cha sở họ Trà Kiệu và các vùng phụ cận. Tiếp theo là linh mục Pierre Auguste Gallioz MEP tức cố Thiết, coi sóc họ Phước Kiều và Vĩnh Điện, La Nang , Hội An.
- 1. NHIỆM KỶ LINH MỤC PIERRE AUGUSTE GALLIOZ THIẾT (1935- 1953)
Đến năm 1935, linh mục Gallioz chính thức xây dựng kiên cố nhà thờ Hội An bằng gạch đá với hai ngôi tháp xinh xinh. Năm 1938, linh mục Gallioz được chấp thuận cho nới rộng khu đất nằm trên ba con đường Gouverneur Général Charles,( Nguyễn Trường Tộ) Oscar Mouliè ( Lý Thường Kiệt) và Pasteur. Ngài lập cô nhi viện chăm sóc các em mồ côi. Năm 1953, quá lao tâm lao lực, ngài đã qua đời và được an táng tại khu nghĩa trang bên cạnh nhà thờ.
- 2. NHIỆM KỶ LINH MỤC PHAO LÔ NGUYỄN TƯỞNG
Linh mục Phaolô Nguyển Tưởng .
Linh mục Phao lô Nguyễn Tưởng, gốc xứ Nhà Đá , Bình Định làm quản xứ tiếp tục công việc của các linh mục thừa sai Paris. Đây là thời kỳ hoàng kim của Giáo xứ. Hiệp định Geneve chấm dứt chiến tranh, hòa bình trở lại trên vùng đất Quảng Nam, giáo xứ Hội An trở nên một vị trí thuận lợi vì nơi đây là thủ phủ hành chánh tỉnh Quảng Nam. Từ thời Đức Cha Phêrô Maria làm giám mục Qui Nhơn, phong trào tòng giáo ở rộ. Số giáo dân vụt tăng cao với những anh em tân tòng các vùng Cẩm Hải, Cẩm Nam, Cẩm Kim, Bàn Thạch, Cẩm Châu, Cẩm Hà, Vĩnh Xuân… Các linh mục trong vùng như cha Phaolô Võ Hữu Tư ( La nang), Giacôbê Nguyễn Đình Thuận ( Vĩnh Điện), Phanxicô Nguyễn Quang Sách ( Xuyên Quang), Phanxicô Xaviê Nguyễn Xuân Văn ( Phú Hương) tiếp tay giúp đở… . Nhà cô nhi Hội An nới rộng đến 6000 mét vuông và các nữ tu Dòng Thánh Phaolô như Sr Florence hoạt động năng nổ. Cha Tưởng xây trường Tiểu học Chân Phước Thiện . Các phong trào thanh niên công giáo , Hùng Tâm sinh hoạt đền đặn.
Song song với Hội An, họ Lê Lợi do linh mục Antôn Bùi Ngọc Trợ ( gốc Hà Nội ) thành lập từ năm 1954 dành cho giáo hữu miền Bắc di cư cũng hoạt động mạnh với nhà thờ, nhà xứ, phòng phát thuốc miễn phí, xây dựng Trường trung Tiểu học Lê bảo Tịnh hơn 500 học sinh.
Từ khi Đức Cha Phêrô Maria về làm giám mục Đà Nẵng năm 1963, Hội An trở thành Giáo hạt Hội An gồm : Hội An, Vĩnh Điện, La Nang, Ái Nghĩa, Phú Hương, Ô Gia, Hoằng Phước, Hà Tân. Các giáo xứ phía Nam sông Thu Bồn, từ Trà Kiệu trở vào còn thuộc hạt Tam Kỳ.
Cuộc đảo chánh lật đổ nền Đệ Nhất Cọng Hòa cuối năm 1963, lụt lớn năm Thìn 1964, chiến tranh leo thang năm 1965 gây nhiều tổn thất cho giáo xứ. Giáo dân tân tòng bị các nhóm “cách mạng 1963” đánh đập, giết chết, phải lưu tán, ngược lại Hội An lại trờ thành nơi thu hút dân chạy loạn từ vùng quê Quảng Nam. Tại Cẩm Hà cha Giacôbê Nguyễn Thành Tri xây dựng một nhà thờ dành cho giáo dân tỵ nạn lụt lội và chiến tranh.
Cha Phaolô Tưởng hoạch định nhiều công trình lớn như việc xây dựng nhà thờ mới nhưng ngày14 tháng 4 năm 1964, ngài đột ngột qua đời đang khi ngủ. Linh mục Phaolô Võ Hữu Tư , cha sở La Nang được Bề trên yêu cầu kiêm nhiệm Hội An cho đến 1965.
3. NHIỆM KỶ LINH MỤC GIUSE LÊ VĂN LY ( 1965- 1970)
Linh mục Giuse Lê Văn Ly xây dựng nhà thờ mới.
Năm 1965, Cha Giuse Lê Văn Ly , gốc Trà Kiệu từ Hà Tân về làm chính xứ Hội An. Lúc đó nhà thờ Hội An cũ chỉ có diện tích 144 mét vuông không đủ chổ cho giáo dân mỗi ngày một đông nên năm 1965 cha Giuse đã cho phá nhà thờ 1935 xây lại nhà thờ mới trên nền cũ với diện tích 720 mét vuông tồn tại đến nay. Vì nằm ngay đầu phi đạo, nên chính quyền cũ không cho làm tháp chuông, sợ tai nạn máy bay.
Các linh mục phụ tá tăng cường gồm có Linh mục Antôn Trần Văn Trường, Giuse Vũ Dần, Phanxicô Xaviê Trần Quang Châu, Gioan Baotixita Đào Duy Khải. ( tuyên úy phụ trách Cẩm Hà).
Năm 1970, cha Giuse Lê Văn Ly nhậm xứ An hải.
- 4. NHIỆM KỶ LINH MỤC PHAOLÔ TRƯƠNG ĐÁC CẦN ( 1970 – 1974)
Linh mục Phao lô Trương Đắc Cần , gốc Gia Hựu, Bình Định được chuyển về Hội An. Tuy đang thời kỳ chiến tranh, với tinh thần trẻ trung , hiểu biết và cầu tiến, ngài cũng cố cơ sở vật chất như làm tường rào, cổng nhà thờ, mua lô đất 3200 mét “Cây Xăng” của tộc Trần Thanh với giá 170.000 đồng ( trên 20 cây vàng vào thời điểm đó). Ngài quan tâm giới trẻ , giáo dục thanh thiếu niên, dạy nghề , tạo công ăn việc làm và nhiều công tác cứu trợ giúp ngưới nghèo, nạn nhân chiến tranh..
- 5. NHIỆM KỲ LINH MỤC PHÊRÔ LÊ NHƯ HẢO.( 1974 – 2003)
Năm 1974, linh mục Phêrô Lê Như Hảo, gốc Phú hạ, quản xứ Trà Kiệu, được thuyên chuyển về Hội An. Với tài thao lược sẳn có, ngài bắt đầu thực hiện nhiều dự án như nhựa hóa sân nhà thờ, làm hang đá Đức Mẹ v.v. Nhưng biến cố 1975 đã khiến bộ mặt giáo xứ đổi đời. Di tản chiến thuật, di tản chiến tranh, di tản kinh tế, di tản chính trị…đã khiến thị xã Hội An tiêu điều và giáo dân từ 2.216 tụt xuống con số dưới 1000. “ Tiềm năng nhân sự xuống cấp . Hoàn cảnh xã hội đòi hỏi khả năng xoay xở của Cha, sự kiên trì chịu đựng và sự hy sinh công của lo cho giáo dân và một số đồng bào nghèo..Dù không gặp thuận tiện như các vị tiền nhiệm, Cha đã cố gắng vận động tài chánh đề lo trùng tu nhà thờ, hang đá Đức mẹ, các ngôi mộ của các giáo sĩ truyền giáo tiên khởi, mở rộng nhà xứ để có địa điểm sinh hoạt…” ( Trích Hội An công giáo trang 11,12)
Giáo xứ mất hầu hết ruộng đất, cô nhi viện, trường học, đất đai giáo họ Lê Lợi… trong chế độ mới. Nhẫn nại, ngài hướng dẫn giáo dân vào cuộc sống đất nước bằng tinh thần đối thoại, tôn trọng lẫn nhau giữa đạo đời và các tôn giáo bạn . Tuy kinh tế khó khăn năm 1995, ngài xây dựng tháp chuông và những công trình nội thất nhà thờ. Một công trình quan trọng khác là nhà xứ Hội An và “ giảng đường giáo lý”.
Ngài kiên trì chấp nhận mọi sự theo thánh ý Chúa. Khi đất nước đi vào giai đoạn đổi mới, năm 2000, phố cổ Hội An trở thành Di sản Văn hóa thế giới, du khách tìm đến và Hội An trở nên phồn thịnh, giàu có, sinh hoạt của giáo xứ Hội An cũng thuận lợi hơn. Vào năm Thánh 2000, cha Phêrô đã đón tiến các đoàn hành hương và triển lãm tài liệu lịch sử liên quan đến Giáo xứ Hội An.
Do tuổi già, sức yếu, ngài đã nghỉ hưu vào năm 2003, sau 29 năm chia sẻ buồn vui với giáo xứ Hội An.
6. NHIỆM KỶ LINH MỤC BONAVENTURA MAI THÁI ( 2003-2006 )
Một linh mục vừa du học Pháp Quốc về đã được Đức Cha Phaolô Tịnh điều đến thay thế cha Phêrô : linh mục Bônaventura Mai Thái, quê Thanh Bình, Đà Nẵng. Với sức trẻ và hiểu biết, ngài được nhiều người ủng hộ trong chương trình canh tân.
Về vật chất, ngài quét vôi lại thánh đường, lớp lại mái ngói, kiện toàn hệ thống âm thanh cho ca đoàn , xây dựng “ ngôi nhà sinh hoạt mới khang trang” kiên cố bên hông nhà thờ . Về phần hồn, cũng cố lại các giáo khóm, các đoàn thể, đặc biệt là Legio Mariae, giới trung niên và hợp thức hóa nhiều đôi hôn nhân.
Biên bản bàn giao ngày 28 tháng 10 năm 2006 cho biết giáo xứ có 1.225 người và 384 hộ.
Tháng 10 năm 2006, ngài được điều động về giáo xứ “ anh cả” Thanh Đức tại Đà Nẵng.
7. NHIỆM KỶ LINH MỤC ANTÔN NGUYỄN TRƯỜNG THĂNG (2006- ? )
Tháng 11 năm 2006, linh mục Antôn Nguyễn Trường Thăng, gốc An Ngãi và Tôma Võ Minh Danh, gốc An Sơn được được Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, vừa được thụ phong Giám mục Đà Nẵng, điều về coi sóc Giáo xứ Hội An. Một thời gian ngắn sau đó, Đức cha Giuse giao thêm Giáo họ Phước Kiều, Gò Nỗi. Giáo xứ Hội An, bổng nhiên trở thành một xứ với diện tích trên 25 cây số vuống từ Điện Ngọc, qua Cửa Đại, đến Văn Ly (Điện Quang, Gò Nỗi).
Hai cha tiếp tục sự nghiệp của các vị tiền nhiệm.
Sau đây là hiện tình Giáo xứ Hội An:
THỐNG KÊ ĐẾN: 01/8/2010.
I. TỔNG GIÁO DÂN: 1646 người/ 587 hộ (có sổ nhân danh)
Nam: 749 người
Nữ: 897 người
(Gồm 06 giáo khóm & Họ đạo Phước Kiều – Gò Nỗi)
1/ Giáo Khóm: Đức Mẹ Vô Nhiễm: 270 người/ 104 hộ
Nam: 118 người
Nữ: 152 người
2/ Giáo Khóm: Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời: 93 người/ 38 hộ
Nam: 41 người
Nữ: 52 người
3/ Giáo khóm Thánh Giuse: 338 người / 118 hộ
Nam: 171 người
Nữ: 167 người
4/ Giáo Khóm Lê Bảo Tịnh: 271 người / 95 hộ
Nam: 123 người
Nữ: 148 người
5/ Giáo Khóm Tôma Thiện: 211 người / 69 hộ
Nam: 102 người
Nữ: 109 người
6/ Giáo Khóm Anrê Phú Yên: 226 người/ 79 hô
Nam: 92 người
Nữ: 134 người
7/ Họ Đạo Phước Kiều: 131 người/ 41 hộ
Nam: 58 người
Nữ: 73 người
8/ Họ Đạo Gò Nổi: 106 người/ 43 hộ
Nam: 44 người
Nữ: 62 người
II. MỤC VỤ BÍ TÍCH TỪ 11- 2006 – THÁNG 8 -2010
1/ Rửa tội cho 201 người ( 77 tân tòng) .
2/ Thêm Sức:
* Đức Cha Giuse Thêm Sức cho 77 người
* Cha Antôn Thêm Sức cho 77 người tân tòng.
3/ Hôn Phối: Làm Phép Hôn phối & gỡ rối: 85 đôi.
III. Văn hóa, giáo dục . Theo Thống Kê 31/12/2009
Cấp I, II, III có 225 em.
Sinh Viên Trung Cấp, Cao Đẳng Đại Học: 44 em.
Ngành Nghề Chuyên Môn:
* Giáo Dục: 12 người
* Y tế :07 người
IV. Hội Đoàn :
Legio Mariae , Thiếu nhi Thánh Thể, Giới trẻ , Trung niên , Lão Thành , Vệ sinh Môi Trường ; Bác ái, Trợ Tang ; ba Ca đoàn, Ban Lễ Sinh… Con số thì đông, sinh hoạt tương đối
V.Công tác trùng tu ,xây dựng cơ sở vật chất, từ thiện bác ái.
Ba năm qua tu sửa hang đá Đức Mẹ, đường khuyết tật, trải nhựa sân nhà thờ, xây mới tầng hai phòng thánh, bốn phòng giáo lý., lư hương công giáo. Mua đất Phước Kiều ( 800 mét). Sửa chữa đền thánh Phước Kiều. Nhà Nước cho nhận lại 2700 mét đất “ Cây Xăng”.
Xây dựng 23 căn nhà Đồng Tâm trong đó 5 gia đình không công giáo.
Cộng đoàn nữ tu Phao lô thuốc tỉnh dòng Đà Nẵng với cộng đoàn Đắc Lộ tiếp tục phục vụ trong ngành giáo dục, phụng vụ và công tác từ thiện, giúp đỡ các gia đình khó khăn, tìm học bổng cho trẻ em nghèo và duy trì nồi cháo tình thương từ nhiều năm.
Ơn gọi không nhiều , hiện nay có một thầy Đại chủng sinh, một số nữ tu Mến Thánh Giá và tập sinh các dòng.
Tuy là thành phố du lịch nhưng giáo dân thành đạt kinh tế không nhiều, đa số có công việc rất khiêm tốn.
KẾT LUẬN
Tháng 12 năm 2008, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Nam công nhận Nhà thờ và Khu mộ Giáo sĩ Hội An là Di tích văn hóa cấp tỉnh Quảng Nam tại thành phố Hội An ( Di sản văn hóa thế giới) nhưng cơ sở giáo xứ còn khiêm tốn , chưa đủ khả năng quảng bá, thua xa các di tích Phật giáo.
Đối với ngưới công giáo Việt Nam và toàn cầu , Giáo xứ Hội An xứng đáng là di sản đức tin công giáo thế giới. Nơi đây từ thế kỷ 17 đã có bao nhiêu vị truyền giáo “ra đi không hẹn ngày về” chỉ vì mục tiêu làm sáng danh Chúa, cứu rỗi mọi người theo lệnh của Chúa Cứu Thế “ Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế giới” Mc 16,19.
Giáo xứ Hội An xứng đáng là nơi tìm về của nhiều dân tộc công giáo Nhật, Bồ Đào Nha, Avignon (lãnh địa Đức Giáo Hoàng), Trung Quốc, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Pháp, Ý, Đức, Tiệp Khắc…những nước đã cung cấp nhiều giáo sĩ cho công cuộc truyền giáo tại Việt Nam vào thế kỷ 17, 18, 19, 20.
Giáo xứ Hội An hôm nay tuy bé nhỏ nhưng nhờ lịch sử lâu dài đáng gọi là “ Giáo xứ đầu đàn, cái nôi của Giáo Hội Việt Nam”. Chưa đầy năm năm nữa, giáo xứ chính thức mừng 400 năm. Giáo phận Đà Nẵng nói riêng và Giáo Hội Việt Nam phải làm gì cho xứng với lịch sử hào hùng của các bậc tiền bối tại vùng đất Quảng, thành Đà nầy?
Hội An ngày 02 tháng 8 năm 2010.
Bài viết nhân ngày hành hương Năm thánh 8-8-2010 tại nhà thờ Chính tòa Đà Nẵng.
Linh mục Antôn Nguyễn Trường Thăng
Quản xứ Hội An.
NGHE VÀ ĐỌC THÊM CHO BIẾT:
BÀI PHỎNG VẤN
LM ANTÔN NGUYỄN TRƯỜNG THĂNG
CỦA ĐÀI RADIO ĐỨC MẸ HẰNG CỨU GIÚP.
VỀ VIỆC XÂY DỰNG
NHÀ TRUYỀN THỐNG GIÁO XỨ HỘI AN.
THỨ BẢY 5/5/2012.
( KHÔNG NGHE ĐƯỢC THÌ ĐỌC ĐỂ THÊM THÔNG TIN.)
Tháng 5 Năm 2012
CHÚA NHẬT | THỨ HAI | THỨ BA | THỨ TƯ | THỨ NĂM | THỨ SÁU | THỨ BẢY |
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | ||
6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 |
13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 |
20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 |
27 | 28 | 29 | 30 | 31 |
Vào ngày 5 tháng 5, download để nghe, sau bài tin tức và suy niệm.
Tin tức khí tượng cho biết, trận bão Nari, bão 11, đang đến và nhắm thẳng Đà Nẵng. Từ sáng nay 14 tháng 10 năm 2013, mưa và gió bắt đầu tung hoành dù theo dự đoán, tâm bão sẽ “thăm viếng” vào sáng mai 15 tháng 10.
Từ tầng 2, Trung tâm Mục vụ Giáo phận Đà Nẵng nhìn ra con đường ven biển, Trường Sa, thấy cây cối vật vã, và xa hơn những con sóng cao, dài tung bọt trắng xóa. Bãi biển không một bóng người.
Cù lao Chàm hằng ngày hiện ra trước mắt gợi nhớ bao kỷ niệm buổi ban đầu Tin Mừng đến đắt Việt thân yêu , giờ đây biến mất giữa mây mù như không hề tồn tại.
Lm Antôn thui thủi một mình và dù trong ngôi nhà còn một vài nhân vật khác, cảm thấy như ở trong lâu đài hoang vắng vì không nghe một giọng nói, một tiếng động ngoại trừ tiếng gió hú. Buồn hơn cả Thúy Kiều ở Lầu Ngưng Bích…vì dù sao cô còn có “thấp thoáng cánh buồm xa xa”.
Cũng may, diện chưa bị cắt và còn có thể liên lạc với thế giới bên ngoài qua mạng Internet.
Chỉ hơn một năm nữa, ngày kỷ niệm 18 tháng 1 năm 1615 lại hiện về mà bao nhiêu công sức đổ ra cho ngày đó thật huy hoàng, thật ấn tượng như trôi sông trôi biển. Hội đồng Giám mục Việt Nam vừa họp xong, nhưng không thấy ai nói gì!
….
Nhớ lại tháng 5 năm 2012.
Thứ bảy ngày 5 tháng 5 năm 2012, vào lúc 11 giờ đêm, giờ Hội An, tiếng chuông điện thoại reo, một cuộc gọi từ Long Beach, của Radio Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, yêu cầu trã lời một số câu hỏi liên quan đến chương trình xây dựng Nhà truyền thống Hội An mà trước đó một người thân đã liên hệ với Tạp chí Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.
Mười mấy tháng đã trôi qua mà bài phỏng vấn hôm ấy vẫn còn được lưu giữ, dù chẳng ai thèm đọc lại .
Bé B. đã theo yêu cầu của lm Antôn ghi lại bài nói chuyện hôm ấy. Xin gửi đến độc giả thân mến nghe và xem lại để biết thêm thông tin về Giáo sử giai đoạn khời đầu.
Phần cuối của cuộc phỏng vấn không thành hiện thực vì lm Antôn sau khi tiêu tốn cả trăm triệu cho đồ án và các công việc liên hệ… đã “dẹp tiệm”, chuyển khỏi Hội An,về nghỉ hưu với một chức vụ “hoành tráng”: trưởng ban Lịch sử và Văn hóa mà thực ra….!
Tranh thủ lúc còn lên mạng được, xin mời quý “fan độc giả antontruongthang.com thương thưởng thức”.
BÀI PHÒNG VẤN
Kính thưa quí thính giả trong tiết mục tìm hiểu di sản về lịch sử và văn hóa giáo hội Việt Nam. Ngày hôm nay, chúng tôi kính mời quí thính giả theo dõi cuộc phỏng vấn của Rađiô Mẹ Hằng Cứu Giúp với Linh Mục Antôn Nguyễn Trường Thăng. Ngài hiện là Cha chánh xứ Giáo Xứ Hội An. Trong phòng Rađiô Mẹ Hằng Cứu Giúp đang có sự hiện diện của Linh Mục Phaolô Nguyễn Tất Hải – giám đốc của Rađiô Mẹ Hằng Cứu Giúp và Tivi Ánh Sáng Tin Mừng. Trên đường line điện thoại đang có tiếng nói của Linh Mục Antôn Nguyễn Trường Thăng.
Phát thanh viên:Chúng con xin kính chào các Cha ạ!
Cha Phaolô Nguyễn Tất Hải:Vâng, chào chị Mai Quỳnh, chào quí thính giả của Rađiô Mẹ Hằng Cứu Giúp. Ngày hôm nay chúng ta hân hạnh được tiếp xúc với Cha Antôn Nguyễn Trường Thăng trên đường dây điện thoại. Cha Antôn Nguyễn Trường Thăng – ngài thuộc Giáo Phận Đà Nẵng, năm nay đã 70 tuổi rồi, và ngài đã được 40 năm Linh Mục. Ngài đã từng học Giáo Hoàng Học viện ở khóa 6 tại Đà Lạt từ năm 1963 đến năm 1972, ngài cùng lớp với Đức Cha Vũ Huy Chương là Giám Mục Đà Lạt hiện nay. Trong thời gian làm việc với vai trò của một vị Mục Tử, Linh Mục Antôn Nguyễn Trường Thăng đã qua các vai trò, cũng như các giáo xứ khác nhau như là Giáo Xứ Tam Tòa, Trà Kiệu, Nhà Thờ Chính Tòa Đà Nẵng. Hiện nay, ngài là Chánh Xứ của Hội An cũng được hơn 5 năm nay rồi. Ngài cũng đã từng đi học về Giáo Sử tại Học Viện Công Giáo ở bên Pháp – Paris. Và chúng con rất hân hạnh được tiếp xúc với Cha. Riêng đối với cá nhân tôi thì Cha đã từng hiện diện trong Thánh Lễ Truyền Chức vào mùa hè 1997 tại California. – Chúng con xin chào Cha. Và giờ đây cô Mai Quỳnh có một vài câu hỏi xin gởi đến Cha và xin Cha giúp giải đáp để cho quí thính giả được biếtCha Antôn Nguyễn Trường Thăng: Xin chào Cha Hải và chị Mai Quỳnh, cũng như Rađiô Mẹ Hằng Cứu Giúp.
Phát Thanh Viên Mai Quỳnh:Kính chào cha! Dạ thưa Cha, Cha đang ở Hội An, vậy thì xin cha có thể vui lòng cho Rađiô Mẹ Hằng Cứu Giúp của chúng con, cũng như thính giả biết sơ qua về thành phố Hội An hiện nay. Cha có thể nói về dân số, công giáo nói riêng hoặc là du lịch Phố Cổ thưa Cha?
Cha Antôn Nguyễn Trường Thăng: Tôi rất là sung sướng và hạnh phúc bởi vì Hội An là Di Sản Văn Hóa Thế Giới từ tháng 12 năm 1999 và thành phố Hội An hiện nay vẫn là một nơi mà các du khách rất thích đến. Dân số hiện nay khoảng 100.000, mật độ dân số theo như thống kê là đông nhất Việt Nam vì gấp 6 lần các nơi. Là một thành phố nhỏ nhưng được gọi là thành phố Du Lịch và Di Sản Quốc Tế vì nơi đây có rất nhiều di tích. Người ta đã kiểm chứng là có đến 1360 di tích, trong đó nhà cổ có đến trên 1000, 19 chùa, 43 miếu, 23 đình, 38 nhà thờ – nhà tộc, 5 hội quán, 11 giếng cổ, 44 mộ và một cây cầu rất nổi tiếng là Chùa Cầu và những di tích khác. Là người Công Giáo thì chúng ta cũng rất hãnh diện bởi vì gần như Công Giáo có mặt cùng lúc với thành phố này. Nếu Chúa Tiên Nguyễn Hoàng lập Dinh trấn Thanh Chiêm năm 1602 và mở ra cửa thành phố Hội An để ngoại thương thì năm 1615 Giáo Hội chúng ta đã có mặt tại đây và có lẽ là trước đó nữa. Cho nên, trải qua nhiều biến động lịch sử thì Hội An tuy rằng được gọi là cái nôi của Giáo Hội Việt Nam cách chính thức là một giáo xứ tiên khởi. Hiện nay có khoảng 1000 giáo dân ở trong khu vực phố cổ và chung quanh có khoảng 500- 600 nữa, là một giáo xứ rất là nhỏ nhưng mà lại lớn.
Cha Phaolô Nguyễn Tất Hải:Cha có thể nói thêm một tí về Giáo Hội Lịch Sử Việt Nam có liên quan đến địa danh Hội An được không ạ?
Cha Antôn Nguyễn Trường Thăng: Cái đó là cái chính tôi muốn nói ấy chứ! Cái kia là chỉ mới nói chung chung thôi. Như chúng ta biết rằng khi người Bồ bắt đầu lưu thông trên biển đông trên các thuyền buồm thì năm 1518 và những năm kế tiếp là họ đã có mặt trên thành phố này, (ít nhất là có mặt tại Cù Lao Chàm ở ngoài khơi) bởi vì nơi đó là nơi mà tất cả các tàu bè đi từ Malacca đến Nhật Bản hay MaCau đều phải dừng chân để lấy nước, lấy thực phẩm và chất đốt. Và ngoài ra, ở Hội An hồi xưa có nhiều trầm hương hay là Kỳ Nam và những loại hương liệu rất quí như: trà, quế , yên sào v..v.. cho nên họ rất thích đến. Theo lịch sử, năm 1523 đã có nhiều người Bồ Đào Nha dựng thánh giá tại ngoài cửa Chàm. Mới đây, tôi tìm thấy một văn bản là mùa hè năm 1555, thánh lễ đầu tiên được cử hành tại Việt Nam là tại vịnh Tân Hiệp, Cù Lao Chàm. Đó là khi thế kỉ XVI, có một số các nhà truyền giáo các dòng như dòng Augustinô đã đến nhưng cũng không có kết quả bao nhiêu. Cũng có một vài người trở lại đạo.
Phải nói rằng Giáo Hội Việt Nam là nhờ Giáo Hội Nhật Bản. Như chúng ta biết rằng, đầu thế kỉ XVII, Giáo Hội Nhật Bản bị bách hại một cách rất khủng khiếp. Các giáo sĩ thì bị trục xuất, còn các giáo dân Nhật Bản thì họ đã tìm cách đi buôn bán, và họ đã đến Hội An trong thời điểm đó rất là thích hợp, vào thời điểm Mùa Phục Sinh – như Cha Đắc Lộ đã từng viết: Sau mùa gió, mùa bão tố thì có rất nhiều thuyền đi từ Nhật Bản đến Hội An cùng với Mùa Chay, Mùa Phục Sinh. Sau đó, có một số giáo dân Nhật Bản quyết định ở lại tại Hội An vì Chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho phép người Nhật Bản, cũng như người Bồ và người Trung Quốc được buôn bán và sống theo phong tục của họ. Chính nhờ điều đó mà có nhiều người Nhật Bản đã quyết định ở lại Hội An. Và dĩ nhiên họ cũng cưới vợ người bản địa. Các cô gái Việt Nam thì không có đạo. Điều đó đã làm họ băn khoăn nhiều. Họ muốn làm sao để vợ và con cái họ cũng được rửa tội. Và chính vì vậy, họ đã yêu cầu các Cha Dòng Tên tại Ma Cau – đặc trách của Giáo Hội Nhật Bản lúc bấy giờ về tị nạn ở đó – đến giúp đỡ họ. Được phép của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên, nhóm đầu tiên gồm có Cha Francesco Busomi là người Napolitano tức là người Ý hiện nay cùng với Cha Diego Carvalho người Bồ Đào Nha và 3 thầy trợ sĩ. Đó là thầy Dias.và thầy Paul và thầy Joseph Saito đã đến Cửa Hàn vào ngày 18 tháng giêng năm 1615, sau đó họ trực tiếp vào Hội An ở. Trong một thời gian, như chúng ta đã biết rằng, các Ngài ở đó gặp thuận lợi và cũng gặp khó khăn, Macau tiếp tục gởi thêm 2 vị nữa, đó là Cristofori Borri, Francesco Pina vào năm 1617. Hai vị này là những vị mà sau này chúng ta thấy họ đóng vai trò rất quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Vì có sự chống đối của nhiều nhóm cho nên các Ngài phải đi vào Nước Mặn, Qui Nhơn năm 1618. Sau đó, các Ngài trở lại Hội An, và Cha Borri đã viết một kí sự rất quan trọng, đó là Ký Sự Đàng Trong. Ngài ở đây từ năm 1617 đến năm 1622, năm 1633 Ngài đã xuất bản ở trong đó và đã trở thành một Best Seller – là một cuốn sách chạy đã dịch ra nhiều thứ tiếng, chúng ta có thể tìm thấy để đọc và biết về Đàng Trong thế kỉ XVII. Người thứ 2, đó là Cha Francisco Pina – đây là vị linh mục đầu tiên đã đi hẵn với người Việt Nam. Người đã lên Thanh Chiêm, Quảng Nam. Nơi đó Ngài đã học tiếng Việt. Theo một số thông tin cho biết thì Ngài là người khai sinh ra Chữ Quốc Ngữ tại Thanh Chiêm (Dinh trấn Quảng Nam) vào năm 1622-1623. Nhưng rất tiếc Ngài đã qua đời khi còn rất trẻ, ngài bị chết đuối vào ngày 23 tháng 12 năm 1625. Cha Đắc Lộ cùng với Cha Majorica là một trong những học trò của Ngài về Tiếng Việt. Chính Cha Đắc Lộ đã nói rất rõ rằng “Tôi học Tiếng Việt với Cha Pina – là người đầu tiên viết và giảng bẳng Tiếng Việt”. Cho nên bây giờ ở Việt Nam người ta đã xác nhận rằng, mặc dù Cha Alexandre de Rhodes đã có công lớn xuất bản cuốn từ điển Việt – Bồ – La và cuốn Phép Giảng Tám Ngày, nhưng mà công xây dựng nên Chữ Quốc Ngữ là của Cha Francisco Pina. Ngài có thể đã được chôn cất tại Hội An, và hiện nay chúng tôi có một vài ngôi mộ, hi vọng rằng một trong những ngôi mộ đó là của Cha Pina.
Như vậy, chúng ta thấy rằng vào giai đoạn Dòng Tên – là những người đã mang Khoa Học và nhiều điều mới lạ đến. Và ngược lại, họ cũng tìm cách hội nhập văn hóa Việt Nam, chính xác hơn là “thích nghi” với tất cả mọi đặc tính. Sau đó, chúng ta cũng biết rằng có một sự chống đối rất quan trọng đã đưa đến cái chết của thầy Anrê vào ngày 26 tháng 7 năm 1644. Sau giai đoạn đó thì Dòng Tên cũng hơi yếu đi, để rồi năm 1659 hai giáo phân mới Đàng Trong và Đàng Ngoài được thiết lập. Giám mục đầu tiên của giáo hội Đàng Trong là Cha Pierre Lambert de la Motte. Và bắt đầu với sự tham gia của các Cha thừa sai Paris – tức là Missionnaire Etrangere de Paris , trong các công cuộc truyền giáo tại đây. Kế tiếp thời Đức Cha Francois Perez , các Cha dòng Phan Sinh tại Phi Lập Tân cũng đã đến làm việc tại khu vực này cùng với các Cha Dòng Propaganda. Vào thời kì đó, tuy công việc truyền giáo được nhiều thuận lợi nhưng cũng có nhiều sự chống đối và nhiều sự bách hại. Cho nên, đến thế kỉ XVIII năm 1750 thì hầu như các Cha bị trục xuất khỏi Việt Nam dưới thời Võ Vương. Kế tiếp là cuộc biến động dưới thời Tây Sơn xảy ra, vì vậy thành phố Hội An và khu vực quanh đây rất là điêu đứng. 3 đạo quân đánh nhau, trước hết là Tây Sơn với Chúa Nguyễn, rồi Chúa Trịnh cũng tấn công vào, và mảnh đất Hội An trở thành điêu tàn vào thế kỉ XVIII do biến động chính trị thời Tây Sơn. Sau thời vua Gia Long, chúng ta cũng đã biết đã có một thời kì yên ổn. Nhưng tiếp tục vẫn là những cuộc bách hại cho nên Hội An, giáo xứ Hội An gần như mất tích gần 2 thế kỉ, phải đợi đến đầu thế kỉ XX thì các giáo sĩ người Pháp đã tụ họp lại giáo dân. Theo thống kê năm 1939 chỉ có 45 giáo dân mà thôi. Từ đó đến nay thì lúc lên lúc xuống do những biến động lịch sử, nhưng mà chúng ta vẫn còn tồn tại đây và cũng chính từ cái nôi Hội An này mà Tin Mừng đã đến khắp Việt Nam. Cho nên tôi nghĩ không một Địa Phận nào lại không muốn nói đến Hội An, kể cả Miền Bắc. Bởi vì chính Cha Đắc Lộ, sau khi học Tiếng Việt ở đây, năm 1627 thì Ngài được gởi đến Đàng Ngoài. Ngài cũng xây dựng Giáo Hội Đàng Ngoài. Tuy Hội An nhỏ, nhưng có một lịch sử rất dài, có nói cả ngày cũng không hết.
Cha Phaolô Nguyễn Tất Hải: Vâng! Cám ơn Cha! Đúng là Cha học về Giáo Sử bên Paris về, do đó nên Cha có rất nhiều tài liệu. Và cũng xin cám ơn Cha đã cho thính giả Rađiô Mẹ Hằng Cứu Giúp được biết thêm về Hội An. Vì bây giờ, khi người ta nghĩ đến Hội An, người ta chỉ nghĩ đây là một phố cổ thôi, những lối kiến trúc ngày xưa vào thế kỉ XVI- XVII, nhưng kèm theo đó là một quá trình lịch sử dài của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, cũng như việc hình thành Chữ Quốc Ngữ với các vị thừa sai Bồ Đào Nha đến Việt Nam.
: Lúc nãy Cha có nhắc đến vấn đề là có một số di tích và những ngôi mộ của các Giáo Sĩ thừa sai ngày xưa. Như vậy, hiện nay (đứng về phía người Công Giáo thôi) thì các di tích hay ngôi mộ cổ nào của các nhà thừa sai nào còn sót lại cho đến ngày nay ạ?
Cha Antôn Nguyễn Trường Thăng: Mình đã biết rằng có rất nhiều vị trên vùng đất này đã không bao giờ quay trở về cố hương nữa. Vị đầu tiên, rõ ràng nhất đó là Cha Francisco Pina – người Bồ, là cha đẻ của Chữ Quốc Ngữ hiện nay. Tháng 12 năm 1625, Ngài đã được chôn cất tại Hội An, nhưng rồi cũng không biết được. Sau đó năm 1726 thì có Cha Gioan Baptista Sanna. Đảo Sardaigne (Ý) , ngài đã đến Hội An và Huế để làm thầy thuốc – làm ngự y cho Chúa. Ngài mất vào tháng 2 năm 1726. Mộ của Ngài đã được bác sĩ Albert Sallet đã viết trong cuốn B.A.V.H tức Bulletin des Amis du Vieux Huế, năm 1919 đã nói về mộ này rất rõ. Đó là một cái bia, trong đó có chữ La Tinh và chữ Hán. Thật tiếc là cái bia không còn nữa, nhưng cái bản dập đăng trên báo vẫn còn. Như đã biết, bên cạnh mộ Ngài Dòng Tên thì có một ngôi mộ của một linh mục Giáo Sĩ khác, tôi rất hi vọng đó là mộ của Cha Pina. Sau 75, do nhiều sự khó khăn phải di dời, hiện nay ba mộ đó được di dời về nhà thờ Hội An. Cùng với các mộ của các thừa sai về sau, chẳng hạn như Cha Pierre Gallioz Thiết mất năm 1953. Ngôi mộ này cũng đã được nhà nước xác nhận là một ngôi mộ của một giáo sĩ Tây Phương – là di tích lịch sử cấp tỉnh. Ngoài ra, trên vùng đất này có Đức Cha Guillaume Mahot chết nhưng không biết chôn tại đâu. Rồi có Đức Cha Francois Perez và nhiều vị khác. Đó là việc mà chúng ta phải cần truy tìm. Và trong lòng đất này, cũng còn rất nhiều chứng tích của các vị khác.
Phát Thanh Viên:Dạ cám ơn Cha về những kiến thức rất là phong phú về lịch sử cũng như văn hóa về vùng Hội An. Để kỉ niệm 50 năm thành lập Giáo Phận Đà Nẵng năm 2013 và 400 năm lịch sử Giáo Hội Việt Nam 2015 thì việc xây dựng Nhà Truyền Thống này có ý nghĩa gì về mặt lịch sử và văn hóa? Và có những trưng bày hình ảnh chứng tích gì trong ngôi nhà này thưa Cha?
Cha Antôn Nguyễn Trường Thăng: Đó là một điều mà tôi rất đau khổ. Trong khi các tôn giáo khác ở đây, đặc biệt là Phật Giáo có nhiều Di Tích cấp quốc gia như Chùa Crúc Thánh, Chùa Vạn Đức, Chùa Phước Lâm.. Và nói chung các tôn giáo có nhiều cơ sở rất là tốt. Năm 2008 thì nhà nước cũng công nhận là Nhà Thờ và các ngôi mộ giáo sĩ là di tích cấp tỉnh. Du khách đến thì cũng không có gì để xem, giáo dân không có gì để coi. Bởi vì cơ sở chúng ta cũng khá khó khăn, cũ kĩ. Cho nên tôi thấy cần có một cái nhà để cho giáo dân tham quan. Bởi vì hiện nay giáo dân thế giới đến đây rất nhiều. Tôi đã tiếp nhiều đoàn trong các địa phương, gần đây như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore, Hồng Kông là những đoàn thường tới. Còn những đoàn xa, kể cả những vùng không có liên hệ gì như Ba Lan họ cũng đến đây, cả Pháp và một số nước khác nữa. Phải nói rằng xứ Hội An là di sản lịch sử, cũng là di sản văn hóa, nó liên hệ với nhiều quốc gia, trong đó các giáo sĩ người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha rồi Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Pháp rồi người Đức, người Thụy Sĩ v…v…. Tôi nghĩ là họ cũng sẽ tìm được những di sản của Cha ông họ – những người đã đem Tin Mừng đến Việt Nam. Và Tin Mừng cũng từ đây mà đi đến các nơi khác. Để khiến cho Việt Nam hiện nay có trên 7, gần 8 triệu giáo dân trong và ngoài nước với 26 địa phận. Và tôi nghĩ rằng, nếu coi thường một nơi khai sinh của mình thì không được biết ơn lắm với lịch sử. Chính vì thế mà tôi nghĩ rằng, cần có một nơi – ít nhất là gợi ra một nơi gặp gỡ để cho các giáo dân họ có thể hiểu được lịch sử của giáo hội lúc khai sinh. Và muốn như vậy thì ở trong phòng, phải có một số nơi trưng bày những hiện vật. Hiện tại thì tôi cũng có kha khá hiện vật về lịch sử, tôi cũng đã có một số sưu tầm. Ngoài ra thì cũng có một số Dòng có mặt ở đây như Dòng Tên, Dòng Phan Sinh, Dòng Thừa Sai Paris, Dòng Auguttino và các dòng về sau nữa. Vậy thì ngôi nhà này rất là quan trọng, chẳng những là đối với giáo phận Đà Nẵng trong dịp kỉ niệm 50 năm thành lập mà còn đối với giáo hội Việt Nam trong 400 năm nữa. Nhưng nếu như để chậm quá thì nó sẽ mất đi sự thời gian tính. Trong năm nay và sang năm thì sẽ xây cho xong để chúng ta mừng 400 năm. Bây giờ thì có thể mời Đức Giáo Hoàng đến phong Thánh (cho thầy giảng Anrê) được rồi. (cười).
Phát Thanh Viên:Thưa Cha, nếu Cha có nhiều di tích như thế thì bây giờ, công việc xây dựng Nhà Truyền Thống thì căn nhà đó phải to như thế nào? Bao nhiêu tầng? Bao nhiêu phòng? Chi phí như thế nào? Vậy thì Cha có thể cho khán thính giả của chúng con được biết không ạ? Và chúng con có thể giúp ích cho Cha như thế nào?
Cha Antôn Nguyễn Trường Thăng: Đây là một vấn đề quan trọng. Bởi vì chúng tôi ở trong khu phố cổ, nó bị hạn chế nhiều trong các luật lệ của khu phố cổ ở Hội An này. Nhà không được cao quá 11m. Mặt khác, đất đai của Giáo Hội hiện nay cũng không còn nhiều. Cho nên, ngôi nhà chúng tôi dự tính khoảng 24-25m, bề ngang khoảng 8-9m, cao 11m. Ngôi nhà bao gồm 2 tầng; tầng dưới sẽ có khoảng 6 phòng ngủ 4×4 để các Cha hay các anh em ở đâu xa về ở qua đêm cũng có một phòng ngủ để ở lại, một phòng khách và một hệ thống vệ sinh, ở tầng dưới như vậy là hết diện tích đất rồi. Còn ở tầng trên thì để dành hẳn làm phòng Hội Trường và cũng vừa là một nơi trưng bày. Có 2 phần chính như vậy thôi. Theo như thiết kế, phí xây dựng hiện nay tốn khoảng 3,5 tỷ đồng Việt Nam, tính ra khoảng trên dưới 200,000 đô la… Nhưng đó chỉ mới về khâu xây dựng, còn về khâu trưng bày nữa. Tôi thấy những vấn đề xây dựng về tôn giáo như: nhà thờ hay về bác ái xã hội thì có nhiều người ủng hộ, nhưng về văn hóa thì khó xin đóng góp quá! Hi vọng rằng Rađiô Mẹ Hằng Cứu Giúp cũng thương tình cố gắng để giúp đỡ. Vì giáo dân chỉ có 1000 người, giáo dân Giáo Phận Đà Nẵng cũng rất khó khăn về đời sống, và Giáo Phận Đà Nẵng cũng rất khó…
Phát Thanh Viên:Thưa Cha, giá trị ở một phòng bên Mỹ là đã hơn 200,000 đô la rồi. Và hơn nữa, công việc xây dựng nhà truyền thống này rất có ý nghĩa về mặt Lịch Sử và Văn Hóa.. Kính thưa quí thính giả, chúng ta đang nói chuyện với Cha Antôn Nguyễn Trường Thăng, ngài là một pho Lịch Sử rất sống động, nếu các thính giả muốn biết thêm về Ngài hay muốn đóng góp một bàn tay vào việc xây dựng Nhà Truyền Thống này thì hãy lên Google và tìm kiếm trang web: antontruongthang.com thì quí thính giả sẽ thấy có rất nhiều bài về Văn Hóa, Lịch Sử, nhất là các Thánh Tử Đạo, nếu quí vị muốn học vẽ thì Cha cũng có nói về Hội Hoa, những công việc “trên trời dưới đất”, tất cả mọi sự mà quí thính giả muốn biết thì đều có trên blog của Ngài.Dạ thưa Cha, nếu như bây giờ muốn đóng góp trực tiếp với Cha thì Cha có thể cho quí thính giả một địa chỉ, điện thoại hoặc email thưa Cha?
Cha Antôn Nguyễn Trường Thăng: Trên blog của tôi có chuyên mục Ngân Hàng Vietcombank, về tiền Việt, tiền Euro và tiền Usd. Hoặc có thể gởi thẳng về Nguyễn Trường Thăng, số 2 đường Nguyễn Trường Tộ, thành phố Hội An, Quảng Nam. Và không chỉ tiền, nếu như các vị có các tư liệu quí về lịch sử Giáo Hội thì làm một bản photocopy gởi về để trưng bày cũng rất hay.
Phát Thanh Viên: Dạ vâng, bây giờ thì chúng con biết rồi. Quí thính giả của chúng con có thể lên blog của cha qua địa chỉ : antontruongthang.com ạ?
Cha Antôn Nguyễn Trường Thăng: Vâng, ở chuyên mục Nhà Truyền Thống. Và tôi sẽ liên lạc với các vị, số điện thoại di động liên lạc của tôi là 0914.044.075. Hoặc gởi về địa chỉ: Nguyễn Trường Thăng, số 2 đường Nguyễn Trường Tộ, Hội An, Quảng Nam.
Phát Thanh Viên: Kính thưa quí vị, quí vị có thể liên lạc với Cha ở cellphone 0914.044.075 hoặc quí thính giả có thể gởi mail cho Cha ở địa chỉ: antonthang@gmail.com
Cha Phaolô Nguyễn Tất Hải: Tôi cũng xin trình bày với thính giả Rađiô Mẹ Hằng Cứu Giúp rằng, Cha Antôn Nguyễn Trường Thăng cũng từng là linh mục chánh xứ của Giáo Xứ Trà Kiệu, đó là Trung Tâm Thánh Mẫu ở Giáo Phận Đà Nẵng – nơi Đức Mẹ đã hiện ra để bảo vệ che chở cho những giáo dân trong thời kì bách hại. Và cũng nhân dịp này, Cha có thể cho chúng tôi biết về Đức Mẹ Trà Kiệu được không ạ?
Cha Antôn Nguyễn Trường Thăng: Tôi đã được hân hạnh làm cha chánh xứ Trà Kiệu trong một giai đoạn giao thời rất khó khăn, từ năm 1975 đến 1990, tức là 14 năm tôi ở đó. Phải nói rằng, đây cũng là một vùng đất “rất Lịch Sử”, nơi đây gọi là Simhapura – thành phố sư tử hay Sư Tử Thành – là kinh đô của người Chăm Pa. Cho nên ở nơi đó có các tác phẩm rất đẹp về Chăm Pa, và style (phong cách) Trà Kiệu rất nổi tiếng.
Vào thế kỉ XIX, nhờ ơn Đức Mẹ phù trợ mà nơi đây đã thoát khỏi mối nguy hiểm bị tận diệt. Chính vì vậy mà tại đồi Bửu Châu ở Trà Kiệu đã xây một ngôi đền dâng kính Đức Mẹ. Trà Kiệu có một bề dày lịch sử, và đây cũng là Trung Tâm Thánh Mẫu của Giáo Phận Đà Nẵng. Các vị cũng có thể đến nơi đây để thăm di tích Lịch sử cũng như Thánh Địa Trà Kiệu này. Nhờ vậy, chúng ta thấy được tình yêu của Thiên Chúa và Đức Mẹ che chở con cái trong những lúc khó khăn. Nơi đây chúng ta cũng thấy được nhiều cái đẹp về Văn Hóa Chăm Pa.. Khi ở đó, tôi cũng sưu tập một bộ “đời sống thường ngày” của người Chăm Pa. Tôi vẫn còn để tại đó. Nếu nhà nước có những đền tháp, có những tác phẩm điêu khắc, nhưng về đời sống thường ngày của người Chăm, ví dụ: viên gạch, cái chén, cái bát v…v… thì chúng ta cũng có thể tìm thấy tại Trà Kiệu này rất nhiều.
Phát Thanh Viên: Chúng con xin cám ơn Cha! Kính thưa quí thính giả, vì thời gian có hạn nên chúng tôi tạm ngưng tiết mục tìm hiểu về truyền thống Di Sản Lịch Sử Việt Nam tồn tại nơi đây. Nếu quí thính giả muốn đóng góp một bàn tay để xây dựng Nhà Truyền Thống này, xin quí thính giả gởi về địa chỉ: số 2 Nguyễn Trường Tộ, Hội An, Quảng Nam hoặc ở blog: antontruongthang.com. Căn nhà này chỉ tốn khoảng 200,000, tuy trong nền kinh tế khó khăn, nhưng số tiền này cũng xứng đáng để xây dựng một căn nhà rất có giá trị như vậy…Cha có điều gì muốn nhắn gởi với Rađiô Mẹ Hằng Cứu Giúp không ạ?
Cha Antôn Nguyễn Trường Thăng: Tôi là linh mục Antôn Nguyễn Trường Thăng, tôi xin cám ơn các anh chị trong Rađiô Mẹ Hằng Cứu Giúp và tất cả các thính giả.
Cha Phaolô Nguyễn Tất Hải: Vâng xin cám ơn Cha và hẹn cha một dịp khác.
LỜI CÁM ƠN : XIN CHÂN THÀNH CÁM ƠN RADIO ĐỨC MẸ HẰNG CỨU GIÚP, LINH MỤC PHAOLÔ NGUYỄN TẤT HẢI, CHI MAI QUỲNH, CÁC CỔ ĐỘNG VIÊN ĐÃ QUAN TÂM ĐẾN KẾ HOẠCH TRÊN, DÙ “NỬA ĐƯỜNG ĐỨT GÁNH”. XIN CÁM ƠN BA VỊ ĐÃ GỬI 1200 USD CHO CHƯƠNG TRÌNH NẦY…HY SINH CỦA QUÝ VỊ THẤT QUÝ…NHƯNG LM ANTÔN VÀ GIÁO XỨ HỘI AN ĐÃ CHI 100 TRIỆU CHO ĐỒ ÁN VÀ CÁC CÔNG TÁC KHÁC MÀ “KHÔNG CÓ ĐỀN BÙ”. XIN CHÚA TRẢ CÔNG CHO CÁC VỊ. NHƯNG CHÚNG TA KHÔNG BỎ CUỘC, DÒNG TÊN KHU VỰC Á CHÂU ĐANG TÍCH CỰC CHUẨN BỊ.. KHÔNG LẼ CHỈ CÓ DÒNG NẦY THÔI SAO. GIÁO HỘI VIỆT NAM CHẲNG LIÊN HỆ GÌ …?!
TP ĐÀ NẴNG NGÀY 14 THÁNG 10 NĂM 2013.
ĐỢI BÃO NARI, BÃO 11.
Trả lời