VÀNG … CHAMPA,
THỦ ĐÔ SIMHAPURA (TRÀ KIỆU).
Sống trên dải đất Miền Trung, nghèo khó, nhưng từ nhỏ, cậu bé Antôn lại được nghe kể những huyền thoại về sự giàu có sung túc, về những kho vàng Chăm, hay vàng tự nhiên nằm đâu đó. Gần làng An Ngãi Tây, quê hương, có vùng Hòa Bắc ( huyện Hòa Vang, dưới chân núi Hải Vân) thỉnh thoảng lại rộ lên chuyện có người gặp được những miếng vàng cỡ chừng cái “dép Lào”. Đó là vàng thiên nhiên trong vùng núi Bà Nà (Sông Vàng) hoặc Hải Vân. Hai làng Khe Răm và Phường Rác đã được Pierre Poivre cho biết là “les deux villages les plus riches de la Cochinchine” ( hai làng giàu nhất Đàng Trong) trong ký sự năm 1749, sau khi từ Huế về Touron ( Cửa Hàn, Đà Nẵng). Giá vàng rẽ phân nữa giá thị trường. Đại khái, triều đình và người Tàu bán 10 lượng giá 220 quan thì tại đây 10 lượng chỉ có 110 quan.
Trước năm 1970, thầy Antôn lại say sưa nghe ông anh họ Nguyễn Ẩn, trước kia làm cho Công ty Sông Vàng của Pháp kể lại: hồi Nhật đảo chánh Pháp, ông chủ hay người Pháp trong công ty gọi ông và một số công nhân tháp tùng, mang những gói nặng, sau đó ông cho các công nhân lui về. Đến lượt ông, cũng không được đến gần, ông Tây giấu vàng trong khe núi nào đó. Chàng trai thầm mong sẽ cùng ông trở lại vùng nầy sau chiến tranh, tìm vàng. Nhưng ông mất sớm mà chẳng cho sơ đồ kho vàng. Nghe nói năm 1954, sau khi đình chiến, hàng đoàn xe nhà binh Pháp lên vùng Bà Nà, cấm dân chúng đi củi, đi rẩy; có lẻ họ đã chuyển về rồi chăng? Bây giờ, vùng nầy trở thành tài sản riêng của một tập đoàn tư bản. Không ai được vào ra, hay họ lại có ý đồ tìm vàng bạc vùng nầy như cái vị tìm kho vàng tướng Nhật nào đó ở Bình Thuận hiện nay?
Ngày chú tôi, Giuse Nguyễn Tý mừng 50 năm (Kim Khánh) linh mục, cha Tôma Tới, bạn đồng môn kể lại khi làm cha xứ vùng Ba Tháp, Ninh Thuận, cha con vác cuốc đi đào tìm vàng nhưng chỉ thấy đá sỏi.
Cứ thế, những câu chuyện kho tàng vàng bạc cứ dài theo năm tháng, đi vào cả giấc ngủ, Antôn mơ tìm thấy những kho tàng với bao hiện vật chạm khắc bằng vàng, hoa mắt không biết nên chọn món nào vì tất cả đều quý, đều đẹp. Sáng ra tiếc hùi hụi.
CÁC KOSA VÀNG CHAMPA TẠI CÁC VIỆN BẢO TÀNG
.NGUỒN INTERNET
Năm 1975, linh mục Antôn được Bề trên đưa về Trà Kiệu, thành phố Simhapura (Singapore), Sư Tử Thành huy hoàng thời cổ. Chuyện vàng lại tiếp tục. Người ta kể cho biết thời Pháp thuộc: “Tây yêu cầu cha xứ cho họ phá đối Bửu Châu để lấy vàng, sau đó họ sẽ lấp lại hoàn trã”. Rồi chuyện “heo vàng, gà vàng, chạy từng bầy”. Họ kể vanh vách gia đình ông nầy bà nọ được “buồng cau, nãi chuối” bằng vàng y, nhưng thường kết luận sau đó đều chết vì đại nạn. Tôi cố hình dung về “các cây duối trắng”, nơi mà người Chăm từ xa trở về, đào lấy kho tàng cha ông cất giấu. Lại có người ở Hoàng Châu (làng dưới Trà Kiệu) cứ sau một trận mưa giông là tà tà đi lượm vàng cốm.
Lịch sử Vương quốc cho biết, năm 443, đời nhà Đường, tướng Tàu là Đàn Hòa Chi tấn công Kinh đô Lấm Ấp lấy đi 100.000 cân vàng ( gần 50 tấn). Lại đời nhà Tùy, năm 605, tướng Lưu Phương cũng chiếm Chiêm thành lấy đi “18 tượng thần chủ bằng vàng”. Sau đó ông không tìm thấy đường về và chết chìm đâu đó trên Biển Đông.
Nói chung, những huyền sử nạm vàng, lấp lánh suốt tuổi trẻ của linh mục Antôn dù trên thân mình không có một chút vàng nào.
Nhưng rồi vận may cũng tới.
Khoảng năm 1982, lần đầu tôi được phép “Chính quyền cách mạng” cho đi xa …tới tận Sài Gòn, để thăm nuôi ông anh Ý Nhạc “học tập cải tạo” từ năm 1975, tại trại Xuyên Mộc. Khi về lại Trà Kiệu, thấy mọi người lớn bé cuốc, xuổng đua nhau đi tìm “doàn Choàm” (vàng Chàm). Và họ tìm thấy thật.
Chuyện kể rằng có một người thôn Chiêm Sơn Tây, thấy đám sắn (mì) của ông có dấu vết đào bới. Chắc có tên nào ăn trộm đây! Ông rình ban đêm và bắt quả tang người đào. Không xa lạ gì vì cùng quê. Người đó vội phân bua, không ăn trộm sắn mà ăn trộm đất. Ai lại đi ăn trộm đất? Người đó giải bày lý do : số là em lên núi đải vàng, nay trời lụt, không làm được, về nhà ở không cũng buồn nên em thử thời vận bằng cách đi đào ít đất ở vườn sắn của anh, đải thử và quả thật có vàng cám, thế là tối tối em ra đào một ít về đải chứ có ăn trộm sắn đâu.
Câu chuyện lan ra, đất Chiêm Sơn có vàng, thế là cả một “phong trào đào đải vàng” hình thành. Đang lúc bí thế, làm hợp tác xã có mấy cân thóc một ngày, đi đải vàng may ra “trúng mánh”. Có người trúng mánh thật, nghe đâu được “mấy chỉ”. Tin đó được thổi phồng thành “7 chỉ”,”một lượng” … khiến cả huyện Duy Xuyên xôn xao. Công An phải vào cuộc mới dẹp yên.
Từ Sài Gòn trở về, thỉnh thoảng được tin người nầy người nọ trúng vàng ít thì ít phân, nhiều thì một chỉ. Đang nghiên cứu lịch sử Champa, quả là dịp may hiếm có.
Trước hết việc “cải tạo mặt bằng” để Hợp tác xã có thêm đất trồng lúa đã để lộ ra cả một vùng “mặt quỷ”, nhiều vật liệu đất nung, gạch ngói cũng như các thứ gốm bản địa hoặc du nhập từ Đại Việt, Trung Hoa. Linh mục Antôn tha hồ đi “lượm vàng” hoặc mua, được tặng, khiến bộ sưu tập Trà Kiệu theo cách gọi sau nầy của Giáo sư khảo cổ danh tiếng Hoàng Gia Anh Yan Glover “Tra Kiêu Church Collection” (Bộ sưu tập Nhà thờ Trà Kiệu) được nhiều chuyên gia chú ý như Giáo sư Trần Quốc Vượng, Roxanna Brown, John Guy… các sách du lịch của Lonely Planet. Bộ sưu tập đó nay vẫn được lưu giữ tại chỗ Nhà xứ Trà Kiệu. Tiếc rằng không có kinh phí để trưng bày có hệ thống để mọi người có dịp tìm hiểu, tra cứu. Dù sao cũng mừng là có một số sinh viên tốt nghiệp khoa sử … nhờ mấy thứ linh tinh nầy.
Còn vàng thật thì sao … Cũng có, nhưng do tài chánh quá hạn hẹp, mà giá thành lại cao (thật ra rẻ so với vàng thật) nhưng đào đâu ra tiền để mua. Do đó đành ngậm ngùi nhìn chúng tan chảy dưới máy khò thợ vàng phân kim. Tiếc nhất là xấp lá vàng có hình người, hay những cuốn “sâu kèn” bằng vàng trên có ghi những hàng chữ Phạn (Sancrit).
HAI MẶT ĐỒNG DINAR …NHƯNG LÀ VÀNG HAMADAN (IRAN)
Linh mục Antôn đã gồng mình mua được it thứ trong đó quý nhất là đồng Dinar của kinh đô Hamadan (Iran) và một số nhẫn hoặc các chi tiết tạo hình bằng vàng linh tinh, có thể giúp cho các nhà kim hoàn nghiên cứu xuất xứ hoặc giao lưu giữa các vùng miền trên thế giới.
Cũng phải nói ngay một tin buồn là vì quá tin người và mê “khoe của chia xẻ” nên đã bị chôm mất một số nhẫn đẹp nhất có cẩn viên đá hình thoi và nhưng chi tiết trang trí tuyệt đẹp. Thật “xót xa” nhưng biết làm sao được, chỉ mong rằng ai đó “cầm nhầm “ sẽ nâng niu như đương sự đã từng “niu nâng”.
CÁC LOẠI NHẨN VÀ CHI TIẾT.
Nhưng thứ còn lại, tuy không quý giá như các kosa của Bảo tàng Guimet, như Bảo tàng Singapore hay một số “đại gia” Việt Nam khác… nhưng dù bé, bé cũng có cái hay của nó.
XIN MỜI CÁC ĐỘC GIẢ XEM VÀ TỰ KHÁM PHÁ.
RIÊNG LINH MỤC ANTÔN MƠ ƯỚC CÓ MỘT BẢO TÀNG CHAMPA
XÂY DỰNG THEO MÔ HÌNH ĐĨA BAY HIỆN ĐẠI NẦY.
Tưởng rằng cơn bệnh ung thư quái ác khiến linh mục không thể tiếp tục “khoe của Champa” nhưng lợi dụng chút thời gian “còn sức”, linh mục xin gửi đến các bạn yêu văn hóa Champa một vài xẻ chia nhỏ bé.
“Đất Hời, đời hất”, một thanh niên Trà Kiệu, đã chết cách đây trên 25 năm, có ngày đã thốt ra câu trên.
Nghĩ cũng có cái gì hay hay và sự thật trong đó.
Tất cả sẽ qua đi, nếu còn có gì quý hiếm còn lại thì chính là Tình yêu và Văn hóa các dân tộc.
Hãy nâng niu và trân quý !
LM ANTÔN NGUYỄN TRƯỜNG THĂNG.
BVUT ĐÀ NẴNG 3 THÁNG 7 NĂM 2014 ĐỢT HÓA TRỊ THỨ 10.
(Bài viết để cám ơn anh Trần Can và các bạn Champa yêu quý đã gửi lời thăm hỏi.)
Trả lời