ĐÈN CHAMPA TRONG BỘ SƯU TẬP
ÁNH SÁNG MUÔN DÂN
CỦA LINH MỤC GIUSE NGUYỄN HỮU TRIẾT.
LINH MỤC GIUSE NGUYỄN HỮU TRIẾT VÀ BỘ SƯU TẬP SÁCH CỐ.
Bên cạnh những đồ đá, đồ gốm, vàng bạc, người Chăm còn là những người thợ đúc kim loại tài ba.
Tại vùng Amaravati, tức vùng Thuận Quảng sau nầy ( Quảng Bình đến Quảng Ngãi) người ta đã tìm được nhiều hiện vật quý giá bằng vàng, bạc, đồng, chì… Tượng Lokesvara BồTát Đồng Dương hay các Kosa Siva chứng tỏ nghề đúc kim loại Champa đạt đến đỉnh cao nghệ thuật.
Các vị Lokesvara , Bồ Tát Champa.
Tượng Bồ tát Tara tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng. Ảnh : TT.
Thăm bảo tàng Sài Gòn, Guimet Paris, hay Bảo tàng Chăm Đà Nẵng, chúng ta có dịp chiêm ngắm những tác phẩm các vị Bồ Tát bằng đồng hoặc may mắn hơn chúng ta sẽ thấy các Kosa bằng vàng quý giá tại các bảo tàng ngoại quốc hay là quốc bảo trong hầm sâu các ngân hàng Việt Nam. Ngày nay với phương tiện Internet hiện đại, chúng ta cũng xem được những hình ảnh trên qua các bài viết của các tác giả như John Guy và Trần Đình Sơn .
Các Kosa được lưu giữ tại các bảo tàng ngoại quốc hoặc ngân hàng Việt Nam. Nguồn Internet.
Trong thời gian sống tại Trà Kiệu, tôi không sưu tầm được nhiều đồ đồng ngoại trừ một vài món đồ nhỏ trong đó có một phần hình đầu rồng makara mà khi đào được người ta tưởng vàng nên mỗi người một mảnh chia nhau đem đi mất. Một người thử mãi ở khắp các tiệm kim hoàn mà không tìm thấy vàng mới nhường lại cho tôi.
Nhân dịp Hội thảo về linh mục Léopold M. Cadière ở Huế, tôi có dịp chiêm ngắm một bộ sưu tập đèn rất độc đáo mà Ban tổ chức nói là của linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết không rõ là tặng hay cho mượn. Đèn bằng đồng và hình dáng rất lạ và cho rằng đây là đèn Champa.
Ảnh các đèn Champa triển lãm tại cuộc Hội thảo Lm L.Cadiere.
Một số đèn mang hình thần Ganesa ( Thần hình voi ngồi ) . Tôi không tin là đèn Champa lắm vì xem ra chất đồng quá mới…Có thể xuất xứ từ Ấn Độ để dùng trong việc thờ tự của các tín đồ Ấn Giáo tại Việt Nam thế kỷ 19, 20. Nhưng sau đó có một loạt nhiều chiếc đèn được trưng bày mang một phong cách rất lạ và rất Champa.
Cả nước đã biết nhiều về linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết, người đã có công sưu tập nhiều sách quý và nhiều cổ vật. Ngoài ra ngài còn có một bộ sưu tập đèn nhiều thời kỳ và nhiều kiểu dáng lạ lùng. Ngài tiết lộ con số là 1300 chiếc đèn cũ và cổ. Cổ nhất phải kể đến đèn Đông Sơn cách trên 2000 năm; đèn Á Rập, đèn Ấn Độ, đèn Trung Quốc, đèn Pháp…trên vài thế kỷ. Chất liệu thì có cái bằng đất nung, đồng, sứ, thủy tinh. Kiểu dáng cũng da dạng chẳng hạn đèn con Hạc Đông Sơn; đèn con dế , khi đèn sáng hai con dế xòe cánh, đèn biển gió thổi không tắt, đèn xe thổ mộ v.v.
Đèn dế và cào cào.
Được gợi hứng từ một câu Lời Chúa “ Ta là Ánh Sáng thế giới” (Ego Lux Mundi ) trong sách Tin mừng Thánh Gioan đoạn 8, câu 12, ngài đã đặt tên cho bộ sưu tập đèn là “ Ánh Sáng Muôn Dân” ( Lumen Gentium) theo tên Hiến chế về Giáo Hội của Công Đồng Vaticanô2 . Trước đây ngài có ý định tập trung tất cả tại Trung tâm Mục Vụ của Giáo phận Sài Gòn, nhưng do không đủ chỗ trưng bày, Trung tâm chỉ nhận một số ít thôi. Hiện nay hình như xem ra ngài muốn tặng một phần cho Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang, Tổng giáo phận Huế. Xin các đấng ở Huế nên “ nhanh chóng chớp thời cơ, ngàn năm một thưở” nầy. Huế thật có duyên, vừa qua đã nhận bộ sưu tập truyện Kiều với sách, tranh, tượng, đồ gốm và đã được trưng nhân dịp Hội thảo rồi nay lại nhận được đèn nữa. Ước mong các vị hữu trách mời chuyên viên giám định và viết bài giới thiệu cho mọi người cùng được biết giá trị bộ sưu tập truyên Kiều nầy. Truyện Kim Vân Kiều lại là một tuyệt tác thơ lục bát truyền thống Việt Nam , hay đến nổi mà học giả Phạm Quỳnh đã thốt lên những lời bất tử:
” Áng tinh-trung thấp-thoáng dưới bóng đèn, chập-chừng trên ngọn khói, xin chứng-nhận cho lời thề của đồng-nhân đây. Thề rằng: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn nước ta còn , còn non còn nước còn dài , chúng tôi là kẻ hậu-sinh xin rầu lòng giốc chí cố gia-công trau-chuốt lấy tiếng quốc-âm nhà, cho quốc-hoa ngày một rực-rỡ, quốc-hồn ngày một tỉnh-tao, quốc-bộ ngày một tấn-tới, quốc-vận ngày một vẻ-vang, ngõ-hầu khỏi phụ cái chi hoài-bão của tiên-sinh, ngậm cười chín suối cũng còn thơm lây!”
Trở lại câu chuyện đèn, trong một bài báo đã đọc, tôi nghe nói ngoại trừ hải đăng là cha Triết chưa có thôi, các loại đèn khác thì “ lủ khủ” đủ loại từ những chiếc đèn tí hon cá nhân đến giàn đèn chùm trang trí trong nhà thờ hoặc đại sảnh.
Đèn thần Siva. Ảnh do linh mục J.Thiết cung cấp.
Riêng ngài có bộ đèn đồng có thể có nguồn gốc Chăm rất độc đáo. Tại cuộc triển lảm tại Trung tâm mục vụ Huế, tôi thấy có nhiều kiểu dáng rất lạ. Có cái dạng đứng giống bình đựng hương công giáo với hình rắn hổ Naga cách điệu. Nhiều đèn treo rất đẹp với sợi xích đồng chắc chắn và những hình trang trí bắt mắt nói lên niềm tin tôn giáo của dân tộc Champa. Không trực tiếp quan sát mà chỉ xuyên qua tủ kính trưng bày, ánh sáng lại thiếu nên không thể nhìn rõ các chi tiết , dù vậy qua các họa tiết trang trí chúng ta có thể tin rằng đây quả thật là những đèn Chăm cổ. Thời điểm nào : thế kỷ 11-13 theo như các chuyên viên Sài Gòn đã cho cha Triết biết ? Có thể lắm nếu các hiện vật nầy tìm thấy nằm ở vùng Amaravati. Lý do, trước sức tấn công của Đại Việt vào các thế kỷ 10, 11. Người Chăm không thể bảo vệ an toàn kinh đô Simhapura, Sư tử thành Trà Kiệu buộc họ phải di chuyển kinh đô vào miền Viyaya, Bình Định tức thành Đồ Bàn trước thế kỷ 12. Thời gian trước đó , dân tộc Chăm miền Amaravati theo Ấn Giáo và Phật Giáo. Phân tích họa tiết và trang trí trên các đèn không thấy dấu vết Phật Giáo ví dụ như hoa sen rất đặc trưng nhưng chỉ là những tượng thần Ấn Giáo như Ganesa, Siva hoặc các nam nữ thần khác. Họa tiết trang trí như dây leo theo hình rắn naga, đầu hồi với hình khối rồng nước (makara) trang trí các cạnh tháp như Mỹ Sơn rất rõ nét. Nhóm đèn nầy cũng giúp chúng ta hình dung các ngôi nhà Chăm thời xưa. Mái nhà có ảnh hưởng Trung Quốc nhưng ít cong như ở nước Đại Việt mà chỉ hơi cong vào đoạn kết thúc.
Trong các loại đèn, thấy có loại thắp một tim đèn , có loại hai tim, có loại đến 4 tim đèn. Nguyên liệu thắp đèn vào thời chưa có dầu lửa nên phải dùng dầu thực vật. Dầu gì? Dầu dừa? Cây dừa vẫn còn rất xa lạ tại vùng cực Bắc Vương quốc Champa? Dầu mù u? Mù u chỉ phát triển từ thời vua Gia Long? Theo tôi, dầu phụng là nguyên liệu chính dùng để thắp đèn, ảnh hưởng còn kéo dài đến tận thế kỷ 20 tại vùng Quảng Nam cho đến khi được dầu lửa thay thế.
Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết cũng cho những thông tin về một chiếc đèn đặc biệt cũng thuộc di sản Champa, không trưng bày trong cuộc triển lãm tại Huế vừa qua. Về chiếc đèn rất độc đáo nầy có những thông tin như sau:
1. Chất liệu : đồng thau
2. Số đo : cao 30cm – rộng 18cm
3. Niên đại : thế kỷ 11-13
4. Xuất xứ Quảng Nam – Đà Nẵng
5. Tình trạng : nguyên vẹn
6. Miêu tả : máng dầu hình vuông chia làm 4 ô có vách, ngăn như vậy có thể thắp một lúc 4 ngọn, 4 hoa văn ôm 1 bệ hình mái tháp ở trung tâm – Hoa văn hình rắn naga cách điệu.
Một đai treo hình cong giống vòm cửa tháp Chăm, trên đai trang trí hình chim. Điểm đặc biệt nhất là giữa bệ có hình tượng thần Siva cưỡi bò thần Nandin.
Qua bài viết nầy, tôi muốn giới thiệu sơ qua các cây đèn trên với quý độc giả và xin những nhà chuyên môn văn hóa Ấn Độ và Champa tham gia ý kiến. Tôi chỉ là một người yêu văn hóa Chăm rất “ a ma tơ” ( amateur) nghiệp dư nên không thể bàn thêm gì ngoài tầm hiểu biết.
Xin chân thành cám ơn linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết đã dày công sưu tập và giúp cho giáo dân Việt Nam hiểu thêm về đề tài Ánh Sáng Muôn Dân.
Trên trần gian nầy có những vĩ nhân chỉ dám tự xưng mình là ngọn đèn dầu, đèn sáp, ngọc đuốc soi đường…hoặc được người ta tâng bốc là Thần Mặt trời Apollo như các hoàng đế Rôma thời cổ đại, hoặc người thời nay ca tụng, bốc thơm, kể cả nịnh hót là ngọn hải đăng, ngôi sao sáng, minh tinh …Nhưng chưa có một người nào dám tự xưng mình chính là Ánh sáng. Đức Giêsu mới 30 tuổi, gốc thợ mộc trong bài giảng cách đây 20 thế kỷ lại dám tự xưng “ Ta là Ánh Sáng thế giới” ( Ego sum Lux mundi; Je suis la Lumiere du monde, I am the Light of the world). ( Ga. 8.12). Trong đoạn mở đầu cuốn Tin mừng, thánh Gioan Thánh sử cũng khẳng định “ Trong người là Sự sống; và sự sống là Ánh sáng của loài người” ( Ga. 1,4)
Ngày nay cũng như bất cứ thời đại nào ai vào tuổi ấy dám tự xưng như vậy chỉ là kẻ “ a nọt manh” ( anormal) , bất bình thường, tâm thần, “ chạm điện”…Vậy mà hai mươi thế kỷ qua, hàng tỷ người đã bước đi theo nguồn Ánh sáng nhiệm mầu ấy.
Ước mong các cây đèn từ thời thượng cổ cho đến thời đại ánh sáng laser hôm nay, đèn Trung Quốc, Ai Cập, Hy Lạp, Rô Ma, Việt Nam, Champa…cũng bắt nguồn từ nguồn sáng và nguồn sống đó. Là môn đệ của Ánh sáng Chúa Kitô ( Lumen Christi) Phục Sinh , chúng ta cũng được Chúa nhắc nhở phải trở nên Ánh sáng “ Anh em là ánh sáng thế giới. Một thành phố xây dựng trên núi không thể che dấu được. Không ai thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt trên giá đèn để soi sáng mọi người trong nhà. Sự sáng của anh cũng hãy chiếu giải trước mặt mọi người, để họ nhận biết các việc tốt anh em làm mà ngợi khen Cha anh em ở trên trời” ( Matt. 5:14-16 ). Hãy bước đi trong Ánh sáng Chúa, hãy chuyển lửa Tình Yêu Chúa vào lòng nhân loại và tham gia xây dựng một thế giới “ Sự thật , Công lý, Yêu thương, Hòa Bình”
Trả lời