VÔ ĐỊCH … TIỂU CHỦNG VIỆN!
Tiểu chủng viện (TCV) là nơi đào tạo các chủng sinh nhỏ tuổi, các hạt giống linh mục tương lai. Semen tiếng La tinh là hạt giống, seminarium là nơi ươm hạt. Có tiểu tất có đại! Sau khi hoàn tất Tú tài toàn phần dưới thời Việt Nam Cọng Hòa, các tiểu chủng sinh lên Đại Chủng viện. Nôm na, bổn đạo xưa,vào thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, gọi là nhà trường nhỏ và trường lớn .
Vô địch …Tiểu chủng viện là gì?
Không phải là các Tiểu chủng viện tranh nhau cái gì để vô địch. Đây là chuyện riêng của linh mục Antôn. Đúng ra phải nói cho đủ từ “Vô địch sống và học tập tại các Tiểu chủng viện Việt Nam” bà con mới hiểu. Ai vô địch sống và học tập tại các “nhà trường” nầy?
Chính “mỗ” đây hãnh diện vỗ ngực đấy!
Thật không? Ai học tám hay bảy năm ở “nhà trường nhỏ” nầy mà hơn “mỗ” thì xin lên tiếng để “mỗ” nhường lại cho.
Chắc là khó đấy!
Trở về quá khứ 60 năm.
Mùa hè năm 1954, cậu bé Antôn được phép thi gia nhập Tiểu chủng viện Nha Trang, thuộc Địa phận Qui Nhơn. Địa phận Qui Nhơn. Lúc đó chưa có từ “Giáo phận” tuy tiếng La Tinh, Anh, Pháp gì cũng xài chữ diocesis (diocese, diocèse). Địa phận kéo dài từ đuôi Phan Thiết, đầu tỉnh Phan Rang cho đến đèo Hải Vân. Một vùng đất kéo dài trên 500 ki lô mét.
Cậu mới học xong lớp nhì, nói đúng hơn là hai lần lớp nhì, một năm ở quê An Ngãi và sau đó không hiểu vì sao lại tiếp thêm một năm nữa ở trường Hòa Vang, ville de Tourane, nói ngắn là Hàn!
Mấy tháng trước khi thi, cậu ruột Tađêô Nguyễn Hữu Mừng, lúc đó làm cha phó cho cố Vị, Pierre Jeanningros tại nhà thờ Con gà, Hàn (nhà thờ Chính tòa Đà Nẵng hiện nay) để học cách “giúp lễ”.
Ngày thường, cậu phải cuốc bộ từ Chợ Mới, từ nhà Dì Tám, đi dọc theo đường Phan Chu Trinh đến nhà cha sở. Ở đó cậu ghi ra giấy những lời cậu đọc bằng tiếng La Tinh.
“Ách Đê um qui lê ti phi cách, du vên tu têm mê ăm…” (Ad Deum qui laetificat juventutem meam…Đến với Chúa, Đấng làm hoan lạc tuổi xuân xanh con…)
Rồi “ Con phi tê o Đê ô ôm ni bô tên ti, bê a ta Ma ri a xêm be việt gi ni….(Confiteor Deo Omnipotenti, beata Maria semper virgini…Tôi cáo mình củng Đức Chúa Trời phép tắc vô cùng , cùng rất thánh Đức Bà Maria trọn đời Đồng trinh …)
Giúp lễ ngày đó quả là không dễ nhất là kinh Confiteor (Tôi cáo mình) vì sau khi đấm ngực “mê a cun ba, mê a cun ba, mê a mát xi ma cun ba” (mea culpa, mea culpa, mea maxima culpa … lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng) sau “I đê ô pơ rê co” (Ideo precor) (vì vậy tôi xin) ….không khéo lại quay về “lỗi tại tôi” … kiểu “các ké là mẹ kỳ nhông, kỳ nhông là ông kỳ đà, kỳ đà là cha cóc ké” ngay. Dễ bị các “thầy cả” nhẹ thì “lườm”, nặng thì bị “đá hậu”. Ngoài ra phải cẩn thận khi rung chuông nhỏ, rất thú vị nhất là “chuông chùm”, nhưng phải đúng theo nghi thức, nếu không … dễ ăn đòn lắm. Mấy ngày “giúp lễ lần đầu” phải có mấy anh lớn kèm giúp không khác gì các cha trẻ có cha “ách xít tân” (assistant).
Cậu bé Antôn thi vào Tiểu chủng viện Nha Trang những ngày sau đó trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Cậu là ứng sinh duy nhất. Bề trên Chùng viện gửi bài ra và thầy Bửu thân phụ của linh mục Gioakim Lê Quang Hiền tương lai, xé bì thư, ra bài. Chỉ nhớ bài tả gà mẹ cùng đàn gà con và bài chính tả Cặng thứ 6. Bài làm được gửi vào Nha Trang để chấm. Sau đó cậu được nhận vào TCV niên khóa 1954-1955. Tháp từng các anh lớn Biển Đức Nguyễn Tấn Khóa (lớp Seconde), anh Lê Tinh Thông ( lớp Cinquieme), lính mới Giacôbê Nguyễn Thông Phúc được đặc cách vào Cinquieme. Chú Thăng được đưa xuống tàu thủy Hải quân Pháp vào Nha Trang vì đường bộ Tam Kỳ, Đèo Cả thuộc vùng “tự do Việt Minh”. Một chuyến đi đầy kỷ niệm.
1.TIỂU CHỦNG VIỆN NHA TRANG 1954 -1957.
TCV NHA TRANG 22 DUY TÂN.
CHÚ “HEN” TẠI HÒN CHỒNG.
Từ tháng 9 năm 1954 đến mùa hè 1957. Chú Thăng mang biệt danh là “Hen”, tên của một chú gấu “Sơn đông mãi võ’ quảng cáo thuốc dạo. Hôm đó, khi đi “dạo ngày”, sau khi đá bóng tại những bải cát hoang vắng gần ga Nha Trang, trên đường về, trên bãi đất rộng dưới chân Nhà thờ Núi Nha Trang có đoàn quảng cáo với chú gấu thật to. Cố Michel Gervier Lành, Mep, cho phép cả đoàn vào coi. Chú gấu mập ú, có lẻ cả tạ, trổ tài đi hai chân khi chủ hô “Hen hen”. Có lẻ thấy chú Thăng tròn ú ụ, nên chú Nho (sau nầy lên giám mục) lúc đó học lớp Seconde, rất vui tính gán cho chú Thăng ‘học lớp tám (Huitieme) biệt danh nầy.
Những năm tháng ở chủng viện Nha Trang, 22 Duy Tân, nay là Tòa giám mục Nha Trang thật là hạnh phúc. Chủng viện nằm sát biển, cạnh Trường Tây nên thỉnh thoảng được cũng được xem phim ké như Ivanhoe, màu Technicolor, phi ngựa, bắn cung, đánh kiếm, phóng lao thật hấp dẫn. Chuyện chú Thăng ở đây kể không hết nhưng “nổi tiếng nhất” là câu nhận xét của Cha Bề Trên, cố Joseph Clause Hồng Mep mà thầy Soạn sau nầy làm Giám mục Qui Nhơn mỗi lần gặp nhau là nhắc lại “Chú Thăng ngày 24 tiếng (giờ) , chơi 25 tiếng”! Cho thấy chú ấy nghịch ngợm cở nào.
Khi học xong lớp Sixieme chương trình Pháp thì Địa phận Qui Nhơn tách ra một địa phận mới: địa phận Nha Trang. Chú Thăng vẫn vô tư như thường cho đến một hôm linh mục Philipphê Huỳnh Tòa, gốc Quảng Ngãi, gọi lại nhắc bảo. “Chú gốc Quảng Nam , vào xin cha Bề Trên về nhập địa phận Qui Nhơn đi”. Cha Bề trên viện lý là thầy Thọ, anh chú ở trong nầy mà. Chú Thăng thành thật:“nhưng cậu con là cha Mừng ở ngoài đó”. Số phận chú Thăng chuyển sang hướng khác.
2. CHỦNG VIỆN PHANXICÔ BÙI CHU, KHU B. 1957 – 1958.
CHỦNG VIỆN TÂN PHƯỚC, BÀ RỊA.
CHÚ THĂNG BÊN CẠNH CHÚ CHƯƠNG, TAY ĐÚT TÚI.
Ngày tựu trường, Đức Cha Phêrô Maria truyền cho tất cả chủng sinh Qui Nhơn vào Chủng viện Phanxicô, gần trường Nguyễn Bá Tòng, cạnh nhà thờ Huyện Sĩ, đường Bùi thị Xuân.
Ở đây gồm lớp Đệ Tứ trở lên. Chú Thăng học chương trình Pháp, chưa biết ất giáp gì các môn học tiếng Việt, cuối năm lại phải thi Trung học Đệ Nhất cấp, rớt là cái chắc, nên xin tiếp tục lên đệ ngũ. Rủi thay, năm 1954, Tiểu chủng viện Bùi Chu “di cư” nên không có tuyển sinh và do đó niên khóa 1957- 1958, không có lớp Đệ Ngũ.
Đức Cha Phêrô Maria dạy: hay là con xuống Tân Phước học lớp Đệ Lục. Tuy còn nhỏ nhưng chú Thăng thấy học lại chắc ăn hơn nên sẵn lòng chấp nhận. Năm 1957, vùng Bà Rịa còn hoang vu. Từ Bà Rịa đến Tân Phước không có một bóng người. Chú Thăng nhớ xe đi qua những ngọn đồi phủ giây leo, đầy những trái giống như củ nần, khoai tím quê mình. TCV nằm trên một đồi cát cao, chạy song song với bờ biển. Lại được tắm biển, lại được gió mát, điều ấy cũng làm nguôi ngoai nỗi buồn của chú Thăng nói tiếng Quảng Nam “bô gộ” (bao gạo) giữa một trường ‘toàn dân Bùi Chu” … “nòng nợn nuộc” (lòng lợn luộc). Một năm vừa học vừa chơi đủ trò . Lớp Trinh. Thai của chú gồm 60 mươi tên. Sau nầy xa nhau nhưng luôn nhớ nhau … có người lên chức Vít vồ đó là Giám mục Antôn Vũ Huy Chương thân mến.
Một năm chú Thăng tha hồ khám phá thiên nhiên từ các loại cá biển Long Hải Vũng Tàu, các thứ rùa biển, những chùm trứng với mực con vùng vẫy bên trong. Một năm khám phá Rừng Sác, các thư chim, khỉ và các loại cây trái độc đáo. Dấu ấn của những ngày cùng ngư dân di cư đi thuyền kiểu Hạ Long với các cánh buồm nâu kéo lưới thu hoạch nhưng đống cá mòi trắng tươi, béo ngậy.( Bây giờ cá mòi đi về đâu?). Kỷ niệm cắm trại rừng cao su Bình Ba, những chuyến đi Long Hải và những buối bình minh sáng tím đũ màu. Bên cạnh TCV Bùi Chu khu B còn có nhà nghỉ mát của Đức Cha Lê Hữu Từ, Phát Diệm với cái cổng tre thô sơ với ba chữ cái A,T, M. Từ trong nhà đi ra sẽ thất TAM, từ biển đi vào MAT. Được giải thích, đi ra là TẮM, đi vào là MÁT! Một năm nhẹ nhàng trôi qua. Sang năm mới lớp sẽ không còn được ở đây nữa!
3. TIỂU CHỦNG VIỆN PHANXICÔ BÙI CHU DI CƯ KHU A. 1958 -1959.
ĐẠI HỘI THÁNH MẪU TOÀN QUỐC 1958.
LÍNH GỐC QUẢNG NAM … THỨ HAI BÊN PHẢI.
Mùa tựu trường niên khóa 1958 -1959, chú Thăng đi xe đò từ Đà Nẵng mất ba ngày mới tới Sài Gòn. Xe đò không chạy đêm. Từ Đà Nẳng đến Qui Nhơn nhiều cầu như Câu Lâu phải đi phà, đường qua Quảng Ngãi, dấu ấn “tiêu thổ kháng chiến” còn rõ nét. Đường bị đào bới nay được lấp tạm, xe chạy “cà giồng cà giồng” ê cả bàn tọa vì chưa có ghế đệm. Đoạn Qui Nhơn- Nha Trang phải qua bao nhiêu thứ đèo, nôn cả ruột nhưng cảnh quang đẹp vô cùng. Đoạn Nha Trang Sài Gòn buồu hiu vì dân cư thưa thớt nhất là đoạn Phan Thiết, Sài Gòn, rừng lá âm u. Quá mệt, không thể nuốt nổi cơm khô nên món thích nhất là phở, vừa rẻ vừa ngon!
TCV khu A là những căn nhà lầu bằng gỗ dưới những hàng gỗ Teck lá to. Bên cạnh đó là trường Nguyễn Bá Tòng cực kỳ hiện đại. Hàng ngày lớp Đệ Ngũ sang đó học hành với các vị giáo sư sau nầy rất nổi danh như nhạc sĩ linh mục Ngô Duy Linh, linh mục Vũ Đình Trác dạy Việt Văn rất hấp dẫn. Linh mục trẻ Đỗ Quang Chính dạy sử nói thao thao bất tuyệt các con số mà không cần xem sách. Ngài ghi một dấu ấn đặc biệt khiến chú Thăng sau nầy ham mê môn Sử và số năm thì dễ nhớ hơn nhớ số xe, số chứng minh nhân dân, số điện thoại.
Đại hội Thánh Mẫu năm 1958 diễn ra tại Sài Gòn rất long trọng và bài hát Nữ Vương Hòa Bình của nhạc sĩ Hải Linh cũng được phổ biến rộng rãi.
4. TIỂU CHỦNG VIỆN LÀNG SÔNG, QUI NHƠN 1959- 1961.
TCV LÀNG SÔNG TUY PHƯỚC, QUI NHƠN.
XEM CHO BIẾT:
https://www.youtube.com/watch?v=ryN5ccBxoHg
Lần lượt nhóm đàn anh Qui Nhơn lên Đại Chủng viện. Chú Thăng cảm thấy lo âu, không tự tin khi phải đi đường xa cả ngàn cây số một mình. Trong khi đó tại địa phận nhà Qui Nhơn có lớp Đệ Tứ. Chú Thăng gửi thư xin phép và cha Giám đốc Chủng viện Làng Sông chấp nhận cho nhập học niên khóa 1959- 1960. TCV Làng Sông, một địa danh nổi tiếng địa phận Qui Nhơn, nơi có ngôi trường tuyệt đẹp giữa cánh đồng Tuy Phước. Lớp đệ tứ là lớp dầu đàn, năm nay lần đầu đi thi Trung học Đệ Nhất Cấp nên được mọi người quan tâm chăm sóc, kể cả các nữ tu nhà bếp. Bốn lớp từ đệ Thất đến Đệ Tứ học hành, vui sống trong mái trường dưới bóng những hàng sao cao to, rợp bóng mát. Những ngày lụt lội, nhưng đêm bão tố, những cuộc dạo ngày khám phá núi Kỳ Sơn, núi Trường Úc, Xương Cá, đầm Thị Nại v.v ghi những kỷ niệm khó phai mờ. Năm ấy, lớp Đệ Tứ đi thi lần đầu thắng lớn làm động lực cho đàn em noi theo.
5.TIỂU CHỦNG VIỆN QUI NHƠN, PHÂN TRƯỜNG A. 1961 – 1962
VỚI CHA GIÁM ĐỐC HUỲNH KIM LĂNG.
PHÍA SAU LÀ TRƯỜNG KỸ THUẬT QUI NHƠN MỚI XÂY.
Con số các lớp đàn em càng ngày càng đông, TCV Làng Sông không đủ chỗ nên Bề Trên quyết định chuyển các lớp lớn lên thành phố Qui Nhơn, tại địa đểm Đại Chủng viện cũ, may mà còn tổn tại sau phòng trào đập phá “tiêu thổ kháng chiến” năm 1945.
Lúc đầu các vị nêu tên “Khu A, Khu B”, cha Giám đốc, cử nhân Việt Văn rất quý hiếm lúc đó chê là “ chữ khu nghe dơ” và đổi lại: Phân trường A và B. Xem ra khu và phân không xa nhau lắm!
Lại được sống bên bờ biển không xa Ghềnh Ráng, nới yên nghỉ của thi sĩ tài hoa Hàn Mặc Tử. Cuộc chiến chưa leo thang. Qui Nhơn đất rộng mênh mông. Bên cạnh Chủng viện là hai cơ sở lớn cũng vừa được xây dựng Trường Kỷ thuật và Sư phạm. Sau nầy mới biết nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng theo học tại đây tại trường Sư phạm. Niên Khóa 1961 -1962, lớp Đệ Nhị thi Tú Tài, thành công lớn, trừ vài anh em.
6. TIỂU CHỦNG VIỆN PIÔ 12, ĐỊA PHẬN HÀ NỘI DI CƯ 1962 -1963.
SÀI GÒN NE (SAIGONNAIS)… KHÁCH SẠN CARAVELLE 10 TẦNG 1963.Do không đủ giáo sư dạy lớp Đệ Nhất nên niên khóa 1962 – 1963, lóp chú Thăng được điều đi Sài Gòn học tại Chủng viện Piô 12, địa phận Hà Nội di cư, đường Nguyễn Tri Phương, bên cạnh nhà thờ Ngã Sáu.
Linh mục Phêrô Nguyễn Huy Mai làm Giám đốc. Sau nầy ngài là Giám mục tiên khới Giáo phận Ban Mê Thuột. Rất nghiêm nghị nhưng ngài cũng thích chú Thăng, ngài thường giao giấy “stencil” để chú vẽ những hình minh họa cho môn Lịch sử Kinh Thánh. Vùng Chợ Lớn lúc ấy chưa được hưởng nước Sài Gòn Thủy Cục, lấy từ sông Đồng Nai, mà còn xài hệ thống cũ của Pháp để lại. Nước phèn vàng đục, tanh tanh chất sắt, do đó quần áo trắng của chủng sinh mang màu vàng ố. Mỗi khi họp mặt đi kiệu chẳng hạn. Chủng sinh Sài Gòn, Vinh, Bùi Chu … trắng lợp cả góc trời, còn nhóm Piô 12 được mệnh danh “đạo quân áo vàng”. Một năm êm đềm trôi qua với bao nhiêu bạn mới không chỉ Hà Nội, mà còn Vinh, Bắc Ninh.
Tháng năm 1963, nhóm chủng sinh Qui Nhơn về Nha Trang thi Tú Tài Toàn Phần tại Trường thi Võ Tánh.
SĨ TỬ TÚ TÀI TOÀN PHẦN …
TRƯỜNG VÕ TÁNH NHA TRANG 1963.
Trả lời