NHỚ VỀ CHƯ TỘC PHÁI TRÀ KIỆU.
NHÀ THỜ CHƯ TỘC PHÁI TRÀ KIỆU.
NGUỒN INTERNET.
Tháng 6 năm 1975, linh mục Antôn được Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi điều về coi xứ Trà Kiệu, một giáo xứ ngày xưa chỉ dành cho các vị linh mục có vị thế lớn trong giáo phận Đà Nẵng. Nay thời thế đã đổi thay, nên mấy tên “nhí nhí” chưa đến 35 mới được chiếu cố.
Và linh mục Antôn tưởng cả đời sẽ chôn chân tại đó.
Được đào tạo sau công đồng Vatican 2, nên linh mục sẵn sàng lao vào nhiệm vụ mới, một môi trường mới tuy khó khăn nhưng cũng đầy hứng thú, xây dựng tình Chúa , tình người tại một vùng quê nghèo sau chiến tranh.
Dựng xây tình Chúa cho một giáo xứ cựu tòng đang lo âu trước bao vấn đề thời cuộc đã là khó.
Xây lại tình người sau hàng thế kỷ phân ly, lại càng khó hơn.
Trà Kiệu sau biến cố 1885, bao ly tán; 100 năm thực dân Pháp, nhiều vấn đề; cuộc chiến kéo dài từ 1947 – 1975, thêm mắc mứu.
Con biết làm sao đây? Tôi biết làm gì đây?
Rồi một ngày không xa sau khi đất nước thống nhất, linh mục nhận được giấy mời các tộc phái công giáo Trà Kiệu tham dự lễ tế xuân tại nhà thờ chư tộc phái Trà Kiệu do cụ Nguyễn Thành Thục gửi đến.
Cụ Nguyễn Thành Thục là đại diện chư tộc phái Trà Kiệu Ngũ xã.
Dù vào thời điểm còn nhiều thành kiến và nghi ngờ nhưng linh mục cảm thấy an tâm và thuyết phục một số các vị đứng đầu tộc phái công giáo Trà Kiệu tham dự.
Đây là lần đầu vào một không gian mà giáo lý công giáo ngày xưa cho là nơi “thờ lạy ma quỷ bụt thần”, phải xưng tội, nhưng nay may nhờ Hội đồng giám mục miền Nam đã xin Tòa Thánh “giải oan” qua các văn bản 1965, 1974, nên cảm thấy an tâm.
Trong tiếng chinh cổ trầm hùng, các chủ tế, bồi tế thực hiện các lễ nghi truyền thống rất nghiêm trang qua từng bước chân, từng việc bái lạy, rót nước, rượu…và đọc văn tế, đốt văn tế…, rất chân thành, sốt sắng, trang nghiêm.
Các vị tộc trưởng Trà Kiệu và linh mục Antôn tham dự “thụ động” nghĩa là khoanh tay đứng im. Lễ tất, thấy không lẻ đã đến đây mà không có lời nào với ông bà , anh em không công giáo sẽ nghĩ gì, nên linh mục mạnh bạo xin góp vài lời về giới răn hiếu thảo của Đạo Chúa, sau đó đọc kinh cầu hồn “ Ớ Chúa tôi, tôi ở chốn thẳm sâu kêu…”. Sau nầy, linh mục nghĩ rằng tổ tiên ông bà chắc nay…đã lên thiên đàng nhiều rồi…nên thay vì kinh cầu hồn là những đoạn Kinh Thánh liên quan đến hiếu thảo trích từ các sách như Huấn ca.
Những năm sau đó linh mục Antôn và chư tộc phái Trà Kiệu thường gặp rắc rối vì việc tế tiền hiền “xuân thu nhị kỳ’, bị địa phương cho liên quan đến chỉ thị 297 về tôn giáo. Không ít lần phải bị lập biên bản vì “phạm pháp”. May thay đến khoảng năm 1985, giáo sư Trần Quốc Vượng dẫn sinh viên Khoa Lịch sử đến nghiên cứu vùng đất nầy về văn hóa Champa, lẫn lịch sử…Chúng tôi than thở và xin giáo sư gặp các cơ quan chính quyền giúp “gở rối tơ lòng” giải độc . Kết quả tốt đẹp khi các vị lãnh đạo cơ quan thấy đây không phải là việc “tuyên truyền dị đoan mê tín” mà là truyền thống tốt đẹp “sông có cội nước có nguồn” là sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Thời gian sau đó Xã và Hợp tác xã Duy Sơn tham gia giúp đở phương tiện trong các dịp lễ, rồi vật liệu xây dựng giúp chư tộc phái Trà Kiệu “thừa thắng xông lên” sửa chữa lại nhà thờ tộc, mở đường cho 65 tộc họ Trà Kiệu vùng lên xây dựng nhà thờ tộc mình. “Phong trào” nầy sau đó lan ra khắp tỉnh Quảng Nam.
Từ kinh nghiệm những ngày tháng đó, linh mục Antôn “ngộ” ra vai trò tộc họ trong xã hội Việt Nam vô cùng quan trọng. Đây là nơi tụ hội để mọi người biết tôn trọng nhau, dung hòa những gì khác biệt có thể dẫn đến bất mãn, chia rẽ…để vượt qua chướng ngại đi đến đồng thuận.
Thật vui, khi thấy các thành viên trên 70 tộc họ mới cũ, với các tôn giáo, tín ngưởng khác nhau hoặc tuyên bố vô thần (nhưng nhà vẫn có nồi hương) cùng người công giáo quên đi chuyện cũ chung tay xây dựng quê hương điêu tàn sau chiến tranh. Nhiều gia đình thuộc tộc Đoàn gốc Trà Kiệu nối lại tình thâm ruột thịt bị gián đoạn qua thời gian với miêu duệ Đoàn Công Nhạn, Đòan quý phi tức Hiếu Chiêu Hoàng hận, Bà Chúa tơ tằm, mẹ Dũng lễ hầu Nguyễn Phước Tần.
Ngày 2 tháng 11 và ngày Mùng hai Tết Âm Lịch, hay các ngày đại lễ công giáo, nhà thờ Trà Kiệu vui mừng đón các vị đại diện chư tộc phái đến sum họp và chung vui. Tình làng nghĩa xóm vì thế được gắn kết và những vụ việc mất đoàn kết của giới trẻ mới lớn bồng bột như gây gổ đánh nhau vì dành gái, hăm dọa nhau… hay những chuyện tương tự dễ gây thương tổn đến cộng đồng cũng được các tộc trưởng gặp gở nhau giải quyết hay răn đe.
Sau bao năm chinh chiến, gà cùng một mẹ đá nhau, đánh nhau, giết nhau, làm khổ nhau vì bao lý do…nay các vị còn sống, cọng sản cũng như quốc gia lui về làng hưu trí, họ quên đi chuyện hôm qua để dồn sức xây dựng tộc họ, qua đó cũng đóng góp xây dựng sự đoàn kết ngoài xã hội. Những ai còn cố tình khoét, đào sâu sự bất hòa quá khứ, họ thật không xứng đáng với tổ tiên quê hương nầy.
Duy Xuyên nói chung và Ngũ xã Trà Kiệu gồm hai xã Duy Trung và Duy Sơn có trên 70 tộc họ mới cũ. Có điều hay là ngoài các nhà thờ tộc riêng họ cùng có chung một nhà thờ cho dành cho Chư tộc phái. Trước đây họ Mạc tức Nguyễn Trường con cháu Mạc Cảnh Huống, có con dâu là công chúa Maria Madalêna Ngọc Liên , vợ của tướng Trấn Biên Dinh Phú An (Yên) Nguyễn ( Mạc) Phúc Vinh. Vì là khai quốc công thần nhà Nguyễn Phước nên tộc nầy có riêng một nhà thờ nhưng nay bài vị cũng về sum họp với các tộc họ khác tại đây.
NGÀY HỘI CHƯ TỘC PHÁI.
Chúng ta thử đọc các thông tin sau đây trên Internet.
“Thời gian dần trôi, hơn 400 mẫu đất được khai hoang, làng mạc được hình thành xã Trà Kiệu ra đời, lúc này thuộc huyện Hy Giang, phủ Thăng Hoa. Kinh tế phát triển, cư dân khắp nơi quy tụ về đây. Tính đến năm 1661 (triều vua Lê Huyền Tông), đã có 63 tộc phái được khắc tên trong Kim bảng – bài vị thờ tại tiền hiền Ngũ xã Trà Kiệu. Ruộng đất (công điền, công thổ, tư điền, tư thổ) khoảng trên 1.325 mẫu, được ghi đầy đủ vào sổ bộ lập từ thời Gia Long, dày đến 840 trang. Vì thế, Trà Kiệu là xã lớn ở tỉnh Quảng Nam (nhất Trà Kiệu, nhì La Qua, ba Tú Tràng). Đến năm Thành Thái thứ mười tám (1906), để dễ bề kiểm soát, chính quyền phong kiến chia Trà Kiệu ra thành 5 xã nhỏ: Trà Kiệu Trung, Trà Kiệu Đông, Trà Kiệu Tây, Trà Kiệu Nam và Trà Kiệu Thượng. Tuy nhiên, các lễ cúng tế tổ tiên vẫn giữ nguyên như lúc chưa chia cắt nên danh xưng Ngũ xã Trà Kiệu ra đời từ đó. …
Nhà thờ Tiền hiền Ngũ xã Trà Kiệu được xây dựng vào thời vua Lê Hy Tông niên hiệu Chính Hòa (1680), được xây mới lại vào năm 1955, sau khi bị chiến tranh tàn phá. Nhà thờ hiện ở trên vùng đất thuộc hai xã Duy Sơn và Duy Trung, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam; cách tỉnh lộ 610 khoảng 200 mét về hướng Tây Nam. Đây là nơi thờ 13 vị thủy tổ của 13 dòng tộc từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình cùng vào khai khẩn vùng đất này và lập nên Trà Kiệu xã, được triều đình xưa ban sắc phong “Trà Kiệu tiền hiền khai cơ”.
Nhà thờ tọa lạc trên một mảnh đất rộng lớn, mặt xây về hướng đông bắc, chung quanh có tường rào bao bọc. Lối vào là một cổng chính, hai cánh cửa gắn vào hai trụ đá, được trát bằng vôi, xây theo kiểu cuốn thư, có hai câu liễn bằng chữ Hán: “Trà địa phong quang, nhiễu hậu tào sơn chung tụ khí/ Kiệu phong cảnh sắc, chiêm tiền sài thủy dẫn văn lang”. Nối liền hai trụ cổng có một tấm biển làm bằng chất liệu vôi khắc 3 chữ “Triệu tổ tự”, chung quanh có chạm khắc công phu.
Nhà thờ Tiền hiền Ngũ xã Trà Kiệu xây theo kiểu ba gian, hai chái theo hình chữ nhất (一), dài 10,15m, rộng 11m, với 20 cây cột được liên kết bằng những vì kèo với các đầu kèo được chạm trổ khá công phu theo dáng đầu rồng. Tất cả các cấu kiện của nhà thờ đều làm bằng gỗ. Tường xây bằng gạch, trát vôi; mái lợp ngói âm dương và trên nóc được trang trí long lân quy phụng.
Bên trong nhà thờ có 5 bệ thờ. Chính giữa là bàn thờ Hội đồng; tả hữu liền kề thờ liệt tổ; tiếp hai bên liền kề thờ các vị tiền bối và hiền triết trong chư tộc họ. Vào trong nữa, qua một vòm cửa uốn cong, trên một phiến đá, là bàn thờ chính điện thờ 13 vị khai canh khai cơ, 1 vị khai quốc công thần là thủy tổ tộc Nguyễn Trường, 4 vị thứ thế tiền hiền. Bên tả chính điện thờ 13 vị hậu hiền, bên hữu thờ 7 vị hậu hiền của làng Trà Kiệu Thượng. Tất cả những bệ thờ này đều xây bằng gạch trát xi-măng, quét vôi và trang trí các hoa văn họa tiết rất trang trọng và thẩm mỹ.
( Đăng :Thứ hai – 10/01/2011 10:11 – Người đăng bài viết: Hoàng Duy Xuyên)
TRÀ KIỆU THƯỢNG THEO ĐẠO CÔNG GIÁO
TỪ THẾ KỶ 17.
CÁC GIỚI CÔNG GIÁO CHỜ GIỜ KHAI MẠC
LỄ HỘI ÔNG BÀ.
Về phía giáo dân Trà Kiệu cùng chung tiên tổ chỉ khác biệt về đức tin, anh Duy Trà Phạm Cảnh Đáng nghiên cứu khá kỹ về Giáo xứ Trà Kiệu cho biết những thông tin:
“Ranh giới Trà Kiệu như sau:
– Nam khóa Tào sơn (Nam trùm núi Hòn Tàu)
– Bắc cự Sài thủy (Bắc đạp sông Chợ Củi (Câu Lâu)
– Ðông lâm Quế hạt (Ðông giáp khu đông Quế Sơn)
– Tây chấm Tùng sơn (Tây gối núi Dương Thông)
Trước hết là tập “Nguyên Trà Kiệu ngũ xã phong tặng Tiền Hiền sự tích Chủ Văn bảng tổng hợp Nhất Quyển” được thiết lập vào năm Khải Ðịnh nhị niên (1917) tại Trà Kiệu ngũ xã, do Lý trưởng của 5 xã Trà Kiệu lúc bấy giờ (Trà Kiệu Thượng – Trung – Tây – Nam – Ðông) ký nhận và đóng dấu, được Chánh tổng Mậu Hòa Trung ký tên và đóng dấu xác thực, đồng thời được con cháu của các chư tộc ký nhận. Các bảng báo trình này đã được nhà vua (Khải Ðịnh) phê duyệt, và ban sắc phong công đức.
Nội dung tư liệu này có 2 phần:
– Phần đầu là phần do chính quyền sở tại Lý trưởng báo trình chung về công đức của các vị tiên tổ đã dày công khai hoang vỡ hóa, chiêu dân lập ấp, để xây dựng nên xã Trà Kiệu Thượng (tức Giáo xứ Trà Kiệu ngày nay). Theo bảng kê khai thì có 11 chư tộc, trong đó có 7 tộc tiền hiền từ thời Lê Hồng Ðức và 4 tộc hậu hiền từ thời Gia Long.
* 7 tộc tiên tổ thời Lê Hồng Ðức ghi theo thứ tự như sau:
1. Lưu Văn Tâm
2. Nguyễn Thanh Cảnh
3. Nguyễn Quang Hoa
4. Nguyễn Ðăng Ứng
5. Ðinh Công Triều
6. Lê Văn Càng
7. Nguyễn Viết Bỉnh
* 4 tộc hậu hiền từ thời Gia Long ghi theo thứ tự như sau:
8. Phạm cảnh Tộc
9. Nguyễn văn Tộc
10. Trần Tộc
11. Ðoàn công Tộc
Các vị tiền hiền hậu hiền Trà Kiệu Thượng đã khai canh khai khẩn được 221 mẫu ruộng, cả công tư điền thổ, và thứ thế sinh hạ nhơn đinh tráng lão 157 người.
– Trong phần thứ hai là 11 bảng kê khai công đức Tiền hiền và phả hệ chư tộc cũng như sinh hạ kế thế của 11 chư tộc kể trên. Các bảng kê khai này do chính con cháu trong tộc họ mình tự đứng ra kê khai.
Theo bản khai trình thì có 7 vị tộc tổ của xã Trà Kiệu Thượng (Giáo xứ Trà Kiệu) trong đó có 5 vị nguyên là con cháu của 13 vị thủy tổ khai cơ tiền hiền từ thời Hồng Ðức (Lê Thánh Tông, 1470 – 1479): Lưu Văn Tâm, Nguyễn Thanh Cảnh, Nguyễn Quang Hoa, Nguyễn Ðăng Ứng và Ðinh Công Triều. Họ là những người địa phương, đã định cư tại Trà Kiệu từ trước kia và nay vì theo đạo Chúa nên tách ra, lên ở riêng trên Nội Thành Chiêm.
Còn 2 vị tộc tổ Lê Văn Càng và Nguyễn Viết Bỉnh thì đã có đạo rồi nhưng ở nơi khác cùng đến (thời Lê Thần Tông) ở chung với 5 vị tổ mới theo đạo. Tất cả 7 vị đến lập cư tại Nội Thành Chiêm, cùng thuộc bổn xã Trà Kiệu, để sinh sống, xây dựng nguyện đường để đọc kinh cầu nguyện. Ðoạn văn trong tờ khai trình đã viết:
“Chi Lê Triều Thần Tông niên gian, dân xã chư tộc tiên tổ thủy tổ Lưu Văn Tâm, Nguyễn Thanh Cảnh, Nguyễn Quang Hoa, Nguyễn Ðăng Ứng, Ðinh Công Triều, Lê Văn Càng, Nguyễn Viết Bỉnh (do Lê văn, Nguyễn viết nguyên phụng Thiên Chúa giáo) tòng Thiên Chúa giáo, biệt lập giáo đường lễ sở tại bổn xã nội thành xứ:.
Nghĩa là: “Ðến đời Lê Thần Tông (1619 – 1643) có các tộc tổ của xã là: Lưu Văn Tâm, Nguyễn Thanh Cảnh, Nguyễn Quang Hoa, Nguyễn Ðăng Ứng, Ðinh Công Triều, Lê Văn Càng, Nguyễn Viết Bỉnh (vì Lê văn, Nguyễn viết nguyên đã thờ phụng Thiên Chúa) theo đạo Công Giáo, nên lên xây dựng Thánh đường riêng biệt để lễ bái, tại nội thành Chiêm, cùng thuộc bổn xã”. Chữ “Tòng Thiên Chúa giáo” ở đây là dành riêng cho 5 vị ở trên.
Ðồng thời chúng tôi cũng sưu tìm được một trang thủ bút quý hiếm của Linh mục Lalanne (cố Lân), Cha quản xứ Trà Kiệu (từ năm 1922 – 1938) về việc chính thức công nhận các vị tiền hiền của Giáo xứ Trà Kiệu. Ðó là bản viết tay của Linh mục Joseph Lalanne, xác nhận về các vị “Tiền hiền làng Trà Kiệu”, có chữ ký và con dấu của Lý trưởng Nguyễn Thanh Hương xác thực. Bản xác nhận này được viết vào ngày 2 tháng 7 năm 1925 tại Giáo xứ Trà Kiệu và có nội dung như sau: (xem thêm bản gốc)
“Tiền hiền làng Trà Kiệu là:
1. Lưu Văn Tâm.
2. Nguyễn Thanh Cảnh.
3. Nguyễn Quang Ba (Hoa).
4. Nguyễn Ðăng Ứng.
5. Ðinh Công Triều.
6. Lê Văn Càng.
7. Nguyễn Viết Bỉnh”.
Theo Duy Trà Phạm cảnh Đáng
http://www.memaria.org/default.aspx?LangID=38&tabId=468&ArticleID=21538 |
ĐOÀN RƯỚC KIỆU THƯỢNG.
ÔNG ĐỊA..MANG ÁO LỄ SINH!
À, CÓ CON HEO QUAY VÀNG ỬNG!
CÔNG GIÁO NHƯNG ĐÂU CÓ BỎ ÔNG BỎ BÀ.
MẸ CHỊ CÔNG GIÁO…XINH NHƯ RỨA!
LINH MỤC ANTÔN CHUNG VUI VỚI CHƯ TỘC PHÁI TRÀ KIỆU.
Mười bốn năm qua mau, cuối năm 1989, sau lễ Giáng Sinh, linh mục Antôn chính thức rời vùng quê Trà Kiệu, bịn rịn nhất là khi chia tay với các bô lão chư tộc phái Trà Kiệu, vì biết rằng sẽ khó gặp lại nhau. Lần lượt các vị đã về với tiên tổ nhưng công khó các vị thật lớn, khi chiến tranh chấm dứt, cùng nhau gắng sức xây dựng lại tình làng nghĩa xóm và tộc họ sau bao tang thương đổ nát trên quê hương và trong lòng người.
Năm 2005 , kỷ niệm 530 các tiền hiền khai cơ, ngũ xã Trà Kiệu nhận di tích cấp tỉnh. Năm 2010, kỷ niệm 530 năm nhà thờ Chư tộc phái Trà Kiệu nhận bằng Di tích cấp quốc gia.
Đây là dịp lễ hội lớn của bà con ngũ xã .
Cha ông đã nằm xuống , con cháu tiếp tục tiến lên.
Hãy làm rạng danh quê hương và tiên tổ chư tộc phái, hỡi các bạn trẻ Trà Kiệu!
SG 11 tháng 8 năm 2012.
LM ANTÔN NGUYỄN TRƯỜNG THĂNG.
Trả lời