“ HÃY NHỚ MÌNH LÀ BỤI TRO!”
NHỚ LẠI CUỘC VIẾNG THĂM HẦM MỘ PARIS.
THÁP EIFFEL VỀ ĐÊM. NGUỒN INTERNET.
Paris giàu, Paris đẹp, Paris thơ mộng, hào nhoáng …
Paris , Thủ đô Ánh sáng.
Nhưng cũng có một Paris buốn, Paris nghèo, Paris bóng tối…
Paris hầm mộ.
Tôi nhớ mãi một buổi chiều thu, sau giờ học ở Phân Khoa Thần học Tin Lành gần ngục La Santé, tôi trở lại Metro Denfert- Rochereau để về nhà.. Lá thu xào xạc dưới chân!
Bổng nhiên, tôi thấy có một số bạn trẻ đang tụ tập mua vé tham quan một địa điểm nào đó. Tôi qua lại đây nhiều lần mà sao không thấy cảnh nầy.
Tò mò, tôi tiến lại gần và thấy người ta đang mua vé tham quan Les Catacombes de Paris, Hầm mộ Paris. Paris cũng có hầm mộ à.
Thấy còn sớm và cũng rảnh, tôi xếp hàng mua vé, vào thời đó giá khoảng trên 30 Phật lăng ( francs) ( 1996), nay qua thông tin mạng trên 7 Euros.
Tôi là người đi sau cùng. Chúng tôi xuống một thang sắt cuốn khoảng 30 thước sâu dưới đất. Càng lúc càng tối. Nhóm người đi trước mất hút. Theo ánh sáng lờ mờ của một đường hầm, trong im lặng tuyệt đối, chỉ nghe tiếng thở và nhịp tim, tôi tiến tới một cổng đá, giật mình nổi da gà vì hàng chữ chạm trên đá.
“ Hãy dừng lại, Đây là Đế quốc tử thần” ( Arrete ! C’est ici l’empire de la Mort).
Và rồi trước mắt mình là những hành lang dài . Hai bên đầy xương xẩu và đầu lâu.
Thành phố Lutecia ( Paris) nầy đã hiện diện trên hai ngàn năm . Bao thế hệ qua đi, đã sống và đã chết, chết già bình thường hay vì tai nạn, bệnh tật, chiến tranh, dịch tể, xương xẩu có thể chất chồng không phải “ bằng đầu” (Đống xương vô định đã cao bằng đầu . Nguyễn Du – Kiều ) mà phải nói thành núi.
Thời Trung cổ, thành phố đầy dẫy nghĩa trang. Qua các biến động lịch sử, các trận dịch, đặc biệt cách mạng Pháp 1789, người ta cho đập phá các nghĩa địa vì nhiều lý do. Rồi người ta quy hoạch, chỉnh trang lại thành phố theo những phương án mới. Hài cốt bị vất lung tung.
Nhận thấy trước đó dưới lòng đất Paris có nhiều mỏ đá đã khai thác xong và bỏ hoang, nên nhiều người có tấm lòng tốt đã yêu cầu nên dùng những nơi đó làm nơi yên nghỉ cho những người chết vô danh kia.
Ai là vua? Ai là quan? Ai là quý tộc? Ai là dân thường? Ai khôn và ai dại? Ai sắc nước hương trời và ai xấu xí dị dạng?
Chỉ còn lại đây là cái hộp sọ, là những khúc xương cánh tay, cẳng chân. xương sườn, chật chồng như củi mục, là những đốt xương sống bỏ ngổn ngang? Năm hay sáu triệu bộ xương như thế tại các hành lanh lang hầm mộ nầy. Bất giác tối nhớ đến câu thơ :
Ôi nhân sinh là thế ấy.
Như bóng đèn như mây nổi như gió thổi , như chiêm bao!
Trong xa lộ tử thần nầy, người ta cũng gắn những câu trích của các danh nhân kim cổ, nhắc cho khách tham quan chân lý ngàn đời : con người trước sau rồi cũng chết! đừng ảo tưởng!.
Sau đây là một số trích đoạn.
Trước hết là những câu thơ của thi sĩ Lamartine không rõ trích từ bài nào, quá hay, xin tạm dịch :
Cứ như thế , tất cả qua đi trên trái đất.
Tinh thần, sắc đẹp, duyên dáng, tài ba.
Mong manh tựa một cánh hoa.
Mà cơn gió thoảng đủ rơi rụng.
Đời hoa cũng giống ta thôi.
Như bụi tro, đồ chơi của gió.
Mỏng giòn thay nhân loại
Yếu ớt tựa hư vô!
Lamartine.
” Ainsi tout passe sur la terre
Esprit, Beauté, Grâce, Talent
Telle est une fleur éphémère
Que renverse le moindre vent.”
“Ils furent ce que nous sommes
Poussière, jouet du vent ;
Fragiles comme des hommes.
Faible comme le néant!”
Lamartine.
Một câu khác trích từ Ngụ ngôn của Jean Baptiste de La Fontaine, từ ngụ ngôn “ Lão tiều phu và thần chết”. Lão tiều kêu khổ, đòi chết, Tử thần xuất hiện, lão lại sợ chết. Cụ Nguyễn Văn Vĩnh dịch thơ như sau
“Le trépas vient tout guérir
Mais ne bougeons d’où nous sommes
Plutôt souffrir que mourir
C’est la devise des hommes”.
”Đành chết là hết nợ,
Sao mà ai cũng sợ?
Mới hay bụng thế-gian
Khổ mà sống còn hơn!”
Ngươi quay phía nào cái chết cũng rình chờ
De quelque coté que tu te tournes la mort est aux aguets.
Hãy tin đi rằng mỗi ngày đối với ngươi là ngày cuối cùng
Croyez que chaque jour est pour vous le dernier. Horace.
Hãy lo xếp đặt của cải vì ngươi sẽ chết đó. Và rằng ngươi không thể sống mãi
Disposes de tes biens parce que tu mourras. Et que tu ne peux toujours vivre.
Phúc cho ai luôn đặt giờ chết trước mắt và ai tự bố trí để chết mọi ngày
Heureux celui qui a toujours devant les yeux l’heure de sa mort et qui se dispose tous les jours à mourir.
Sau khi về đến nhà, tôi sực nhớ mình đã la cà cả giờ trong một ngôi mộ mênh mông. Ghê quá!
Tôi để tất cả đồ đạc ngòai phòng, lo đi tắm rửa , thay áo quần sạch sẽ trước khi vào phòng riêng.
Hóa ra cái chết cũng chẳng đáng sợ lắm.
Nay bạn, mai tôi.
Có thế thôi.
Và những lời Chúa trong Kinh Thánh và lời các thánh cũng vang vọng:
Quid fuisti? Quid est? Quis eris?
Pulvis es!
Ngươi đã là gì? Đang là gì? Sẽ là gì?
Ngươi là tro bụi!
( Thánh Bênađô Clairveaux)
Ventus est, vita mea ! Job 7,7.
Là cơn gió, đời sống tôi! Sách Gióp 7,7.
Terra, terra, terra, audi sermonem Dei! Jer.22,29
Đất, đất, đất, hãy nghe Lời Chúa! Tiên tri Giêrêmia 22,29.
Nhân ngày thứ tư Lễ Tro , Giáo hội bỏ tro lên đầu, nhắc lại một chân lý bất biến: con người ai không chết? Nhân sinh tự cổ thùy vô tử
Nếu có dịp đến Paris, xin đừng quên Hầm mộ trên.
Một bài học thực tế minh họa cho lời Chúa hôm nay.
Hởi người, hãy nhớ mình là tro bụi, một mai sẽ trở về bụi tro! Sáng Thế 3,13.
Sau khi thăm Đế quốc Tử thần, chúng ta sớm nhận ra thế trần phù vân, ảo ảnh nhưng đồng lúc biết quý sự sống hôm nay và giá trị cuộc đời mai hậu mà Thiên Chúa hứa sẽ tặng ban. Courage! Can đảm lên!
Hội An, ngày Phụ nữ 8- 3- 2011, áp lễ Tro 2011.
Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng.
HẦM MỘ BẰNG XƯƠNG CỐT CỦA CÁC TU SỈ PHAN SINH. CHẾT ĐẸP!
Trả lời