CHIẾN ĐẤU VÀ CHIẾN THẮNG.
SUY NIỆM NHÂN NGÀY
LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ 01 -11- 2010.
Linh mục Girolamo Moretti thuộc dòng Phan sinh, gốc Ý, là một chuyên viên khoa chiết tự ( graphology) rất thời danh. Graphologie có nguồn từ gropho ( chữ Hy Lạp là γραφή ( chữ viết) và logos ( logos , lời nói ) Lời nói từ chữ viết là một khoa học chuyên phân tích để phỏng đoán tình tình, khuynh hướng tự nhiên của chủ nhân những chữ viết ấy. Ngày nay lên mạng Internet, chúng ta có thể xem hình ảnh và các tác phẩm của ngài bày bán bằng nhiều loại ngôn ngữ, chứng tỏ ngài rất nổi tiếng trong ngành khoa học nầy. Từ năm 1905 cho đến 1952, năm ngài cho ấn hành cuốn sách “ I Santi dalla scrittura, Các thánh qua chữ viết”. Cuốn sách được nhiều người đón đọc vì thế nó được nhanh chóng dịch ra các ngôn ngữ khác. Tại Pháp, sách Le vrai visage des saints révélé par leur écriture ( Khuôn mặt thật các thánh hiển thị qua chữ viết) do nhà xuất bản Casterman ấn hành bằng Pháp Ngữ, gồm 249 trang, năm 1960. Bản tiếng Anh The saints through their handwriting ( Chư thánh qua thủ bút) , phát hành lần đầu năm 1964. Công trình trên ra đời sau khi cha Moretti đã nghiên cứu đến 300.000 trường hợp. Nhờ các kinh nghiệm tích tụ và trực giác bén nhạy, cha đưa ra những nguyên tắc để phỏng đoán tính tình, khuynh hướng của nhân vật mang nét bút đó. “ Đời người qua nét bút” như đại khái đề tựa loại sách nầy tại Việt Nam nhiều khi đi quá xa và bị xếp vào loại tử vi, bói toán, xét xem hậu vận, định mệnh đời người. Điều nầy chẳng ai kiểm chứng được.
Linh mục G. Moretti OFM.
Vào năm 1914, giáo sư sử gia Clemênti giao cho ngài một bút tự yêu cầu nghiên cứu giùm. Ngài phân tích và nhận thấy chủ nhân bút tự nầy có “ triệu chứng nhu nhược và khuynh hướng trả thù’. Sử gia cho biết đó là chữ viết của thánh Giuse Cupertinô, quan thầy các phi công, phi hành gia ( 1603- 1663) vì nghe nói ngài thường có ơn “khinh công” ( bay lơ lững ). “ Lạy Chúa tôi, nguy hiểm quá” ngài sợ hãi vì phải chăng mình lầm lẩn nhưng giáo sư trấn an là những nhận xét trên đi sát với những kết quả nghiên cứu của ông về tiểu sử vị thánh nầy.
Thấy vậy giáo quyền giao cho ngài chữ viết tay của 58 vị thánh, không cho biết danh tánh sợ bị ảnh hường tâm lý. Phân tích các bút tự nầy xong , ngài đâm lo sợ, trong vòng ba năm không còn dám đụng đến chuyện ” bói chữ’ nầy nữa. Nhưng các vị thẩm quyền yêu cầu cứ tiếp tục và có lẻ từ nhưng kết quả phối kiểm giữa khuynh hướng bẩm sinh và thực tế cuộc sống các thánh, sau 40 năm nghiên cứu cẩn thận, vào năm 1952, sách mới được xuất bản..
Thánh Giuse Cupertinô khinh công!
Ôi thôi, thật đáng sợ, chỉ có 3 vị thánh xem ra thanh sạch, trong trắng đó là các thánh nữ Margarita, Gioan Berchmans và Piô 10, còn lại 55 vị cũng đầy khuynh hướng tính mê nết xấu “ gớm ghiếc” lắm. Đây là khuynh hướng, nghiêng về ( tendances, inclinations ) chứ thực tế ..không phải “ dzậy” , xin “ đọc kỷ kẻo lầm”.
Tiến sĩ Thiên thần Tôma Aquinô O.P.
Thử điểm qua một số vị thánh lừng danh nhân đức.
Thánh Tôma Aquinô, vị tiến sỷ thiên thần thế kỷ 13, thông minh có thừa nhưng nét chữ tốn cáo hơi “ thiên về nhục dục, vô tiết độ…có thể dẫn đến chuyện lạc đạo”.
Thánh Phanxicô Khó Khăn Assidi “ thích khen tặng, ưa tư lợi”.
Đấng sáng lập Đại đội Chúa Giêsu ( Compagnie de Jesus)
tức Dòng Tên: thánh Inhaxiô Loyola.
Thánh tổ Inhaxiô, Dòng Đức Chúa Giêsu ( Dòng Tên) có “ khuynh hướng độc tài, dễ hờn , dể tức, muốn được đề cao”.
Thánh Anphongsô, đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế khuynh hướng “ tâng mình lên tức kiêu ngạo, háo danh, “ ưa bày tỏ sự cả sáng mình ra”, “ thấy kẻ thù địch thua cuộc thì lấy làm vui , làm thích”.
Thành Philipphê Nêri hơi nghiêng chiều về “ kinh doanh, áp phe”.
Thánh Vinhsơn Phaolô, tồng đồ người nghèo, bác ái nổi tiếng có thể “ láu cá, họ..lưu, mưu mô, quanh co”.
Thánh Gioan Bosco, vị tồng đồ giới trẻ, sáng lập dòng “ Xa lê diên” ( Saledien) oanh liệt như thế mà ôi thôi “ thiếu thành thật, ưa thủ đoạn, gài bẩy người ta”.
Thánh Phanxicô Xaviê “ oai hùng biết mấy” mà không có ơn Chúa thì “ ưa cô đơn .. ưa đám con cháu bà Evà, tức dính bén nữ giới”.
Còn các thánh nữ thì sao?
Đôi mắt chết người của kiều nữ xứ Avila, Thánh Têrêxa Mẹ.
Thánh Têrêxa Mẹ tức Avila “ đa tình, dám quấy động nhiều ông bỏ đàng lành lắm”. Chuyện đời vị thánh nầy hình như cũng chứng minh sự ấy. Số là có ông cha nọ “quyến luyến cô kia quá sức”, Têrêxa trổ tài chiêu dụ, khiến vị kia mê mệt nghiêng về đối tượng mới là ngài, đành “ phụ bạc” nàng kia . Kết chuyện: sau đó Têrêxa đưa “ ông nội” về đàng lành.
Duyên dáng, chết trẻ như thánh Têrêxa Hài Đồng mà cũng có hướng “ ưa nghĩ đến cái tôi, ưa được khen và nguy hiểm hơn là nịnh bợ Bề ..“tờ rên”. ( Nguyệt san Nhà Chúa số 30, tháng 12 năm 1972 trang 54 đến 65)
Đoạn nầy tôi theo tác giả Nhà Chúa mà viết lại , mà vị nầy chắc cũng căn cứ vào sách nói trên, nên xin các thánh và các độc giả cho tôi “ không dám chịu trách nhiệm” về những gì ghi trên đây.
Dù sao chuyện các thánh mới có khuynh hướng chớ thực tế không có vậy. Việc nầy có nhằm nhò gì đâu so với ông thánh bắt đạo Phaolô, vị thánh chối Chúa lừng danh Phêrô, liên quan đến phụ nữ hoặc nam giới như Augúttinô, Madalêna…trộm cướp lộng hành chuyên nghiệp như kẻ trộm…lành!
Do đó, đã là người thì “ nhân vô thập toàn” là cái chắc. Khi đọc hạnh Các thánh mà chỉ nghe những lời xông hương ngào ngạt …thấy cũng hơi khó tin như ngày nay người ta ca tụng lãnh tụ nầy nọ. Rồi từ đó đâm ra tự ti “ như vầy mình nên thánh sao cho đặng”.
Do ác quả của tôi nguyên tổ, con người dễ dàng tuột dốc hơn là trèo dốc. Nghiêng về sự ác, sự tội hơn là điều thiện, đàng lành. Bên cạnh xác thịt là tên “nội tuyến”, lại còn thêm thế gian và ma quỷ nữa. Trước những “ thế lực đen tối” trên nếu không có ơn Chúa “ thì ai nào đứng vững được”.
Nhưng tin tưởng vào lời thiên thần “ không việc gì mà Chúa không là được”. Bám víu vào lời Chúa trong Hiến pháp Nước Trời là Tám mối phúc thật( Matthêô 5,1-12) mà Giáo hội Việt Nam diễn đạt qua Phúc thật tám mối:
Thứ nhất: ai có lòng khó khăn, ấy là phúc thật, vì chưng nước Đức Chúa Trời là của mình vậy.
Thứ hai: ai hiền lành, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được đất Đức Chúa Trời làm của mình vậy.
Thứ ba: ai khóc lóc, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được yên ủi vậy.
Thứ bốn: ai khao khát nhân đức trọn lành, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được no đủ vậy.
Thứ năm: ai thương xót người ấy là phúc thật, vì chưng mình sẽ được thương xót vậy.
Thứ sáu: ai giữ lòng sạch sẽ ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được thấy mặt Đức Chúa Trời vậy.
Thứ bảy: ai làm cho người hòa thuận, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời vậy.
Thứ tám: ai chịu khốn bạn vì đạo ngay, ấy là phúc thật, vì chưng nước Đức Chúa Trời là của mình vậy.
Đây là cẩm nang của “ lò luyện thánh”!
Các thánh có danh, có quê hương gốc gác đã đành mà còn hàng hàng lớp lớp các vị thánh rất xa lạ với chúng ta đến từ các châu lục. Các thánh ghi tên sổ bộ Giáo hội nhưng còn bao nhiêu vị khác trong đó có tổ tiên, ông bà cha mẹ, bà con cô bác, anh chị em, bạn bè ; có khi là vợ, là chồng, là con cái trong gia đình. Các thánh đã được rửa tội và các thánh chưa biết Tin mừng Chúa, nhưng ăn ngay ở lành theo tiếng lương tâm vẫn được Chúa cứu chuộc như trường hợp tổ tiên ông bà Việt Nam chúng ta thời chưa biết đạo thánh.
Họ từ đâu mà tới?
Bài đọc thứ hôm nay trích từ sách Khải Huyền của Thánh Gioan.
“Tôi đã nhìn thấy đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng. Họ đứng trước ngai vàng và trước mặt Con Chiên, mình mặc áo trắng tinh, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô rằng: “Kính lạy Thiên Chúa chúng tôi, Đấng ngự trên ngai vàng, và Con Chiên”.
Rồi một trong các trưởng lão lên tiếng hỏi rằng: “Những người mặc áo trắng này là ai vậy? Và họ từ đâu mà đến?” Tôi đáp lại rằng: “Thưa ngài, hẳn ngài đã rõ”. Và người bảo tôi rằng: “Họ là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên”.
“ Đau khổ lớn lao mà đến” như vậy làm thánh đâu phải dễ. Đây đâu phải là cuộc đi bộ nhẹ bước trên đường rải thảm hoa mà phải qua đường thánh giá, là qua cổng hẹp, là phải từ bỏ.
Các văn thi sĩ nhắc nhở:
Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả.
Anh hùng hào kiệt có hơn ai.
( Giả sử tiền đồ tận di thản
Anh hùng hào kiệt giã dung thường. Chí sĩ Phan Bội Châu)
Đường đi khó không vì ngăn sông cách núi , mà khó vì lòng người ngại núi e sông. ( Nguyễn Bá Học)
Qua các câu chuyện trên chúng ta nhận ra rằng rất ít người “ nên thánh bẩm sinh” mà nên thánh phải nghe lời thánh Phaolô khuyên như xưa ngài đã nhắc nhở Timôthêô
“Hỡi người của Thiên Chúa, hãy theo đuổi đức công chính, lòng đạo hạnh, Đức Tin, Đức Ái, đức nhẫn nại, đức hiền lành. Con hãy chiến đấu trong cuộc chiến đấu chính nghĩa của Đức Tin. Hãy cố đoạt lấy Sự Sống đời đời mà con đã được kêu gọi tới và cũng vì đó, con đã mạnh dạn tuyên xưng Đức Tin trước mặt nhiều nhân chứng”( Tm 6, 11 – 12).
Nói chung nên thánh là do biết lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành. Là dựa vào lời cầu nguyện, là hy sinh hảm mình, là biết sám hối… là quyết chiến , quyết thắng. Trong các việc ấy, sám hối là quyết định “ then chốt” ! Hình như có 99.9% các vị trở thành thánh đi con đường nầy!
Thánh Phaolô trong thư gửi Giáo đoàn Êphêsô ( Eph 6:10-20) ngài mô tả cuộc chiến thiêng liêng qua hình ảnh người chiến binh thời cổ:
10 Sau cùng, anh em hãy tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Người.
11 Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ.
12 Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao.
13 Bởi đó, anh em hãy nhận lấy toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa; như thế, anh em có thể vận dụng toàn lực để đối phó và đứng vững trong ngày đen tối.
14 Vậy hãy đứng vững: lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính,
15 chân đi giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an;
16 hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần.
17 Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa.
18 Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi.
Ông kia bà nọ nên thánh tại sao tôi không? ( Thánh Augúttin )
Không nên thánh thì đi đâu?
Các em công giáo ngày xưa ưa chơi trò : Thiên Đàng Hỏa Ngục.
Thiên đàng hỏa ngục hai quê
Ai khôn thì về ai dại thì sa.
Đêm nằm tưởng Chúa, nhớ Cha
Dọc kinh lần hột kẻo sa linh hồn.
Ơn gọi cuộc sống trần thế không phải là trò chơi, thế nào cũng được, mà là một cuộc chiến đấu giữa hai bờ sinh tử với kết quả là hạnh phúc hay khốn khổ đời đời.
“ Vì thế, tất cả mọi người trong Giáo hội đều được kêu gọi nên Thánh, như lời Thánh Tông đồ dạy: « Vì Thiên Chúa muốn anh em được thánh hóa » (1Th 4,3; x. Eph 1,4); sự thánh thiện này của Giáo hội luôn được biểu lộ và phải được biểu lộ qua những hoa trái ân sủng mà Thánh Thần đã kết sinh nơi các tín hữu; sự thánh thiện ấy được diễn tả dưới nhiều hình thức nơi tất cả những ai đang cố đạt tới Đức Ái trọn hảo trong bậc sống của mình trong khi xây dựng kẻ khác. Đặc biệt hơn, sự thánh thiện đó tỏ lộ trong việc thực hành các lời khuyên, quen gọi là lời khuyên của Phúc Âm. Nhờ Chúa Thánh Thần thúc đẩy, nhiều Kitô hữu thực hành các lời khuyên ấy với tư cách cá nhân hoặc trong những lối sống hay bậc sống đã được Giáo hội công nhận; việc thực hành đó mang lại và phải mang lại cho thế giới một bằng chứng và một mẫu gương rạng ngời về sự thánh thiện của Giáo hội”.
( Lời kêu gọi Mọi Người Nên Thánh, Hiến chế ‘Ánh sáng muôn dân’ (Lumen Gentium) Đoạn V, 39)
“ Vì thế, mọi Ki tô Hữu đều được kêu mời và có bổn phận nên thánh theo bậc sống mình” ( Lumen Gentium V , 42)
Các Thánh Tử Đạo Corea.
CÁC THÁNH ĐANG CỔ VŨ : “ CỐ LÊN, CỐ LÊN”!
LẠY CÁC THÁNH NAM NỮ NGỰ TRÊN TRỜI.
XIN PHÙ HỘ GIÚP CON CHÁU CHIẾN ĐẤU VÀ CHIẾN THẮNG.
Ngày vinh quang các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam. Rôma 19-6-
Hội An, ngày 01 tháng 11 năm 2010
Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng.
Trả lời