NHÀ Ở CỦA LINH MỤC ALEXANDRE DE RHODES
VÀO THỜI ĐIỂM Á THÁNH ANRÊ RANRAN ( PHÚ YÊN)
BỊ BẮT, Ở HỘI AN, ( BÀI III)
SÓNG NƯỚC MÊNH MÔNG CỬA ĐẠI HỘI AN.
XA XA PHÍA ĐÔNG LÀ CÙ LAO CHÀM.
HÒA NÔNG : ĐIỂM CƯ TRÚ CỦA
LINH MỤC ALEXANDRE DE RHODES TẠI HỘI AN.
Sau hai bài viết về Nhà linh mục Alexandre de Rhodes ở đâu, một số bạn đọc nóng lòng muốn biết ngay địa điểm, nhưng do quá bận rộn trong dịp Đại lễ Giáng Sinh 2011, tôi không thể đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, cũng để có thời giờ “chiêm niệm” thêm và “nhâm nhi” hạnh phúc vì sự phát hiện nầy.
Việc sở hữu những bản đồ xưa với tỷ lệ phải nói là rất khó đối với dân thường. Lý do các bản đồ nầy chỉ lưu hành trong quân đội các bên tham chiến: Pháp, Nhật, Trung Hoa, Mỹ, Việt Nam Cọng Hòa, Cọng Hòa Miền Nam Việt Nam, hay Việt Nam Dân Chủ Cọng Hòa Miền Bắc….Dân thường mà có những tấm bản đồ nầy thời chiến tranh dễ bị quy chụp đủ thứ tội ngay. Do vậy công việc truy tầm địa danh càng lúc càng khó khi biến động chính trị, hành chánh, chiến tranh hoặc thiên tai làm biến đổi tên gọi, địa hình, khiến ngay cư dân sở tại cũng không còn nhận ra nói chi đến những kẻ xa lạ.
Bây giờ về Sài Gòn, đến Đà Nẵng… giới trẻ chỉ thấy đường với những tên lạ hoắc và nhà cửa chen chúc lô xô…Nếu hỏi thế hệ “tuổi teen” Sài Gòn về : Chú Ía, Chuồng Chó, Bà Quẹo, Tàu Hủ, Cầu muối…chắc các em sẽ trả lời “nô…biết” ngay. Thành phố Sông Hàn “đổi mới” không lâu mà Ngã Ba Cai Lang, Cầu Vồng, Đò Xu, Hà Khê, Phước Mỹ, Mỹ Thị… những trẻ lớn lên tại địa phương cũng không rõ nói chi dân nhập cư. Ngay một cái tên mà các nhà quản lý đô thị cũng không quan tâm viết cho đúng, chẳng hạn Dung Quất hay Vũng quít ( vũng quả quít theo bản đồ Taberd)? Tại Đà Nẵng, bài viết trên sách báo và bản hướng dẫn khi thì Tiên Sơn lúc lại Tuyên Sơn??? Tiên và Tuyên khác nhau một trời một vực! Vài thập niên nữa, các nhà “nghiên cứu”tương lai lại tranh cải chí chóe “ai đúng ai sai” cho coi! Hãy biết “giật mình” để biết trân trọng quá khứ!
Trở lại địa danh Hóe nong.
Những cuộc chiến tranh tàn phá và tiêu hao giữa các Chúa Trịnh, Nguyễn và Tây Sơn cuối thế kỷ 18 khiến dân chúng hai tĩnh Nam Ngãi (Quảng Nam và Quảng Ngãi) chết gần nữa dân số nên khi hòa bình được lập lại nhiều người không còn nhớ đến gốc gác tổ tiên, làng xứ do những biến động hình thể đất đai và tộc họ. Đại đa số giấy tờ đất đai vùng Quảng Nam thuộc về triều Minh Mạng, Tự Đức…tức là khi Nhà Nguyễn đã cũng cố lại được cơ đồ. Tìm được những giấy tờ thời Tiền Nguyễn rất khó. Phố cổ Hội An trên 400 năm…nhưng ngoài các ngôi mộ, khó tìm gặp một di tích chính gốc trước năm 1774, năm Tây Sơn nổi loạn và đại quân Chúa Trịnh tràn vào. Sau lưng các cuộc đại thắng là điêu tàn, hoang phế, đói khổ, thất học. Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn ghi nhiều tư liệu về Quảng Nam thời Tây Sơn, nhưng là một Quảng Nam sau khi bị giết, đốt, cướp, phá…bởi nhiều đội quân. Đọc lại phúc trình của linh mục Habout có mặt tại chổ mới thấy chiến tranh khủng khiếp tại vùng nầy ác liệt như thế nào.
Bên cạnh chiến tranh, những trận bão lụt qua nhiều thế kỷ cọng thêm tác động của con người đã làm nhiều dòng chảy và đất đai biến dạng. Sông Chợ Củi (Sài Giang) danh tiếng Caciam ( Kẻ Chiêm, kẻ Chàm) bị bồi lấp đã khiến Dinh trấn Quảng Nam không còn giữ được thời vàng son. Vua Minh Mạng chuyển thành sang La Qua và nếu không có cụ Phạm Đình Khiêm trong khi truy tìm sử liệu về thầy giảng Anrê Phú Yên phát hiện ra thì có lẻ cũng không còn ai nhớ đến Dinh trấn xưa.
Con sông Đế Võng và nhiều sông nhỏ vùng Hội An có lẻ cùng chung một số phận do tác động “bên lở bên bồi”.
Trong khi truy tìm địa danh Hóe nong, tôi chỉ thấy hai chữ Hạ Nông hay Tổng Hạ Nông. Nhưng Hạ Nông nầy lại nằm về hướng Bắc Vĩnh Điện và không có sông ngòi quan trọng nào chảy qua khu vực. Rắc rối thật.
Tưởng rằng đã “bó tay chấm cơm” nhưng một ngày trên màn hình vi tính, khi dò lại các làng của Hội An trên tấm bản đồ của người Pháp trước năm 1954 tôi thấy hiện ra hai chữ Hòa Nông phía dưới Hội An, gần Cửa Đại. Tôi dụi mắt xem lại và tự véo mình một cái để xác nhận là mình không có mơ ngủ không? Mừng ơi là mừng! nhưng cũng tự trấn an là phải cẩn thận kẻo…mừng hụt. Một địa danh in sai , có thể lắm. Rất may tôi lại có hình một bản đồ khác cũng của Pháp và tên Hòa Nông lại được in rõ ràng, cũng tại địa điểm nầy.
Hòa Nông đọc theo giọng Quảng “Hù òa nông” sẽ rất gần với từ Hóe nông mà thầy cả Luy Đương ghi lại. Cũng có thể là để tránh úy một nhân vật quan trọng nào đó trong nhà Lê hoặc nhà Tiền Nguyễn chữ hòa đọc trại thành huề. Ngày nay người miền Nam sông Gianh vẫn nói chữ hòa thành huề như “ huề cả làng”, “huề” thay vì hòa khi đánh cờ.
HOA NONG (THANH CHAU NAM) KHÔNG DẤU. TÀI LIỆU BẢN ĐỒ 1.
HÒA NÔNG (THANH CHÂU NAM) CÓ DẤU. TÀI LIỆU 2.
Gần đó là làng Sơn Phô trong địa danh cũ hay Sơn Phong ngày nay. Chữ Sơn như muốn nói một điều gì, gò hay rừng vào thế kỷ 17. Tôi cho rằng khu vực nầy khá quan trọng vào thời nầy, nơi đây chính là bến tàu hoặc khu phố người Nhật. Các cha dòng Tên chọn khu vực nầy vì họ có trách nhiệm với giáo dân gốc Nhật Bản định cư ở đây và người Bồ Đào Nha thường neo đậu thuyền gần đó. Giả thuyết nầy càng mạnh hơn khi tại khu vực nầy linh mục Jam Baptista Sanna SJ lập nhà thương vào đầu thế kỷ 18 và mất và chôn cất tại đây năm 1726. Bên cạnh có một ngôi mộ linh mục khác vô danh mà tôi nghi là mộ cha Francisco de Pina mất, cùng dòng mất một thế kỷ trước
Để so sánh địa điểm ghi trên bản đồ xưa và thực trạng hiện nay là “chuyện nhỏ như con thỏ” nhờ Google Earth. Xin cám ơn thời đại chúng ta, thời đại toàn cầu hóa , thời đại không gian bỏ ngõ…khỏi can tội làm gián điệp.
HỘI AN THEO MỘT TÀI LIỆU VỆ TINH.
Tôi xin trao lại những khám phá nầy cho mọi người để chúng ta có thể viết lại một cách chính xác khu vực mà gần 400 năm trước các tu sĩ Dòng Tên đã sinh sống bên cạnh cộng đồng giáo dân Nhật Bản và Bồ Đào Nha.
Sau phát hiện nầy, nhân ngày quy tụ các người quản lý gần 1395 di tích thành phố Hội An và các lãnh đạo di sản, ngày 30 tháng 12 năm 2011 vừa qua, tôi đã xin các vị cho thông tin về địa danh nầy.
May mắn thay có mấy vị đã cung cấp những thông tin hấp dẫn.
THUYỀN TIẾN VỀ CẦU CẨM NAM. ĐÂY LÀ VÙNG LÀNG HÒA NÔNG.
ĐỂ ĐẾN BẾN ĐÒ BẠCH ĐẰNG HỘI AN NGÀY NAY.
Nhưng đó là câu chuyện điền dã tìm hiểu mà tôi sẽ sớm thực hiện và sẽ được chia xẻ trong một bài kế tiếp.
LM ANTÔN NGUYỄN TRƯỜNG THĂNG
HỘI AN NGÀY 3 THÁNG 01 NĂM 2011
Trả lời