CACHÃO, KẺ CHÀM, NƠI THẦY GIẢNG ANRÊ PHÚ YÊN TỬ ĐẠO NẰM Ở ĐÂU?
Ảnh từ vệ tinh của Wikipedia khu vực Cacham (Thanh Chiêm, Phước Kiều). Nguồn Internet.
Trong ba bản tường trình cách nhau chỉ vài tháng, từ tháng 8 đến tháng 10 năm 1644 của linh mục Alexandre de Rhodes, của cha Gaspar do Amaral, và của thầy Antonio de Torres, đã có ba cách viết khác nhau về Cacham. Cha Alexandre de Rhodes ghi là Cachão, cha Amaral viết Cacchão, còn thầy Antonio ghi Cacham. Như vậy, tùy thời điểm mà địa danh nầy ghi âm khác nhau. Bức thư viết năm 1624, được linh mục Roland Jacques OMI phân tích, xác nhận tác giả là linh mục Francisco de Pina, ghi là Cachaõ, chỗ khác Cacham. Ngoài ra, nhiều tài liệu thế kỷ 17, ghi kiểu khác như Dinhciam, Caciam, Kecham, Dinhcham… Cha Alexandre de Rhodes trong văn bản tiếng Pháp ghi là “la ville de Cachan” hoặc “la ville de Cham”. Chữ “ville”, thành phố, tức ngài muốn nói đến một địa điểm quan trọng, khác biệt với những làng mạc chung quanh. Linh mục Louis Chevreuil MEP, dọn đường cho Đức cha Lambert de la Motte, năm 1664-1665, trong tường trình ghi khi “ville de Cacham” (thành phố Cacham), lúc khác “province de Cacham (tỉnh Cacham). Người Việt và Trung Hoa gọi vùng nầy là Chiêm Thành, Thanh Chiêm, Dinh Chàm, Kẻ Chàm, Chiêm Thượng (theo Chu Thuấn Thủy), Dinh trấn Thanh Chiêm… Ngày nay nhiều làng vây quanh mang tên Triêm Đông, Triêm Tây…., nhưng nếu đã có Chiêm Thượng thì theo “logic” các làng vây quanh Đông, Tây, Nam, Bắc phải có cùng gốc Chiêm. Đơn cử, Kiệu Thượng (giáo xứ Trà Kiệu hiện nay) có Kiệu Đông, Kiệu Tây, Kiệu Trung, Kiệu Nam vây quanh, lập thành Ngũ Kiệu. Quanh Phú Thượng có Phú Trung, Phú Hạ… Theo nhiều tài liệu cổ nước ngoài, các làng gần Hội An ghi là Chiembaong, Champho, nhưng nay chỉ nghe Kim Bồng, Cẩm Phô, Cẩm hà, Cẩm Thanh v.v… Muốn xóa nhũng gì liên hệ đến Champa là một việc, nhưng không dễ loại trừ tất cả, những từ Trà như Sơn Trà, Trà Quế, Trà Nhiêu, Trà Kiệu…, từ Bà (Poh tiếng Chăm là Ngài ) Bà Rén, Bà Thân (Hà thân), Bà Nà, Cồn Bà… hoặc chữ Chiêm như Chiêm Sơn, Phú Chiêm… ra khỏi quê hương Đất Quảng. Dấu ấn Champa vẫn còn đó với Thánh địa Mỹ Sơn, Sư tử Thành (Simhapura Trà Kiệu), Đại chiêm hải khẩu (Hội An), tháp Bằng An, cù lao Chàm, Đồng Dương, Chiên Đàn (hay Chiêm Đàn ?)…
Trước năm 1306, đây là vùng đất nầy thuộc Vương quốc Champa. Vua Chế Mân đã trao tặng vùng Châu Ô, Châu Lý cho vua Trần Anh Tông như sính lễ để rước Công Chúa Huyền Trân về kinh đô Đồ Bàn.
Xưa nay nhiều tác giả tranh luận với nhau trên phương diện chữ nghĩa nhiều hơn là bằng chứng lịch sử khảo cổ.
Hai tác giả đặc biệt chú trọng đến Dinh trấn Thanh Chiêm Bàn là Nguyễn Phước Tương và Ngô Văn Minh, hai ông đưa ra hai giả thuyết khác nhau để xác nhận dinh trấn nằm bên nầy sông Thu Bồn (Điện Bàn) hay bên kia Thu Bồn (Duy Xuyên). (Xem Tạp Chí “Xưa và Nay” số 320 và 331).
Là một người cũng chẳng am tường lịch sử địa phương, cũng chẳng là chuyên viên khảo cổ, nhưng với cái nhìn nghiệp dư, sau khi tìm hiểu sơ bộ, tôi cho rằng Dinh Chàm không ở đâu khác ngoài vùng đất Thanh Chiêm, Phước Kiều nầy.
Trước hết, khu vực quanh Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Du ngày nay và trong làng Phước Kiều còn rất nhiều viên đá sa thạch đặc trưng mà dân tộc Chăm ưa sử dụng trong xây dựng. Hãy xem viên đá lớn hiện đang nằm tại Đền thánh An Rê Phú Yên tại Phước Kiều và các viên đá nằm rải rác quanh các bờ rào trong làng. Loại đá nầy không thể tìm thấy tại các làng xã thuần Việt. Nhưng cũng có thể chúng được di chuyển từ các vùng khác đến vì chúng là “động sản”?
Một trong hai giếng đá tuyệt đẹp tại Phước Kiều. Photo Trường Thăng.
Đúng thế, nhưng chúng tôi có thêm bằng chứng “bất động sản”. Đó là những giếng mang dấu ấn Champa. Quanh khu vực Dinh trấn xưa và Phước Kiều vẫn còn đó nhiều giếng đá, giếng gạch, giếng vuông thật đẹp. Phía Đông nhà thờ Phước Kiều, khoảng 100 mét, có một giếng trên tròn, dưới vuông, nước trong xanh, vẫn còn được sử dụng. Ngoại trừ phần bờ giếng do gia chủ xây để tránh tai nạn, phần dưới hoàn toàn là dấu ấn Champa. Cách đó không xa, tại gia đình tộc Huỳnh, gốc Mạc, lại thêm một giếng đá nguyên vẹn. Phải chăng đây là nền nhà của Tướng Nguyễn Phước Vinh con trai trưởng của Mạc Cảnh Huống? Vì là khai quốc công thần nhà Tiền Nguyễn nên được ban quốc tính “Nguyễn Phước”. Ông Mạc Cảnh Vinh vì thế mang họ Nguyễn Phước. Gia phả họ Mạc Trà Kiệu (Mạc-Nguyễn) ghi rõ chức vụ “Thượng tướng quân Cẩm Y vệ”, Đô chỉ huy sứ, Chưởng vệ sự Chưởng trấn biên dinh, Phó tướng kiêm phò mã Thanh lộc hầu Nguyễn Phước Ban. Chánh thất là Nguyễn thị Ngọc Liên”. Không còn nghi ngờ gì nữa, Mađalêna Ngọc Liên, con Chúa Nguyễn Phước Nguyên, một cột trụ của giáo hội Đàng Trong là chánh thất của ông. Ông về hưu và trú tại Kẻ Chàm, ngày 26 tháng 7 năm 1644. linh mục Alexandre de Rhodes đã đến cầu cứu ông can thiệp để Ông Nghè Bộ tha cho thầy Anrê Phú Yên, nhưng ông đã về hưu, lại sợ liên lụy vì triều đình lưu ý đến những thành phần trong nhà ông ( phải chăng bà Ngọc Liên?) nên đã thoái thác. Đoạn văn trong bản tường thuật thứ nhất của cha Alexandre de Rhodes như sau :” Khi thấy rằng không thể làm được gì hơn ở chỗ Ông Nghè Bộ, chúng tôi bắt đầu thử chạy đến với nguyên Tổng trấn, vợ ông là một Kitô hữu nổi tiếng, để xem ông có thể cứu được mạng sống cho thầy giảng Anrê tốt lành chăng. Nhưng chúng tôi thấy rằng ông già đáng thương này quá khiếp nhược đến mức không muốn xen vào chuyện này, ông nói: “Xin quý vị xét xem, nếu Ông Nghè Bộ đến đây, và nếu quan ấy dựa vào mệnh lệnh mà quan mang về từ triều đình! Chính tôi, tôi cũng sợ nhà vua ra lệnh chặt đầu tôi nữa là”. Ông nói điều đó vì vợ ông cũng là Kitô hữu, và bởi vì hôm trước, Ông Nghè Bộ đã cho người đến bảo ông phải coi chừng gia đình mình, có lẽ ông ám chỉ đến những Kitô hữu khác.”
Phía Nam nhà thờ Phước Kiều, bên kia con lạch, khoảng 50 mét, lại có một giếng đá hoàn chỉnh khác. Quanh khu vực còn nhiều giếng xây gạch đẹp không kém, nhưng không minh chứng được gốc Chăm vì giống giếng Việt. Với chương trình điện khí hóa, nhiều gia đình trang bị giếng đóng, máy bơm, nên họ bỏ hoang hoặc lấp dần nhiều giếng quý. Tôi nghe nói bên cạnh miễu phía Đông Nam nhà thờ Phước Kiều, khoảng 80 mét, có một giếng vuông nhưng khi bê tông hóa đường nông thôn, người ta đã lấp. Thiết nghĩ, các nhà khảo cổ và các cơ quan văn hóa nên vào cuộc để bảo vệ, trùng tu và ngăn cản việc xâm hại các di tích nầy. Trong chương trình du lịch, thăm giếng cổ cũng là một tiết mục khá hay.
Giếng hình vuông không xa nhà thờ Phước Kiều. Phot Trường Thăng.
Có điều đáng nói là ngày nay người địa phương đóng giếng rất sâu nhưng nhiều giếng không dùng được vì nhiễm phèn nặng. Trái lại, hàng ngàn năm trước đây, người Chăm lại có thể đào các giếng rất cạn mà nước lại rất ngon. Vậy ai văn minh hơn ai?
Riêng với người công giáo chúng ta, không còn nghi ngờ gì nữa, Dinh Chàm là chính nơi đây, địa điểm mà linh mục Francisco de Pina mua ngôi nhà rường của bà Gioanna làm nhà thờ đầu tiên dành cho người Việt. Tại khu vực nầy ngài tham khảo kinh nghiệm bên Nhật Bản, Trung Quốc để ghi âm và sáng chế chữ quốc ngữ, giúp đất nước ta tiến bộ nhanh chóng vào khoảng năm 1621. Nơi đây thầy Anrê và sau đó nhiều Kitô hữu lấy máu đào chứng minh đức tin. Còn phải kể đến cậu bé 13 tuổi ở Dinhcham, đã làm cho cha Alexandre de Rhodes thán phục và sau nầy là một đại gia, một cột trụ giáo hội Đàng Ngoài, tên cậu là Raphael Rhodes. Cũng cần nhắc đến ông Anrê già, người cùng bị bắt với Á thánh Anrê. Ngoài ra có Công chúa Mađalêna Ngọc Liên, người Mẹ giáo đoàn Quảng Nam và Phú Yên cùng thời với Mađalêna Minh Đức, Mẹ bảo trợ giáo đoàn Thuận Hóa. Cuối thế kỷ 17, Lữ y Đoan (Đương?), vị thầy giảng được Đức cha Lambert de la Motte phong chức linh mục, đã để lại 5.000 câu thơ lục bát tuyệt hay. Ngài đã dịch Ngũ thư Kinh Thánh ra văn vần. Rất tiếc ngày nay chỉ còn Tạo đoạn kinh (Genesis) và Lập quốc kinh (Exodus). Chúng ta sẽ trở lại trong những dịp khác.
Cachão, Kẻ chiêm, Dinh Chàm và Đền thánh Anrê Phú Yên tại Phước Kiều sẽ mãi mãi ghi đậm nét trong ký ức và là niềm tự hào của tất cả chúng ta.
Hội An ngày 17 tháng 7 năm 2009.
Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng.
Quản nhiệm Đền Thánh Anrê Phú Yên tại Phước Kiều, Quảng Nam.
Trả lời