Biên Bản Nhân Chứng Thứ Sáu về Cái Chết Của Thầy Giảng Anrê Phú Yên
Bị bắt tại Hội An và giải về Kẻ Chàm trên một đoạn sông tuyệt đẹp.
Anh : Trường Thăng, Cẩm Hà 2008.
Ba ngày sau khi hai nhân chứng số bốn và năm làm việc, ngày 23 tháng 12 năm 1644, anh Domingos Rodrigues được triệu tâp, Anh còn trẻ, mới 36 tuổi nhưng đã nhiều lần vượt biển sang Đàng Trong. Hình như mỗi lần đến Hội An, nhóm người Bồ đều ghé nhà cha Đắc Lộ nên nhân chứng trả lời “đã biết chàng thanh niên Anrê Kitô hữu, tuổi chừng mười chín hai mươi, là người ở với cha Alexandre Rhodes Dòng Tên tại Hội An, một tỉnh của Nam Việt ở đó chính nhân chứng cùng với những người Bồ và những thương nhân khác của thành phố này đã đến đó vào năm này.” Anh cũng biết rõ các chi tiết “và khi người ta muốn trói thầy lại, thầy bảo họ đừng trói thầy, bởi vì thầy là Kitô hữu và không chối điều đó, và vì lý do đó thầy sẽ không trốn chạy.” Về ngục thất, nhân chứng diễn tả rất rõ là không phải nhà ngục:
“nhân chứng khai rằng chỗ này không phải là nhà ngục của nhà nước, nhưng chỉ là một túp lều, có nghĩa là một căn nhà tồi tàn, ở đó có vài người lính canh, và trong túp lều này cũng có vài người tự do đang làm việc. Và trong đó còn có một Anrê khác đã lớn tuổi, cũng đã bị bắt vì là người Kitô hữu, nhưng ông được tha.”
Trả lời cho câu hỏi thầy Anrê bị đối xử thế nào trong nhà tù và thầy ở trong đó bao lâu, nhân chứng khai Anrê ở trong nhà tù đó 24 tiếng, với cái gông trên cổ và “chính nhân chứng đã là một trong số những người đã hiện diện với thầy Anrê nửa ngày trong nhà tù đó, và đã tiển thầy đến nơi thầy bị hành quyết.”
Và trả lời câu hỏi thầy Anrê có vui lòng chấp nhận bản án và đã tỏ ra vui mừng về điều đó không, nhân chứng trả lời rằng “thầy đã chấp nhận án tử hình với một khuôn mặt vui tươi, và chính nhân chứng đã chắc chắn điều đó khi nhìn thấy thầy Anrê đi về chốn pháp trường, bởi vì thầy vui vẻ bước đi, hoan hỉ và đầy hào hứng hăng say.”
Anh chứng kiến cảnh hành hình thầy bằng “loại vũ khí có tên là Fatamono (giống như ngọn giáo) đập thầy một cái rất mạnh, rồi quay đầu lại, đâm một vết thương sâu bên sườn trái cắt đứt một phần lớn cạnh sườn, và với lần đâm thứ hai cũng vào cùng một chỗ làm đứt ngang hoàn toàn nội tạng; và trong khi đó thầy Anrê tiếp tục kêu danh cực Thánh Giêsu.”
Theo anh, thầy kiên định trong đức tin vào Chúa Kitô mà chính thầy đã công bố. Và trả lời câu hỏi cuộc tử đạo đã diễn ra vào ngày tháng năm nào nhân chứng khai là vào tháng 7 năm này, nhưng xem ra trí nhớ kém “không biết vào ngày mấy”, trong khi các nhân chứng khác nói rõ là ngày 26, lễ thánh Anna.
Vì sao thầy Anrê bị giết , anh khẳng định: “viên quan tuyên bố rằng theo ý chỉ nhà vua Nam Việt, không được có nhiều Kitô hữu trong vương quốc của ông, và nhà vua ra lệnh giết chết người Kitô hữu trong số thần dân của ông.” Anh không ngại coi thầy như vị thánh tử đạo, và anh cũng có chút kỷ niệm “chính nhân chứng cũng có một chiếc khăn mù soa thấm đẫm máu của vị tử đạo, cùng với một vài sợi tóc, mà nhân chứng đang giữ với sự quý mến và lòng cung kính.”
Ước mong một ngày nào đó, chiếc khăn tay kia bất ngờ xuất hiện trong một nhà thờ, hay một gia đình nào đó tại Macau hoặc một nơi lưu dấu bước chân người Bồ Đào Nha dòng họ Rodrigues này.
NHÂN CHỨNG THỨ SÁU
Ngày 23 tháng 12 năm 1644, tại thành phố Thiên Danh, tại sở làm việc của Đức Cha tổng quyền Manoel Fernandes, tại phòng thứ hai, tức chỗ chỉ định cho việc điều tra, anh Domingos Rodrigues, sinh quán Séville, con của ông Sebastĩao Rodrigues và Elvira de Moncibacs, đã lập gia đình, và cư trú tại thành phố này, khoảng 36 tuổi, là nhân chứng được thầy Manoel de Figueiredo chỉ định, và được thư tín viên trong vụ án này Antonio Ragel triệu tập. Đức Cha Tổng quyền cho anh thề trên Phúc Âm, anh đặt tay phải lên Sách Phúc Âm và thề hứa nói sự thật về những gì mình biết và sẽ trả lời những câu hỏi được đặt ra. Trả lời câu hỏi năm nay anh có xưng tội không và xưng tội mấy lần, anh ta đáp đã xưng tội hai lần ở Nam Việt theo bổn phận mùa Phục Sinh, và sau đó vào tháng bảy khi anh phải lên thuyền đi về thành phố này, và hai lần với cha Alexandre Rhodes Dòng Tên, anh đã lãnh nhận bí tích Thánh Thể từ tay ngài. Trả lời câu hỏi anh có bao giờ bị dứt phép thông công không, anh đáp nhờ ơn Thiên Chúa chưa bao giờ anh bị dứt phép thông công. Khi được cảnh báo phải cân nhắc kỹ lưỡng vì thề dối là một tội trọng nặng nề, nên phải nói sự thật trong việc này, anh trả lời với tư cách là một Kitô hữu anh biết rõ thề dối là một tội nặng nề.
Câu hỏi thứ nhất:
Nhân chứng trả lời đã biết chàng thanh niên Anrê Kitô hữu, tuổi chừng mười chín hai mươi, là người ở với cha Alexandre Rhodes Dòng Tên tại Hội An, một tỉnh của Nam Việt ở đó chính nhân chứng cùng với những người Bồ và những thương nhân khác của thành phố này đã đến đó vào năm này; nhân chứng không biết cha mẹ thầy có phải là người Kitô hữu hay không, nhưng nhân chứng đã nghe nói rằng khi thầy đang ở trong nhà cha Alexandre Rhodes thì bị bắt và giải về Kẻ Chàm ở đó thầy bị hành quyết.
Câu hỏi thứ hai:
Đánh bằng roi mây (peine du rotin). Ảnh trong sách Camille Paris 1889.
Nhân chứng trả lời thầy đã nghe những người Bồ đang có mặt có mặt tại chỗ nói rằng những người đi bắt thầy Anrê tại nhà cha Alexandre Rhodes đã trói và đánh thầy bằng roi mây; và khi người ta muốn trói thầy lại, thầy bảo họ đừng trói thầy, bởi vì thầy là Kitô hữu và không chối điều đó, và vì lý do đó thầy sẽ không trốn chạy. Và cùng một cách đó nhân chứng còn nghe những người Bồ này nói rằng thầy Anrê khi bị giải đến Kẻ Chàm trước quan Ông Nghè Bộ, đã thẳng thắn tuyên bố trước quan phẩm chất Kitô hữu của mình, và thầy sẵn sàng chịu mọi hình phạt mà thầy xứng đáng phải chịu vì điều đó; và chính vì lý do đó, quan nổi giận, giam thầy trong một chỗ dùng làm nhà tù với cái gông trên cổ. Và nhân chứng khai rằng chỗ này không phải là nhà ngục của nhà nước, nhưng chỉ là một túp lều, có nghĩa là một căn nhà tồi tàn, ở đó có vài người lính canh, và trong túp lều này cũng có vài người tự do đang làm việc. Và trong đó còn có một Anrê khác đã lớn tuổi, cũng đã bị bắt vì là người Kitô hữu, nhưng ông được tha bổng vì đã già, và vì có sự can thiệp của những người Bồ đã xin quan tha mạng cho ông.
Và trả lời cho câu hỏi thầy Anrê bị đối xử thế nào trong nhà tù và thầy ở trong đó bao lâu, nhân chứng khai Anrê ở trong nhà tù đó 24 tiếng, với cái gông trên cổ như đã nói. Và tất cả những người Bồ và các Kitô hữu khác đã đến đó để nói chuyện với thầy và an ủi thầy; và chính nhân chứng đã là một trong số những người đã hiện diện với thầy Anrê nửa ngày trong nhà tù đó, và đã tiễn thầy đến nơi thầy bị hành quyết. Và nhân chứng còn khai rằng điều hiển nhiên và mọi người ai cũng biết rằng người ta tiếp tục lùng sục các Kitô hữu và các thầy giảng để giam tù.
Câu hỏi thứ ba:
Nhân chứng trả lời rằng chức Quan Ông Nghè Bộ ở Nam Việt tương đương với chức quan Thống Đốc Ngân Khố ở Macao, đã tuyên án tử hình đối với thầy Anrê dựa trên mệnh lệnh của vua Nam Việt vì lý do thầy là Kitô hữu, và điều đó xảy ra ở Kẻ Chàm.
Và trả lời câu hỏi thầy Anrê có vui lòng chấp nhận bản án và đã tỏ ra vui mừng về điều đó không, nhân chứng trả lời rằng thầy đã chấp nhận án tử hình với một khuôn mặt vui tươi, và chính nhân chứng đã chắc chắn điều đó khi nhìn thấy thầy Anrê đi về chốn pháp trường, bởi vì thầy vui vẻ bước đi, hoan hỉ và đầy hào hứng hăng say.
Và trả lời câu hỏi có phải tại nơi đã nói thầy Anrê đã bị đâm bằng giáo và bị cắt cổ trong khi đó thầy vẫn tiếp tục tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, cho đến lúc chết, và thầy đã khích lệ những Kitô hữu khác hãy kiên vững trong đức tin, và những hoàn cảnh khác mà nhân chứng biết được, nhân chứng trả lời rằng chính mắt mình đã nhìn thấy điều đó, bởi vì nhân chứng đã tiển đưa thầy Anrê mãi đến nơi thầy bị hành quyết. Thầy Anrê được đem đến nơi hành hình, hơi xa khu dân cư, bị trói hai tay ra sau, và cổ đeo gông; khi đến nơi thầy quỳ gối xuống đất bởi thầy không muốn đặt mình xuống chiếu mà người ta đã trải sẵn cho, trong khi thầy đang ở trong tư thế đó, những người thi hành án cất gông khỏi cổ thầy, và một trong số những người hành quyết lấy cán của một loại vũ khí có tên là Fatamono (giống như ngọn giáo) đập thầy một cái rất mạnh, rồi quay đầu lại, đâm một vết thương sâu bên sườn trái cắt đứt một phần lớn cạnh sườn, và với lần đâm thứ hai cũng vào cùng một chỗ làm đứt ngang hoàn toàn nội tạng; và trong khi đó thầy Anrê tiếp tục kêu danh cực Thánh Giêsu và Maria, thầy ngã xuống về phía bên phải, một lý hình khác cắt đầu thầy bằng một mã tấu. Và chính nhân chứng khai rằng chính mắt đã nhìn thấy thầy Anrê trước khi chết, đã khích lệ các Kitô hữu bằng tiếng Việt – nhân chứng đã hiểu được nhờ có thông dịch viên – thầy đã khích lệ những người có mặt đó rằng thầy chết rất sung sướng, hoan hỉ bởi lẽ thầy là người Kitô hữu, và điều đó không phải là chết đi mà là sống vĩnh hằng, và rằng nếu có ai trong số họ sau này cũng gặp phải cảnh cùng cực này, thì người đó phải vô cùng tạ ơn Thiên Chúa, và phải vững vàng và kiên định trong đức tin vào Chúa Kitô mà chính thầy đã công bố. Và trả lời câu hỏi cuộc tử đạo đã diễn ra vào ngày tháng năm nào, nhân chứng khai là vào tháng 7 năm này, nhưng không biết vào ngày mấy.
Câu hỏi thứ tư:
Nhân chứng khai rằng những người chứng kiến cái chết này gồm có: João de Rezende, Francisco de Azevedo, Antonio Pecanha, Antonio Mendes, thủy thủ Manuel da Fonseca, Agostinho da Silva, tất cả đều có chính quán ở thành phố này, và những người khác nữa. Và còn có cha Alexandre Rhodes, người luôn hiện diện với thầy Anrê trong nhà giam, ở đó Anrê đã xưng tội, và đồng hành với thầy cho đến nơi khổ hình là nơi thầy bị hành quyết, và Horacio Massa người Génois đang ở Nam Việt. Và chính nhân chứng đã thấy rằng ngay sau khi thầy Anrê chết, cha Alexandre cùng với các Kitô hữu khác đang hiện diện tại chỗ đó, đã thu lấy thi thể thầy Anrê và các thánh tích máu để tôn kính và kính trọng như của một vị thánh tử đạo. Thi thể được trao lại cho cha Alexandre Rhodes. Và ngài cùng với những Kitô hữu khác giúp đỡ, đi đường phía sau nhà quan tổng trấn, mang thi thể thầy về Hội An, và ở đó ngài giao cho những người Bồ; phần còn lại được trình bày trong một phần đặc biệt nhân chứng không biết gì bởi vì nhân chứng đã trở về thành phố này trên một chuyến thuyền khác.
Câu hỏi thứ năm:
Nhân chứng trả lời rằng chính mình cùng với những người Bồ khác và các Kitô hữu đã đến nhà quan Ông Nghè Bộ để xin và đòi những hình ảnh và tượng chuộc tội mà quân lính đã lấy trong nhà cha Alexandre Rhodes khi chúng đến bắt thầy Anrê, viên quan tuyên bố rằng theo ý chỉ nhà vua Nam Việt, không được có nhiều Kitô hữu trong vương quốc của ông, và nhà vua ra lệnh giết chết người Kitô hữu trong số thần dân của ông. Và vì điều đó, quan lưu ý và khuyên cha Alexandre Rhodes hãy đi Macao, và không được ở lại Nam Việt để làm cho thần dân của vua thành Kitô hữu, và cha chỉ có thể đi và về với những người Bồ trên cùng một chuyến tàu; và ông ra lệnh trả những hình ảnh và tượng chuộc tội mà quân lính đã thu, và ông đang cất giữ trong nhà. Và tất cả những điều đó, nhân chứng đã thấy bởi vì đã có mặt với những người Bồ khác trong nhà của viên quan đó.
Câu hỏi thứ sáu:
Nhân chứng trả lời rằng thầy Anrê bị giết chỉ vì một lý do thầy là Kitô hữu, chứ không phải do một tội ác nào thầy đã phạm, như thầy Anrê đã tuyên bố thẳng thắn, trước khi người ta hành quyết, thầy nói mình chết với tư cách là người Kitô hữu chứ không phải vì một tội ác nào thầy đã phạm.
Câu hỏi thứ bảy:
Anh trả lời đã nghe cha Alexandre Rhodes tuyên bố rằng thầy Anrê là một Kitô hữu rất tốt lành, và có những nhân đức, thầy siêng năng lãnh nhận các bí tích Sám Hối và Thánh Thể, và thầy sùng đạo và nhiệt tâm vì đức tin Công giáo thánh thiện của chúng ta.
Câu hỏi thứ tám:
Nhân chứng trả lời rằng tại Nam Việt, mọi Kitô hữu đã nhìn thấy thầy Anrê chết đều coi thầy như vị thánh tử đạo, và người ta tìm kiếm các thánh tích, và chính nhân chứng cũng có một chiếc khăn mù soa thấm đẫm máu của vị tử đạo, cùng với một vài sợi tóc, mà nhân chứng đang giữ với sự quý mến và lòng cung kính; thầy Anrê đã được tiếp đón với niềm hân hoan, và phần lớn dân chúng tụ tập lại để tiếp rước thầy. Và chính nhân chứng không biết cho đến nay Thiên Chúa đã thực hiện phép lạ nào do sự cầu bàu của thầy Anrê hay chưa.
Và sau khi tờ khai này đã được đọc lại từng chữ một, nhân chứng đã tuyên bố rằng chứng từ được viết đúng theo đúng sự thật, và anh không có gì để thêm vào hay rút bớt, và anh chấp nhận chứng từ của mình và xác nhận điều đó; và anh ký tên với Đức Cha tổng quyền, và với tôi, cha Antonio da Silva, thư ký tư pháp của toà giám mục và công chứng viên chính trong vụ án này, người đã ghi chép tờ khai.
Hội An ngày 15 tháng 10 năm 2009
Tác giả: Lm. Antôn Nguyễn Trường Thăng
Trả lời