TRUNG TÂM SƠN CA
NHÀ DỤC ANH KIM LONG, HUẾ.
Linh mục Antôn nhiều lần muốn viết về Nhà Dục anh tức Cô nhi viện Kim Long do các nữ tu Dòng Thánh Phaolô chăm sóc nhưng do không có nhiều tư liệu nên chần chừ mãi. Nay nhờ “đại gia Google” giúp đỡ, cảm thấy dễ dàng hơn.
Giáo hội công giáo đã có mặt tại xứ Thuận Hóa ngay tử đầu thế kỷ 17 với các linh mục Dòng Tên. Từ Ái Từ, qua Trà Bát, Phước Yên, Kim Long nhà Tiền Nguyễn đã nhiều lần dời đô để rồi cuối cùng Hoàng thành dược xây dựng tại Phú Xuân thời vua Gia Long.
Năm 1774, ba anh em Tây Sơn nổi loạn chống nhà Nguyễn. Lợi dụng thời cơ, các binh đoàn Chúa Trịnh nam tiến, chiếm đóng Phú Xuân và vượt đèo Hải Vân tiến đánh phòng tuyến Cu Đê và Hội An. Trên vùng đất Thuận Quảng, các đạo quân Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn với sự hậu thuẩn của quân Tàu ô Tập Đình Lý Tài chà qua xát lại. Sau đó Tây Sơn thắng thế và hoàng đế Quang Trung hành quân thần tốc ra Bắc năm 1798, tiêu diệt nhà Trịnh và đại thắng quân nhà Thanh. Hậu duệ nhà Nguyễn là Nguyễn Ánh sau khi thu hồi sức lực từ miền Nam bắc tiến và sau chiến thắng đã lên ngôi với tước hiệu Gia Long. Tưởng rằng công ơn của Đức cha Pigneau de Béhaine tức Bỉ Nhu Bá Đa Lộc và bao người công giáo hổ trợ sẽ được đền đáp vỉ “cơm nuốt chưa qua khỏi cổ” (Tổng trấn Lê Văn Duyệt) nhưng chỉ vài chục năm sau vua Minh Mạng lại quyết tâm tận diệt “Tà đạo” nầy vì quá tôn sùng “Chánh đạo” của Đức Khổng Tử.
Từ sai lầm nầy đến sai lầm khác về chính trị, ngoại giao, kinh tế, tôn giáo… cùa các vua kế vị như Thiệu Trị, Tự Đức, hậu quả là việc thực dân Pháp đặt ách thống trị.
Hòa ước Nhâm Tuất 1862 có một khoản buộc triều đình bỏ việc cấm đạo công giáo nhờ đó Đức cha Hyacinthe Sohier Bình MEP về được Kim Long mua đất đai. Nghe nói vua Tự Đức ngạc nhiên vì ”ông Bình còn sống à”!
Trong bản báo cáo năm 1875, Đức Cha Sohier viết:
“Cha Dangelzer dạy thần học, coi sóc một giáo xứ ( Kim Long) gồm 614 giáo dân, giải tội cho các nữ tu của hai tu viện) và các nữ tu ở cô nhi viện Kim Long, đồng thời, bao lâu các công việc khác của ngài không có gì trở ngại, cùng với tôi lo việc điều hành 14 linh mục bản xứ và giám sát 6.041 giáo dân trong tỉnh của Vua.
- Cha Renauld có nhiệm vụ điều hành các trang trại của chúng tôi nơi có những cơ sở chính của Nhà Dục Anh (Sainte-Enfance) …
Trong Miền Truyền Giáo, chúng tôi có hai trang trại cho Nhà Dục Anh, một đã được lập ra cách đây sáu năm (1869), nay rất phát triển, còn trang trại kia lớn gấp ba lần đã được khởi công năm nay( 1875). Cho Miền Truyền Giáo, chúng tôi còn có một trang trại khác nữa cũng đang hình thành, mặc dầu đã được khởi sự cách đây ba năm (1872). Vì trang trại này ở chỗ rất tốt và ở đó có thể tạo ra những gì cần thiết để sinh sống, nên với sự đồng thuận của tất cả anh em, tôi đã định chuyển trụ sở của chúng tôi đến đó, xây dựng ở đó một nhà thờ đẹp đẽ và một nữ tu viện v.v…. Đó cũng có thể sẽ là một nơi tĩnh dưỡng cho Miền Truyền Giáo của chúng tôi, một nơi tĩnh tâm cho các linh mục và nơi nương tựa cho các tân tòng dễ bị hư mất, nếu phải trở về giữa những làng lương dân ở quê của họ. Tôi đã đặt cha Renauld đứng đầu để lo các công trình hết sức quan trọng này“.
Ngày 14/1/1876, Đức Cha Sohier viết:
“Ngày 24/10/1875, theo lời kêu nài lại của Công sứ Rheinart, Vua Tự Đức đã cho ra một sắc lệnh công bố điều 3 của hoà ước. Chúa Nhật sau đó, ngày 31 tháng 10, tôi đã long trọng công bố sắc lệnh này trong nhà thờ Kim Long, sau Thánh lễ có sự tham dự của các vị trong phái bộ ngoại giao và mọi Kitô hữu trong vùng. Sau đó chúng tôi đã hết lòng hết sức cất lên bài Te Deum. Tôi cũng ra một thư luân lưu truyền hát bài ca tạ ơn Chúa tại tất cả các giáo xứ trong Miền Truyền Giáo, sau khi đọc sắc lệnh tự do này”
Những bản tường trình trên cho thấy ngay từ thời vua Tự Đức việc bỏ lệnh cấm đạo và tự do hành đạo đã được thể hiện dưới đời Đức cha Sohier Bình. Dưới thời đảng cách mạng cọng hòa Pháp, bầu khí chính trị Pháp – Việt căng thẳng hơn đưa đến việc thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội 1882 và sau đó tấn công Kinh đô Huế 1883. Phong trào Cần vương bùng nổ và máu lại đổ. Với khẩu hiệu “bình Tây, sát Tả”, khắp miền Trung là những cuộc tàn sát đẫm máu. Giáo đoàn kinh đô Huế lại tan tác. Cơ sở và nhân sự dòng Mến Thánh giá phục vụ vùng kinh đô cũng lưu tán.
Trong thời gian đó tại Sài Gòn, các chị em dòng thánh Phaolô thành Chartres ở Hong Kong được mời đến làm việc.
“Năm 1861 Bà Mẹ Benjamin trở lại Sài Gòn vào tháng 6/1861 Bà với 5 chị em nữa. Bốn tháng sau có thêm 10 chị em nữa tới Sài Gòn phụ tá cho công cuộc của các chị trước tháng 8/1862. Bà Mẹ Benjamin xây nhà ở và nguyện đường trên một thửa đất rộng bên bến sông Sài Gòn, nguyện đường do Đức Cha Lefébvre làm phép năm 1864.
Các bà đến Hải Phòng vào ngày 22/12/1883, rồi lên Hà Nội. Tỉnh Dòng Hà Nội sau vào làm việc tại Tourane (Đà Nẵng) năm 1889 cho tới bây giờ. Lửa mến Levesville đã lan nhanh xua tan sự ác, nỗi đau, cảnh nghèo
Năm 1890 theo lời mời của Đức Cha Caspar, Dòng Thánh Phaolô được mời tới Huế. Tại Kim Long, các bà mở một cô nhi viện, nhà thương, nhà phong. Năm 1903, các bà lập trường Jeanne d’Arc, rồi lần lượt đến Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn, Nha Trang, Gò Đen, Bình Cang, và KonTum”.
Báo cáo của Đức cha Caspar tại Huế năm 1890 : (Đức Cha Caspar)
Cha Dangelzer, Bề Trên Tổng Quản tường trình: “ Viện cô nhi Huế nay được trao phó cho các Chị Em Dòng Thánh Phaolô Thành Chartres. Họ cũng phụ trách nhà thương. Cả hai cơ sở đều mang lại nhiều lợi ích lớn lao, và các nữ tu rao giảng đạt nhiều thành quả bằng các công trình bác ái”.
*Năm 1891 : ( Đức Cha Caspar)
Nhà thương bản địa được xây dựng năm 1886 với 20 giường bệnh nay đã lên hơn 70 giường. Miền Truyền Giáo phải hy sinh rất nhiều để duy trì công trình này và ngày nào chúng tôi có thể theo đuổi công trình này trên một tầm mức lớn hơn, chắc hẳn kết quả sẽ nhanh chóng được nhân đôi.
*Năm 1893 : ( Đức Cha Caspar)
Nhà thương bản địa do các Chị Em Dòng Thánh Phaolô phụ trách có 70 giường bệnh thường xuyên kín chỗ; số bệnh nhân trong năm mục vụ này lên tới 333. Nếu so sánh năm nay với năm trước, người ta thấy công trình này có một bước tiến rõ rệt. Chúng tôi có được vậy là nhờ sự tận tụy của các nữ tu, mà phần thưởng ngay trong đời này là đã thấy được các tâm tình nhẫn nhục đáng ca tụng của các bệnh nhân lưu trú, nhiều người sẵn sàng trước cái chết.
*Năm 1902 : ( Đức Cha Caspar)
Các Chị Em Dòng Thánh Phaolô nuôi dưỡng khá nhiều cô nhi trong cơ sở Phú Xuân. Phần lớn các trẻ em này đã hưởng hạnh phúc trời cao tại đó trước khi biết đến những cảnh lầm than cuộc đời. Tại nhà thương Huế, các chị em này đã chuẩn bị cho 34 người lớn lãnh nhận phép Rửa Tội.
*Năm 1905 : (Đức Cha Caspar)
Cô nhi viện Huế được các Chị Em Dòng Thánh Phaolô điều hành. Hầu như bị hoàn toàn bình địa trong trận bão lớn, cô nhi viện này đã được xây dựng lại theo một sơ đồ thích hợp hơn và với nhiều cải tạo đáng kể, nhờ sáng kiến của Xơ Bề trên. Sau trận cuồng phong, cơ sở chỉ còn một đống đổ nát và dưới đó 4 em cô nhi đã thiệt mạng. Quang cảnh thật sầu não, nhưng Xơ Isaac vừa can trường vừa thông minh, không chịu nãn chí, Xơ đã chạy đi cầu viện nơi tất cả các công xưởng có nhiệt tâm , gõ tất cả các cửa vì các trẻ thơ, và các lời kêu gọi của bà đã được lắng nghe. Hiện nay số trẻ lên tới 109. Chính cha Etchebarne, quản lý của Miền Truyền Giáo đã chu toàn các công việc đầy an ủi và nhiều thành quả này. Ngài đã gặp được một sự khuây khoả cho những lo toan khô khan và quá bận rộn của Sở quản lý. Nhưng nếu làm tuyên uý cho cô nhi viện mang lại cho cha Quản lý nhiều niềm vui trong công việc ,thì tôi cũng xin nói thêm rằng việc này không làm tổn hại việc kia. Sự quân bình hoàn toàn được thiết lập giữa hai nhiệm vụ , cả hai được chu toàn cùng một nhiệt tâm như nhau…
Tôi đã nói đến một ngôi trường nhỏ do các Chị Em Dòng Thánh Phaolô mở ra cho các trẻ nữ người Pháp hoặc lai. Không có nhiều học sinh: khoảng 10 đến 15 thôi, nhưng trường được đánh giá rất cao và mang lại nhiều điều tốt đẹp…
Một công trình mới đáng được chúng tôi dành mọi thiện cảm vừa được liên kết với cô nhi viện Huế. Từ 6 đến 8 người bệnh phong , lưu trú trong một nhà thương nhỏ được gìn giữ rất sạch sẽ và nhận được những sự săn sóc tận tâm của các Chị Em Dòng Thánh Phaolô. Hai hoặc ba người lớn được lãnh nhận phép Rửa Tội đã là phần thưởng cho lòng bác ái can trường của các chị em phục vụ người nghèo rất đáng ca tụng này. Ca tụng các chị em này đối với tôi xem ra thừa thải…tôi cảm phục họ và nhân danh Miền Truyền Giáo tôi xin nói với ho rằngï: Xin cám ơn!
* Năm 1910 : (Đức Cha Allys)
Các Chị Em Dòng Thánh Phaolô luôn tiếp tục tận tụy lo cho phần rỗi các linh hồn. Nhưng họ không phải luôn làm được những gì họ muốn làm! Bởi thế, vì thiếu nguồn tài chánh, họ vừa bị buộc phải đóng cửa một nhà thương nhỏ, nơi họ đã tiếp nhận một số người bệnh phong . Lại nữa, bệnh viện của người Âu đã bị tục hoá, nên các nữ tu đành phải rời bỏ trong sự tiếc nuối của nhiều người.
*Năm 1911 : ( Đức Cha Allys)
Viện cô nhi Huế do các Chị Em Dòng Thánh Phaolô đảm trách phát triển tốt đẹp.
*Năm 1912 : (Đức Cha Allys)
Chúng tôi vui mừng thấy các trường của các Sư Huynh và của các Chị Em Dòng Thánh Phaolô thịnh đạt.
*Năm 1913 : ( Đức Cha Allys)
Về phần các cơ sở của Hội Thánh Nhi, những nơi do các cha thừa sai chăm sóc cũng như những nơi do các Chị Em Dòng Thánh Phaolô điều hành, tất cả đều trổ sinh hoa trái hồng ân cứu độ trên trần gian và cho cuộc sống vĩnh cữu. Nhiều trẻ đã được nuôi dưỡng ở đó, được chăm lo và giữ gìn khỏi chết phần xác ; một số lớn các trẻ khác , bệnh quá nặng không sống lâu được trên trần gian, đã tìm gặp ở đó đường về trời.
*Năm 1922 : (Đức Cha Allys)
Chính trong hạt (Bên Bộ) này, dọc theo bờ sông Hương, có Cô nhi viên của Hội Thánh Nhi do các Chị Em Dòng Thánh Phaolô điều hành, rồi Đan Viện Cát Minh, Trường Sư phạm của các Nữ Tu bản xứ và Đại Chủng Viện. Bốn cơ sở này có vị trí đẹp đẽ và trong lành nhất, cùng lo cho lợi ích lớn lao nhất của Giáo Phận, tuỳ theo phạm vi của mình..
*Năm 1931 : (Đức Cha Chabanon)
Viện cô nhi, viện ấu nhi (crèche) , nhà dưỡng lão, trường nữ công, tất cả các công trình khiêm tốn ở tả ngạn sông Hương này tiến triển bình thường và xoa dịu bao nỗi khổ đau.
*Năm 1933 : (Đức Cha Chabanon)
Cơ sở của Chị Em Dòng Thánh Phaolô , gần Đan Viên Cát Minh và bao gồm viện cô nhi, viện ấu nhi (crèche), nhà dưỡng lão, trường nữ công…vào ngày 7 tháng 8 đã mừng lễ Kim Khánh khấn dòng của Bà Bề trên là Xơ Isaac đáng kính. Bà đã ở Huế từ năm 1897. Tôi không nói lên ở đây những việc tốt lành bà đã làm, mà chỉ cần một tiếng thôi gói ghém tất cả: Bà đã không ngừng là một nữ tu hoàn hảo và một nhà thừa sai đầy nhiệt huyết !
…
*Năm 1935 : ( Đức Cha Chabanon)
Ở Cô nhi viện Phú Xuân, bên cạnh những trẻ mới sinh còn trong nôi, có 48 cụ ông cụ bà lưu trú, thỉnh thoảng cũng gây nhiều thử thách cho sự nhẫn nại của các nữ iu, nhưng không thắng được.
.
*Năm 1939 : (Đức Cha Lemasle)
Cũng có thành quả rất tốt đẹp từ Viện Dục Anh –Kim Long, nơi Trạm khám bài lao Pierre Pasquier, nơi Hội Chữ Thập Đỏ do các Chị Em Dòng Thánh Phaolô điều hành, nơi các bệnh xá, trạm khám và nhà giữ trẻ do Cha Fasseaux thành lập trong vùng Nước Ngọt, nhờ các Chị Em Con Đức Mẹ Vô Nhiễm và các trợ tá giáo dân phụ trách.
*Năm 1940 : ( Đức Cha Lemasle)
Trước khi hết thúc, tôi xin cảm ơn các anh em linh mục thừa sai, các nữ tu và các linh mục Việt Nam đang tận tụy trong các chủng viện, các trường trung học và các trường trong Miền Truyền Giáo…
Các Sư Huynh Các Trường Công Giáo thân yêu, các Anh Em Giáo Giảng Viên Thánh Tâm, các Chị Em Dòng Thánh Phaolô, các Chị Em Con Đức Mẹ Vô Nhiễm và các Chị Em Mến Thánh Giá đã nhiệt tâm thi nhau lo việc giáo dục và đào tạo giới trẻ. Họ đã nhận phần thưởng là nhiều học sinh lãnh nhận bí tích Rửa Tội và nhiều kết quả đạt được trong kỳ thi chính thức.
( Tài liệu gốc Pháp văn do Kho lưu trữ Hội Thừa sai Paris ( Archives Mep) cung cấp, linh mục Stanislau Nguyễn Đức Vệ phiên dịch tìm thấy trên mạng Tổng Giáo phận Huế.)
Chiến tranh lại tiếp tục với bao biến cố “trời nhào đất lộn” tại Kinh thành Huế và khắp đất nước Việt Nam từ 1945 đến 1975. Trẻ em mồ côi cha mẹ, trẻ em vô thừa nhận, trẻ lai Tây, Ma Rốc, Senegal, Nhật, Tàu, Mỹ đen, Mỹ trắng… sẽ được ai nuôi dạy chăm lo nếu không có những bàn tay các từ mẫu “son sẻ” là các nữ tu công giáo hy sinh thân mình vì yêu Chúa, yêu người.
Mỗi lần “thuở trời đất nổi cơn gió bụi”, các nhà cô nhi viện cũng không được yên. Sau 1975, các cô nhi viện khắp miền Nam do các tôn giáo chăm lo đếu bị quốc hữu hóa …các em lưu tán khắp chợ đời.
Tại Huế, không hiểu cách nào mà cô nhi viện Kim Long tồn tại cho đến ngày nay.
Tưởng rằng dưới chế độ mới “không còn người bóc lột người”, “mình vì mọi người”, “xã hội công bằng văn minh” …sẽ không còn trẻ mồ côi, trẻ em đường phố, gia đình bền vững, trẻ em được quan tâm lo lắng, sống hạnh phúc… Nhưng ước mơ thường không đi đôi với thực tế, khắp nước ngoài việc nạo phá thai tràn lan, còn biết bao mảnh đời trẻ thơ bất hạnh mà các cơ quan từ thiện tư nhân đang chăm sóc.
Dòng thánh Phaolô tại Huế mở rộng thêm hoạt động chuyên biệt giúp các em khuyết tật khiếm thị, khiếm thính, “down”, HIV… tại địa điểm cũ và sau khi di dời hài cốt tại nghĩa trang cô nhi cũ, xây dựng Trung tâm Sơn Ca rất đồ sộ.
Qua hơn 100 năm xây dựng và phục vụ, cô nhi viện Kim Long Huế không phải là một cái tên xa lạ.
Đan cử:
“ Ngày 09.11.2011, Trung Tâm Sơn Ca của Dòng Thánh Phaolô, tọa lạc tại kiệt 03/22 Vạn Xuân, Kim Long, Huế, đã được hân hạnh đón tiếp Đại Công Tước Henri của Luxembourg, ba vị Bộ Trưởng và đoàn tùy tùng cũng như các phóng viên của Luxembourg. Phái đoàn chừng 40 người. Về phía chính quyền Tỉnh Thừa Thiên Huế, có ông Phó chủ tịch Tỉnh và đại diện các cơ quan, báo chí.
Chính Đại Công Tước muốn đến thăm các em cô nhi của Trung Tâm này. Cuộc đón tiếp diễn ra tốt đẹp. Đại Công Tước và các vị Bộ Trưởng rất quan tâm và thương yêu các trẻ em mồ côi.
Nữ Tu Chantal Vũ Thị Thọ, Giám đốc Trung Tâm Sơn Ca, cho biết, từ hai năm nay, Trung Tâm đã chuẩn bị đón tiếp Đại Công Tước. Vì thế, chuyến viếng thăm của Đại Công Tước và đoàn tùy tùng làm cho Trung Tâm rất vui mừng. Nhân dịp này, nữ tu Chantal đã cho Đại Công Tước và đoàn tùy tùng biết lịch sử cũng như những sinh hoạt của Trung Tâm.
Về phần mình, Đại Công Tước Henri đã cám ơn các nữ tu đã dày công nuôi dạy các cháu cô nhi, khuyết tật và các cháu có gia đình khó khăn. Ngài cho biết đó là một công lao trời bể khi thấy các cháu được chăm sóc chu đáo và nuôi dạy rất tốt và thêm rằng: « Nhìn thấy các cháu, chúng tôi rất thoải mái và sung sướng ».
Trung Tâm Sơn Ca do các nữ tu Dòng Thánh Phaolô thành lập từ năm 1991 và chuyển đến cơ sở mới từ năm 2008. Trung Tâm hiện có 67 em, tuổi từ 1 đến 18, thuộc diện cô nhi, gia đình khó khăn hay cha mẹ chết vì bệnh sida”.
Tháng 5 2015, khi đến thăm Trung Tâm Sơn Ca, linh mục Antôn ngạc nhiên thấy công việc tổ chức điều hành tại đây không khác gì một trường nội trú. Các em được chăm lo ăn uống, học hành và các môn học văn hóa khác. Bàn học, chổ ngủ, tủ quần áo…Các em lớn có một góc riêng tư với máy vi tính chung, hoặc riêng (nếu đã lên lớp lớn hoặc đại học).
GIẤC NGỦ TRƯA CỦA CÁC THIÊN THẦN.
Ngoài ra các em còn có một hội trường to rộng không khác một rạp hát cỡ trung, sàn lót ván cẩn thận.
Ước mong cuộc sống các em sau những thua thiệt tuổi thơ sẽ tràn ngập hạnh phúc khi trưởng thành, bước vào đời với đôi chân dũng cảm và cái đầu ngẩng cao.
Mong bài viết này sẽ giúp mọi người đừng lãng quên quá khứ lịch sử và tri ân bao ân nhân xa gần hổ trợ qua hơn một thế kỷ xây dựng cô nhi viện nay là Trung tâm Sơn Ca.
AN NGÃI NGÀY 16 THÁNG 5 NĂM 2015.
LM ANTÔN NGUYỄN TRƯỜNG THĂNG.
Trả lời