NGỌC KHÁNH 1955-2015.
LINH MỤC GIOAN BAOTIXITA LÊ QUÝ ĐỨC.
GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG.
Linh mục Giáo phận Đà Nẵng coi vậy mà cũng lễ vàng, lễ ngọc đều đều. Nào là Đức cha F.X Sách, Đức cha Phao lô Tĩnh, các cha Phêrô Châu Hải (ngọc khánh), các cha Hảo, Mừng, Nhẫn v.v. trong quá khứ và sắp tới cha J.B. Đán, Antôn Trường, Phêrô Khóa, J. Lượng…Chỉ tội cha Biển Đức Tấn Khóa, ráng không nổi đến năm 2014. Ngài mất cách đây 2 năm 2013. Riêng nhóm linh mục Antôn còn lâu mới lễ vàng, nói chi đến lễ ngọc, 6o năm linh mục. Còn thế hệ thuốc lá, rượu mạnh…dỏm, internet, mô bai, đồ ăn công nghiệp… may ra đến “dương khánh”, 35.
Sáng thứ Ba, 05 tháng 5 năm 2015, tại nhà thờ chính tòa Đà Nẵng, giáo phận tổ chức mừng ngọc khánh cho linh mục G.B. Lê Quý Đức, 94 tuổi đời, 60 năm linh mục, 27 năm tuổi hưu.
Từ tuổi thanh niên đến nay, tuy ngoại hình có vẻ “yểu mệnh’ nhưng với chế độ dinh dưỡng điều độ…cộng thêm mấy quả cà chua và mấy tép tỏi tươi mỗi bữa ăn mà ngài đã “dày công nghiên cứu và thực hành”, ngưỡng cửa 100 tuổi có thể tiên đoán vượt qua dễ dàng.
Linh mục G.B. Quý Đức sinh năm 1922 tại Giáo xứ kỳ cựu Gò Thị, Giáo phận Qui nhơn. Gần chủng viện Làng Sông, Tuy Phước, Bình Định nên vào năm 12 tuổi đã gia nhập Chủng viện Làng Sông. Năm 2014 vừa qua, anh Phong, con một cựu học viên Chủng viện Làng Sông có gửi cho một số hình ảnh cũ trong đó có ảnh ghi niên khóa 1936 -37, lớp 6 (sixième), linh mục Antôn nhận xét, ngoài cha giáo Tịch, và cha Sách – Nha Trang- là gương mặt chú Đức không lẫn vào đâu được.
Trong bài chia sẻ với các linh mục, cha Gioan Baotixita vừa cảm tạ ơn Chúa vừa nhắn nhủ đàn em phải yêu mến Chúa và yêu mến bằng việc làm, kẻo lại như những người bô bô làm phép lạ, nói tiên tri…mà cuối đời …vào lửa hỏa ngục ngày phán xét. Lời rao giảng của các đấng đừng như kiểu “ Nói hay như … nhà báo. Nói láo… như tuyên truyền”. Đúc kết dí dỏm thật!
TIÊN PHƯỚC HIỀN HÒA. HÌNH INTERNET.
NHƯNG CHIẾN TRANH TÀN PHÁ KHỦNG KHIẾP. ẢNH INTERNET.
Đời phục vụ của ngài đặc biệt chỉ loanh quanh tại vùng núi Tiên Phước vời thiên tai và chinh chiến.
Năm Thìn 1964 lụt to, Tiên Phước trên núi mà cũng nhà trôi, người chết: ‘tôi ngồi trên nóc nhà một ngày một đêm, sau chuyền sang cây mít, ở đó hai ngày đêm nữa…phép lạ mới sống được”. Rồi chiến tranh giành giật nhau qua lại, nhiều lần như vậy mà vẫn sống , sống lâu mới lạ. Đức cha Phêrô Maria và các linh mục Đà Nẵng quí mến cha vì cha can đảm tình nguyện tiếp tục ở Tiên Phước đầy bom đạn… Việc thuyên chuyển rất khó cho Bề trên lẫn bề dưới …ai cũng ngán đổi về chảo lửa đó.
Theo Thông tin Giáo phận Đà Nẵng, ngày 14-4-1967 “Đức Cha (Phêrô Maria) rời Đà Nẵng bằng trực thăng đến địa sở Tiên Phước, một địa sở ờ miền rừng núi hẻo lánh.
Mặc dầu một xứ phần đông là anh em Tân tòng, nhưng sự đón rước một vị chủ chăn không kém phần long trọng. Một địa sở mà nhà nguyện bị sụp nát vì chinh chiến. Đức Cha đã dâng lễ và ban Bí tích Thêm sức cho gần 200 người phần đông là người lớn.
Ngài rất xúc động và cảm phục sự hy sinh của Cha xứ và sự bền tâm theo Chúa của anh em tân tòng” Thư Liên Lạc. Số Đặc biệt, tháng 4/67. Bản Tin của Địa phận Đà Nẵng và CGTH/ĐN, trang 39)
Cha già Đức còn nhiều giai thoại rất vui nhưng không tiện kể.
Các vị chọc ghẹo cha, nay cũng xuống lổ hết rồi.
Cha chỉ còn một nguyện ước cuối cùng “Xin ơn chết lành”!
CHA VUI DCCT VÀ BỔN ĐẠO TIÊN PHƯỚC.
NHÌN CHA…NHỚ CẬU MỪNG, BẠN CHA.
AN NGÃI, 8 THÁNG 5 NĂM 2015.
Trả lời